Đi tìm ký ức
Đi tìm ký ức
Nhưng rồi thời gian có để ai sống mãi với tuổi thơ đâu, đứa nào cũng phải lớn, đứa nào cũng phải dứt ra khỏi những chuyến rong chơi trẻ dại.
***
Tháng 1, đi tìm ký ức.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Thủ Thiêm, nơi người ta từng gọi là vùng "bưng biền của thành phố", nằm bên kia sông, cách Sài Gòn một chuyến phà ngang nhộn nhịp, chỉ với hai ba ngàn là có thể tận hưởng một chuyến đi sông nước giữa lòng thành phố. Nhưng giờ đây, chuyến phà "cuối cùng" cùng tất cả những hình ảnh thân thương mà tôi từng gắn bó, đã chìm vào những khoảng lặng vô hình của cuộc sống. Thay vào đó là những cơn lốc của "di dời, giải tỏa". Nó lần lượt cuốn đi biết bao nhiêu nhà cửa, mảnh vườn, ao cá. Cuốn đi khoảng sân trồng đầy hoa sứ. Cuốn đi cái chổ đặt bụi ván ngoại nằm. Cuốn đi cái sàn nước thân thuộc mà chiều nào dì ba cũng lôi tôi ra đó kì cọ, tắm rửa. Cuốn đi cái chổ má tôi bán xôi trước cổng trường học, gói xôi năm ngàn cầm trên tay sao mà thấy thương những giọt mồ hôi má đã đổ. Cuốn đi cái chổ ba đóng cho tôi cái kệ sách mới từ đống cây ván củ ba xin về từ chổ làm và nhắn nhủ: "cuộc đời cũng giống như cuốn sách, con đừng gấp nó lại quá nhanh".
Rồi đây, những khu trung tâm thương mại nhộn nhịp, thời thượng sẽ mọc lên trên những ao rau muống, ao bèo đã từng một thời xanh um. Những tòa nhà chung cư cao và hiện đại sẽ ngoi lên từ những ngôi nhà mái tôn xập xệ yếu ớt, mà mỗi lần mưa gió kéo tới là nhà cửa lại rung rinh như rùnh mình khiếp sợ. Tất cả những thứ giản dị mà tôi gọi là nôm na là "nỗi nhớ", giờ đây chỉ còn là những hình ảnh, những âm thanh, những niềm vui nỗi buồn chen lẫn vào nhau. Mà mỗi lần tôi nhắm mắt lại, tôi thấy nó thấp thoáng đâu đó như người ta lãng du trong miền ký ức. Nhưng tôi biết, nó là những ký ức không bao giờ được phép lãng quên...
Không được phép quên, nên thành ra tôi nhớ. Tôi nhớ những mái nhà sàn lụp xụp bên sông, nhớ cái dốc cầu Ông Cậy ngày nào. Cây cầu mà thường xuất hiện trong nhiều phim của bác Đảng. Chiều nào cũng thấy đám bạn ra đó chơi trò "nhảy cầu" rồi lặn hụp theo mấy anh lớn hơn đi mò trùng chỉ để bán cho mấy tiệm cá.Nhớ cái bến đò ngang gần đó thường đưa đón khách sang sông, những chiếc ghe máy nổ ì ạch, mà có dịp đi, tôi đều cho tay xuống mặt nước, lướt theo từng cơn sóng nhỏ. Có lần tôi tưởng tượng, đâu đó có bầy cá lìm kìm bu đến, rỉa tới tấp, bàn tay chỉ còn trơ ra xương xẩu trắng phếu, nghĩ tới đó thôi tôi đã thấy ớn lạnh rùng mình, rút tay lên còn nhanh hơn lúc cho xuống. Nhớ cái khúc sông đó cũng có nhiều người chết đuối lắm, vậy mà tụi bạn có đứa nào sợ, chiều nào cũng tụm ba tụm bảy bơi tới bơi lui, hò hét inh ỏi.Nhớ những đêm trời trong gió mát, cả đám dắt díu nhau ra ngồi trên thành cầu, chân đong đưa theo gió, phóng tầm mắt từ bên này sông qua tới bên kia sông, rồi miệng mồn há hốc:"Sài Gòn về đêm đẹp thiệt bây ha!". Sài Gòn về đêm đẹp thiệt, với những tòa nhà cao ngất lấp lánh những ánh đèn nê-ông, những ánh đèn xe máy lập lòe trên phố như những con đóm đêm mãi miết tìm đường, luôn quyến rủ, luôn hấp dẫn những ai tha phương cầu thực, muốn một lần được thay đổi số phận. Họ đến Sài Gòn mà cứ ngỡ nơi đây là miền đất hứa sẽ mở rộng vòng tay, sẽ bao dung, sẽ ôm ấp lấy họ. Nào ngờ, đằng sau cái vẽ hào nhoáng và lộng lẫy đó là những mảng màu tối sáng lẫn lộn. Nghèo có, giàu có, tốt có, xấu có, hạnh phúc có, bi thương cũng có. Những ai giữ được ước mơ và niềm tin của mình, cũng mong tìm thấy được một chút ủi an giữa những không gian chật hẹp mà lòng người thì lạnh và xa lắm.Và tôi cũng đã từng có những ước mơ bé nhỏ nhưng "Đại Gia" của mình: "lớn lên tao sẽ là đốc giám, lớn lên tao sẽ làm ca sĩ, diễn viên". Có đứa còn chỉ thẳng vào tòa nhà cao nhất mà nói: "lớn lên tao để dành tiền mua căn nhà trong đó đó", có đứa còn ghê hơn: "Lớn lên tao sẽ làm thư kí chân dài", có đứa trỏ mỏ vô: "mày vừa lùn vừa xấu làm thư kí ai thèm mướn, thư kí thì chân phải dài tới nách nè!". Cái miệng hại cái thân, con nhỏ bạn nổi khùng, rượt thằng đó chạy muốn... "hộc máu", báo hại cả đám cười muốn bật ngửa. Nghĩ lại, giờ thấy cũng còn vui, tủm tỉm cười hoài, cười cho những ký ức đi hoang rồi vụt mất, nhưng đã kịp đưa tay níu lại. Nắm chặt quá, sợ nó mỏng manh bể nát, nắm nhẹ quá sợ nó hững hờ rồi bay đi.
Nhưng rồi thời gian có để ai sống mãi với tuổi thơ đâu, đứa nào cũng phải lớn, đứa nào cũng phải dứt ra khỏi những chuyến rong chơi trẻ dại. Có hôm gặp lại mấy đứa bạn củ, đứa nào cũng khác, có đứa làm hồ, có đứa làm thợ uốn tóc, có đứa hùng hạp mở quán cơm với ông bà già vợ, có đứa lấy chồng từ năm mười tám tuổi con cái hai ba đứa nheo nhóc, có còn đứa nào nuôi dưỡng được "ước mơ hùng hồn" của mình ngày nào đâu. Chỉ còn tôi là cố gắng chạy theo những ước mơ của mình, lận đận với học hành, với sự nghiệp, có khi nhìn lại không biết mình đã đi đúng hướng hay chưa, hay nó không dành cho mình, hay mình không hợp với nó, ngẩm nghĩ vu vơ một hồi rồi lại thấy...buồn.Trong lòng lại ngỗn ngang những dấu chấm hỏi, chấm than...Lại trở thành một người đi tìm những ký ức của mình. Ước gì mình được trẻ lại.
Tháng 1/2014.