Hương lúa
Hương lúa
***
Tràn ngập cánh đồng một màu vàng rực như tấm thảm vàng trải dài tít tắp báo hiệu một vụ mùa bội thu. Mới sáng sớm tinh mơ mà bà con đã đổ ra đồng thu hoạch. Không khí nhộn nhịp khắp đường làng, ngõ xóm chỗ nào cũng thấy lúa và rơm.
Vừa xuống ô tô rẽ vào làng, Lụa không đi xe ôm mà cô muốn đi bộ để được ngắm nhìn những thửa ruộng vàng chắc rọi, đâu đó có tiếng gọi lao xao của mấy bà mấy cô "A! chị Lụa về".
- Cháu chào các cô, các bác! Lúa năm nay tốt quá các bác nhỉ.
- Lúa đã về rồi đấy cháu, chao ôi khác đi nhiều quá, đúng là người Hà Nội có khác, ăn cơm thành phố nên ngưới cứ trắng mãi ra.
Từ đằng xa tiếng mấy cậu thanh niên gọi với "Lúa ơi, có còn biết đi gặt không đấy", vẫn chẳng ai quên được cái tên Lúa mà ở quê vẫn gọi Lụa. Đó là kỷ niệm của cả nhà khi mẹ sinh ra Lụa đúng vào giữa mùa thu hoạch Lúa nên bà nội đặt tên là Lúa, nhưng tên khai sinh đi học thì bà bảo đặt tên là Lụa, lên thành phố học đại học thì chẳng ai biết cái tên Lúa đấy cả. Lụa thấy lòng xốn xang khi bà con vẫn gọi mình bằng cái tên trìu mến ấy. Lụa quẩy hộ một bà cụ đang gánh hai bó lúa trên đường đi về nhà.
Vậy là như tính toán Lụa đã về đúng dịp mẹ đang lên lịch gặt cho từng xứ đồng, thửa ruộng, sáng sớm hôm sau cái Lan đã chuẩn bị đâu vào đấy, thế là Lụa lại hòa nhập vào không khí ngày mùa của bà con làng xóm.
Tiếng cười nói ríu ran xua đi cái mệt nhọc nóng nực của thời tiết cuối tháng năm đầu tháng sáu, từng giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt bầu bầu của cái Lan, nhưng nó vẫn cười giòn tan liếc nhìn về phía anh Trọng đang thắng con bò vào xe lúa.
- Không tuốt luôn ở ruộng mà lại chở về nhà anh Trọng ơi!
- Lan đấy à! Ừ anh chở về nhà bằng máy điện cho sóng rơm còn để rơm cho bò. - Có cả kỹ sư nông nghiệp về găt hộ thế này thì nhất nhà Lan rồi.
- Bởi vậy nên Lúa nhà em chắc chắn tốt gấp đôi lúa nhà anh rồi.
Lụa thấy đỏ mặt lúng túng trước câu nói đầy hàm ý của người thanh niên đó, nhưng cô vẫn vờ như không để ý và vẫn nhanh tay thoăn thoắt gặt lúa. Cái Lan vẫn chưa thôi huyên thuyên "thế này thì phải đổi công với anh Trọng thôi".
Anh Trọng lại vui vẻ - "Sẵn sàng ngay"
Lụa thấy lòng rạo rực khi nhớ về những kỷ niệm thời phổ thông mà người hay bảo vệ và che chở cho cô, hay giúp cô sửa xe hỏng ngang đường và cho cô đi nhờ xe lại là người thanh niên đang chất lúa lên xe ở đằng kia. Chợt Lụa cảm thấy mình thật vô tâm khi mấy năm đi học mà không liên lạc với anh ấy một lần. Chỉ nhớ rằng anh Trọng học trước Lụa hai lớp, khi Lụa học hết lớp 10 cũng là lúc anh Trọng học hết lớp 12, nhưng vì gia đình anh nghèo bố lại bệnh nặng, các em còn nhỏ nên anh Trọng đành giữ giấy báo nhập học Đại học làm kỷ niệm. Thế rồi một năm sau anh đi nghĩa vụ quân sự, ngày anh đi Lụa đang học lớp 12, anh có gửi tặng Lụa chiếc khăn và cuốn sổ tay có ghi "Chúc em luôn vững bước trên con đường học vấn đừng bỏ nửa chừng như anh".
Lúc đó vẫn còn hồn nhiên lắm, cô luôn coi anh là người anh trai thân thiết của mình.
Mải nghĩ mông lung anh Trọng đã thắng xe qua ruộng từ lúc nào.
- Kỹ sư gặt lúa nhanh quá!
- Chào anh! Con nhà nông mà không biết gặt thì biết làm gì hả anh!
Giọng anh ấm áp "Nếu đồng ý tôi sẽ quay ra thắng cho một xe là xong".
Lan vẫn nhí nhảnh "Như thế thì còn gì bằng, cảm ơn anh nhiều nhé".
Chờ cho anh Trọng đi xa một đoạn Lan mới nói:
- Chị Lụa có nhớ anh Trọng không? Anh có chí lắm đấy, bây giờ anh ấy làm Bí thư Đoàn xã và là chủ nhiệm Câu lạc bộ trang trại trẻ đó. Anh Trọng vẫn nuôi ý chí học Đại học Nông nghiệp, các bác làm việc ở huyện và xã về thăm trang trại đánh giá anh rất cao. Còn đoàn thanh niên bọn em từ ngày anh ấy được bầu làm bí thư phong trào sôi nổi hẳn lên, mấy đứa tụi em vẫn hay tranh thủ hỏi bài nhờ anh giảng cho những bài khó.
Thấy Lụa vẫn cắm cúi mải gặt. "Chị có nghe em kể gì không đấy hay chị quên anh Trọng rồi!" - "Con này nói hay chưa nhớ hồi nào mà quên". Lụa lại đỏ mặt khi cái Lan hỏi đúng điều mà cô đang băn khoăn khi nghĩ về anh.
Lan vẫn không tha "Á à em biết tỏng rồi nhé, không nhớ, không quên sao chi lại đỏ mặt. Em nhớ có lần anh Trọng hỏi hỏi địa chỉ của chị nhưng em nói là không rõ lắm... anh ấy vẫn hay hỏi thăm và quan tâm đến chị nhiều lắm đấy, mà chị cũng thật vô tâm nửa năm cũng chẳng về thăm quê".
Tội nghiệp Lụa, cứ để cho cái Lan vừa làm vừa trách nhưng nó lại là đứa đầy trách nhiệm cáng đáng công việc trong nhà đâu vào đấy. Còn Lụa cô vừa học vừa lo làm thêm để khỏi phải xin tiền mẹ. Vụ lúa này nhà Lụa cấy tròn một mẫu, lúa tốt như thế này chắc phải được 2 tấn rưỡi, mẹ vừa nhẩm tính vừa bấm đốt ngón tay.
Áo mẹ ướt đẫm mồ hôi. Lụa thấy thương mẹ quá, sang năm cái Lan chuẩn bị thi đại học, em Long lại vào cấp 3, cứ thế chị em Lụa nối đuôi nhau đi học, mẹ lại thêm nhiều vất vả, bố thì nghỉ chế độ mất sức nên cũng hay đau yếu luôn.
Trăng mười hai mà sáng tỏ như ban ngày, từng đống lúa chất đầy thoắt cái đã được toán thanh niên do anh Trọng chỉ đạo tuốt được đống lúa vàng óng, mẹ đã chuẩn bị nồi lạc luộc. Long nhanh nhảu xách can bia về mấy anh chị em ngồi quây quần cười nói râm ran, cảm giác ở quê thật yên ả và thanh bình, trái hẳn với cuộc sống nơi đô thị mà Lụa từng chứng kiến. Tuy vất vả nhưng lúc nào Lụa cũng thấy thoải mái vì được sống trong vòng tay ấm áp của người thân, của bà con chòm xóm, họ lúc nào cũng vô tư giúp nhau tự nhiên trong những ngày mùa bận rộn.
Đoàn thanh niên đã vui văn nghệ ngoài nhà văn hóa khu, chỉ còn anh Trọng và Lụa vẫn đang rảo bước men theo con đường làng quen thuộc nơi hai bên là cánh đồng lúa ngút ngàn đang chờ ngày thu hoạch.
Hai người đi bên nhau mà Lụa lúng túng chẳng biết nói điều gì. Lụa thèm được cảm giác như ngày xưa khi nghĩ đến những lần anh Trọng ngắt lúa nếp vào những đêm trăng sáng về giang cốm hay bắt muỗm và châu chấu rồi Lụa cùng tụi trẻ chạy theo anh khiến quần đứa nào cũng dày đặc bông cỏ may.
- Em có thích anh gọi lại tên Lúa như ngày xưa không?
Lụa nhẹ nhàng "nếu anh muốn còn đối với em thì đó là cái tên mà em cảm thấy gần gũi thân quen và ấm áp lòng mình khi được nghe ai gọi."
Anh Trọng nắm chặt tay Lụa "anh còn nợ em một lời hứa"- "có lời hứa nào đâu anh, chính em mới là người phải nợ anh". "Vì anh chưa thực hiện được ước mơ vào đại học", "nếu anh có ý chí' - "Anh định tới đây sẽ theo học đại học Nông nghiệp". "Nếu không học được chính quy thì theo học tại chức có sao đâu anh. Quê mình đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới rất cần những con người như anh đấy, tới đây em sẽ xin về thực tập tại huyện mình để đi thực tế, anh Trọng giúp em nhé" - "anh sẵn sàng ngay, anh đang chờ em đấy."
Trăng cáng sáng tỏ soi rõ từng khuôn mặt người, gió vẫn vi vu từ cánh đồng lúa thổi vào mát rượi.
Lụa tựa lưng bên anh tuốt từng cọng rơm vàng óng hít hà mùi thơm của hoa đồng cỏ nội mà lòng cảm thấy nhẹ lâng lâng.
Nguyễn Trung Thành