Snack's 1967
Ông Tóng bản Rôn

Ông Tóng bản Rôn

Tác giả: Sưu Tầm

Ông Tóng bản Rôn

Tôi sinh ra và lớn lên ở bản Rôn. Bố tôi là người Kinh, từ hồi còn thanh niên ông lên miền ngược làm ăn và đã bén duyên với một cô gái Thái, con của một trưởng bản rất có uy tín trong vùng chính là mẹ tôi. Sau khi cưới nhau, bố quyết định ở lại miền núi làm ăn không về dưới xuôi nữa. Sau này tôi xuống lại thành phố học tập, rồi lập nghiệp cứ lâu lâu mới về nhà một lần. Và cứ mỗi lần về lại được chứng kiến những sự đổi thay rất thú vị ở bản Rôn, từ những con đường vào bản đến chuyện của nhà hàng xóm.


***


Ông Tóng bản Rôn


Cách đây không lâu tôi có về thăm nhà, vào đúng dịp diễn ra ngày hội bản Rôn. Tôi được giao cho trọng trách cùng với các thanh niên khác trong bản lo khâu ẩm thực cho lễ hội. Chắc do ăn phải nhiều loại món ăn lạ nên chỉ sau một buổi sáng tôi bị đau bụng dữ dội phải về nhà nằm. Tôi bị đau bụng vì bị dị ứng thức ăn, chỉ cần uống một liều thuốc là khỏi nhưng trong nhà lại không còn một viên thuốc nào. Bố tôi bảo mẹ đi xuống chợ hoặc ra trạm y tế mà mua thuốc cho tôi. Lúc ấy bà cũng đang bận chuẩn bị đi chơi hội nên cứ luống cuống lên xuống, thấy tôi cứ kêu oai oái bà liền bảo với giọng nửa thật nửa đùa:


"Để tao sang nhà ông Tóng lấy cho, nghe nói dạo này ông ấy chế được nhiều thần dược lắm, nhà thầy thuốc ngay đây, đi mười cái bước chân là tới sao mà xuống tận cái chợ xa lắm".


Tôi thấy bất ngờ tưởng mình nghe nhầm liền nhăn nhó ôm bụng nhắc lại.


"Bác Tóng? Thầy thuốc á?..."


Trước sự ngạc nhiên của tôi mẹ tôi liền giải thích thêm:


"Ông Tóng giờ đã chuyển sang làm nghề bốc thuốc chữa bệnh rồi đấy".


Bố tôi đang chuẩn bị đi xuống nhà tham dự hội, nghe thấy mẹ nói thế liền quay lên nói mẹ tôi.


"Bà đừng có mà vớ vẩn, uống thuốc của lão ấy thì có mà con trai bà nó ngoẻo luôn ấy. Xuống chợ xa mấy mà không đi mua cho nó viên thuốc được".


Mẹ tôi cười cười rồi cũng khăn nón đi xuống chợ để mua thuốc cho tôi. Tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên và tò mò, sao ông Tóng giờ lại có thể trở thành thầy thuốc được. Hôm nay lúc ở ngoài sân bãi đầu bản nơi tổ chức lễ hội tôi cũng nhìn thấy ông bác ấy. Lúc chúng tôi đang loay hoay nấu nướng thì ông đứng gần đó ngắm nghía, thỉnh thoảng lại giúp mọi người quay thịt, thái đồ ăn hay giã muối ớt hộ... Ông Tóng làm thì ít mà chỉ chăm chăm ăn vụng và bỏ đồ ăn vào túi thì nhiều. Lúc đó ai cũng bận cả với lại hình như cũng thừa biết tính ông vốn thế nên chẳng ai thèm nhắc nhở nữa. Cứ những ngày lễ, ngày Tết mà ông Tóng lên nhà chơi thì nhà nào nhà nấy đều phải nhăn mặt. Chẳng bao giờ ông quan tâm đến những phép lịch sự, cứ ăn đấy ăn để, trước khi ra về còn xin cái nọ, xỏ cái kia. Nếu có những đồ nhắm dễ bỏ túi như hạt bí, hạt đậu rang, kẹo ông còn vừa ăn vừa bỏ túi. Hết bữa cơm, bữa rượu cũng được đầy túi đồ nhắm, người ta bảo ông mang về nhà cho vợ.


Những ngày đầu cha mẹ tôi mới từ trong núi ra ngoài trung tâm xã sinh sống còn rất khó khăn. Hồi đó bản Rôn chỉ có gần chục nóc nhà, mỗi nhà nằm cách xa nhau cả cây số. Chẳng biết may rủi thế nào nhà tôi và nhà bác Tóng lại ở ngay gần nhau, chỉ cách có vài chục bước chân. Nhà bác cũng là một trong những nhà đầu tiên đến bản Rôn và còn đến cả trước nhà tôi nữa. Nghe mẹ tôi kể, hồi xưa bố tôi chọn làm nhà ở gần nhà bác Tóng cũng là muốn có hàng xóm cho vui. Chứ hồi đó bản Rôn còn hoang vu quá nên bố mẹ cũng thấy sợ. Thế là hai nhà chúng tôi đã trở thành hàng xóm được hơn hai chục năm rồi. Nhà bác Tóng có tận năm cô con gái. Cả gia đình bảy người ấy từng sống trong một căn nhà sàn nhỏ liêu xiêu, những năm nhà người ta lợp ngói hết nhà bác Tóng vẫn còn lợp lá. Mỗi mùa mưa bão dù to hay nhỏ họ đều phải sửa lại nhà vì nó cứ gặp mưa bão là ít nhiều lại bị hỏng hóc, xiêu vẹo thêm. Tất cả các chị con gái nhà bác Tóng đều đi học chưa hết bậc tiểu học thì nghỉ. Riêng vợ chồng bác thì một chữ bẻ đôi cũng không biết. Vợ bác, hay dân bản còn gọi là bà Tóng là một người phụ nữ rất nhẹ dạ cả tin và khờ khạo. Tuy vậy bà lại dễ nóng nảy, rất hay chửi chồng, đánh con trong khi ông chồng thì lại sợ vợ. Ông Tóng là một người khá láu cá, hay ba hoa, phét lác làm vui cho dân bản. Dù thế người ta vẫn không bao giờ có thể ưa nổi cái tính hay ăn trộm vặt và sự tự nhiên thái quá của ông. Hồi xưa anh em tôi vẫn hay tủm tỉm cười mỗi lần nghe vợ chồng bác Tóng chửi nhau. Người vợ mắng chồng rõ buồn cười nhưng gây tổn thương bằng những câu ví von mà chưa ai từng ví, chẳng hạn như:


"Ông nói đi xem nào, sao để cái mồm như cái đít con trâu thế hả?" hay "Đúng là cái thằng chồng ngu, ngày xưa không bị ép uổng thì tôi đã lấy ông Uôn cùng bản thì giờ đã chẳng phải ăn canh lá bon như con lợn, ăn củ sắn chấm ớt rừng thay cơm, ngủ bên cạnh một cây gỗ biết ngáy o o như thế này rồi..."


Những lúc ấy chỉ thấy người chồng im lặng, nếu cãi lại thì người vợ sẵn sàng phi vào đánh chồng. Có lần bác Tóng đã bị thương đến hai tuần liền ở chân vì bị vợ phi cả cán thuổng vào. Hai vợ chồng ông bà Tóng cãi nhau, chửi nhau rồi đánh nhau cũng chỉ vì chuyện miếng cơm manh áo. Nhớ hồi đầu những năm 90, lúc ấy an hem tôi còn bé lắm, các chị con nhà bác Tóng cũng chẳng lớn hơn là bao. Nhà họ thường xuyên thiếu ăn, thiếu mặc và rất hay cãi cọ đánh đập nhau. Những đứa con lớn hơn thường cùng bố mẹ đi nương xa, mấy chị bé chưa biết việc thì ở nhà chăm gà, lợn và làm mấy công việc vặt trong nhà. Những hôm các chị ấy mải chơi không để ý đàn gà làm chúng vào vườn bới hết các luống rau non, hay trời mưa không cất váy áo phơi ở ngoài vào trong nhà thì tối đến y như rằng lại bị đòn, có khi bị cho nhịn cơm. Nhà chúng tôi ở ngay bên cạnh, kể ra thì kinh tế có khá khẩm hơn chút nên thi thoảng có gì nhiều mẹ tôi lại mang sang biếu nhà đấy. Nhưng nhà họ vốn đông con, lại hầu như ai cũng ăn nhiều và ăn khỏe cả nên biếu bao nhiêu cũng chẳng đủ.


Được người ta cho nhiều rồi cũng thành quen, hễ cứ trong nhà thiếu gì từ cây rau đến cọng hành nhà bác Tóng lại chạy sang nhà tôi xin. Mẹ tôi tỏ ý không hài lòng vì họ lấy nhiều quá, nhất là bác Tóng mỗi lần bác kêu bảo cho bác xin nắm lá lốt thì cả góc vườn nhỏ mà mẹ tôi chỉ để trồng cây lá lốt cũng trụi sạch. Bác bảo xin ít mận thì cả cây mận trông có vẻ lưa thưa đi hẳn. Mẹ tôi thường khéo léo biếu nhà họ các cây và hạt giống nhưng chẳng biết họ trồng kiểu gì mà mãi không được. Vợ bác Tóng toàn than thở rằng hạt mầm không lên hay cây giống mới cắm xuống đất đã chết héo... Mẹ tôi tôi từng nói với bố tôi về việc ấy, bà băn khoăn hỏi:


"Hay là họ mang cả cái hạt giống mình cho đi ăn mất rồi, chứ làm gì có chuyện gieo mãi vào đất mà không mọc được cái mầm nào?"


"Có khi thế thật" – bố tôi trả lời.


Đất đai khá rộng rãi nên bố tôi rất hay mang những cây rau rừng về trồng. Những cây rau Ban, rau Sắng, Sung, Vả được trồng ngay sát bờ rào nhà tôi với nhà bác Tóng. Biết trong vườn nhà tôi có những cây đấy kiểu gì bác Tóng cũng sẽ sang xin suốt nên mẹ tôi đã cô ý đem trồng ngay sát bờ rào nhà họ. Gia đình bác kia cũng tự mặc định nó là của chung nên khi cây chưa kịp lớn đã sai các con gái đi hái rau về ăn rồi. Mỗi lần nhà họ có khách khứ, cỗ bàn thì lại sang nhà tôi mượn chiếu, mượn bát đũa, dao thớt... lúc trả lại thì thường chẳng còn cái nào nguyên vẹn. Mười cái bát chị lớn nhà đấy sang mượn lúc sáng hôm trước, hôm sau mang trả chỉ còn lại bảy. Nhiều lúc phát bực mẹ tôi cũng kêu ca nhưng họ chỉ nghe rồi để đấy.


Làm mãi không đủ ăn, cũng không phải là vì lười biếng. Vợ chồng ông Tóng đều là những người cao lớn, khỏe mạnh và cũng vì thế mà họ thường ăn rất nhiều. Cả năm cô con gái mà họ sinh ra cũng đều vậy, dù chẳng được chăm bẵm, ăn uống no đủ như con cái những nhà khác nhưng các chị ấy vẫn lớn phổng phao, và đều khỏe mạnh cả. Tôi nhớ có một lần, mẹ sai anh em tôi mang mận sang biếu nhà bác hàng xóm. Một rổ quả mận khoảng tầm năm, sáu cân, hai anh em tôi còn bé nên phải khệ nệ khiêng mãi mới mang được chỗ mận đó sang được. Mới đến cửa các chị nhà ấy đã ùa ra, người nắm, kẻ bốc, kể giấu vào áo, kẻ mang đi giấu ở một chỗ nào đó sau nhà... Cả năm chị từ lớn đến bé chí chóe, đánh đập tranh giành nhau từng quả một, không ai chịu nhường ai cả. Hai anh em tôi chưa kịp về nhà thì rổ mận to đã gần như hết sạch. Vợ chồng bác Tóng cũng làm đụng cận lực như những nhà khác nhưng chắc do canh tác thiếu kỹ thuật, lại thiếu sự tỉ mỉ, kiên trì nên năng suất bao giờ cũng kém hơn những nhà khác. Nhà bác Tóng rất ít khi chăn nuôi, mà hễ cứ chăn dắt được con gì nó chưa kịp lớn bác Tóng lại bán nó đi. Dân bản không còn lạ gì chuyện mới đầu tháng thấy ông Tóng dắt một con bò vào rừng chăn, cuối tháng đã chẳng thấy nó đâu nữa, vì ông bán đi rồi.


Cách đây khoảng tầm 10 năm về trước chị con gái lớn nhà bác Tóng đi lấy chồng. Khoảng vài năm tiếp sau đó, những cô con gái còn lại cũng dần dần được người ta đến rước đi. Vợ chồng bác Tóng cũng phải bán dần đất đai để làm đám cưới và sắm sửa của hồi môn cho các con gái. Cuối cùng hai bác chỉ còn lại một thửa ruộng và một mảnh nương quanh nhà. Thế mà cứ mỗi năm bác Tóng lại bán đi một ít đất, giờ đã bán đến sát tận sân nếu không muốn nói là sát vách. Chắc nghĩ sau khi về già rồi cũng chẳng có sức mà làm nữa nên bán đi, nhưng cứ bán như thế tôi nghĩ chưa kịp già khọm nhà bác đã hết đất chỉ còn mỗi căn nhà. Với lại nhà bác không có con trai, ở bản Rôn vài nhà cũng vẫn còn giữ tục ở rể nhưng chẳng ở lâu như xưa nữa, cùng lắm là một hai năm rồi con gái phải theo về nhà chồng. Không biết vợ chồng bác Tóng sau này già cả, không lao động được nữa thì có ai đến chăm sóc không. Nhưng có lẽ hai bác ấy cũng chẳng có thời giờ mà bận tâm đến một tương lai xa như vậy. Trước nay họ vẫn thường chỉ cần lo được đến đâu hay đến đấy.


Những tưởng các cô con gái đi lấy chồng, vợ chồng ông Tóng sẽ đỡ khổ hơn vì chỉ còn lo có hai miệng ăn nhưng hai bác ấy vẫn nghèo khổ như thế. Gần sáu mươi mà người ta vẫn thấy ông Tóng đi làm thuê bốc vác cho chủ các xe chở hàng vào những ngày thu hoạch nông sản. Còn bà Tóng thì vẫn suốt ngày đi đào dế, xúc tôm tép ngoài suối, đi rừng bắt ốc sên, hái rau rừng, đào củ mài, củ khoai rừng để mà ăn qua ngày. Những nhà khác trong bản người ta đã tự trồng được cả rau rừng, chăn nuôi được từ con cá, con gà, vịt... nên chẳng cần phải lên rừng, xuống suối mà kiếm thức ăn nữa. Chợ búa lúc ấy cũng đã gần bản hơn, nhà nào cũng có xe máy cả nên người ta cũng hay xuống chợ mua sắm, từ khoảng chục năm trở lại đây người bản Rôn đã yêu cái chợ hơn cái rừng của họ rồi. Với lại giờ rừng cũng chẳng còn gì để họ tìm kiếm, nó đang càng ngày càng bị thu hẹp đi, rau rừng và thú rừng cũng chẳng còn mấy nữa. Có vẻ như chỉ có ông bà Tóng là luôn buồn ra mặt trước tình trạng ấy, vì không có rừng họ chẳng biết bám víu vào đâu nữa.


Năm chị con gái nhà bác Tóng lần lượt tên là Tóng, Bôm, Mỷ, Diển, Khiêng. Các chị ấy không xinh nhưng cũng chẳng đến nỗi xấu xí, chỉ có điều chắc do được học hành ít nên họ cũng có vẻ khờ khạo, ngờ nghệch như mẹ của họ vậy. Dân bản thường nói với nhau rằng, những cô con gái nhà ông bà Tóng đi lấy được chồng cũng là cái may mắn lắm, cũng phải tốt số lắm mới lấy được chồng. Vì thường ở trong vùng những cô gái như họ (tức là chẳng thông minh, chẳng xinh xắn, chẳng khéo léo, cha mẹ chẳng có của...) rất khó lấy chồng. Tuy vậy, hầu như các chị ấy cũng toàn đi lấy chồng ở các bản xa cả, cứ vài tháng mới thấy về thăm bố mẹ đẻ một lần, có khi mỗi năm về vài lần. Chắc bác Tóng cũng chẳng mấy mong đợi các cô con gái về thăm.Vì mỗi lần có con cháu về chơi là nhà ông bà lại có vẻ trống rỗng đi trông thấy. Những gì mang được các cô con gái đều mang đi hết cả, từ củ tỏi cho đến đàn gà mới nở. Cả năm cô con gái của bác Tóng sau khi lấy chồng cũng đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn cả, gia đình chồng của các chị cũng nghèo. Chẳng ai khá hơn ai, mẹ tôi bảo những lúc các chị ấy từ xa đến thăm bố mẹ đẻ, khi ra về không mang được gì đi theo thì thấy chẳng bõ công nên có gì lấy được là các chị ấy lấy đi hết. Có năm gần đến Tết, vợ chồng bác Tóng đi rừng cắt được khoảng chục bó lá dong định đem xuống chợ bán lấy tiền ít tiền. Chưa kịp mang đi thì các con gái, con rể xuống "chúc Tết" và mỗi nhà đều xin một bó lá về gói bánh thế là cũng hết veo...


Tôi lại nhớ đến hình ảnh của bác Tóng sáng nay. Cái thân hình cao lớn, lực lưỡng có thể vác được cả bao tải ngô nặng đến năm mươi cân lên vai giờ đã gầy sọm đi nhiều. Chắc giờ để vác được bó củi nhỏ lên vai từ rừng về nhà khoảng năm cây số, bác ấy cũng phải vừa đi vừa dừng nghỉ lấy sức nhiều lần mới về đến nơi được. Những sợi bạc trên mái tóc đã thay thế gần hết những sợi tóc đen. Làn da ngăm ngăm đen của bác giờ đã xuất hiện thêm rất nhiều nếp nhăn làm cho khuôn mặt vốn hơi méo mó trở nên xấu xí lạ. Tuy vậy cái vẻ hơi chút láu cá vẫn hiện qua đôi mắt sáng quắc. Mẹ tôi kể bác Tóng mồ côi từ nhỏ, bên nhà vợ cũng nghèo khó, lúc lấy nhau hai vợ chồng chẳng có tài sản gì. Mấy mảnh nương đồi cũng là tự khai phá đất rừng mà có. Bác lại chẳng được học hành gì, cán bộ về phổ biến khoa học kỹ thuật cũng không tiếp thu được, nhà lại đông con nên cái nghèo cứ đeo bám ông Tóng bản Rôn mãi. Nếu không có sức khỏe cường tráng và sự láu cá thì chắc ông Tóng đã chẳng nuôi nổi vợ con và tồn tại được cho đến bây giờ. Đang chìm trong những suy nghĩ về bác hàng xóm tôi không để ý là gần nửa tiếng đồng hồ đã trôi qua và mẹ tôi đã từ dưới chợ đi về.


"Mua được thuốc rồi này, uống đi cho nó hết cái đau bụng." Mẹ tôi đưa thuốc cho và bảo. Uống thuốc xong tôi lại hỏi mẹ.


"Sao bác Tóng lại thành thầy thuốc rồi hả mẹ?"


Mẹ tôi cười rồi thở dài tỏ vẻ chán nản kể.


"À, đợt trước ông Tóng lên rừng hái được cây Nom Nom, chắc mày cũng không biết đó là cây gì đâu. Nó là cái cây người ta dùng để cho những bà mẹ mới đẻ không có sữa cho con bú ấy mà, nhưng mà nó bị hái hết từ đời nào rồi. Mấy chục năm chẳng ai nhìn thấy nó nữa thế mà ông Tóng lại tìm được trong cái rừng. Cái hồi ông ấy có cây thuốc ấy thì đúng dịp có người bản bên mới sinh con không có sữa, ông ấy mang thuốc bán cho họ. Người ta mừng lắm, cứ khen đấy khen để, bảo ông ấy là người có tài tìm thuốc quý này nọ. Sau đó lại có mấy người nhờ ông ấy đi tìm thuốc này thuốc nọ cho.Từ đó ông ấy trở thành thầy thuốc, chuyên đi tìm cây thuốc chữa bệnh cho người ta đấy. Người uống thuốc của ông ấy có người khỏi có người không, số người khỏi thì hiếm mà cũng chỉ là những bệnh thông thường thôi."


"Bác ấy cũng giỏi thật mà mẹ nhỉ?"


"Chẳng biết có phải giỏi không, nhiều lần có người nhờ ông ấy đi bốc thuốc hộ tao toàn thấy ông ấy sang vườn nhà mình xin nhặt nhạnh những cái cây cỏ linh tinh gì ấy. May không có cây nào gây độc thôi, chứ ông ấy cứ tiếp tục bốc thuốc kiểu đó thì sớm muộn cũng sẽ có người bệnh lại thêm bệnh."


"Thế mà hồi trưa mẹ còn định đi lấy thuốc chỗ bác ấy về cho con uống đấy". Tôi vặn lại mẹ.


"Tao nói đùa thôi mà."


Tôi định bụng sau khi khỏi đau sẽ sang nhà bác Tóng chơi xem sao, cũng đã vài năm rồi tôi không sang nhà ấy, chắc là từ cái đợt bác làm nhà mới. Chắc bác đã chẳng thể cất được ngôi nhà, mà chính bác cũng thừa nhận không biết sẽ ra sao nếu không có các chính sách xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ của bản, của Nhà nước. Ở bản Rôn năm nào nhà bác Tóng cũng rơi vào diện hộ nghèo. Nhà bác cũng được hỗ trợ rất nhiều như không phải đóng tiền điện, được hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền làm nhà, Tết nhất cũng được biếu quà và tiền ăn Tết v.v. Dù thế cả chục năm rồi nhà bác Tóng vẫn không thoát được cái nghèo. Giờ hai vợ chồng già sống trong một căn nhà dạng cấp bốn nhỏ lợp ngói, tường gạch trát vữa trông kiên cố hơn ngôi nhà xưa kia nhiều. Đất quanh nhà đã bị bán gần hết, ông Tóng bán đất phần để lấy tiền trang trải nợ nần, phần để dùng chi tiêu những việc thường ngày. Dù chẳng mua sắm gì nhưng hàng tháng nhà bác cũng có việc đầy việc phải cần đến tiền. Đó là những đám cưới, lễ mừng nhà mới, lễ đặt tên cho trẻ, đám ma... của những người trong bản hoặc họ hàng. Người ta đã mời thì không thể không đi, đối với người ở bản Rôn đó là trách nhiệm, là tình làng nghĩa xóm. Tuy vậy cuộc sống hiện đại bây giờ khác ngày xưa nhiều. Trước kia đến tham gia những lễ như thế người ta chỉ mang theo quà tặng là đồ gia dụng hoặc là rượu, gạo và củi trong đám ma. Còn bây giờ hầu như người bản Rôn đi lễ gì cũng toàn dùng tiền cả.


Hình như cứ mỗi lần bác Tóng đi ăn cỗ bàn là dân bản lại có đầy chuyện để kể lể với nhau. Thực ra nếu không phải những ngày lễ to thì người ta chẳng bao giờ mời đến bác Tóng. Những đám cưới hay lễ mừng nhà mới là luôn phải mời cả bản đến dự nên những dịp đó dĩ nhiên bác Tóng cũng có mặt. Tiền mừng của cho những dịp này ở bản Rôn thực ra cũng chẳng nhiều như ở dưới xuôi. Những năm gần đây cũng có người mừng đến trăm nghìn nhưng đa số vẫn năm mươi, tám mươi nghìn. Riêng ông Tóng đi mừng thì cũng chỉ đến mười, mười lăm, hai mươi có khi nhiều thì ba mươi nghìn. Nhiều người cũng tỏ tỏ thông cảm cho bác Tóng vì nhà bác còn nghèo nhưng hầu như ai cũng bực mình vì sự bất cẩn thái quá và thiếu lịch sự của ông.Thứ nhất là bác Tóng không bao giờ chịu đổi những tờ tiền lẻ nhàu nát sang tiền chẵn hoặc những tờ tiền phẳng phiu hơn, cứ thế cầm một nắm tiền lẻ đủ màu đưa cho gia chủ. Thứ hai là chuyện ăn uống của bác đến là khó chịu, đi đến hết mâm này sang mâm khác rồi lại tự nhiên mò xuống bếp nhà người ta chẳng phải là để xem không...


Đến cuối chiều khi tình hình sức khỏe đỡ hẳn, tôi chuẩn bị sang nhà bác Tóng chơi. Trước khi đi mẹ tôi bảo xuống vườn cùng bà mà hái ít rau mang sang cho họ chứ không nên sang không. Cứ cách một hai ngày mẹ tôi lại biếu nhà bác Tóng ít rau củ vì không cho họ cũng sẽ sang xin. Vườn nhà tôi chung bờ rào đá với nhà các bác ấy. Đang cúi xuống hái rau thì nghe thấy tiếng nói cười hớn hở, tiếng trẻ con khóc ở bên nhà bác Tóng. Tôi đứng lên, đưa mắt nhìn qua hàng bờ rào đá được xếp cao gần hai mét ngăn cách giữa hai nhà thì thấy một trong số các con gái của bác Tóng đem theo cả chồng con đến, mẹ tôi thì thầm bảo:


"Là cái Khiêng đấy, trong số năm đứa con gái đi lấy chồng thì đứa đó là khổ nhất. Nó lấy người bản Kạn ở cách đây không xa lắm. Nghe nói nhà nó ở bản bên đấy cũng được công nhận hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ nhiều nhưng chồng nó lười làm. Chắc dạo này nghe nói bố làm "thầy thuốc" với lại biết chắc hôm nay có hội bản, ông Tóng đi dự hội kiểu gì cũng thón được ít nhiều thịt thà như mọi năm nên lại kéo chồng con xuống thăm hỏi rồi cắt xén ấy mà..."


Nghe mẹ nói đến đấy mà tôi thoáng buồn, tôi buồn cho bác Tóng. Ngẫm một đời bác Tóng khổ cực thế cũng là vì các con gái. Nếu các chị ấy cùng chồng con biết làm kinh tế và tự lo được cho bản thân không đến vòi vĩnh bố mẹ mình nữa thì bác Tóng chắc chắn sẽ đỡ hẳn. Lát sau cũng thấy bác Tóng từ hội bản về. Thấy bác Tóng mới đi vào sân các cháu ngoại và con gái đã ùa ra, người thọc túi quần, kẻ thọc túi áo để xem ông có gì không. Từ bờ rào nhà mình nhìn sang tôi thấy bác Tóng đang cố gắng nở một nụ cười méo xệch và loạng choạng cố tách ra khỏi đám con cháu để đi vào trong nhà. Tôi ngại chẳng dám sang thăm nhà bác Tóng hôm đấy nữa định để dành sang dịp khác nhưng rau đã hái xong mẹ tôi đành để lên phía trên bờ rào đá. Mẹ bảo hàng ngày định cho hay biếu nhà họ rau quả gì thì cứ để như thế họ khắc tự đến lấy, "không cần phải mang sang tận nơi cho vất vả đâu", chính nhà bác Tóng bảo mẹ tôi như thế.


Hoa Thược Dược


Đang tải bình luận!