The Soda Pop
Hàng xóm ở Seatle

Hàng xóm ở Seatle

Tác giả: Sưu Tầm

Hàng xóm ở Seatle

Bên kia hồ là Đại học Tổng hợp Washington. Tôi thuê một căn nhà gỗ bập bềnh mặt nước bờ hồ bên này. Kiểu nhà của Tom Hanks ai cũng đã thấy trong phim. Không phải nhà đóng cọc trên mặt nước mà nổi trên một hệ thống phao. Cảm giác dập dềnh trên nước hầu như không cảm thấy. Chỉ khi nào có một con tàu trắng đi qua, hướng về phía cây cầu đang mở tách làm đôi, hai nửa cầu chĩa lên trời chênh chếch hình nón, chỉ khi ấy căn nhà mới chênh chao nhè nhẹ. Sống quen trong ngôi nhà kiểu đó, người ta bỏ thói quen rót rượu rót nước theo lối ăn ở bát nước đầy.


***


Trong đám hàng xóm, tôi chỉ đôi khi nói chuyện với Jane. Nhà chị ở ngay sau lưng nhà tôi, trụ trên nền đất bờ hồ chứ không ở trên mặt nước. Hôm ấy trước cửa nhà chị ùn lên một đống cành thông bị nghiền vụn, xe hàng xóm qua lại phải lựa lối khó khăn. Chị vừa thuê công ty đô thị đến tỉa bớt mấy cành thông mọc ngang chọc vào mái nhà. Người ta chặt cành xong, cho vào máy nghiền vụn cả cành cả lá, trút một đống bên ngoài hàng rào rồi bỏ đi.


Jane xắn tay áo mang một cái xẻng ra quần quật xúc đám vụn thông hất qua hàng rào vào trong sân nhà mình, vừa xúc vừa luôn miệng xin lỗi những chiếc xe chầm chậm trườn qua. Cả một đống lớn, một mình chị xúc cũng mất nửa ngày. Tính an nam không ai nhờ cũng giúp, tôi xách một cái xẻng chạy ra xúc hộ cho nhanh. Jane vẫy tay, ồ không tôi không phải là người tàn tật.


Hơi bị sượng. Thì kệ, còn đủ chân đủ tay cứ việc làm một mình. Ở đây người ta không thích nhờ vả nhau. Tôi đã bị một lần trong phòng giảng viên. Giáo sư chung phòng cũng là người nghiên cứu văn hóa phương Đông, anh đang in thì máy in kêu tít tít báo hết giấy. Tôi ngồi gần thếp giấy trắng, vừa mới với tay định nhấc hộ thếp giấy chuyển sang thì anh đã vội vàng đứng dậy tự đi lấy. Ồ không, tôi không phải là người tàn tật.


***


Hàng xóm ở Seatle


Ban đầu hơi bị bất ngờ. Bên châu Âu trên xe buýt vẫn nhường phụ nữ ngồi. Bên đây dạo mới đến nhường ghế, nhường xong nhìn những bộ mặt phẳng lặng xung quanh chẳng ai nhường, cũng chẳng biết những cái mặt lạnh ấy đang nghĩ gì, rồi lại tự thấy mình giống một Don Juan, một Casanova quá đát.


Bến xe buýt gần nhà, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy một thiếu phụ đi cùng thằng bé chừng hai tuổi. Người mẹ xách túi to bước lên xe trước. Thằng bé tí hon tuổi ấy ở ta còn phải bế ẵm nâng trứng hứng hoa, cậu quý tử Mỹ ở đây phải tự mang ba lô trên lưng, chẳng được mẹ bế chẳng được dắt tay, tự leo lên hai bậc cửa mà theo mẹ vào trong xe. Những người đi sau cũng kiên nhẫn đứng chờ trước cửa xe, không ai chìa tay giúp thằng bé leo lên cho nhanh.


Nhưng rồi cũng đến lúc Jane phải nhờ đến hàng xóm. Gặp chị trong siêu thị gần nhà, tay trái bị gãy treo trước ngực, còn mỗi tay phải mà tay xách nách mang một đống túi to túi nhỏ. Tôi đẩy giúp chị cái xe chở hàng về nhà, hai người vừa đi vừa chuyện trò. Chị bị ngã khi bước xuống mấy bậc tam cấp trơn nhẫy nước mưa. Xứ Seattle bên bờ Thái Bình Dương quanh năm trời mưa. Jane than thở về trời đất chứ không kêu than thân phận phụ nữ ở một mình của chị.


***


Jane cũng từng có một gia đình đầy đủ. Người chồng cũ đã chia tay, không chịu được mùi gia súc gia cầm, cái mùi ám vào chị từ nơi chăn nuôi ở công ty về đến nhà. Hai đứa con trai đều đã thành niên, đều đang học đại học, đang thuê nhà ở nơi khác. Thằng lớn sau lễ sinh nhật mười tám tuổi tự động thu dọn ra đi.


Thằng bé có chút nũng nịu con út thì cứ nấn ná xem chừng muốn trì hoãn, muốn gần mẹ thêm ít lâu nữa. Thế là một hôm chị phải đối thoại thẳng thắn, mẹ có thể làm gì cho con bây giờ? Không có gì đâu mẹ ạ, con vẫn chưa tìm được cái phòng ưng ý để thuê. Chị bảo không có gì ưng ý được ngay từ đầu trên thế gian này.


Cậu con trai quay ra hỏi mẹ có biết vì sao người ta thống kê được rằng nước Mỹ có nhiều người thuận tay trái viết tay trái? Rồi trả lời luôn, vì cha mẹ tôn trọng tính độc lập của con mà không chịu uốn nắn. Rồi nói, con cũng yêu tính độc lập nhưng con vẫn muốn gần mẹ thêm để được uốn nắn. Chị thở dài, mẹ cũng không muốn xa con, nhưng mẹ đã nuôi con đến mười tám tuổi, con vào được đại học rồi, mẹ đã xong nghĩa vụ. Con có nấn ná ở lại thì con cũng không theo mẹ suốt đời được, tất cả chúng ta đều phải chia tay nhau ở cuối đường. Đường đời ấy.


Hàng xóm ở Seatle


Jane gãy tay. Hai cậu con trai có đảo qua nhà chốc lát rồi lại đi việc của họ. Chẳng ai ở lại. Hai ngày đầu tôi cho chị đi nhờ xe đến công sở, buổi chiều chị tự đi xe buýt trở về. Ở nhà có ba con mèo phải lo. Có cả con mèo già nuôi đã mười hai năm, bây giờ lông rụng nham nhở, béo ục ịch như một nữ nghệ sĩ chảy sệ hói đầu, nhưng vẫn kiêu hãnh leo lên xa lông tưởng mình ái ố yêu kiều.


Tôi thù con mèo này nhất, nó rải lông khắp trên thảm trên ghế ngồi trên xa lông. Tôi chỉ ngồi trên xa lông nhà Jane một lát, về nhà mới phát hiện ra bộ đồ đen của mình toàn lông mèo. Giũ áo chẳng sạch. Chả lẽ ngồi mà nhặt từng cái lông mèo. Cuối cùng phải ra hiệu thuốc mua một thứ băng dính, loại băng trong mỹ viện dán lên tay quý bà quý cô rồi xé xoạc một cái, lông tay trụi bằng hết. Chỉ có cuộn băng dính này mới giúp tôi thanh toán được đám lông mèo già.


Jane gọi ba con mèo là con, là bồ, là kid là darling là honey. Đặt cho chúng những cái tên mỹ miều con trai con gái. Chị chụp ảnh mèo, treo ảnh chúng trong mấy căn phòng. Toàn kiểu mèo ảnh viện, mèo thắt nơ, mèo đeo chuỗi hạt. Chuông cửa là một cái đầu mèo. Bát đĩa có hình mèo. Khăn ăn tranh mèo. Cái thớt gỗ chặt cá hình mèo. Sọt rác cũng hình mèo nốt.


Lạ một nỗi Jane lại là chuyên gia nuôi dạy gia cầm. Đối tác của chị là các vườn quốc gia, vườn bách thú, các nhà hoạt động môi trường. Chị bay đi bay về châu Âu châu Á, ở đâu có một cái tàu chở dầu làm tràn dầu xuống biển là người ta gọi chị. Có lần chị lên cả Bắc Cực cứu đàn chim cánh cụt đang thoi thóp vì dầu.


Về nhà nhớ chim. Đi làm xa nhớ mèo. Jane là người trung gian giữa hai đối thủ khó đội trời chung. Giống như chị đứng giữa tôi và con mèo già hoang tưởng. Ngồi nhà mấy ngày ôm cái tay gãy chị thở than thương đàn bồ nông đàn thiên nga đàn ngỗng Canada phải để cho người khác chăm chút. Chúng tôi ngồi chênh chao trước thềm nhà tôi, vào đúng giờ cây cầu trên hồ Union mở cho một đoàn thuyền buồm thong dong đi qua.


Trông chúng như một đàn thiên nga trắng. Chị bảo. Bà hàng xóm xế bên nhà chị lấp ló trong khoảnh vườn ngó xuống hồ, thấy chúng tôi bèn thụt ngay vào. Bà ấy giống một con bồ nông. Tôi bảo.


Bà già ấy hầu như không mấy khi ló mặt ra. Cũng có thể bà chỉ không ra mặt mỗi khi chúng tôi đi qua mà thôi. Mọi người đi làm hết bà mới ra hong nắng, ngắm hồ ngắm thuyền. Bà cũng chẳng phải người độc thân. Ba người con đi làm ăn ở những bang khác. Dịp lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh chẳng ai về, chỉ gọi điện thoại thăm mẹ. Chẳng ai làm phiền ai.


***


Hàng xóm ở Seatle


Jane thì có làm bận đến mẹ chút ít. Bà già bảy mươi tám tuổi phải lái xe từ bang Oregon lên, đi mấy trăm dặm đường đỡ đần cho con trong mấy ngày đầu, chăm nuôi một đống mèo và dọn dẹp nhà cửa. Hai cậu con trai thì chỉ việc hàng ngày gọi điện hỏi thăm mẹ. Bà già khoát tay âu yếm, nhà tôi có gien thích mèo, Jane có ba con, tôi chỉ có hai thôi, nhưng thế cũng là đủ, không thì nhà vắng vẻ lắm.


Ngày hôm ấy tôi đi xe buýt đến trường. Thiếu phụ và đứa con trai hai tuổi cũng đang chờ ở bến xe. Trước họ là một bà già ngồi trên xe lăn đang chờ người lái xe điều khiển cho bậc thềm đặc biệt hạ xuống, nâng cả người cả xe lăn lên, đưa vào trong xe. Đúng lúc bậc thềm hạ xuống, thằng bé dợm chân định bước lên trước. Chờ đấy. Thiếu phụ thình lình nặng lời làm thằng bé rụt ngay lại. Hiếm khi thấy một thiếu phụ đỏ mặt mất bình tĩnh như vậy ở nơi công cộng. Chờ cho bà già và chiếc xe lăn được nâng vào hẳn trong xe, thiếu phụ mới hạ giọng với thằng bé, không nhường đường cho người tàn tật là vô đạo đức. Rồi bước lên xe luôn. Thằng bé gằm mặt bò lên mấy bậc cửa vào theo.


Ở trường, anh bạn giáo sư văn hóa phương Đông sắp lên lớp. Vạt áo sơ mi bên trong thò ra khỏi áo khoác ngoài theo kiểu mớ ba mớ bảy. Tôi ra hiệu cho anh thấy. Anh cười thích thú, cậu như mẹ tớ ấy nhỉ.


Ở đây không ai nhắc nhở ai, không ai xoi mói bình phẩm ai ăn mặc kiểu gì màu gì gu gì. Chỉ có mẹ mới nhắc con chuyện ấy.


***


Thế mà cũng có ngày tôi gặp lại Jane. Chị sang cùng một đoàn làm phim tài liệu của Pháp. Phim quay ròng rã bốn năm ở tất cả các châu lục, thậm chí lên cả Bắc Cực. Bộ phim về những chuyến bay xuyên lục địa của những đàn chim di trú. Đoàn làm phim thuê đàn thiên nga của Jane và chị phải đi cùng với chúng. Đoàn thiên nga trong hành trình vạn dặm bay về phương Nam, ghé qua Việt Nam, bay trên trời xanh nước xanh hồ Ba Bể, bay trên non xanh thảm lúa xanh Tam Cốc Bích Động, bay trên hồ nước thảm cỏ Đồng Mô.


Một ngày ở Đồng Mô, Jane giới thiệu tôi với đàn thiên nga của chị. Các con ơi, đây là người này tên là thế này từng là hàng xóm của mẹ ở Seattle, khi ấy các con bé bỏng hơn bây giờ các con chưa biết anh ấy. Mẹ Thiên Nga vuốt ve bá cổ thiên nga tôi thấy không khác mấy cái cổ ngỗng. Đến giờ tập ghi hình, Mẹ Thiên Nga dắt cả đàn xuống bến. Một cái xuồng máy tốc độ cao chờ sẵn. Lăm lăm máy quay phim chuyên dụng quay trên máy bay trên xuồng cao tốc. Đàn thiên nga khệnh khạng đi xuống dốc, dáng đi lạch bạch tiếng kêu khàn khàn thô kệch như một lũ ngỗng ao nhà.


Nhưng khi chúng vẫy cánh bay lên thì ngỗng chỉ là ngỗng mà thiên nga cứ là thiên nga. Jane vỗ tay cao giọng gọi, bay lên nào các con. Cả một rừng cánh trắng nhất loạt xòe ra cất cao lên trôi êm dịu trong không trung. Xuồng máy tám mươi cây số giờ bám theo sau chúng, ống kính ghi trọn cả những rung động dập dờn của từng sợi lông trắng muốt. Cả tháng trời mỗi ngày hai lần tập, mỗi lần bốn chuyến bay. Xuồng máy khi bám theo sau đàn thiên nga khi vượt lên trước để chúng bay theo. Tốc độ cao như vậy, chúng lướt gió vun vút cứ thanh thoát cứ thong dong huyền ảo trên mặt hồ.


Lần tập thứ ba, xuồng bám theo chúng đến bờ hồ bên kia thì hai con thiên nga quá trớn lao đi mất hút vào một xóm nhỏ. Những con nhớ đường quay về đỗ xuống bến lạch bạch như ngỗng đi lên, kêu xao xác như mấy bà nhà quê mách lẻo. Jane tái mét. Cả đoàn nhốn nháo. Tất cả tức tốc lấy xe phóng vào làng. Sục sạo khắp mấy xóm phía bên kia hồ. Lao xao khắp làng cả buổi chiều mà thiên nga vẫn biệt tích.


Mãi. Tuyệt vọng. Hoảng loạn. Mỗi con thiên nga mấy ngàn đô. Mỗi con thiên nga là một đứa con của Jane. Rốt cục một thằng bé mách nghe thấy bên nhà hàng xóm có tiếng kêu quàng quạc. Xông đến ngay. Hai vợ chồng đều còn trẻ mà đều điếc lác. Cười ngơ ngẩn. Chúng em biết đâu, có nghe ai hỏi han gì đâu, cái gì, thiên tai à, thiên nga à, chả có thiên nga nào sất, có hai con ngỗng lạc vào vườn, chúng em trói bỏ trong chuồng lợn, định mai mang ra chợ ai mua thì bán.


Thiên nga bị trói lăn lóc trong chuồng lợn be bét phân lợn trông còn thảm hơn ngỗng. Jane lao vào cởi trói, tắm rửa cho chúng, ôm ấp chúng khóc ròng. Các con ơi, sao đến nông nỗi này, không tìm được các con, mẹ chết mất, mẹ xin lỗi, cho mẹ xin.


Người cười người khóc. Tất cả đều được giải tỏa. Định đi thì có mấy thanh niên xóm bộ dạng hút hít xin đểu chặn xe lại. Chưa đi được. Cô chú ấy điếc nhưng tôi là cháu tôi thính mắt thính tai, cô chú tôi đã trả hai con thiên tai thì các vị phải lại quả đền bù mấy ngọn mùng tơi gãy. Rồi đại diện chính quyền xã cũng có mặt. Thỏa thuận xong. Hai trăm đô.


***


Buổi tối cả đoàn bên lửa trại, người Pháp người Mỹ người Canada gốc Hoa. Jane kể về bà già hàng xóm ở Seattle. Cả tuần liền chị để ý không thấy bà ra khỏi nhà. Đến bấm chuông cửa hỏi xem có cần giúp gì không thì chẳng ai mở cửa. Chị sợ bà ốm đau tai nạn trong nhà không ai biết. Sau rốt, Jane phải gọi điện cho cảnh sát. Người ta ập cửa sổ chui vào, phát hiện ra bà già thoi thóp trên giường. Chậm một ngày thì bà đi.


Hàng xóm ở Seatle


Nhưng điều Jane biết sau đó mới làm chị day dứt. Trong tủ lạnh của bà già không còn một tí thực phẩm nào. Bà đã dọn sạch mọi thứ. Bà lại còn mặc chiếc áo cưới trước khi lên giường lặng lẽ tuyệt thực. Có nghĩa là bà chủ động vào cuộc hành trình vĩnh viễn. Thế mà chị lại báo cảnh sát. Mai đây bà được cứu sống, bà trở về, Jane làm sao nhìn mặt bà cho được.


Đúng lúc chị tìm được hợp đồng làm phim này. Ba con mèo gửi về cho bà mẹ già ở Oregon, trả lương chăm nuôi hàng tháng cho bà. Chị sang Việt Nam rồi còn đi nhiều nơi nữa.


Jane khoe cậu con út quý tử giờ đã biết thông cảm với mẹ. Gần đây cậu viết trong thiếp mừng Giáng Sinh, nhờ mẹ mà con vững vàng biết tự lập. Cậu mua tặng mẹ một con mèo. Nó làm mẹ luôn nhớ đến con, nó là con luôn ở bên mẹ.


Thế mà chị phải rứt ruột xa chúng. Đi thế này nhớ lắm, nhớ cả ba con, à quên cả bốn con mèo ấy.


Hồ Anh Thái


Đang tải bình luận!