XtGem Forum catalog
Một trăm mét hạnh phúc

Một trăm mét hạnh phúc

Tác giả: Sưu Tầm

Một trăm mét hạnh phúc

Khi yêu một ai đó, chúng ta đều trở nên khó bảo, ngang ngạnh và ương bướng khủng khiếp.


***


Chiều ngả sang màu đèn đường. Tôi không rõ mình đã ngồi ở Paris bao lâu rồi, Paris là tên cửa hàng thủy sinh của Phạm, nó chẳng liên quan gì đến những thứ được bầy bán bên trong. Thật mệt khi Phạm cứ vừa bán hàng, vừa phải để mắt đến tôi. Bất cứ khi nào ly trà trong tay tôi vơi đi một nửa là anh lại nhanh tay rót đầy. Có thể Phạm nghĩ làm như thế tôi sẽ ngồi lại lâu hơn chăng.


- Anh muốn em say trà đấy à?


Tôi ấn ấn tay vào chỗ dạ dày trống rỗng, hỏi. Phạm cười, giá anh có thêm một má núm đồng tiền bên má trái nữa thì đẹp trai mỹ mãn. Bấy giờ Phạm mặc chiếc áo sơ mi màu xanh tím than, thả rông, tay áo vén lên theo kiểu Zac Efron không sắn lại mà kéo cao, nhìn qua có vẻ khá tùy tiện và thoải mái. Phạm đang giới thiệu cho khách hàng về cá Thủ Vĩ Đăng - một loài cá cảnh tuyệt vời cho bất cứ hồ thủy sinh nào. Tôi chống tay lên cằm ngắm nghía những con cá đủ màu sắc bơi lội xung quanh, có cảm giác mình đang chìm sâu xuống lòng đại dương, tự nhiên nỗi buồn cũng trở nên nhẹ bẫng.


Một trăm mét hạnh phúc


Điện thoại trong túi tiếp tục đổ chuông, lắng nghe bản beat "Fly me to the moon" tự nhiên tôi cũng biết là ai gọi tới. Tôi luôn tìm đến Phạm những lúc không biết phải làm gì với Đằng, trong khi tất cả mọi người đều khuyên tôi nên rời xa Đằng thì chỉ có Phạm là im lặng. Đấy không phải là biểu hiện của sự dung túng, tôi biết, vì Phạm hiểu tôi, người lớn càng ngăn cản tôi lại càng xông tới. Giá như hồi đầu ba mẹ cứ để mặc tôi thì có lẽ tôi đã không bất chấp mà yêu Đằng nhiều đến thế. Đằng chẳng có thứ gì tốt đẹp, dù tôi có muốn tâng bốc anh ta lên tận mây xanh đi chăng nữa. Một kẻ lông bông, học hành nửa vời, tính tình ngang ngược, nghiện ngập đủ thứ: rượu chè, bài bạc, gái gú...Thế nhưng tôi vẫn cứ yêu Đằng mà không phải Phạm hay một ai khác.


Mỗi lần nhớ tới Đằng thì trong đầu tôi đều ngân nga giai điệu "Fly me too the Moon" đã bị tước lời. Mặc dù ca khúc này chẳng gắn với bất cứ kỷ niệm nào giữa chúng tôi. "Fly me too the Moon" là bài hát nước ngoài đầu tiên tôi nghe, và sau đó, mọi bát hát đối với tôi, dẫu hay hơn đi chăng nữa, cũng không thể khơi gợi lại được cái cảm giác "đầu tiên" khi đôi tai tràn vào một thứ xúc cảm mới mẻ, mãnh liệt, những ca từ tuy không rõ nghĩa, nhưng bằng cách nào đó giai điệu của nó vẫn thấm ướt tâm hồn tôi. Tình yêu của tôi đối với Đằng cũng thế. Đôi khi tôi biết chắc là mình không quá yêu Đằng, và việc bỏ anh dễ như trở bàn tay, vì xung quanh tôi còn đầy người tốt hơn Đằng gấp bội, như Phạm chẳng hạn. Nhưng có một thứ gì đó luôn ngăn tôi lại, cảm xúc luyến tiếc, hay một điều gì đấy đại loại như thế, chúng luôn xuất hiện kịp lúc và cản trở các quyết định cuối cùng của tôi. Đằng là Fly me too the Moon của tôi, là bản tình ca đầu tiên của tôi.


***


Tôi gặp Đằng hồi tôi mới tốt nghiệp đại học và đang có một giấc mơ kỳ lạ về Paris. Nhưng cuối cùng tôi lại chẳng thể bước nổi một chân đến Pháp vì thi mãi không qua được DELF[1], quá đau buồn tôi đã định sang Nhật theo diện vừa học vừa làm. Bằng mọi cách, bố mẹ tôi ra sức ngăn cản quyết định này, mẹ tôi chỉ mong tôi mau chóng lấy chồng, con gái có thì - bà luôn ca cẩm thế. Vậy là chỉ sau một đêm tôi thấy mình ngồi trên máy bay, và sải cánh đến đất nước Mặt trời mọc.


Tôi cũng chẳng biết mình đi để làm gì, tôi không có nhiều hy vọng ở Nhật Bản, chỉ đơn giản đó là nơi tôi có thể nghe - nói - đọc - viết thành thạo. Vâng, buồn thay, tôi yêu Paris nhưng lại là sinh viên Nhật ngữ. Có thể đối với nhiều người, Nhật Bản là một giấc mộng sang trọng, còn với tôi, nó được dựng lên bằng những dấu chấm lửng và dấu cách quãng khi người ta không biết phải nói gì thêm ngoài việc bỏ lại những khoảng trống vô hạn.


Nơi tôi đến sống là thành phố Kofu thuộc thuộc tỉnh Yamanashi (chơi chữ có nghĩa là miền đất không có núi), nhưng thực tế thì ngược lại, ngọn núi cao nhất Nhật Bản nằm ở đây. Yamanashi chỉ cách thủ đô Tokyo hai giờ đi xe buýt, nhưng lại không chút ồn ào, náo nhiệt. Người Nhật nói nếu nơi này không nằm cạnh Tokyo thì chắc sẽ là vùng quê nghèo nàn nhất, vì người dân ở đó sống nhiều bằng nghề nông.


Tôi làm việc cho một khách sạn địa phương, cùng một nhóm sinh viên Việt Nam khác trong đó có Đằng. Công việc hàng ngày của chúng tôi là đón tiếp và tiễn chân khách hàng, như: mở cửa xe ô tô, xách hành lý, đưa khách lên phòng,...và nhiều việc nhỏ nhặt không tên khác. Người Nhật rất biết tận dụng sức lao động. Ở đây, con gái và con trai bình đẳng, không có chuyện đàn ông thì xách hành lý nặng nhọc, còn đàn bà ngồi ở bàn tiếp tân tán phét. Đôi khi tôi còn phải quét dọn và rửa bát đĩa trong nhà bếp.


Một trăm mét hạnh phúc


Ban đầu, tôi không ưa Đằng dù trông anh khá bắt mắt. Chưa đầy một tháng đến đây, Đằng gần như đã biết hết tên và có được kha khá số điện thoại của các nhân viên nữ. Có lần, tôi thấy anh nhìn không chớp mắt vào vòng một đẫy đà của một em gái người Nhật. Sau đó cười sềnh sệch chỉ tay về phía ngón núi Phú Sĩ (mà đứng từ tầng năm khách sạn nhìn xuống trông chẳng khác nào một bên bầu ngực chúm chím của cô gái mới dậy thì), mấp máy môi: "Đây mới là Fujiyama[2]". Tôi nghi ngờ rằng Đằng đến Nhật chẳng phải để tìm kiếm một giấc mơ nào đó cho đời mình (như cách anh vẫn huênh hoang). Với một kẻ như Đằng đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ làm sao để sex, sex and sex!


Vốn tiếng Nhật của Đằng không tốt, anh thường xuyên hiểu sai ý của khách hàng, khiến mọi việc trở nên rối tinh rối mù. Tuy nhiên, Đằng lại rất được lòng đám trẻ con - những vị khách nhỏ tuổi đi kèm với bố mẹ chúng, nhờ vào mấy trò ảo thuật quê mùa của mình, như: làm biến mất đồng xu, hóa ra những viên kẹo nhiều màu sắc thay bằng hoa hồng hay chim bồ câu...Trong khi bọn lít nhít ấy lại không thích tôi lắm. Tôi luôn gặp vấn đề khi giao tiếp với các bạn nhỏ, dù tôi đã cố gắng tỏ ra thân thiện, làm vẻ mặt hài hước, nói đùa hoặc dỗ dành chúng, nhưng bọn trẻ hoặc là quay ngoắt người bỏ đi, hoặc nhìn tôi như vật thể lạ.


Hình như Đằng cũng biết tôi không ưa mình, nên rất ít khi anh chủ động bắt chuyện với tôi, thậm chí vài lần anh còn lén "hoa chân múa tay" sau lưng tôi. Nhưng tôi nói mà, anh rất ngốc, đại sảnh được trang trí bằng những tấm gương lớn nên dù đi phía trước nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy hết mấy cái trò khỉ của anh.


Thời tiết ở Yamanashi vô cùng khắc nghiệt. Mùa hè có khi nóng tới 40 độ, nhưng mùa đông tuyết rơi dày mấy mét. Có ngày tôi phải đi bộ năm giờ đồng hồ liền trong tuyết từ khách sạn về nhà. Chỗ ở trọ của tôi cách rất xa nơi làm việc. Buổi sáng tôi phải đạp xe tới ga tàu điện từ sớm, chờ mỏi mòn ở sân ga vắng tanh như chùa Bà Đanh; từ đây tôi bắt tàu lên bến xe bus chừng hai tiếng nữa, rồi lại ngồi xe bus một quãng dài tới khách sạn. Đó là cả một chặng đường ê ẩm, toàn thân tôi tê cứng, rã rời. Một hôm, tôi bị trễ tàu đúng nửa phút và phải đạp xe đi làm, toàn dốc núi gập ghềnh thở không ra hơi. Tôi có cảm giác chỉ cần mình dừng lại và gập người xuống thì những khớp xương sẽ thi nhau gẫy rắng rắc như cành củi khô. Tôi cứ phải vừa đi, vừa lẩm nhẩm đọc hết các lời bài hát mà mình thuộc trong đầu, cho đến khi khách sạn hiện ra trong tầm mắt:


"Fill...l myyyy hearttt with song


And lettttt me...eeeee sing forever more


You are all long for


All I worshipppp and adore


In other words, please be true


In other words, I loveeeeee youuuuuuuuuu" [3]


Ở Nhật bãi gửi xe đạp và xe máy không có người trông, cứ để xe gọn vào một chỗ rồi khóa lại là OK. Nhưng có lần tôi quên khóa xe, khi về thì bị mất. Tôi cứ ngồi mãi ở đúng cái vị trí mà mình để xe, đợi chờ điều gì thì chính tôi cũng không rõ. Hôm ấy tuyết rơi nhiều, bầu trời như hóa thành một tấm chăn bông lớn bị đục thủng một mảng to tướng, những vụn bông bục ra và bay lả tả khắp nơi. Chẳng mấy chốc tôi có cảm giác nước mắt ngừng chảy, bị đông cứng và vón thành cục trên mặt. Tôi nghĩ về khoản tiền ít ỏi còn lại cuối tháng không đủ để sắm một chiếc xe mới, rồi lại tự hỏi mình sẽ phải dậy vào mấy giờ sáng để kịp đi bộ đến tàu điện ngầm đây? Cứ miên man như thế cho đến khi tôi mơ thấy mình đang mải miết đạp xe trên cây cầu vồng để trở về nhà. Tôi nhận ra chuồng chim bồ câu của ông nội đầu tiên, không thể nhầm lẫn được, cái ngôi nhà bé con xiêu vẹo ấy, mái sơn xanh biếc chính là kiệt tác của tôi. Tôi vội vã tăng tốc. Nhưng khi tôi đến gần, cuối cầu vồng lại chỉ là những đụn mây màu trắng xóa, lành lạnh, một con chim cúc cu thò cổ ra báo thức rồi nhanh chóng rụt vào mái nhà ấm áp của nó.


Giấc mơ của tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại réo vang inh ỏi. Tôi lăn một vòng từ trên giường xuống dưới đất, đầu gõ cong một tiếng vào chân bàn học. Bực bội tôi hét lên: "Ai?". Đầu giây bên kia là một chàng trai, anh ta rụt rè nói: "Alo, tôi thấy số điện thoại của chị ở bãi gửi xe. Hôm qua, tôi có mượn tạm chiếc xe đạp của chị để đi, tôi muốn gửi lại. Xe mini màu vàng cam phải không ạ?". Khi nhìn thấy cái tên "mượn tạm đồ một tí" ấy mà tôi tức suýt chết. Hóa ra sáng qua, Đằng bị muộn tàu đến trường, nên anh ta quơ đại một chiếc xe không khóa để đi, thế quái nào đó lại là xe của tôi. Anh ta còn ra vẻ đau khổ bảo: "Mắt cá chân tôi bị mù rồi nên không biết đây là xe của Di, nếu biết thì tôi thà chạy bộ tới trường". Anh ta nói câu này không rõ với hàm ý hối lỗi hay là chế giễu nhiều hơn.


Khởi đầu cho một chuyện tình bao giờ cũng dài dòng và vòng vèo như thế đấy, tôi ghét anh, anh ghét tôi, nhưng cuối cùng hai kẻ ghét nhau lại yêu nhau, đây có lẽ là thứ logic dở hơi nhất trên đời. Tôi không ngừng phải đấu tranh với việc yêu hay không nên yêu Đằng, chẳng ai hiểu rõ con người Đằng hơn tôi. Trong khi đang qua lại với tôi, Đằng vẫn tán tỉnh và chòng ghẹo những cô gái khác một cách ngang nhiên. Phần lớn thời gian chúng tôi dành để cãi vã, nhưng Đằng luôn biết cách khiến tôi khó rời bỏ được anh. Không phải bởi vẻ bề ngoài cuốn hút hay cái tài lẻo mép của Đằng, mà bởi vì tôi yêu Đằng nhiều hơn anh yêu tôi, rất rất nhiều.


Một trăm mét hạnh phúc


Ngoài việc sát gái, Đằng còn là một tên ma men. Anh vừa đốt thuốc, vừa uống rượu như một thằng điên. Trong phòng Đằng lúc nào cũng sặc sụa mùi khói thuốc, mùi những bãi nôn mửa chứa đầy cồn đang lên men. "Anh sẽ chết đấy, sớm thôi!!!" - Tôi nói thế hơn một tỷ lần, và lần nào Đằng cũng dửng dưng đáp lại: "Đàn ông nó vậy!". Đấy là tôi còn chưa đả đổng đến vụ Đằng say quắc cần câu ở một pub vỉa hè trên phố và "lên cơn tự sướng" lột áo sơ mi, quần dài và ví tiền của mình, hai tay dâng lên cho một em gái lạ mặt, có đôi chân dài thuột. Giọng "tà lưa": "Em có tin tôi sẽ biến bộ quần áo này trở lại trên người mình, dù em không đứng trước mặt tôi không? Chỉ cần uống với tôi một ly". Em gái thành thật khuyên nhủ: "Words must be weighed, not counted[4]". Đằng sung máu, anh ta đẩy em gái về phía cửa ra vào, hét toáng lên với đám đông đang đứng xem trò vui: "Go, baby, go, go!". Chỉ đợi có vậy, em gái liền hiên ngang biến mất một cách hoành tráng. Khi tôi nhận được điện thoại của nhân viên trong pub và đến nơi thì Đằng đã trơ trụi như con gà bị vặt sạch lông. Tôi rất muốn sút anh ta lên tận mặt trăng.


Vào cuộc hẹn đầu tiên của chúng tôi, Đằng nói: "Em chỉ cần nắm lấy tay anh và anh sẽ đưa em đến một nơi thần thánh". Tôi đã mơ mộng suốt một tuần liền về một bữa tối lãng mạn dưới hoa anh đào hay một thứ gì đó đại loại như thế. Nhưng "cái chỗ thần thánh" mà Đằng đưa tôi tới lại là lễ hội nho truyền thống Budou Matsuri ở vùng Katsunuma. Đằng đến không phải vì những trái nho ngon nổi tiếng tại đây mà vì trong lễ hội mọi người được uống rượu vang miễn phí "thả ga". Hàng năm vào tháng mười, khách du lịch từ khắp mọi nơi trên Nhật Bản đều đổ dồn về Katsunuma để thưởng thức nho và rượu vang trứ danh. Đáng lý tôi nên biết một kẻ gọi bia là "sinh tố lúa mạch" như Đằng thì không thể trông chờ vào kỳ tích sẽ xảy ra. Trên đường về Đằng còn bảo: "Đợi năm sau anh sẽ đưa em đến Spa Hokane ở tỉnh Kowakien Yunessun tắm rượu vang". Tôi trợn ngược mắt nhìn anh, "Nhật Bản chỉ có lễ hội của rượu thôi chắc, hay đầu óc anh bị ngập úng trong đống cồn chết dẫm rồi?". Chỉ đợi có thế, chúng tôi lại bắt đầu cãi nhau trên cả quãng đường về, từ tàu điện ngầm ra đến bến xe bus, từ khi đi bộ đến lúc còng lưng trên chiếc xe đạp đôi.


Đằng và tôi nhanh chóng sống chung trong một căn hộ thuê lại gần trường học, trên tầng áp mái của một tòa chung cư rách nát. Đằng là một kẻ kén ăn trời sinh. Anh không thích đồ ngọt, không thích khoai tây và cà chua bi, mì tôm thì phải đổ ít nước, úp thật nhừ cho đến khi những sợi mì nở bung bét. Đằng hiếm khi vào bếp, ngay cả khi tôi ốm, việc duy nhất anh có thể làm là nấu cháo ăn liền, mà ngay cả món này cũng rất khó nuốt, vì Đằng thường xuyên quên bỏ gói gia vị.


Nhưng thi thoảng Đằng cũng khiến tôi cảm động, nhất là cái cách anh gọi tôi là "Rubi mùa hạ"; và dùng những ngón tay thô ráp của mình chải mái tóc rối bù cho tôi vào mỗi buổi sáng, rồi vụng về giữ lấy, cố gắng không nắm quá chặt khiến tôi đau. Đằng cứ cầm tóc tôi như thế cho đến khi tôi hoàn tất công việc đánh răng và rửa mặt hàng ngày của mình. Tôi bảo Đằng qua gương:


- Anh không nhất định phải làm thế, em có thể kẹp tóc lại.


Đằng hậm hực:


- Buổi sáng em xấu tính chết đi được, cứ vơ bừa cái gì gần tầm với của mình nhất, mà có thể buộc lại được là vớ lấy để cột tóc. Có lần anh thấy cả bít tất của mình trên đầu em đấy, dây áo ngực cũng bị tháo bung ra dùng lung tung rồi cuối tháng lại kêu nhanh dãn.


Chẳng đợi Đằng nói hết câu, tôi quay ra ấn cái miệng đầy kem đánh răng lên má anh. Đó là những giây phút ngọt ngào hiếm có, nhưng bởi vì sự hiện hữu của chúng mà tôi không thể quên được tình yêu của mình với Đằng, hoặc là tôi đã luôn nương tựa vào nó để giữ cho tình cảm của mình không bị "xói mòn". Những ký ức ấy giống như con đập ngăn ở trái tim tôi, mọi thứ chẳng thể nào trôi tuột và biến mất như đáng ra nó phải thế. Ngay cả lúc ngỡ là sẽ chia tay Đằng, khoảng thời gian hạnh phúc đó lại khiến tôi cảm thấy nuối tiếc đến mức không nỡ buông lơi.


***


Từ ngày tôi qua Nhật, Phạm thường gửi cho tôi ít nhất một email mỗi tuần. Chúng tôi gìn giữ sợi dây kết nối ấy một cách cẩn trọng. Phạm là người duy nhất tôi có thể tâm sự, nhưng dạo ấy tôi lại chưa bao giờ kể với anh về Đằng. Xong bằng cách nào đó tôi tin là Phạm vẫn cảm nhận được. Có lần, Phạm gửi cho tôi một email ngắn ngủn, chỉ có vài dòng chữ lưa thưa, Phạm viết:


"Tình yêu là điều không cần phải nói nhưng ai cũng biết, là thứ có thể bỏ rơi bất cứ lúc nào nhưng lại khó lòng thực hiện được. Còn hạnh phúc giống như một con dao hai lưỡi, vào thời khắc tuyệt vọng nhất nó kéo em lên, nhưng cũng vì thế mà em không cách nào rời xa được nó, ngay cả khi em biết rằng con đường em đang đi đã được báo trước là vô vàn nguy hiểm".


Lúc tôi ngồi đọc đi đọc lại bức email này của Phạm, cố để bóc tách những ẩn ý đằng sau đó, thì Đằng đang nằm bò ra ghế salong chơi Flappy Bird trên máy điện thoại và liên tục chửi bậy. Tình cảm của tôi đối với Đằng không quyết liệt tới mức thiếu anh thì tôi không thể sống nổi. Nếu một ngày nào đó, Đằng biến mất khỏi cuộc đời tôi, tôi vẫn có thể ăn, có thể ngủ, diện những bộ cánh đẹp ra đường, vỗ vỗ má cho nó thắm hơn khi tình cờ lướt qua một anh chàng handsome. Nhưng đấy là nếu một ngày nào đó Đằng tự nhiên biến mất. Còn bây giờ, Đằng đang ở trước mặt tôi, vừa chơi Flappy Bird, vừa quăng tục, nhưng cứ tầm nửa tiếng lại liếc mắt trông chừng con Gấu - Con chó Nhật mà chúng tôi mới nhận nuôi hồi đầu tháng trước, xem nó có cắn ống quần tôi không. Nếu con Gấu đang mon men lại gần tôi, Đằng sẽ hằm hè nhìn nó, quát nhẹ: "Yên nào, Gấu. Để mẹ làm việc". Điều ấy thiết thực hơn những bức email, gần gũi hơn cả thứ được gọi là "hạnh phúc". Tôi nhắn lại cho Phạm:


"Hạnh phúc là một ván cờ, đôi khi đắn đo được mất chưa chắc đã thắng".


Phạm có vẻ không hài lòng vì mãi lâu sau tôi cũng không thấy anh gửi lại cho mình một bức thư nào nữa. Tôi nghĩ, có lẽ, cuối cùng thì anh cũng chịu đầu hàng. Khi yêu một ai đó, chúng ta đều trở nên khó bảo, ngang ngạnh và ương bướng khủng khiếp.


Từ khi còn nhỏ tôi đã dính lấy Phạm như keo. Tôi làm chú rể còn Phạm làm cô dâu vì hồi bé Phạm hiền lành như một cô gái. Chúng tôi lén lấy gạo của bà ngoại trốn sau trái nhà, bắc hai hòn gạch rồi nhóm lửa thổi cơm trong những lon sữa Ông thọ đục nắp. Nắm cơm sượng sạo được Phạm vo tròn lại rồi ăn ngon lành. Những ký ức ấy đong đầy như cơn mưa đầu mùa hạ mà người ta tha thiết hứng lấy, ngọt lịm và tinh nguyên nhưng chưa đủ để xáo động thành một thứ tình cảm khác đặc biệt hơn.


Tôi cũng sẽ buồn khi Phạm khóc, cười khi Phạm vui, cũng sẽ đan áo cho Phạm những khi đông trở mùa, sẽ nhớ Phạm khi một ngày ghé qua Paris mà không thấy anh ở đó. Nhưng dẫu nhiều hơn thế vẫn không đủ để yêu. Có lần Phạm buồn buồn bảo: "Chúng ta chỉ còn thiếu một trăm mét nữa là tới được tình yêu". Một trăm mét không xa cũng không gần, nhưng con đường của tôi lại không có ngã rẽ nào dẫn về phía Phạm.


Tôi dễ dàng xao xuyến khi Đằng chạm tay vào má mình hay khi anh xoắn tóc tôi bằng ngón trỏ ố vàng rồi khúc khích cười, dài giọng rao: "Ai kẹo kéo, ai ăn kẹo kéo đê". Cảm giác trái tim mình như có ngọn gió khều khều qua buồn buồn. Phạm thì làm cho tôi gấp trăm lần hơn thế. Anh ôm đàn cùng tôi hát lang thang ở những bến xe bus để kiếm vài đồng lẻ uống cà phê trong khi túi vẫn còn rủng rỉnh tiền; hai đứa ngồi co ro trên một băng ghế đá ngoài công viên lạnh toát cả mông vào một tối mùa đông không trăng không sao lải nhải về Đằng và những lần tôi khóc.


Tôi đã không ngừng lảm nhảm với Phạm rằng tôi muốn sống ở Paris đến hết tuổi thanh xuân của mình. Phạm nghe, cười và sau đó tiệm thủy sinh Paris "quái quỷ" ra đời. Phạm sẽ vui vẻ đến những buổi mai mối tôi sắp đặt, gật đầu trịnh trọng khi nghe tôi khuyên nhủ: "Già rồi, yêu đi ông ạ". Phạm chưa bao giờ trở thành gánh nặng của tôi, hoặc là anh luôn cố gắng để tôi không thấy mình mắc nợ anh quá nhiều. Phạm khiến tôi cảm động xong vẫn không phải là yêu. Phạm đã luôn ở đây, trong cuộc đời tôi nhưng không phải trong trái tim tôi.


***


Đằng đẩy cửa và bước vào Paris, anh thậm chí không thèm chào Phạm, mặt hằm hằm Đằng lôi tôi dậy. Anh lúc nào cũng bỏ lại ba chiếc cúc sơ mi phía trên cùng không cài, để lộ ra vòm ngực quyến rũ và một phần hình xăm âm dương. Tôi không hiểu tại sao vào giờ phút này mình vẫn còn chủ ý đến những điều nhỏ nhặt ấy. Tôi cố ngoái đầu lại chào Phạm, nhưng anh đã không còn đứng đấy, chỉ có những bể thủy sinh đang sục khí trắng xóa luôn khiến tôi cảm thấy chống chếnh. Đằng thô lỗ xoay đầu tôi lại như bọn trẻ con vẫn làm khi xoáy đầu những con búp bê ra để lồng những chiếc váy một dây qua cổ.


"Vì sao em luôn đến đấy hả?", Đằng hỏi khi chúng tôi đang băng qua đường mà chưa có tín hiệu dành cho người đi bộ. "Anh sẽ lấy em chứ?", tôi đáp. "Em thôi đi, và nói cho anh biết, vì sao em luôn đến đấy, hả?". "Lấy em chứ?", Đằng giằng tay mình ra khỏi tay tôi, anh đi nhanh về phía trước, rồi bất chợt thắng gấp và lộn ngược trở lại: "Vì sao em luôn đến đấy, nói đi". "Lấy em", tôi nhả mạnh từng chữ. Nhưng khác với mọi khi, Đằng không bỏ đi ngay tắp lự, anh đứng chắn trước mặt tôi. Môi anh mím lại thành một đường kẻ dài. Bóng Đằng đổ ập vào mắt tôi đến nỗi tôi chẳng thể nhìn rõ những gì đang xảy ra phía trước. Trong lúc quếnh quáng tôi có cảm giác ngón tay mình bị xiết chặt lấy một cách êm ái. Đằng hỏi:


"Một trăm mét hạnh phúc có xa không?".


Đâu đó, tôi nghe, Fly me too the Moon tước lời lại vang lên như một bài thánh ca.


[1] Văn bằng tiếng Pháp


[2] Phú Sĩ.


[3] Lời bài hát Fly me to the Moon:


Hãy để bài hát vang lên trong hồn em/ Và để em hát ca không ngừng/ Anh là tất cả những gì em ao ước/ Tất cả những gì em tôn thờ và ngưỡng mộ/ Nói cách khác là, xin anh hãy chân thành với em/ Nói cách khác là, Em yêu Anh.


[4] Cân nhắc trước khi nói.


Đang tải bình luận!