Teya Salat
Mùa chim bẫy

Mùa chim bẫy

Tác giả: Sưu Tầm

Mùa chim bẫy

Nhìn anh tôi lại nhớ mùa chim bẫy về cùng mùa lúa chín với hương cốm thơm lừng thuở nào, mỗi khi chiều về những làn khói lam chiều quyện bay trên những nếp nhà tranh...


***


Cuối tháng năm, hay đầu tháng tám âm lịch hàng năm khi những vạt lúa sớm ven rừng bắt đầu vào mẩy, lác đác vài đám lúa bắt đầu "đỏ đuôi" báo hiệu mùa lúa chín. Vẳng trong lũy tre làng tiếng chim gáy vang lên gióng giả gọi mùa về. Đó cũng là lúc những người bẫy chim ngói quê tôi vào vụ. Chim ngói như dân làng quê tôi gọi là chim bẫy, hình dánh chúng nếu chỉ nhìn thoáng qua ta dễ lầm tưởng chúng với chim cu gáy, bộ lông cũng màu tro xám nhưng tươi hơn, cườm cổ ít hơn và mình nhỏ hơn chim cu gáy. Điểm khác biệt lớn nhất là chim ngói không biết gáy và chúng thường sống thành từng đàn từ chục con, có đàn đông đến hàng mấy chục con. Còn cu gáy thường sống theo từng đôi. Khi mùa lúa chín cũng là lúc chim bẫy bay từng đàn từ rừng xuống các cánh đồng có lúa chín để kiếm ăn.


Mùa chim bẫy


Người đánh bẫy chim quê tôi không nhiều bởi nó không được coi là nghề vì thời vụ chỉ kéo dài một hai tháng là hết nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Những người đi bẫy chim họ thường ở độ tuổi trung niên, rảnh rỗi ít vướng bận công việc gia đình, họ đi bẫy chim do ham thích và cũng coi đây như một thú vui tiêu khiển, thú đi điền dã là chính, giống như người đi câu cá tìm thú vui yên tĩnh bên sông nước, ao hồ chốn làng quê vậy. Họ ít nghĩ tới tiền nong bởi "chim trời, cá biển" biết đâu mà tính trước được! Đây cũng là lúc nông nhàn, mùa vụ chưa tới nên họ tranh thủ đi đánh bẫy chim kiếm đồng tiêu vặt hay cải thiện bữa ăn cho gia đình... Chủ yếu vẫn là tìm thú vui trong săn bắt mà thôi.


Thú chơi nào cũng có sự cầu kỳ của nó. Riêng bẫy chim ngói cũng vậy, những người này thường có tính kiên nhẫn cao. Người bẫy chim lâu năm có kinh nghiệm thường rất coi trọng việc lựa chọn chim mồi, bởi chim mồi có tốt, có nhạy mới đánh bắt được nhiều. Do vậy mà trong mỗi mùa bẫy chim, người ta phải lựa chọn chim mồi trong số những con mới bẫy được theo những tiêu chuẩn riêng biệt như : Ức nở, cánh dài, đầu thon nhỏ, mắt tinh nhanh, nhất là chim không quá già vì những con chim mới này sẽ là con mồi thay thế chim mồi cũ, nuôi chờ mùa bẫy năm sau. Trong số hàng trăm con mới bẫy được, họ chọn lấy chừng chục con, nuôi, rồi huấn luyện thành chim mồi.


Việc nuôi chim mồi từ mùa này sang mùa sau cũng đòi hỏi sự công phu, vì chim ngói là loại chim rất khó thuần dưỡng bởi tính bản năng hoang dã cao. Lồng nuôi chim phải có không gian đủ rộng, thoáng đãng treo ở nơi cao ráo, thoáng mát về mùa hè, kín ấm về mùa đông. Nước uống, thức ăn cho chim phải đựng trong cốc sạch sẽ, thay nước và đánh rửa thường xuyên, phải có cành để chim đậu, có nước cho chim tắm, đề phòng chim mắc bệnh. Chỉ lơ là việc chăm sóc là chim dễ chết ngay, tới vụ không có chim mồi lại phải tìm mua chim mồi mới vừa đắt lại chưa được tập luyện nên bẫy sẽ khó.


Gần tới vụ người ta cho chim ra khỏi lồng, buộc chân vào bàn vỉ luyện bay cho chúng, sao cho khi giật vỉ chúng "bốc bay" đúng lúc, đúng tầm để quyến rũ nhử lũ chim trời hạ xuống. Bộ đồ đánh chim cũng khá lỉnh kỉnh gồm: Lồng chim, gọng, lưới, vỉ buộc chim mồi, chốt hãm, ghim, dây kéo lưới, kéo vỉ... Tất cả đồ nghề phải được kiểm tra kỹ tới từng chi tiết trước khi đi bẫy, nhất là dây giật lưới, giật mồi phải trơn, phải chắc và thường làm bằng dây gai. Dàn chim mồi đủ cần 6 con, ngoài ra cũng cần có một hai con dự phòng. Trước khi đi bẫy người ta phải đi "thị sát" địa điểm chọn nơi nào chim thường bay qua và phải có bãi trống rộng chừng bốn, năm chục m2 để đặt lưới. Thường người ta chọn bãi phải gần các vạt lúa chín sớm nơi mà chim ngói hay tìm đến ăn. Khi đã chọn được chỗ thích hợp người bẫy chim phải phát dọn các cây, cỏ, cắt gốc rạ ... sao cho khi giật, lưới không bị mắc, bị vướng.


Mọi công việc người bẫy chim phải làm từ lúc trời chưa sáng để kịp đón lũ chim đi ăn sớm. Tiếp đến là việc trải lưới, đặt mồi, chặt cành cây cắm thành lùm để người nấp trong đó. Bốn con chim mồi thuần thục nhất bị khâu mắt và buộc chân để sẵn trên bàn đế đặt ở 4 góc lưới. Khi mọi việc đã xong người bẫy chim phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống lưới một lần cuối. Rồi vào đứng trong lùm cây vừa cắm, quan sát phát hiện hướng chim có thể bay tới. Đây là giây phút chờ đợi cần sự kiên nhẫn của người bẫy chim. Khi phát hiện đàn chim đang bay đến, người bẫy chim ngồi xuống, lần lượt giật bàn vỉ hất chim mồi bay lên, hạ xuống nhử đàn chim xuống.


Anh bạn tôi kể về tâm trạng của anh những khi ấy: "Lúc giật mồi, chim vừa sà xuống là lúc hồi hộp nhất, niềm vui sướng xen lẫn lo lắng tưởng đến thót tim vì nhiều khi tưởng mười mươi trúng lớn mà rồi lại trắng tay bởi có đàn đã sà sát lưới, tự nhiên chúng phát hiện ra mối nguy hiểm nào đó nên chúng đột ngột vọt lên ngay, nhìn bóng dáng chúng mất hút trên nền trời xanh mới tiếc làm sao! Lại có lần cả đàn chim ước chừng ba chục con sà đậu đúng lưới, mình vội vàng giật dây úp lưới thì nghe "phựt" một tiếng, dây đứt, cả đàn chim giật mình vỗ cánh rào rào lao vọt lên, thế là hỏng ăn, vừa bực, vừa tiếc đứt ruột." Hóa ra sự may rủi nghề nào cũng có. Một người khác lại kể : "Có lần đi, may mắn một buổi sáng được úp lưới ba lần, lần nào cũng trúng hàng chục con, ra bắt chim thả vào lồng mà sướng rơn! Ấy vậy mà cũng nhiều phen rong ruổi mấy ngày liền mà đành ôm lưới về không nhưng trong lòng vẫn thấy hăng, vẫn cứ thích đi."


Vừa rồi tôi về quê chơi gặp lại anh bạn mà trước kia anh là người mê bẫy chim lắm, thấy anh gác lưới trên xà nhà, tôi gợi chuyện hỏi sao năm nay không đi đánh bẫy nữa? Anh nhìn tôi vẻ mặt buồn buồn rồi anh nói: "Mấy năm gần đây đồi rừng bị chặt phá, chim bỏ đi hết, còn đâu nữa mà bẫy! Cứ mùa tới lại nao lòng nhớ thuở xưa đi bẫy chim sao mà thú thế! Giờ đi cả mùa may lắm cũng chỉ được chục con là giỏi. Đố ai giờ đây còn thấy những đàn chim ngói đông đến mấy chục con như trước đây nữa. Vậy nên mình đành gác cần, treo lưới giải nghệ lâu rồi!"


Nhìn anh tôi lại nhớ mùa chim bẫy về cùng mùa lúa chín với hương cốm thơm lừng thuở nào, mỗi khi chiều về những làn khói lam chiều quyện bay trên những nếp nhà tranh, cảnh thôn quê thanh bình của tháng năm xưa thật đẹp vô cùng, giờ nhớ lại mà lòng thấy bồn chồn, nhớ nhung khôn tả!


Bùi Nhật Lai


 


Đang tải bình luận!