Duck hunt
Làm dâu bản Bơn

Làm dâu bản Bơn

Tác giả: Sưu Tầm

Làm dâu bản Bơn

Chẳng biết rồi ngày mai sẽ ra sao nhưng Hương thấy làm dâu họ Cà Mảy, làm vợ Pản được như thế này là hạnh phúc lắm rồi, dù có chuyện gì xảy ra cô biết chắc chắn sẽ không bao giờ Pản bỏ cô lại một mình.


***


Hương chở một bao tải nhét đầy bông lau và bọc vải thổ cẩm mới dệt trên xe đạp đi vào bản Bơn, mấy bà già cùng vài đứa trẻ con đang tắm giặt ở ngoài con suối cạnh đó lại thấy ngạc nhiên lắm. Không giấu nổi được sự tò mò, các bà cứ liếc mắt nhìn nhau, rồi một bà liền dướn cổ hỏi to:


"Mày đi đâu đấy hả mẹ thằng Vảy?"


"Con đi làm chăn đệm mới cho cụ thằng Vảy đó ạ!"


Hương cố tình trả lời thật to như muốn cho cả bản đều nghe thấy, chuyện cũng đã rồi cô chẳng việc gì thấy xấu mặt như trước đây nữa. Mọi người ồ lên rồi quay sang nhìn nhau, không chỉ những người ở suối mà còn cả những người đang nhổ cỏ trên đồng và những người qua đường cũng đã nghe thấy. Tin đồn ông cụ thằng Vảy tức ông Kìn lại lấy vợ lần nữa như vậy đã được xác nhận là có thật.


Làm dâu bản Bơn


Tám mươi tuổi hơn rồi, ông Kìn cũng đâu còn trẻ trung gì nữa nhưng từ sau khi bà Kìn mất ông đã tái giá được cả thảy năm lần, mà thêm lần này nữa là lần thứ sáu. Trong đó bốn cái đám cưới của ông diễn ra trong vòng chỉ có chưa đầy một năm, ông bắt đầu tái giá sau khi vợ mất được nửa năm nhưng ý định đi bước nữa của ông đã xuất hiện từ lâu. Từ ngày về làm dâu nhà họ Cà Mảy đây là lần thứ sáu Hương làm chăn đệm mới cho ông cụ nội của con trai mình, để ông còn chuẩn bị đi lấy vợ mới. Chuyện ông Kìn cứ... không ngừng lấy vợ, lấy rồi lại bỏ đã là một đề tài cũ với các tay buôn bán nước bọt ở bản Bơn. Bao nhiều điều có thể phóng tác lên họ đều đã làm cả rồi nhưng người ta vẫn không bao giờ thấy ngán ngẩm câu chuyện về ông Kìn. Biết người bản hay dòm ngó tới mình càng những lần lấy vợ về sau ông Kìn càng kín đáo hơn nhưng điều đó lại càng khiến người ta tò mò hơn. Người ta không biết ông đã bỏ người vợ kế thứ năm từ lúc nào và chuyện tình của ông với bà kế thứ sáu ra sao, nghe nói họ cũng mới quen nhau được vài ngày vậy mà đã cưới rồi. Dân bản thắc mắc lắm nhưng con cháu của ông Kìn những người trong họ Cà Mảy thì cứ im ỉm, chẳng ai nói gì về chuyện ông Kìn. Mẹ chồng của Hương còn làm mặt mày khó chịu khi nghe ai đó nhắc tới chuyện bố chồng mình, Hương thì khác vì thấy bị mất mặt nhiều rồi nên cũng cảm thấy chẳng còn gì để mà mất nữa.


Hương là người Kinh về làm dâu bản người Thái đã được gần hai năm nay vì đã được sống cùng người Thái từ nhỏ nên cô cũng thích nghi nhanh chóng với cuộc sống vùng cao. Tuy vậy không biết bao nhiêu là chuyện kinh thiên động địa xảy ra bên họ nhà chồng cũng làm Hương mấy lần suýt ngất vì quá sợ và ngán ngẩm. Chồng của Hương là Pản một chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú và hiền lành, vợ đã học xong trung cấp Mầm non và trở thành cô giáo dạy trẻ ở bản thì Pản mới chỉ học xong lớp 11. Anh đang có ý định học nốt lớp 12 như mong muốn của vợ nhưng mà lại muốn đợi cho xong chuyện ông nội đã rồi tính. Hương và Pản từng là bạn học cùng trường cấp hai với nhau, năm Hương đang học năm đầu trường Trung cấp Mầm Non trên tỉnh thì Pản đòi cưới bằng được. Sau mấy lần Pản tự tử bất thành thì Hương mới đồng ý làm vợ anh. Ngoại trừ ông nội chồng ra thì bố mẹ chồng và họ hàng nhà chồng đều rất yêu quý Hương, mẹ chồng cô chẳng bao giờ để cô phải đi nương, gánh củi, gùi ngô. Pản – chồng Hương thì khỏi phải nói là anh yêu cô đến nhường nào, hồi vợ mới sinh anh không rời khỏi nhà nửa bước. Vợ kêu lên một tí là anh chạy tới liền, bao nhiêu việc nhà anh giành làm hết cho đến tận bây giờ, khi con trai đã được gần một tuổi. Mọi việc to nhỏ trong gia đình, dòng họ bố mẹ chồng đều đem ra bàn bạc với Hương rồi mới quyết định. Những chuyện khác thì không nói làm gì nhưng chuyện của ông nội chồng mỗi lần nhắc đến Hương chỉ lắc đầu cáo lui và bảo:


"Thôi cái đó quyền ở cụ và Pá, Mế con không biết làm thế nào đâu".


Mọi người ai cũng khen Hương làm vợ Pản sướng lắm, là cô dâu sướng nhất cái bản Bơn này. Ngày mới về làm dâu chẳng cần mang theo của hồi môn gì nhiều, vì cô không phải người cùng dân tộc nên nhà chồng cũng không yêu cầu. Lấy chồng xong mà vẫn được tiếp tục đi học, rồi còn được đi làm "cán bộ" thoải mái, dạy học xong rồi thì về ăn cơm, chơi với con nhiều khi chỉ ở nhà không chẳng phải làm gì... Hương luôn được làm những gì mình thích mà bố mẹ chồng và chồng chẳng bao giờ ngăn cản, vân vân. Nghe thiên hạ khen vậy Hương cũng chỉ biết cười trừ, người ta không ở trong chăn nên không biết chăn có rận. Nhà chồng Hương cũng có điều kiện nên dựng được hai ngôi nhà sàn rất to, cái ở trong bản Bơn được gọi là nhà trên thì để cho ông bà nội ở còn một cái ở ngoài bản gọi là nhà dưới thì bố mẹ chồng cô làm trang trại nên dựng thêm ngôi nhà và ở đó luôn. Mới cưới nhau chưa được mười ngày thì bà nội chồng lại đổ bệnh nặng, vợ chồng Hương phải lên ở nhà trên ở với ông bà để chăm sóc. Những ngày cuối cùng người bà Kìn bốc mùi hôi thối khủng khiếp, dù mẹ chồng và các cô bên chồng cũng hay lên để giúp bà tắm giặt, ăn uống nhưng nhưng đêm đến thì chẳng ai lên ngủ cùng. Vợ chồng Hương đôi khi phải nằm gần bà trong khi ông Kìn toàn ra ngoài bếp ngủ. Hương hãi lắm, cứ đến trưa cô lại bỏ xuống nhà dưới ngủ vì đêm ở nhà trên cô chẳng ngủ được. Ngôi nhà sàn ấy rất cổ và lại rộng thênh, phía sau là rừng cây âm u, đêm nghe tiếng lá rừng rơi trên mái nhà Hương cũng sợ hồn xiêu phách lạc. Cô muốn bỏ về nhà lắm nhưng vì cả nhà chồng tin tưởng với lại vì thương Pản nên cứ bỏ về nhà bố được nửa ngày cô lại quay lại bản Bơn.


Ông Kìn rất khó tính, chẳng ai dám làm trái ý ông ngoại trừ Hương nên ông lại càng khắt khe với cô hơn. Ông Kìn thuộc lớp người của thế hệ trước, vẫn giữ nhiều phong tục cổ của cha ông ngày trước như giặt quần áo bằng nước tro bếp hoặc là lá cây rừng đun lên để nguội rồi đem giặt. Ông bảo không ngửi được mùi xà phòng và các chất tẩy rửa, ông không cho Hương dùng nước tẩy rửa chén đĩa mà người ta bán ngoài chợ. Thường cứ tám giờ tối là ông bắt đi ngủ hết, không được bật đèn đọc sách, xem Tivi, và không nói chuyện khi đã lên giường đi ngủ... Làm gì Hương cũng đợi chồng cùng làm, nhiều cái cô không biết nên phải để anh hướng dẫn, ông Kìn thấy thế suốt ngày rầy la cả hai vợ chồng trẻ, mắng Hương vì tội cô không biết làm gì cả. Chưa hết ông còn cấm Hương và Pản xưng hô "anh - em" hay "chồng - vợ" với nhau, mà phải xưng hô "tao – mày" như các vợ chồng khác ở bản Bơn. Pản hiền, lại chiều vợ, Hương không có lý do gì để trách mắng anh nhưng có một hôm cô tức không kiềm được, cô đã mắng anh sa sả ngay trước mặt ông nội chồng. Chuyện là từ sáng sớm cô đem phơi vài bộ váy ở dưới sân rồi đi học, chiều về thì trời mưa, khi cô về đến nhà thì thấy toàn bộ váy áo đang ướt sũng trong mưa. Chồng cô thì đang từ cửa sổ ngồi nhìn ra chỗ váy áo phơi ngoài sân với bộ mặt đăm chiêu. Cô hùng hục xông lên nhà chửi chồng, bảo có mỗi cái việc cỏn con đó mà còn không giúp cô được thì anh lấy cô về làm cái gì. Và trong lúc tức tối Hương dọa bỏ Pản.


Pản bối rối xin lỗi vợ và giải thích, anh nói là vì ông nội không cho phép chứ không phải anh cố ý, anh nhìn váy áo vợ bị ướt anh cũng xót lắm. Hương mở to mắt im lặng nghe chồng giải thích tiếp, Pản lại run run nói tiếp băng giọng lơ lớ của mình.


"Ông bảo, đàn ông đụng vào váy áo đàn bà là xui lắm, chồng không cần biết định xuống cất hộ em rồi nhưng ông nội lại mắng chồng nhiều hơn, bảo nếu chồng làm thế thì...em sẽ bị chết sớm".


Nghe chồng nói vậy Hương cứng cả họng lại, không nói được gì thêm. Cũng may hai vợ chồng nói nhau bằng tiếng Kinh nên ông Kìn nghe không hiểu mấy, ông không tham dự cho cuộc cãi vã thêm rắc rối. Ông Kìn còn hay chê cơm canh Hương nấu, nào là quá mặn hay quá nhạt, quá dai hay quá mềm, thỉnh thoảng vợ chồng Hương bận thì ông Kìn cũng nấu cơm cho cả nhà. Trí óc người già thường hay lơ lãng, nhiều lần ông bỏ muối vào nồi canh rồi nhưng lát sau quay ra lại bỏ vào tiếp vì nghĩ mình chưa bỏ. Không biết bao nhiều lần Hương phải ăn món canh muối, mới đầu cô có chê dưới hình thức góp ý cho ông nội. Nhưng những lần đó sau khi góp ý xong thì cô cũng chẳng ăn nổi thêm miếng nào nữa, ông Kìn không thích bất cứ ai góp ý cả.


"Không có tao thì chúng mày có được như hôm nay không? Mày đã làm ra hạt thóc nào cho cái họ Cà Mảy này chưa hử? Mặn mặn cái gì ngày xưa bọn tao còn chẳng có muối mà ăn..."


Bị ông nội chồng chửi mới đầu cô khóc thút thít, chồng vào buồng xin lỗi, dỗ dành như thế nào cũng không nín, sau rồi quen dần cô làm như không có gì. Một thời gian sau bà nội chồng mất, biết bao thủ tục tang ma rờm rà được bầy ra hết cả. Dù gì dòng họ Cà Mảy cũng là dòng họ lớn, không thể làm đơn điệu như những dòng họ khác được, đó cũng là lời của ông Kìn. Ông muốn làm một cái hậu sự thật lớn cho vợ, tình nghĩa bên nhau cũng hơn sáu mươi năm nhưng thực ra là ông cũng muốn thể hiện chứ không hẳn là yêu thương gì vợ. Bà Kìn bị bệnh lâu rồi, ông cũng không đủ kiên nhẫn mà cứ tháng tháng, ngày ngày chăm sóc bà, những ngày vợ ốm triền miên ông cũng hay rượu chè triền miên. Vợ chưa mất mà ông đã nghĩ đến chuyện sau này vợ mất sẽ lấy ai về bầu bạn tuổi già rồi, người ta biết thế vì có lần say ông đã nói ra điều này với một vài người bạn. Thấy ông Kìn tỏ ra đau khổ trong những ngày tang thương, Hương thì thầm với chồng:


"Ông nội anh thật là giả tạo".


Pản không nói gì. Sau gần một tuần không được nghỉ ngơi, từ một người phụ nữ xinh xắn, trắng trẻo Hương gầy sụp hẳn đi, mắt cô sưng húp và thâm quầng. Cô phải xuống nhà dưới nghỉ ngơi để lấy lại sức. Sau nhũng ngày ấy tất cả con cháu trong họ đều phải thay phiên nhau lên ở với ông Kìn để ông bớt cô đơn. Nhưng càng ngày ông càng khó tính nên không ai ở nổi với ông, vài tháng sau ông hay kêu than rằng ông cô đơn, rằng không ai hiểu ông, ông là một lão già góa khổ sở... Con cháu đều cố gắng an ủi ông, chiều chuộng ông hơn nhưng không có tiến triển gì. Rồi ông cũng nói thằng ra là ông muốn tái giá, con cháu ông không phản đối việc ông muốn đi bước nữa mà họ muốn ông hãy từ từ, ít nhất phải để tang bà Kìn được một năm đã, Hương những tưởng ông Kìn là một người truyền thống thì ít nhất sẽ theo tục lệ truyền thống là phải để tang vợ ít nhất ba năm. Thế mà chưa đầy ba tháng ông đã đòi đi lấy vợ mới. Luật tục là do con người sáng tạo ra nên con người ta cũng có quyền xóa bỏ nó, sáu tháng sau ông Kìn đi lấy vợ mới. Ông lấy bà Bín người bản bên, là gái già kém ông hai mươi tám tuổi. Bà này ở với em chồng, do tính tình hồi trẻ chanh chua, lười nhác nên mãi chưa có chồng, tuy vậy gia đình bà này vẫn làm cao lắm. Vợ chồng em trai bà Bín yêu cầu sính lễ là hai triệu bạc, một con bò cái, một vòng tay vàng cho bà Bín và một thủa ruộng nhỏ cho gia đình em trai bà vì đã có công "phụng dưỡng" bà. Ngược lại của hồi môn bà Bĩn đem về nhà chồng là hai bộ chăn gối tự dệt, một cái xe đạp và một ít quần áo. Hương bảo chồng, có nhất thiết phải để cho ông lấy một người tham lam như thế không, Pản nghĩ ngợi một lúc rồi bảo vợ, đó cũng là tục lệ, ông lấy ai cũng phải vậy thôi vấn đề là nhiều hay ít.


Người bản bảo Hương sướng vì không phải mất nhiều của hồi môn khi về nhà chồng, bố cô lại còn được nhiều sính lễ từ nhà trai nữa. Chuyện đó thực ra không chính xác như người ta đồn đoán nhưng chẳng ai trong cuộc buồn giải thích. Để lấy được Hương, nhà Pản mất một con bò, ba con lợn nái to, mấy chục con gà và chục yến cá, gạo nếp, rượu để làm đám cưới bên nhà vợ. Đó là tục lệ của người Thái, chứ gia đình Hương không hề bắt buộc. Quà cho riêng Hương là bộ trang sức bạc trong đó có mấy thứ vòng bạc cổ, Hương chẳng bao giờ đeo. Nhà Pản vẫn biếu bố Hương một món tiền lớn dù ông không nhận, không thách cưới. Sau này Hương đã trả lại nhà chồng bằng cách lấy tiền lương giáo viên của mình bù đắp vào những khoản chi tiêu trong gia đình. Bố cô còn cho cô một miếng đất đủ xây nhà ở ngoài thị trấn, phòng khi cô không chịu được cuộc sống ở bản Bơn thì ra đó mà ở, chỗ đất ấy có giá cũng bằng mấy quả đồi của nhà Pản. Nhiều người bản Bơn luôn gắn liền chuyện hôn nhân với vật chất nhưng Hương lấy Pản là vì tình yêu tha thiết anh dành cho cô nên vật chất với họ không quan trọng, chỉ là phong tục nên tuân theo. Pản và bố mẹ chồng của Hương cũng biết điều ấy, nên với họ dù cô có về nhà chồng tay không cũng chẳng ai nói gì. Lấy được cô dâu tài giỏi, xinh đẹp như cô đâu dễ gì, mà nếu cô không đồng ý lấy Pản chắc anh chết lâu rồi. Pản thấy ngại vợ chuyện ông nội mình lắm, anh cứ sợ vợ bỏ nhà đi vì chuyện của ông. Cũng may khi lấy vợ xong ông Kìn không cần con cháu lên ở cùng nữa, mọi người cũng muốn ông với vợ thoải mái nên để ông trên nhà trên một mình. Vài ngày sau khi lấy vợ thấy ông Kìn tươi tỉnh hẳn, ông lại bắt đầu đi chăn dê, làm vườn... Những tưởng mọi chuyện từ đó sẽ thuận buồm xuôi gió, ai ngờ hai mươi ngày sau bà Bín bỏ về nhà và không trở lại nữa. Nhà bà đem trả lại ông Kìn hai triệu và thủa ruộng, còn những thứ khác họ giữ hết cả, mẹ chồng Hương vẫn sang đòi nốt con bò cũng may được mà không xảy ra xô xát gì. Mọi người gặng hỏi nhưng ông Kìn không nói gì nhiều, ông chỉ bảo bà Bín lười nhác nên đuổi về thôi.


Ông Kìn bỏ vợ Hương là người lo lắng nhất, cô sợ lại phải theo chồng lên ở cùng ông nội để cho ông... đỡ buồn, vì cả nhà chỉ còn có hai vợ chồng cô. Vợ chồng anh chị bên chồng đều đã có nhà riêng cả, mà tính ông lại như thế nên cũng chẳng ai dám lên ở. Hương chưa hết lo thì nghe đâu đã có người lên ở cùng ông rồi. Ông Kìn chẳng cần phải đi tìm kiếm đâu xa, nghe đâu người đàn bà này tự tìm đến với ông khi biết ông đang muốn tìm người cùng chung sống. Cả họ Cà Mảy như nháo nhác lên khi nhận được tin này, mọi người vào cuộc điều tra về lí lịch của người đàn bà kia. Người phụ nữ này đã hai đời chồng, toàn bị chồng bỏ cả, bà ta sống bằng nghề hái thuốc, cũng là người cùng xã. Sau vài buổi họp gia đình mọi người nhất trí cho ông Kìn sống cùng bà ta ở nhà trên vì ông Kìn ưng, bà kia cũng ưng hai bên ưng nhau rồi thì cứ thế mà sống, đám con cháu cũng mệt mỏi vì ông lắm rồi.


Dù vậy ông Kìn vẫn có vẻ chưa được hài lòng, ông ậm ừ ám chỉ chuyện đám cưới, con cháu ông im lặng nhìn nhau. Hồi trước cưới bà Bín ông Kìn cũng làm to lắm, dù rằng theo tục lệ đám cưới lần hai không được làm đinh lình. Kệ con cháu nói như thế nào, ông Kìn vẫn bắt các con đi mời hết bạn bè vong niên, tri âm, tri kỉ, thông gia của các con đến cháu tới tham dự hết. Ông bảo việc gì phải giấu, chuyện vui nên để anh em họ hàng cùng biết, cũng là người thân với mình cả. Thế mà chưa được một tháng đã đường ai nấy đi rồi. Lần này con cháu ông cẩn trọng hơn, bố chồng Hương thay mặt cả họ giải thích cặn kẽ nhưng có vẻ như ông Kìn không nghe. Hương liền lên tiếng, cô nói tuy có làm ông nội chồng mếch lòng nhưng cả họ rất ủng hộ.


"Dù sao thì ông bà cũng mới quen nhau, cứ ở cùng nhau dăm bữa coi như là để tìm hiểu, giờ kinh tế cũng đang khó khăn tại ông cũng mới cưới "bà trước" chưa được bao lâu mà. Chúng con nghĩ ông nên để thư thư đã ông ạ, nếu ông muốn có nghi có lễ thì tạm thời cứ làm mâm cơm trình tổ tiên, chúng con cháu trong nhà đến coi như là xem mặt bà mới thôi".


Ở bản Bơn có tục vợ chồng mới thì chăn đệm mới, nên Hương và mẹ chồng lại gấp rút làm cho ông Kìn và người mới một bộ chăn đệm mới nữa. Mong là ông sớm yên ổn cho cả dòng họ đỡ lo, người bản đỡ đồn ra tiếng vào. Nhưng mong là mong vậy, trong năm ấy ông Kìn tiếp tục gặp gỡ và chung sống với hai người phụ nữ nữa, toàn bằng tuổi các con ông cả. Hương cũng ra trường, về bản làm cô giáo rồi sinh con, vợ chồng cô chuyển xuống ở hẳn nhà dưới mặc kệ ông Kìn muốn làm gì ở nhà trên thì cứ làm. Mỗi lần ông đưa một người đàn bà về ở cùng là con cháu họ Cà Mảy lại họp lại làm mâm cơm trình báo tổ tiên, sau bao nhiêu lần như thế Hương thấy ngán ngẩm chẳng muốn đến dự. Tính đến giờ, cuộc tái giá của ông Kìn lâu nhất thì cũng kéo dài được hơn hai tháng, có những tháng chưa tìm được người ông cũng bị cô đơn một mình. Những người đã đến với ông hoặc ông tìm đến đều già có, trẻ có, chưa chồng có, bị chồng bỏ có, bỏ chồng có... hầu như đủ cả. Ngày ngày con cháu vẫn tạt qua xem ông thế nào nhưng chỉ được những câu cằn nhằn mắng mỏ. Sau khi người thứ năm đi thì người thứ sáu đến, người này được mai mối hẳn hoi. Do một người họ hàng xa của ông Kìn làm mối, bà này đã bỏ chồng và ngoài bốn mươi, trẻ hơn cả bố chồng của Hương. Đến lần này cả họ Cà Mảy không để cho ông Kìn muốn làm gì thì làm nữa, con cháu lại họp gia đình và mọi người bắt đầu phản đối kịch liệt. Họ không đồng ý cho ông lấy thêm một ai về nữa, họ hứa khi nào ông không còn lao động, đi lại được nữa thì họ sẽ chăm sóc ông chứ không đời nào để ông rước ai về nữa, họ khổ lắm rồi.


Hương nhìn sang Pản đang chơi với con, cô tưởng tượng tới cảnh cả gia đình nhỏ lại khăn gói lên nhà cụ nội. Cô lại phải giặt cả đống quần áo cho cả nhà mà không dùng bột giặt, mùa đông phải rửa những cái nồi niêu đầy mỡ trong nước lạnh. Rồi thì lúc ăn cơm cũng không được ngồi sát cạnh chồng, không được gọi tên chồng, đêm đến con ngủ giữa hai vợ chồng tách nhau ra như không quen biết. Không được xem vô tuyến vào buổi tối, không được hát ru con bằng tiếng Kinh... rồi khi ông cụ già yếu hẳn, nhớ đến cảnh những ngày cuối cùng của bà Kìn mà Hương giật mình. Người cô tự dưng nổi da gà lên, mặt biến sắc vì tưởng tượng ra những cảnh hãi hùng, Pản bế con lại gần vợ, anh nhìn cô lo lắng. Buổi họp gia đình vẫn diễn ra rất sôi nổi, Hương bảo nhỏ chồng.


"Em nghĩ cứ để cụ lấy vẫn hơn, chứ lên ở với cụ em sợ lắm, em sẽ ôm con bỏ về mất".


Vợ nói vậy Pản cũng lo lắm, anh yêu vợ và không muốn nhìn vợ phải khổ sở nhưng cũng chẳng muốn ông nội cứ lấy vợ rồi bỏ vợ rồi lại lấy mãi, mà anh cũng đâu muốn sống chúng nhà với ông cụ nội anh. Cuối cùng, con cháu cũng không thắng được quyết định của ông Kìn, ông với người đàn bà kia vẫn về ở với nhau dù không có bữa cơm trình báo tổ tiên gì hết. Người trong bản cũng không biết ông đã có vợ mới, bởi ông giấu "vợ" kỹ lắm, không cho bà đi ra khỏi nhà. Con cháu cũng chẳng buồn đến thăm ông nữa vì họ nghĩ rằng ấy hôm nữa ông lại bỏ bà kia thôi nhưng được hơn một tháng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Một hôm Pản đến thăm và thấy cảnh vợ trẻ chồng già đang ngồi ngoài hiên cắt quần áo cho trẻ con. Pản mở to mắt, há hốc mồm nhìn, anh không nói lên được một lời nào, lúc này ông nội anh mới đành thú nhận mọi sự thật với anh.


"Bà mày sắp có em bé!"


Pản không tin nổi là anh sắp có ông chú út ít tuổi hơn cả con trai anh, anh không nói được gì thêm nên đành chào hỏi qua loa rồi cáo lui ra về ngay. Về đến nhà Pản đem chuyện này kể với vợ, Hương nghe xong cười phá lên. Nếu như mọi người biết được chuyện này thì chắc đám thanh niên trong bản sẽ đến quỳ trước ông Kìn mà bày tỏ lòng thán phục. Mấy ông trung niên hiếm muộn cũng sẽ đến mời rượu ông và xin ít bí kíp. Ông năm nay đã hơn tám mươi vậy mà vẫn cường tráng đến thế, thật là chuyện hiếm có. Trước khi lại họp gia đình, lại tổ chức đám cưới mẹ chồng Hương bảo cô chuẩn bị làm chăn đệm mới cho ông cụ thằng Vảy. Chuyện này đã gây xôn xao cả bản, nhắc đến ông Kìn khắp xã ai ai cũng biết hết cả, từ trẻ con cho đến cụ già.


Họp gia đình cả họ Cà Mảy như cái chợ vỡ, đây là cuộc họp gia đình vui nhất từ trước đến nay. Một số người khen ông Kìn giỏi, trẻ và khỏe, tuy vậy nếu đứa trẻ ia được sinh ra nó sẽ là một gánh nặng cho cả dòng họ Cà Mảy. Ông Kìn sẽ còn sống được bao lâu nữa chứ, sau này đứa bé ấy lớn lên nó và mẹ nó sẽ được thừa hưởng một phần tài sản của gia đình. Đất cát, ruộng vườn lại sẽ phải chia lại, chia cho ít thì không p phải, chia cho nhiều thì chẳng ai muốn cho. Trong họ Cà Mảy nhà nào cũng đông con cháu cả, chẳng ai muốn đất đai của mình bị vơi đi, kể cả bố mẹ chồng Hương cũng thế. Cuộc họp bỗng bị trầm lắng xuống, cả đàn ông lần đàn bà trong họ đều tỏ ra đăm chiêu, buồn chán. Rồi bàn đi tính lại mọi người thấy lạ, sao mới ở cùng nhau hơn tháng mà bà kia đã có bầu nhanh thế, mọi người lại bắt đầu nghi ngờ sự nghi ngờ đó như giúp họ tìm ra lối thoát. Bà này còn chưa bỏ chồng hẳn nghe đâu ở với ông Kìn nhưng vẫn âm thầm qua lại với chồng cũ. Mà ông Kìn cũng già rồi con cháu ông không tin là ông còn có thể có con, dù ông cố gắng bào chữa rằng ông và người vợ mới đã chung sống với nhau được hơn bốn mươi ngày rồi, cũng có thể có con lắm chứ. Cuối cùng một số con dâu, cháu dâu của ông Kìn quyết định đưa người đàn bà đến trạm y tế xã khám và phát hiện ra cái thai được hơn hai tháng rồi, trong khi bà ta bảo với ông Kìn là một tháng. Không ai nói gì, ông Kìn không nói gì, người đàn bà kia tự gói khăn áo ra đi, mang theo hết cả những gì ông Kìn cho như là tiền và mấy đồng bạc cũ. Ông Kìn như kẻ mất hồn, mấy ngày liền ông không nói gì cả, con cháu lại thay nhau đến chăm sóc cho ông. Vậy là những điều Hương lo lắng cũng đã xảy ra, cô ngồi ngoài hiên nhìn con đường đi vào bản Bơn như người mất hồn, cô sợ chồng giục gói gém đồ để lên nhà trên hơn đã nghĩ đến chuyện bỏ chồng.


Như đọc được suy nghĩ của con dâu, mẹ chồng Hương từ chuồng Trâu nhìn lên và bảo:


"Không sao đâu, mày chớ lo mẹ thằng Vảy ạ, rồi cụ sẽ lại sớm tìm được người phù hợp để chung sống đến tận cuối đời thôi".


Vậy là sẽ còn những lần họp gia đình, còn những cái đám cưới cho ông Kìn... Hương thở dài, cô cũng chẳng biết những chuyện bi hài như thế này bên nhà chồng bao giờ thì kết thúc nữa. Buổi sáng nay trời nắng đẹp, Pản đang ở dưới vườn rau vừa địu con, vừa huýt sáo và vừa phơi quần áo cho anh, cho con và cho cô nữa, Hương cười nhìn chồng âu yếm, bắt gặp ánh mắt của vợ Pản gãi đầu cười khì. Chẳng biết rồi ngày mai sẽ ra sao nhưng Hương thấy làm dâu họ Cà Mảy, làm vợ Pản được như thế này là hạnh phúc lắm rồi, dù có chuyện gì xảy ra cô biết chắc chắn sẽ không bao giờ Pản bỏ cô lại một mình.


Hoa Thược Dược


Đang tải bình luận!