Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Dư vị

Dư vị

Tác giả: Sưu Tầm

Dư vị

(Admin - "Tháng năm không ở lại")


Nếu như trên thế gian này có...


Mười hai giờ, tôi chậm rãi tắt máy tính rồi lên giường của mình. Kể ra cũng lâu lắm rồi, tôi chưa ngủ sớm như vậy. Có lẽ, khi người ta lớn, người ta càng ít muốn ngủ. Mà, tôi đâu đã lớn chứ.


Bất chợt, những hình ảnh của bộ phim còn sót lại trong mắt tôi, như là ám ảnh.


***


Một cơn mưa trắng xóa cả đất trời hay là vì khuôn mặt của họ ánh niềm hạnh phúc lên làm mọi thứ xung quanh như bừng sáng. Cậu con trai đang cầm chiếc ô, đỡ lấy những giọt nước mưa trên người cô gái. Dù rằng hành động đó cũng không có ích gì vì hai người đều đã ướt sũng. Chẳng hề có những lời thoại này trong phim, nhưng tôi tin rằng, giữa họ đã có 1 lời hẹn ước: "Gặp lại ở thế giới bên kia". Bỗng dưng, tôi thấy cô gái ấy mạnh mẽ thật, dám sống và làm những việc mình cần làm cho những ngày cuối đời, cho tuổi trẻ của mình dù rằng nó chẳng hề bằng phẳng. Tự nhiên tôi thấy mình quá vô dụng khi ngay cả việc thành thật với cảm xúc của chính mình tôi cũng không làm được. Hình ảnh về chiếc bút chì màu trắng , chiếc xe đạp màu xanh, tất cả dội về trong đầu tôi như một cơn lũ, ồ ạt, đột ngột. Lẩn khuất trong đó là một hình ảnh mà tôi biết rằng, mãi về sau này, tôi cũng sẽ không bao giờ có thể quên. Không dưng, mắt trái của tôi rơi ra một thứ, nhỏ thôi, như là 1 giọt nước mắt.


Dư vị


Tôi còn nhớ đó là năm cuối cấp. Thầy hiệu trưởng của chúng tôi bỗng dưng nảy ra một ý định, đó là trộn các lớp và chia lại để chúng tôi có thêm bạn mới, có thể giao lưu cùng nhau, để nếu sau này có ra trường cũng không nuối tiếc vì đã không có nhiều bạn. Đấy là lời thầy nói, nhưng thật ra chúng tôi hầu như đều quen biết nhau. Sau những năm tháng học ở ngôi trường này, tôi nhận ra nó cũng không quá lớn, bạn bè cùng trang lứa tôi cũng không quá đông. Là như vậy .


Đấy cũng là lí do khi vào lớp này, tôi không bỡ ngỡ lắm. Một số học cùng tôi năm ngoái, có đứa còn học cùng với tôi từ năm mẫu giáo.


Thầy chủ nhiệm lớp tôi năm ấy nổi tiếng là người khó tính. Nhưng với tôi ai cũng thế thôi, tôi vốn không tiếp xúc với ai quá nhiều người. Thầy xếp cho tôi vào bàn thứ 4 vì dáng tôi khá cao. Bàn năm là bàn cuối lớp. Mắt tôi lúc ấy đã khá kém vì tôi vốn bị cận nhưng lại không đeo kính, ấy vậy mà tôi không nói với thầy về điều ấy. Tôi cũng ham vui với cái " xóm nhà chòi" cuối lớp này, an nhiên ngồi ở vị trí đấy. Năm học của tôi cứ thế trôi qua. Xóm nhà chòi vẫn hay bày các trò nghịch dại làm cho cậu lớp phó học tập ngồi đầu lớp cứ cáu lên nhặng xị, tôi thỉnh thoảng vẫn phải trấn áp những trò đùa quá đà, để nó ở một giới hạn mà các thầy cô có thể tin rằng chúng tôi chỉ đùa nghịch như bao đứa trẻ tuổi này, không, là ở tuổi rất trẻ.


Hôm ấy là 1 buổi sáng, trời âm u, và lạnh. Lớp trưởng như thông lệ chạy vào lớp trước khi cô Bích dạy anh văn lớp tôi bước vào, thở hổn hển. Tất cả chúng tôi, chẳng có ai phản ứng gì về việc lớp trưởng chỉ vào suýt sao trước cô có mấy phút vì chẳng có ngày nào mà lớp trưởng đi sớm cả, giờ lớp trưởng vào lớp, chúng tôi chẳng cần nhìn thấy giáo viên đâu, cũng dư biết là thầy hoặc cô đứng lớp tiết 1 sắp vào (trừ khi ngày hôm ấy chúng tôi được vắng tiết ). Lẽ dĩ nhiên là chẳng ai thích thú việc học trò của mình đi học như thế. Bằng chứng là cô quay lên bảng viết tựa bài mới và kiểm tra bài cũ, dĩ nhiên là với cậu lớp trưởng. Lúc đó tôi cũng không quan tâm lắm, lay hoay tìm cây viết chì của mình chuẩn bị làm bài tập nhưng chẳng thấy đâu. Phong ngồi phía sau tôi dĩ nhiên không có cái gọi là bút chì, nhỏ Như ngồi cạnh tôi cũng thế. Tôi ngẩn mặt nhìn về phía bảng, lớp trường còn đang "ngắc ngứ" chỗ " were" và "was". Tôi lại hướng ánh mắt về bàn học của mình, rồi quay sang bàn lớp trường. Lớp trưởng có 1 cây bút chì, màu trắng, trên bàn. Tôi lại nhìn lên bảng, mắt liếc về phía chữ "was" rồi xoay người qua lấy cây bút chì của lớp trường, với tôi như là một cuộc trao đổi. Vì vốn, tôi chưa từng nhắc ai như thế bao giờ. Phi vụ nhắc bài ấy thành công trót lọt, đó là một phép màu cho cả lớp trưởng và tôi vì dám nhếch mắt ra dấu cho cậu trong lúc cô Bích đang khảo bài hôm trước.


Ấy vậy mà từ sau lần ấy, chúng tôi, tôi và lớp trưởng, ngoài những trò nghịch ngợm mà chúng tôi vẫn hay bàn cùng nhau, lại có thêm nhiều thứ để nói, đôi khi là 1 bộ phim, đôi khi là những chuyện hàng ngày. À, lớp trưởng cũng là thành viên của "xóm nhà chòi" chúng tôi.


Phạm vi câu chuyện của chúng tôi mở ra ngày 1 rộng hơn, không còn là những chuyện ở trường lớp. Đôi khi là về Tuấn, cậu em trai kém lớp trưởng 3 tuổi mà cậu luôn thấy xa cách. Tuấn học giỏi hơn lớp trưởng nhưng lớp trưởng cũng không kém nổi bật hơn em trai mình. Tôi nói với lớp trưởng rằng áp lực của 1 đứa em quá lớn, rằng cái bóng của lớp trưởng không hề nhỏ bé, khi mà ai cũng gọi nó là em trai lớp trưởng thì hẳn nhiên sẽ làm nó phải suy nghĩ, rằng nó thấy mình còn thua kém lớp trưởng. Tôi nói lớp trưởng cứ thường xuyên nói chuyện, cứ tranh giánh đồ chơi với nó dù rằng hai anh em cũng không còn nhỏ nữa, mọi chuyện sẽ lại như trước, như khi cả hai còn học tiểu học, rồi mọi thứ đều sẽ ổn, vì họ là anh em của nhau. Cây viết chì trắng ấy vẫn nằm trên bàn tôi. Không phải vì tôi không trả cho lớp trưởng mà là vì cậu không lấy. Lớp trưởng nói con trai phải dùng viết màu đen, thế mới ngầu. Tôi khẽ cười.


Dư vị


Lớp trưởng học tốt tất cả các môn, duy chỉ có môn anh văn là còn lấn cấn. Tôi không biết vì lí do nào mà lớp trưởng lại ghét đến độ thành sợ nó như vậy, tôi chỉ biết thầy chủ nhiệm bảo tôi phải kèm cho lớp trưởng môn này. Tôi từng thắc mắc có nhiêu bạn cũng kém sao thầy chỉ bảo tôi học cùng mỗi lớp trưởng. Thầy chỉ nói là, lớp trưởng mất căn bản, còn các bạn khác do ham chơi, có thể tự lực được. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết con người ai cũng có hai vẻ mặt để cho mọi người thấy. Với thầy đó là tạo cho mọi người thấy 1 thầy giáo nghiêm khăc, nhưng với tôi bây giờ, thầy còn là 1 người thầy luôn quan tâm âm thầm học trò của mình.


Những buổi học tiếng anh cùng lớp trưởng khiến tôi vê nhà muộn hơn, ba tôi không thể đợi để đón tôi được. Những ngày ấy, lớp trưởng lại chở tôi về nhà. Xe lớp trường màu xanh lá trông rất trẻ con. Tôi nữa đùa nữa thật, bảo thích ngầu sao còn đi xe này. Lớp trưởng bảo đã nhường cho Tuấn chiếc xe ngâu hơn. Tôi (lại) khẽ cười.


Có những ngày nắng gắt, chở theo tôi phía sau , lớp trưởng gò lưng đạp thật nhanh, còn tôi nấp phía sau, tránh đi cái nắng gay gắt của buổi trưa. Lớp trưởng vẫn thường đưa mũ cho tôi, vì tôi không bao giờ mang nó. Những ngày mưa, chúng tôi lại trú chân trong trường, lại kể về những bộ phim, những bí mật "nho nhỏ" của thầy cô mà chỉ những đứa "cán sự lớp" hay ra vào văn phòng mới biết. Câu chuyện của chúng tôi cứ liên tu bất tận, hệt như những cơn mưa. Có những lúc, tôi ước con đường từ trường mình về nhà dài ra, hay ít nhất là cơn mưa này đừng ngừng lại


Có hôm lớp trưởng mãi chơi game mà quên giờ học, tôi đứng dưới cái nắng gay gắt mà chờ, và giận (hồi ấy tôi còn chưa biết dỗi là gì), cậu ấy, khi nhớ ra, đã hớt hãi chạy đi xin lỗi tôi. Cứ thế, tôi và lớp trưởng lại cười nói, như chưa hể giận nhau, hệt như hai đứa trẻ.


Lớp trưởng thích trêu đùa và giật lấy bất cứ thứ gì trên tay tôi. Không hiểu sao, dù không hề bực tức, nhưng tôi vẫn tỏ ra khó chịu với cậu. Có lần tôi đang đọc truyên, lớp trưởng giật lấy, đọc vài dòng rồi nói với tôi rằng cái này là bịa. Rằng nếu ai đó khóc, nước mắt sẽ chảy ở cả hai bên mắt, chứ chẳng có cách nào nó chỉ rơi 1 bên mắt trái khi người ta khổ đau. Tôi không chắc mà cũng không biết có nên tin hay không. Lúc ấy, tôi vẫn còn quá trẻ cho những triết lí kì lạ này.


Có một lần khác, lớp trưởng thấy tôi khoe mấy mấy đồng tiền Pháp với một vẻ mặt hứng thú, vì lúc đó, đâu phải ai cũng có mấy đồng tiền ngoại quốc như vậy. Lớp trưởng cũng giật lấy nó và bảo chúng xấu xí,tôi giận lắm, định "đốp chát" lại như ngày thường, nhưng lớp trưởng đã cho tôi mấy đống xu dùng để chơi game của mình. Mặt trước là một ngôi sao 6 cánh, mặt sau là ngôi sao ba cánh. Lớp trưởng bảo nó đẹp hơn nhiều. Tôi khẽ mỉm cười, ừ, nó đẹp thật. Từ đó, tôi xem mấy đồng xu bé ấy là báo vật của mình mà không biết là vì sao.


Lớp trưởng dần khá hơn môn anh văn, đó cũng là lúc lớp tôi rộ lên tin đồn tôi và lớp trưởng đang "cặp kè" cùng nhau, mà theo ngôn ngữ bây giờ là chúng tôi đang thích nhau. Lớp trưởng không phủ nhận cũng chẳng nói gì về chuyện ấy, chỉ cười. Nhưng tôi thì khác, tôi và lớp trưởng chỉ là bạn. Là bạn, thế thôi. Lớp trưởng vẫn cười khi có ai đó trêu đùa, còn tôi thì đính chính ầm ĩ. Có lẽ lúc ấy, tôi trẻ con quá đỗi.


Chúng tôi ngại hơn khi nói chuyện cùng nhau, bởi vì chỉ cần chúng tôi nói gì đó với nhau cũng trở thành đề tài bàn tán cho những chủ sạp thêu dệt, làm cho mọi người chú ý. Thầy chủ nhiệm thình thoàng vẫn hay nói chuyện cùng tôi về đề tài này, rằng thầy không cấm đoán chúng tôi, rằng tôi cứ đi theo cảm xúc cùa mình, nhưng không xao nhãng việc học là được. Cảm xúc của tôi? Nó như thế nào nhỉ?Đâu đó trong não tôi nói với tôi rằng chẳng có gì cả. Tôi vâng dạ với thầy và khẳng đinh hai chúng tôi là bạn, bạn rất thân. Tôi cho rằng mình còn quá bé để có cái gì đó có thể vượt qua ngoài tình bạn. Dù rằng tôi, trong một góc nào đó, biết rằng mình đang rung động.


Lớp trưởng cứ thế, cái vẻ ngông nghênh tinh quái hàng ngày bay đi mất, chỉ còn lại sự trầm tĩnh, bảo tôi cứ kệ đi, rằng lời đồn đãi chỉ tồn tại trong vòng 49 ngày nếu nó không có thật. 49 ngày. Quá lâu cho 1 kẻ nóng vội, và trẻ con như tôi lúc đó. Tôi lúc ấy để cho não tôi làm chủ, vì nó nói với tôi rằng, tôi sẽ không thích bất kì ai.


Tôi tránh mặt lớp trưởng ở hầu hết mọi nơi, trong lớp học, giờ ra chơi, bất kì đâu mà tôi và lớp trưởng hay đi cùng nhau,cả trong giờ học. Tôi xin chuyển về bên phải của bàn. Giờ đây, giữa tôi và lớp trưởng không chỉ là cách nhau 1 lối đi mà còn là cách nhau một người. Sau đợt khám sức khỏe định kì, thị giác của tôi bị phát hiện là quá kém. Cái bí mật ấy mọi người đều biết, và đều nói tôi vì lớp trưởng mà không chuyển lên bàn trên để ngồi. Sau đó 1 ngày, tôi chuyển lên bàn trên mà không đắn đo suy nghĩ về cảm giác, của tôi.


Cứ như thế, tôi và lớp trưởng ngày càng xa nhau, về khoảng cách, và suy nghĩ. Cứ thế, chúng tôi không còn trò chuyện cùng nhau, dù là về đề tài nào, cho đến khi chúng tôi ra trường, và đã không còn liên lạc cùng nhau.


Năm đó, tôi 15 tuổi.


Lúc ấy, tôi quá nhỏ bé, quá ngây ngô để hiểu được những cảm xúc lạ lần đầu tiên xuất hiện, dù rằng tôi của bây giờ cũng không làm việc ấy tốt hơn tôi ngày đó bao một chút nào.


Có 1 lần tan học muộn, sợ ba đừng chờ lâu, tôi vơ vội nắm bút cho vào cặp. Tôi không có hộp bút. Tối hôm ấy, tôi lại tìm cây viết chì màu trắng để làm bài tập như thông lệ nhưng đã chẳng thấy đâu. Tôi hốt hoảng lục tung cả cặp nhưng cũng không có. Có lẽ tôi đã bỏ quên nó trong lớp. Sáng hôm sau, lòng đầy hi vọng có thể tìm lại nó, tôi đến lớp thật sớm, nhưng nó đã không còn đó. Có lẽ, cô lao công đã vứt nó vào một sọt rác nào đó, như những nón đồ vô giá trị bị vứt đi.


Mấy đứa bạn bảo tôi, nó hỏng và cũ như vậy tiếc làm gì. Ừ, thì là cũ, nên, tiếc làm chi.


Năm ấy tôi 16 tuổi.


Sau lần ấy, tôi mua cho mình 1 hộp bút, và cẩn trọng cất những thứ cần thiết trong đó, ngoài bút, thước hay cục tẩy, còn có mấy đồng xu. Nhưng rồi chiều hôm ấy, sau tiết tin, tôi hớn hở vì một trò đùa mà chính tôi còn không nhớ rõ, đã bỏ quên hộp bút mình lại trong lớp. Khi tôi nhận ra và chạy đến để tìm thì chỉ còn lại cái lắc đầu buồn bã của cô Giang, giáo viên dạy tin lớp tôi. Tôi dại người đi. Bạn bè hỏi tôi có cất điện thoại trong ấy không, tôi lặng lẽ lắc đầu. Những đồng xu quý báu của tôi, chúng ở hết trong ấy.


Năm đó tôi 17 tuổi.


Cứ thế, những thứ thuộc về hồi ức của 1 thời trẻ con, tôi cứ đánh mất dần. Duy chỉ có những thứ còn lưu trong bộ óc tôi là còn đó, cả cái cảm giác rất lạ mà tôi không biết tên nó, là vẫn còn.


Năm nay tôi 20 tuổi.


Thật lạ, lẽ ra tôi phải quên hết tất cả rồi ấy chứ, nhưng không, cái cảm giác ấy vẫn cứ bám lấy tôi, như là trói buộc. Câu hỏi ngày ấy cứ lẩn quẩn bám lấy tôi. Bây giờ, tôi dám thừa nhận với chính mình, rằng năm đó, có lẽ mình đã thích lớp trưởng. Nhưng, còn lớp trưởng? Tôi không biết. Hệt như một khúc ca lưng chừng đồi không biết cất lên từ đâu, cảm giác của tôi cứ lâng lâng như vậy. Không có bắt đầu, nên không thể có được một đoạn kết. Tất cả như 1 chuỗi âm thanh dai dẵng không dứt. Tôi bỗng ước, năm đó mình không quá trẻ con, chịu tìm cho mình 1 câu trả lời thì có lẽ, đã không phải ám ảnh , không thể thoát ra khỏi quá khứ như hôm nay. Tôi chợt nhận ra, sẽ chẳng ai có thể cho tôi một cơ hội để biết được câu trả lời của quá khứ, bời vì tôi sẽ không bao giờ có thể quay lại lúc đó. Và tôi cũng nhận ra, mình sẽ mãi luôn muốn biết câu trả lời của năm ấy.


Hệt như vị trà đắng và chát, nó cứ đọng mãi, nơi đầu lưỡi, có lẽ là, của tôi.


Tử Hạ


Từ khóa: duvi stockholm, dubai, dubizzle,
Đang tải bình luận!