Ring ring
Còn lại trong thương nhớ

Còn lại trong thương nhớ

Tác giả: Sưu Tầm

Còn lại trong thương nhớ

(Admin - "Rồi sẽ qua hết, phải không?")


Cái khó nhất của một tình yêu là cách kết thúc. Nếu mọi chuyện đến hồi đổ vỡ thì thật dễ dàng cho một lời chia tay dù nó có khó khăn đến thế nào. Ngược lại nếu vì một lí do khách quan nào đó mà hai người phải chia tay nhau thì đó lại là một bi kịch, liệu có gì bi đát hơn cho một bi kịch trong tình yêu. Hãy cứ nhìn vào những thiên tình sử của nhân loại mà xem, hậu quả của những tấn bi kịch đó thật khủng khiếp.


***


 


Vội vã chạy thật nhanh, chen chúc trong dòng người đông đúc, An kịp chen vào chiếc tàu điện chật ních. Tiếng tàu len ken len ken chạy trên phố giữa những tòa nhà cũ kĩ. Hai bên đường dòng người đi bộ vẫn đông nghẹt nhất là mấy khu phố gần về phía nhà thờ lớn. Qua hai ba trạm nó bước xuống. Chẳng nhìn ngắm gì xung quanh nữa, nó chỉ kịp giơ cánh tay ngang mặt lướt nhìn đồng hồ một cái thật nhanh, rồi cắm đầu chạy. Băng qua một lối nhỏ trên con phố đi bộ đông người để ra quảng trường trước nhà thờ lớn, nó chợt giật mình bởi tiếng chuông thật to, giòn dã từ trên tháp chuông cao vút. Vậy là đã năm giờ chiều. Hôm nay nó đi trễ, vì bình thường khi đã vào chỗ làm nó mới nghe tiếng chuông ấy, tiếng chuông vẫn đều đặn thông báo cho cư dân thành phố từng thời điểm trôi qua của ngày. An vẫn tưởng tượng được cảnh mụ chủ to béo đứng trước cửa hàng chờ nó. Cuộc sống mưu sinh mà, không thích thì cũng phải chịu.


Còn lại trong thương nhớ


- Sao giờ này mới tới – Mụ ta trọ trẹ với giọng Pháp rất khó nghe.


- Tôi xin lỗi, vì hôm nay tôi tan học hơi muộn hơn bình thường.


- Nhanh vô thay đồ.


Nó thở phào vọt lẹ vô phòng trong, vứt chiếc túi xách vào ngăn tủ, rồi lôi cái áo ghilet màu đỏ mặc vào. Đâu vào đấy chỉnh tể, trước khi ra nó còn kịp ngắm lại đầu cổ chút xíu, chứ không khéo lại bị con mụ Tàu mắng cho.


Nhờ một anh bạn giới thiệu mà nó mới vào làm được ở nhà hàng này. Một nhà hàng ẩm thực của người Hoa. Có thể nói người Trung Quốc hiện diện ở khắp nơi, chắc không chỉ riêng gì thành phố này mà còn ở khắp nới trên khắp nước Pháp. Lâu dần người ta cứ nghĩ rằng hết thảy khuôn mặt Á Đông đều là người Trung Quốc. Công việc ở nhà hàng khá là mệt, nhưng so với những nhà hàng mà nó có dịp thử sức trước đây thì chỗ này là trả lương hậu hơn cả, tiền boa cũng ngon lành hơn.


Strasbourg có thể coi là ngã ba của châu Âu, nằm ngay cạnh biên giới giữa Đức và Pháp, đi lại thuận tiện sang Bỉ, Hà Lan, là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng. Thành phố này còn được chọn làm nơi đặt nhiều cơ quan đại diện của khối EU bên cạnh Bruxelles. Lịch sử hình thành của thành phố cũng có nhiều sóng gió, ngay bản thân bây giờ trong kí ức của người Đức chủ nghĩa dân tộc, họ vẫn coi Strasbourg là gia sản của nước Đức. Còn người Pháp thì ngạo nghễ coi thành phố như một chiến lợi phẩm cho một thời hùng mạnh của xứ Lục Lăng[1]. Đến bây giờ những câu chuyện lịch sử ấy luôn là đề tài cho mấy ông bà hưu trí tranh luận, còn đám trẻ chẳng ai quan tâm. Người ta cứ biết rằng Strasbourg là thành phố lớn của vùng Alsace, một thành phố cửa ngõ quan trọng của miền Đông nước Pháp. Đối với An thì An càng mặc kệ cái quá khứ tốt đẹp hay huy hoàng gì đó của chốn này, An chỉ thích nó ở mỗi điểm là không quá đông đúc, xô bồ lại không hề buồn tẻ. Cư dân ở đây cũng đa văn hóa và khá thân thiện.


An đến Strasbourg như một sự tình cờ, hay một điều gì đó định mệnh. Dẫu vẫn có bạn bè, người quen ở các thành phố khác trên nước Pháp, nhưng cuối cùng An lại chọn nơi này. Còn nhớ ngày đầu tiên đến đây, trong một ngày tháng hai lạnh buốt, khi mùa Đông hãy còn níu kéo phố phường. Vừa đến từ xứ sở nhiệt đới, An cảm thấy choáng váng. Một mình kéo chiếc vali to bự đi từ ga trung tâm ra đến chỗ tàu điện mà hai tay như tê cóng. Tuyết rơi từ đêm qua sau một buổi sáng đông người đã làm cho vỉa hè trở nên nhẵn nhụi và trơn trợt hơn. Nó lê từng bước khó nhọc mà không tìm đâu ra một cửa hàng để tìm mua sim điện thoại để gọi cho người hứa sẽ ra đón nó. Hơi lạnh làm nó đỏ bưng da mặt, theo đó là sự lo lắng làm nó ngày một tái đi. Không chịu nổi, nó kéo hành lí vào nhà ga. Một sự khởi đầu chán chường là vậy. Người ta đã hẹn đón nó thế mà chẳng thấy đâu, không một phương tiện liên lạc nào nó có thể dùng. Nó cũng không có sẵn vài đồng xu để sử dụng chiếc máy điện thoại công cộng kia. Nó nhút nhát, nó sợ khi phải nghe tiếng xì xào của những người đi lại xung quanh, nó sợ người ta sẽ cười nó khi nó bập bẹ tiếng Pháp hỏi họ. Nó chỉ biết ngồi ở băng ghế và chờ. Một cảm giác hoang mang, chiếc đồng hồ lớn ngay chính giữa sảnh đợi nhấc từng bước chậm rãi, còn xung quanh là dòng người hối hả qua lại theo từng chuyến tàu đến rồi đi.


Bất chợt nó nhìn thấy một anh thanh niên châu Á đi một mình, không hành lí, cũng đang loay hoay nhìn ngó tứ tung như muốn tìm kiếm một cái gì đó. Nó không nhìn rõ mặt anh cho đến khi đến gần hơn, cái lạnh và sự mệt mỏi đã làm cho đôi mắt nó hoa lên. Rồi anh chàng tiến lại gần, nó cũng như nhận ra điều gì đấy quen thuộc, nó bật đứng dậy đầy vẻ mừng rỡ :


- Anh Tiến đúng không ?


- Em là An.


- Dạ đúng rồi.


- Xin lỗi em, anh tới trễ quá. Thành thật xin lỗi !


An tỏ vẻ lịch sự như không có gì, dù trong lòng nó không mấy dễ chịu.


- Chúng ta đi thôi !


An lẽo đẽo kéo chiếc vali đi theo. Anh Tiến đi trước như người dẫn đường. Nó thấy hơi thất vọng vì người này lắm rồi, ít ra cũng phải phụ kéo giúp nó cái vali chứ, hứa đến đón người ta lại đi trễ, giờ thì lon ton đi một mình. Nhưng thôi may mà anh ấy đến là được rồi, nó nghĩ thầm.


Ban đầu nó không hề quen biết Tiến. Trước khi sang Pháp nó đã tìm hiểu nhiều thông tin trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn sinh viên ở đây. Du học sinh Việt Nam ở Strasbourg không thấy nhiều lắm. Sau đó qua một người bạn ở Paris, nó được làm quen với anh Huân, anh Huân lại giới thiệu thêm một số anh chị khác đế nó làm quen. Tóm lại cũng chỉ biết nhau qua internet. Sau cùng thì người đón nó là anh Tiến này đây.


- Em có lạnh lắm không ?


- Quá lạnh luôn ý chứ !


- Sao không nhập học vào tầm tháng 9 cho nó dễ chịu, sang đúng mùa này thì lạnh rồi.


- Thì tại vì em cũng muốn đi sớm, sẵng có khóa học vào đợt này nên em tranh thủ đi luôn.


Chàng ta vừa nói vừa thong dong đi trước, trên người là cái áo manto[2] dài ấm áp, thêm chiếc khăn quàng cổ trông lịch thiệp lắm. Chả bù cho cô bé theo sau, vừa lạnh vừa kéo cái vali. Lâu quá, An mới đề nghị :


- Anh ơi, anh kéo giúp em cái vali xíu được không ?


- À ừ, đưa đây !


Hắn nhoẻn miệng cười, trông có duyên đấy chứ. Mà với An bây giờ có duyên hay không cũng thế, vì nó đã không có nhiều ấn tượng với cư dân đầu tiên này rồi.


- Còn xa lắm không anh ?


- Anh Huân bảo là đưa em về nhà các anh ấy, qua mấy phố này nữa thôi em à.


- Anh không ở chung khu đó à?


- Không anh ở chỗ khác.


- Hôm nay anh không đi học hay đi làm gì à?


- Sáng nay anh có giờ rồi, chiều nay anh được nghỉ.


Từ lúc giao vali lại cho anh Tiến, nó nhẹ hơn hẳng, sẵn hai tay để khoanh trước ngực cho bớt lạnh.


Con đường trắng xóa, đôi chỗ loan lổ vì bước chân người qua lại nhỏ dần theo mấy tòa nhà cổ kính với những bức tường cao. Strasbourg mà nó thấy trên ảnh, trên internet là đây. Ít ra nó cũng cảm thấy hạnh phúc vì sau một chặng đường dài nó đã đến được nơi này.


Sau đó hai anh em dừng lại ở một cánh cửa màu trắng to bự gần bằng sải tay.


- Đợi chút... Không biết giờ này có đứa nào ở nhà không?


Vừa nói anh tra ngón tay lên phía tường ngay bên cạnh, có những cái nút và những cái tên đi liền, rồi anh dừng lại, bấm vào nút có chữ: Huan Nguyen, Duong Do.


Vài giây sau có tiếng người nói ra từ phía chiếc hộp trên tường:


- Ai đấy?


- Tiến.


Một tiếng eeee thật dài, anh Tiến đẩy cửa vào. An khá bất ngớ vì đằng sau cánh cửa ấy là một khoảng sân rộng, có một vài chậu hoa theo dọc lối đi, nhìn thật đẹp và phía cuối cái sân ấy là một chiếc cầu thang. Vừa loay hoay với chiếc vali thì có một anh chàng cao ráo từ trên cầu thang đi xuống:


- Về rồi à? – Tiến hỏi.


- Vừa về.


An tròn mắt nhìn người kia.


- Có mệt lắm không em ?


- Anh là anh Huân hả ?


- Chính xác, chào em !


- Sao nhìn anh hơi khác so với trong hình nhỉ ?


Tiến đứng đó cười thật to:


- Thôi chết nhé, post cái hình lừa tình nào cho em nó thế?


Huân cũng cười theo:


- À vậy hả? Em thấy khác nhiều không?


An cũng hơi sượng lại, rồi cười:


- À không, tại nhìn ở ngoài thấy anh trẻ hơn.


Nó thật khéo nịnh và biết chữa cháy cho những tình huống nhất thời như vậy. Đúng là Huân nhìn hơi khác so với những gì qua ảnh. Chẳng biết cái ảnh anh gửi cho nó chụp từ lúc nào, nhưng bây giờ tóc anh ngắn hơn, nhìn bụi bặm hơn cái dáng vẻ phong trần với tóc mái vuốt ngược như ngày nào.


Nói rồi, không ai bảo ai, Huân nhấc chiếc vali hộ nó lên từng bậc thang:


- Ôi đúng là mới từ Việt Nam sang có khác, em mang gì mà nặng thế?


- Thì nhưng thứ để bắt đầu cuộc sống.


- Xem ra em chuẩn bị kĩ quá nhỉ? Đối với anh muốn bắt đầu cuộc sống chỉ cần có cái ví nhét sau túi quần thôi em ơi.


- Nhưng rất tiếc, cái đó của em nhỏ quá nên cần phải có thêm cái to bự này.


- Em yên tâm, cái đó của tụi anh còn nhỏ hơn cả em – Anh Tiến chen vào. Rồi cả ba cùng cười giòn tan, làm náo động cả một góc cầu thang.


Đi đến tầng thứ hai, rồi thêm một đoạn hành lang ngắn nữa, cả ba dừng lại:


- Chào mừng em đến Strasbourg và đây là nhà của anh.


Căn phòng nhỏ có một chiếc ghế nệm ở giữa, một cái bàn, tivi, xung quanh còn có thêm chiếc kệ sách và một vài thứ trang trí linh tinh khác.


- Ở đây còn có anh Dương - Tình yêu của anh.


Nghe đến đây An có vẻ hơi choáng. Nhưng ngay sau đó Huân chỉ vào tấm ảnh đang đặt ở góc tivi, có hình một chàng trai và một cô gái đang đứng với nhau, ôm nhau rất tình cảm.


- Và đây là tình yêu của nó.


An nhận ra được sự vui tính của Huân. An cố lảng tránh chủ đề này, không nói gì thêm. Nó yên lặng và nghiêm túc như một người khách đến thăm nhà. Huân lại tiếp tục mở một cánh cửa khác ngay bên cạnh cửa ra vào.


- Em cho hành lí vào đây, tạm thời hôm nay em sẽ ngủ ở chỗ này, ngày mai anh dắt em đi xem nhà.


Nó đưa mắt nhìn quanh một chút, một căn phòng nhỏ nhắn có đặt một chiếc giường hai tầng, ở bên góc cửa sổ có kê một chiếc bàn vuông, một chiếc ghế và mấy quyển sách, góc bên này, gần cửa còn có thêm một cái tủ quần áo. Không gian bên trong khá chật, chỉ gọi là vừa đủ.


- Thế các anh ngủ đâu.


- Em ngủ giường dưới, giường của anh. Anh Dương ngủ ở trên, còn nếu em thích leo lên trên thì nói với anh Nam. Tối nay anh ngủ ghế ngoài phòng khách.


- À không, em thế nào cũng được.


Câu "Em thế nào cũng được" của nó sau đó vẫn được anh Huân nhắc hoài. Ngày đầu tiên với Strasbourg của nó là vậy, bị trễ hẹn, bị lạnh... nhưng bù lại nó được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các anh chị em ở đây. Sau đó nó phải ở lại nhà anh Huân thêm mấy ngày vì chưa tìm được nhà. Nó được các anh chỉ dẫn nhiều thứ về việc đi lại, chợ búa, phố xá ở đây và đương nhiên cũng được đi tham quan thành phố.


Nơi đầu tiên không thể bỏ qua ở Strasbourg khi ai đó ghé thăm đó là nhà thờ lớn ở trung tâm thành phố. Ngôi nhà thờ với kiểu kiến trúc đặc trưng có từ rất lâu đời với những bức tường chạm trổ, mái vòm và chiếc tháp chuông cao vút. Nếu ai đó đã đi thăm những thành phố khác trên nước Pháp, đã từng đứng trước nhà thờ Đức Bà Paris... thì khi ngắm nhìn nhà thờ ở Strasbourg sẽ có cảm giác bị lệch và thiếu thiếu, vì mặt trước tòa nhà chỉ có mỗi một cột tháp chuông bên trái, còn phía còn lại lại vuông vứt, bằng phẳng. Điều đó làm nên nét đặc trưng của vương cung thánh đường này, còn những kiểu chạm trổ vẫn giống theo khuôn mẫu của lối kiên trúc Gothic[3] đặc trưng.


Tối đó trong khi Dương sang nhà người yêu, thì anh Huân cũng dắt nó đi loanh quanh trong thành phố. Anh cũng rủ thêm một vài người bạn, nhưng cũng chẳng có ai đi, vì người thì ngại cái rét buốt, người thì lại có công việc.


- Thế chỉ có hai anh em mình thôi hả anh?


- Anh đưa em lòng vòng vài nơi cho biết. Bọn này, hễ có con gái mới sang là không cần rủ tụi nó cũng đánh hơi được ngay, chẳng hiểu sao hôm nay toàn bận. Không giấu gì, em phải biết rằng ở đây con trai hơi bị mất giá lắm nhé.


An chỉ biết cười sặc sụa theo vì lối nói chuyện nửa đùa nửa thật của Huân.


- Vậy em đã biết gì về Strasbourg?


- Biết gì là biết gì?


- Ở đây có món ăn gì đặc trưng em biết không ?


- Phô mai hả ?


- Vậy là không biết, được thôi, bỏ tiền ra đãi anh tối nay nhé, anh chỉ cho biết.


- Trời ơi, chưa gì đã bị dụ rồi.


Anh lại cười, con người này sao hay cười thế không biết, mà tiếng cười ấy giòn thật, nhưng chẳng đẹp tí nào, ngượng ngạo. Anh vẫn đi trước, nó lặng lẽ đi theo, chen qua phố xá, chen qua dòng người đông đúc trong một buổi tối thứ sáu. Rồi hai người dừng chân trước một cửa hàng nhỏ chật kín người. Sau một hồi đứng đợi cả hai cũng vào được bên trong.


- Ở Strasbourg có hai đặc sản rất nổi tiếng, nhưng hôm nay em chỉ được ăn một thôi, lần sau để tiền, mời anh tiếp, anh dẫn đi ăn món thứ hai chứ mà làm một lần không ăn hết nổi.


Nó lườm một cái :


- Đắc quá là em nhịn.


Vừa lúc đó một anh bồi bàn đi tới, Huân gọi món gì đó bằng tiếng Pháp. Nó mặc kệ, đưa mắt nhìn khắp căn phòng. Đó là lần đầu tiên nó bước vào một quán ăn đúng kiểu phương Tây, cách bài trí cũng rất đẹp mắt và lạ lẫm.


- Món đó gọi là Tarte Flambée, anh thì thấy món này cũng bình thường, nhìn qua hơi giống pizza, không thích lắm, nhưng thôi cứ giới thiệu cho em biết. Chứ nay mai thành dân Strasbourg rồi mà không biết đặc sản là gì thì người ta cười chết.


An tròn mắt theo dõi, anh nói cho nó nhiều thứ lắm, những gì anh biết ở nơi đây, kinh nghiệm qua tháng ngày anh sống ở thành phố này. Hình như nó không để ý lắm đến những gì anh nói. Nó chỉ thích cách nói chuyện của anh, dí dỏm, nửa đùa nửa thật.


Một lúc sau, hai chiếc đĩa lớn được bê ra, bên trên là hai phần bánh còn nóng hổi, nhìn giống hệt như chiếc pizza nhỏ.


Hai người bắt đầu thưởng thức.


- Em thấy không thích lắm, em cũng không thích ăn mấy kiểu bánh giống pizza thế này.


- Haha, mừng vì em đã không thích ?


- Hả ?


- Để lần sau em có mời anh đi ăn, anh cũng sẽ không phải được ăn mấy món này.


- Làm gì có chuyện mà mời anh hoài vậy.


- Ôi em giờ sang đây là đại gia xứ này rồi đấy.


- Đại gia hồi nào ?


- Tiền học bổng của em cả nghìn euros một tháng mà không đại gia mới là lạ.


- Ai nói ?


- Thì em giới thiệu chứ ai ? Em nói với anh là em có học bổng mà.


- Ủa vậy hả, thì em hỏi xem tình hình đời sống thế nào, để còn dự trù xem mình có bám trụ nổi không chứ bộ.


- Yên tâm, đại gia rồi, đám sinh viên nghèo bọn anh không có cửa với em đâu. Biết có đại gia đến, nên anh em mới nhiệt tình đón tiếp thế đấy, người bình thường thì anh cũng không có sốt sắng đến vậy đâu.


- Bạc bẽo vậy sao anh.


- Nhưng mà anh dặn, bình thường gặp mọi người đừng có oan oan chuyện tiền bạc nhé. Sống ở bên này phận ai người nấy lo em ạ, chẳng biết tin ai được đâu, nhất là mấy khoản tiền bạc, nhớ đấy!


- Anh cũng không đáng tin đúng không?


- Haha, ừ, đừng có tin.


Ăn xong no nê, hai anh em lại tiếp tục rong rủi theo bóng đêm và hơi lạnh đang dần buông xuống. Họ vòng qua con đường nhỏ phía sau nhà thờ để đi ra quảng trường phía trước. Điện thắp sáng lấp lánh, khiến cho nhà thờ trở nên long lanh đẹp mắt vô cùng. An rút chiếc găng tay trong túi áo xỏ vào. Càng về khuya trời càng lạnh hơn, cảm giác đi dạo giữa mùa đông thật thích, nếu biết rằng có một bàn tay ai đó nắm thật chặt cùng bước sẽ thật ấm áp biết bao.


- Mà anh ơi, ai cũng biết em có học bổng hả ?


- Uhm, ai cũng biết hết, em cứ chuẩn bị tinh thần sẽ có nhiều lời đề nghị em mời đi ăn đấy.


- Thế sao lúc nãy anh không để em trả?


- À ừ nhỉ, sao anh quên mất.


- Hehe, chứng tỏ bên cạnh mình còn có « đại đại gia » thấy chưa?


- Em ơi, hai cái bánh đó có nhằm nhò gì, em chẳng nhớ là Alsace vẫn còn một món nữa đó, lần sau là em lo gì.


- Được, em đồng ý! Phải có qua có lại chứ.


- Sòng phẳng ghê ta, nhớ nhé, có qua có lại nhé. Haha.


« Có qua có lại », lại thêm một câu cửa miệng nữa của An khiến Huân lấy làm thích thú.


Để rồi trong cái không gian lạnh lẽo ấy, An ngước mắt lên, giữa vầng điện sáng tạo ra bởi ngọn đèn đường, những đốm nhỏ lấm tấm bắt đầu đều đặn rơi, cứ dày dần lên như cơn mưa phùn khô khốc. Vài phút sau đó trên mặt đường đã rơi đầy những chấm trắng li ti.


- Tuyết rơi đấy em.


- Wow, thiệt hả?


- Thiệt, nhìn đi.


- Ôi, đẹp quá !


- Em may mắn nhỉ, vừa ngày sang đã được thấy tuyết rơi rồi, chứ như anh ngày xưa phải mấy tháng sau mới được lần đầu tiên ngắm tuyết.


Bên cạnh có một cậu bé đi cùng mẹ, cũng đứng đợi xe buýt. Khi thấy những bông tuyết rơi, cậu ta cũng quấn quýt :


- Maman, la neige ! (Mẹ ơi, tuyết kìa !)


Người mẹ nở nụ cười phúc hậu nhìn đứa con yêu đang hân hoan giữa làn tuyết trắng rơi nhè nhẹ. Hình ảnh ấy khiến An dừng chân, đôi mắt không rời cậu bé kia, thật hồn nhiên làm sao. Nhưng đối với Huân, anh như mang một tâm trạng khác, anh không cười và có vẻ gì đó đăm chiêu hơn.


- Thằng bé dễ thương quá !


- Ừ...


Một khoảnh khắc của thời gian đã trôi qua trong yên lặng, Huân vội dục An :


- Thôi về em ơi, chứ tuyết rơi ngày càng nhiều đấy.


- Chờ chút, em thích mà!


Huân khẽ cười. An vừa đi, vừa ngước mặt lên trời hứng từng bông tuyết rơi xuống. Có lúc cô gái dừng lại chà chà đế giày xuống mặt đường, để cảm nhận sự mềm mại, nhẹ tênh, trắng xóa.


- Lúc trước em cứ nghĩ tuyết giống như đá vậy, sẽ lạnh lắm, sẽ cứng lắm.


- Bao giờ tuyết rơi cũng đẹp, nhưng lâu dần sẽ dồn lại, khô cứng và trơn trợt. Băng đá cũng hình thành từ đó và rồi sẽ buốt giá gấp bội.


Đúng là mọi vật ban đầu tinh khôi đều rất đẹp, mọi thứ như mới mẻ, nhưng lâu dần sẽ trở nên nặng nề hơn và như những bông tuyết kia nhẹ tơn rồi sẽ có lúc dồn nén, khô cứng và lạnh lẽo. Giống kỉ niệm đầu, lúc nào cũng nhắc nhớ con người ta mãi mãi và tình đầu sẽ luôn khó phai.


Đã hai mùa đông nữa trôi qua, kể từ lần gặp gỡ nhau đó, với An mùa đông bây giờ đúng chất buốt giá. Nó không còn thấy thích những bông tuyết rơi như năm xưa. Mỗi lần tuyết rơi là nó biết rằng sẽ lạnh, sẽ khó khăn cho đi lại, sẽ phải lội bộ vì các phương tiện công cộng có thể ngừng di chuyển. Nó sẽ phải đi trên những con đường trơn trợt, ướt át khi tuyết tan. Rồi cứ mỗi khi mùa đông về nó lại càng nhớ anh nhiều hơn, bởi lẽ anh cũng như những bông tuyết ngày xưa ấy, mới mẻ, êm dịu đến với nó trong ngày đầu tiên đến chốn này. Anh là người mang cho nó sự chăm sóc yêu thương của lần đầu tiên xa gia đình. Giờ đây anh đã ở chốn nào, anh chỉ để lại cho nó những mùa đông băng giá lạnh lẽo, cô đơn.


Dòng kí ức cứ lảng vảng, hững hờ như con nước buồn trôi. Nó ngồi đó trong một buổi chiều nhợt nhạt, ngày mùa hè lúc nào cũng dài lê thê. Đã hơn chín giờ tối rồi mà mặt trời hãy còn sáng rực và thay vì về nhà sau khi rời cửa hàng, nó lại thích tìm đến một nơi chốn quen thuộc cho những lần hoài niệm quá khứ. Petite France, một khu phố im lìm với những ngôi nhà cổ, những con kênh êm đềm. Đối với người lữ khách sẽ chẳng ai hiểu tại sao nơi này lại được gọi là Petite France – Nước Pháp Nhỏ; hình như là câu chuyện lịch sử nào đó còn tồn tại trong những cuốn sách của các sử gia hay kí ức của người dân bản địa rằng nơi đây là khu phố của những người Pháp, trong những năm tháng Strasbourg còn là một thành thị của nước Đức. Cho đến bây giờ, sau bao cuộc chiến tranh và những biến động của thời cuộc, Strasbourg đã là của nước Pháp, của người Pháp, nhưng người ta vẫn giữ tên gọi ấy để khắc nhớ một kỉ niệm một dấu ấn của lịch sử nơi này. Đó là câu chuyện của những người dân nơi đây, còn đối với du khách mỗi khi ghé thăm thành phố thì Petite France vẫn là một điểm đến không thể bỏ qua bởi vẻ đẹp thơ mộng của những căn nhà, những góc phố có từ hàng thế kỉ, theo đó còn là cả một hệ thống kênh rạch thủy lợi, những cây cầu cổ kính, là di sản của người Strasbourg và của thế giới.


Cái tên Petite France không hề xa lạ đối với An, tuy không còn có cảm giác phấn khích thích thú khi lần đầu tiên đến đây, nhưng cũng không hề nhàm chán. Nó thích đi dạo trên những cây cầu hay ngồi một mình trên ghế đá, ngắm nhìn dòng nước trôi, những chiếc thuyền qua lại. Nó luôn sống với hình ảnh của ngày xưa, của kỉ niệm một thời yêu dấu. Đau khổ ư, nó đã từng như vậy, hạnh phúc ư, nó cũng đã từng. Giờ đây nó chẳng cười mà cũng chẳng khóc. Nó vẫn nhớ mãi những buổi chiều thu thật đẹp bên dòng nước trong xanh ở Petite France này. Anh và nó đã như bao đôi tình nhân, đã cùng đi dạo giữa làn hơi sương lạnh của trời phương Bắc, trong tiếng sột soạt của lá thu rơi đầy dưới chân. Còn gì nữa? Nơi ấy còn là nơi ghi dấu kết thúc cho cuộc tình của anh và nó.


An vẫn cố sống trong tháng ngày lừa dối chính mình. Nó cố gắng để cho mọi thứ diễn ra thật êm đẹp như đã từng. Chẳng đặt thêm một câu hỏi nào hay một thắc mắc gì cho tương lai sắp tới. Mấy ngày cuối cùng có anh, nó đã ước thời gian này dài thật dài, một ngày có thể không phải là 24 giờ nữa mà phải là 48 giờ hay nhiều hơn thế. Nhưng không, sẽ chẳng ai thay đổi được thời gian, tất cả luôn hiện hữu dù xấu tốt, tệ hại ra sao. Con người sinh ra trong cuộc đời này phải biết đến bài học chấp nhận và sống với chính nó, cuối cùng thì điều gì đến cũng sẽ phải đến thôi.


Huân đã về Việt Nam sau 8 năm học tập nơi xứ người. Không có quá nhiều những sự hứa hẹn, nhưng những lời động viên nhau là không hề thiếu. Mọi chuyện có vẻ như không bất ngờ vì cả hai đã hình dung được phần nào kết thúc. Chẳng ai có thể nói lời chia tay vì rằng họ vẫn còn yêu nhau lắm.


- Xin lỗi anh, em có buổi làm việc nhóm ngay sau giờ học, nên chắc không ra tiễn anh được. Chúc anh đi an toàn.


- Được rồi, khi nào đến sân bay anh gọi cho em.


Thực tình nó cũng chẳng có buổi học nào cả, chẳng họp nhóm gì hết. Đơn giản nó trốn tránh và sợ đối diện.


Chuyến tàu tốc hành từ Strasbourg đến phi trường Charles de Gaude trở nên nhanh hơn bình thường trong tâm tưởng của Huân, hình như anh đang muốn níu kéo, chờ đợi gì đó. Đến sân bay, sau khi đã làm việc xong xuôi với đống hành lí và các thủ tục, anh ngồi trong phòng chờ, nhìn ra ô cửa kính, nhìn ra bầu trời nước Pháp ủ dột một ngày cuối thu. Thật khó tưởng tượng ra cảm xúc của anh. Cứ hình dung khi một ngày nào đó ta lại đứng ở sân bay chuẩn bị rời xa một nơi, một đất nước từng có bao năm gắn bó, bao kỉ niệm tuổi trẻ. Huân đang mang tâm trạng đó. Anh háo hức được gặp lại gia đình, được bắt đầu cuộc sống mới ở quê hương yêu dấu bao nhiêu thì cũng luyến tiếc, nghẹn ngào với nước Pháp bấy nhiêu. Chỉ còn hơn nửa tiếng nữa là máy bay sẽ cất cánh. Cổng vào cũng đã được mở, mọi người đang đứng xếp hàng qua cửa kiểm tra cuối cùng để lên máy bay thì Huân vẫn ngồi đó, cố náng lại. Anh mở điện thoại ra, bên cạnh những dòng tin nhắn chúc lên đường bình an của bạn bè anh không tìm đâu ra một tin nhắn từ An. Anh tắt máy, nhưng rồi lại bật lên, anh gọi cho An. Nhưng An đã không bắt điện thoại, lần cuối anh chỉ có thể nghe giọng nói ấm áp đáng yêu ngày nào qua hộp thư thoại tự động. Biết rằng đã quá quen thuộc với lời nhắn: "Xin chào, hiện tại tôi đang bận..." nhưng Huân cố gắng giữ máy thật lâu để nghe trọn vẹn giọng nói ấy cho đến khi những tiếng tút tút từ phía kia reo lên, rồi im bặt. Anh tắt điện thoại, rút sim ra và xếp nó vào một góc trong ví: "Tạm biệt em, anh sẽ luôn mang theo em trong hành trình này. Yêu em!"


Giá như An có thể nghe được những lời nói này, nhưng rất tiếc là không. Tình yêu luôn là thứ gì đó lạ lẫm và khác biệt, đôi khi tức giận, vui buồn, hạnh phúc lại cứ phải giấu vào trong, phải nuốt trôi tất cả trong thương nhớ.


Sau hôm đó, khi về nhà An đã khóc, thật nặng nề khi phải trở về căn phòng nơi hai đứa đã từng có những tháng năm hạnh phúc. Mỗi khi nhìn từng thứ đồ vật, từng chi tiết nhỏ An cũng đều hình dung ra hình ảnh của Huân. Này đây chiếc giường vẫn còn hơi ấm vì mới đêm qua thôi vẫn còn có hai người. An đã khóc, khóc rất nhiều. An cố tưởng tượng ra giờ này chắc Huân đang vui vẻ bên gia đình, bên ba mẹ sau quãng thời gian xa cách. Còn An, nó đang cố gặm nhấm nỗi cô đơn, nỗi buồn chỉ với một mình.


Mấy ngày sau đó Huân gọi điện cho An, cả hai lại một lần nữa giả tạo khi cứ phải cười cười nói nói và chỉ hỏi thăm nhau mấy câu xáo rỗng. Tất cả những thứ có thể chia sẻ chỉ là công việc học tập, cuộc sống, việc làm bên kia, bên này... Vẫn cứ gọi nhau là anh yêu, em yêu nhưng dường như nó đã không còn trọn vẹn hay có chăng là sự kiềm nén, ẩn chứa nhiều nỗi niềm bên trong.


- Anh ơi, tháng tới em chuyển nhà!


- Thế em đã tìm có nhà chưa?


- Em cũng đi xem một vài chỗ, cũng tạm được, nhưng em muốn xem thêm.


Cái khó nhất của một tình yêu là cách kết thúc. Nếu mọi chuyện đến hồi đổ vỡ thì thật dễ dàng cho một lời chia tay dù nó có khó khăn đến thế nào. Ngược lại nếu vì một lí do khách quan nào đó mà hai người phải chia tay nhau thì đó lại là một bi kịch, liệu có gì bi đát hơn cho một bi kịch trong tình yêu. Hãy cứ nhìn vào những thiên tình sử của nhân loại mà xem, hậu quả của những tấn bi kịch đó thật khủng khiếp. Nhưng thôi, ta đang sống trong một thế giời hiện đại, thế giới mà con người buộc phải thay đổi và thích nghi nhiều hơn với những thứ đang diễn ra hàng ngày. An biết rõ điều đó, cả hai như đang ở trong một trạng thái cực kì khó chịu, không gần nhau, không còn thực sự như một cặp đôi như ngày nào, vậy mà chưa bao giờ họ chấp nhận rằng họ đã chia tay nhau. Tất cả chỉ là một sự bỏ ngỏ, không lời.


- Anh còn nhiều thứ bỏ quên ở đây lắm đấy.


- Ừ anh biết, em cứ vứt nó đi cũng được. Chứ mỗi lần chuyển nhà cực lắm, em nhờ các anh chị giúp cho, tụi thằng Tiến đó.


- Anh khỏi lo đi. Mà từ ngày về đến giờ đã được ba mẹ dắt đi xem mắt cô nào chưa? Sắp đến tuổi 30 rồi còn gì?


- À có, nhưng không cô nào hợp ý anh cả.


- Thôi già rồi, kén quá ông ơi.


- Ôi, giờ em chê anh già hả?


- Thì tuổi ngày càng lên đó thôi!


Cũng vẫn chỉ là những cuộc nói chuyện bông đùa như thế, chẳng khi nào An và Huân dám nói với nhau rằng họ nhớ nhau. Họ cứ cố lảng tránh tất cả những nguy cơ có thể, một sự đối xử an toàn nhưng đôi khi thật tàn nhẫn.


Mỗi buổi chiều đi làm An đều đi ngang khu phố có căn phòng hạnh phúc ngày nào khi còn có Huân. An cố ngước mắt nhìn qua ô cửa kính của tàu điện để nhìn cho được căn phòng ấy dù hành khách có đông và chen chút đến mức nào. Khung cửa sổ vẫn sơn màu trắng như xưa, chỉ có điều mấy chậu hoa đỏ phía ban công đã được thay mới.


Thời gian lại lần nữa trôi đi, cùng với đó là những cuộc nói chuyện cứ thưa dần, mỗi người dần cố gắng lấy lại cho mình sự thăng bằng trong cuộc sống. An không còn đi về trong ngôi nhà nhiều kí ức kia nữa. Năm cuối của bậc Đại học đối với nó không phải nhẹ nhàng gì. Cảm giác nhớ Huân đã thôi không còn cồn cào như trước nữa vì nó đã cố gắng gói gọn tất cả những gì nhắc nhớ tới anh trong một cái thùng lớn để ở góc nhà mới. Nó sẽ chẳng mở ra nữa đâu, thế mà nó cũng không thế nào vứt đi.


Ghé qua Petite France nó lại muốn có anh bên cạnh, thì thôi mọi thứ đã là xưa cũ. Nó mạnh mẽ hơn ngày xưa nhiều và tâm hồn đã chai sạn ít nhiều. Đôi khi nó cảm thấy cô đơn ghê gớm. Giờ đây đối với nó Strasbourg không còn gì là xa lạ, nhưng nó vẫn cảm thấy mình lạc lõng lắm. Nó chợt nhớ tới những gì Huân nói: "Dù có ở đây bao nhiều lâu đi nữa nơi này vẫn cứ gọi là xứ người". Nó đã dần hiểu cảm giác của anh khi lần đầu tiên anh và nó đi dạo dưới trời tuyết, khi anh chạnh lòng nhìn đứa bé ríu rít nghịch tuyết bên mẹ. Một cảm giác chung của những con người xa quê, xa gia đình. Ngày đó nó chưa thực sự thấm thía điều đó và giờ đây mọi thứ dường như đã không còn trọn vẹn, nó cảm thấy nhớ nhà, nhớ gia đình da diết.


Cuối cùng thì nó cũng xong mọi thứ ở trường, tuần sau là nó bay rồi. Điểm đến được ghi rõ ràng trên tấm vé là phi trường Tân Sơn Nhất. Nó quyết định rời xa nơi này để trở về với những gì thân thuộc. Chiếc thùng giấy cũ vẫn còn nằm ngay ngắn ở góc nhà được nó mở ra. Những kí ức về Huân vẫn còn nguyên vẹn, những thứ đồ vật mà nó nhớ từng chi tiết. Có lẽ mọi thứ nên khép lại, tất cả được tạo ra ở Strasbourg này thì cũng nên để nó lại nơi đây. Nó chỉ cố tìm một món quà mà anh đã tặng nó nhân kỉ niệm một năm yêu nhau: một chiếc đĩa nhỏ có hình con cò trắng là biểu tượng của vùng Alsace, của Strasbourg và bên cạnh là tên của anh và nó. An chỉ mang theo kỉ vật đó trên chuyến hành trình mới của mình.


Trước lúc lên đường, nó chỉ muốn được ngồi lại nơi góc quán quen ngày nào để thưởng thức món Choucroute – món ăn đặc trưng thứ hai của Strasbourg, mà Huân và nó rất thích.


Chẳng biết có anh có đợi nó nơi Sài Gòn nắng ấm nhưng tất cả những ngày tháng tươi đẹp với Strasbourg chắc sẽ chỉ còn lại trong thương nhớ.


...


[1] Nước Pháp trên bản đồ có hình lục giác.


[2] Manto : một loại áo khoát dài hay mặc trong mùa đông.


[3] Kiến trúc Gothic ra đời sau thời kì kiến trúc Roman, được sử dụng phổ biến trong việc xây dựng nhà thờ cung điện ở Pháp.





 


Đang tải bình luận!