Đời mẹ

Đời mẹ

Tác giả: Sưu Tầm

Đời mẹ

Nhiều lúc nó thấy mẹ đang ăn cơm và dừng đũa. Đôi mắt mẹ nhìn về khoảng trời xa xăm. Hẳn trong tâm khảm của mẹ vẫn còn cái gì đó đau đớn lắm.


***


Mẹ nó sinh ra và lớn lên ở một làng ở phía Nam xứ Thanh. Đó là một ngôi làng của vùng đồng bằng chuyên trồng lúa, khoai và lạc. Dòng họ ngoại bên mẹ nó thường có gen di truyền là đẹp. Bà dì của mẹ nó là một người đẹp nổi tiếng của vùng. Bà đẹp đến nỗi mà người yêu của bà từ tận Hải Dương sẵn sàng đến xin ở rể. Mẹ nó không đẹp như bà dì nhưng mẹ vẫn có nhan sắc của thì con gái năm Nhâm Thìn. Nhiều chàng trai trong vùng đến xin dạm hỏi nhưng mẹ nó chưa ưng. Bố nó là một người không có gì làm đặc sắc. Bố nó lại ở cách xa. Người đen nhẻm và đói ăn nhưng bố nó được mẹ nó ưng ở điểm là có học thức. Bố nó đến tán mẹ nó bằng thơ. Có lẽ vì những áng thơ tình lãng mạn của bố nó mà mẹ nó xiêu lòng. Trong đó có những câu thơ đầy chất lãng mạn và ga-lăng


Vầng trăng chia nửa


Em chọn phần nhiều


Anh nhường em cả


Đời mẹ


Thế là mẹ nó làm dâu nhà bố nó. Đó là một ngôi nhà cổ của địa chủ thời phong kiến xa xưa. Ông nội nó mất sớm khi còn chiến tranh để lại đàn con nheo nhóc. Mẹ nó về làm dâu khi các chú còn nhỏ, trong đó có chú Út mới học lớp 3. Bác nó hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Bố nó là con thứ hai nên phải thay bác gánh vác trọng trách làm chủ gia đình và làm tộc trưởng của dòng họ. Những năm đó đang là những năm cấm vận của Mỹ và chiến tranh biên giới Việt-Trung. Cuộc sống chỉ có cơm độn và bo-bo. Vì cuộc sống quá khó khăn và phải cáng đáng đàn em còn đang rất nhỏ nên bố nó có lần nói với mẹ nó "Có lẽ anh em mình đừng sinh con nữa, nuôi các em ăn học rồi sau này các em chăm sóc lại mình". Mẹ nó nhất quyết không nghe vì thế sau đó mẹ nó hạ sinh anh trai nó và nó. Những năm đó, mẹ nó phải bôn ba xuôi ngược, chung lưng đấu cật với bố nó để nuôi gia đình bên nội. Mẹ nó một buổi đi dạy và một buổi phải đi buôn. Hàng buôn có đôi khi là dăm cái chổi, là đôi ba quả chanh. Mẹ nó dè xẻn từng đồng một để nuôi các chú và anh em nó. Mẹ nó còn thường xuyên về bên nhà ngoại để xin ông bà ngoại khoai và lúa để đem sang bên nội. Họ hàng bên nội đều khen bố nó có con mắt tinh đời mới lấy được con dâu như mẹ nó. Bởi hiếm có người mẹ nào như mẹ nó thường xuyên dành sữa và đồ ăn ngon của các con mình cho các em chồng ăn.


Bố nó học giỏi nên những năm sau khi tốt nghiệp Đại học được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Nó và gia đình phải theo bố vào Vinh sống ở khu tập thể. Mẹ nó nhận quyết định làm giáo viên trường tiểu học. Những năm đó là những năm đầu của thập niên 80. Bố nó và mẹ nó chuyên đi gánh phân về trồng rau muống để ăn. Việc gánh phân của mẹ nó trở thành giai thoại. Các thầy cô cùng khu tập thể hồi đó cứ nhắc lại, chưa bao giờ thấy rau muống nhà nào tốt như nhà nó cả. Hễ ai về Đại học Vinh mà nhắc đến mẹ nó thì các thầy cô cùng thời đều biết sự vất vả của mẹ nó cả. Mẹ nó chịu được tất cả gian khó nhưng bố nó vẫn không thông cảm mà thường dạy bảo mẹ bằng những trận đòn. Bố có tính gia trưởng và độc đoán của con cháu nhà địa chủ bởi từ lâu dòng họ nó lưu truyền câu


Dạy con từ thuở còn thơ


Dạy vợ từ lúc ban sơ mới về


Nhà nó sau đó chuyển về chỗ ở mới không còn ở khu tập thể nữa. Thế nhưng những trận đòn là hình ảnh hết sức quen thuộc. Nó lúc đó đang còn nhỏ nhưng vẫn còn rất nhớ hình ảnh bố nó đánh đập mẹ nó. Mẹ nó có lần chịu không nổi phải bồng nó đi trốn. Ở xóm nó có hai người một là bố nó, hai là nhà hàng xóm tên là Mão là hay đánh vợ, đánh con. Vợ người hàng xóm tên Hảo. Hai người này đánh nhiều đến nỗi mà dân làng xung quanh mới có câu đồng dao


Nhất bố nó nhì ông Mão


Nhất bà Hảo nhì mẹ nó


Cuộc sống của nó lớn lên là chuỗi ngày đòn roi và dạy bảo. Khi nó còn nhỏ, nó hay lén đi chơi điện tử. Trò chơi điện tử thời đó còn thô sơ lắm. Chỉ là mấy trò Kaghe, xếp chữ, Rambo nhưng đã rất cuốn hút những đứa trẻ như nó. Nó chuyên nhịn ăn sáng để chơi điện tử. Bố nó biết được lôi nó về nhà và đánh. Mẹ nó xót con nên can ngăn và cũng bị đánh bầm tím cả tay, cả chân. Nó nhớ có lần bố nó đánh nó bằng cái vòng sắt của mũ bảo hiểm. Bố nó nện nó đến mức cả cái roi sắt cũng dường như sắp gãy ra làm đôi. Nó đi học bị điểm kém thì nó cũng bị lôi ra đánh. Mẹ nó như thường lệ vào can ngăn cũng bị đánh lây. Hồi đó, các chú nó có sống chung với bố nó nhưng chưa bao giờ lần nào nó cầu cứu các chú mà các chú thương tình can ngăn. Chỉ có mẹ và những con lươn hằn lên người mẹ suốt tuổi ấu thơ của nó.


Những năm sau đó là thời kì đổi mới và mở cửa, các chú đã trưởng thành và xin được vào ngành Dầu khí ở Vũng Tàu. Một điều rất đặc biệt là, các chú nó không bao giờ tỏ ra biết ơn công dưỡng của mẹ nó mà luôn xúi giục nó và anh trai nó căm ghét mẹ nó. Mẹ nó vẫn luôn vị tha và nhất mực chăm sóc lo cho chồng, cho con và cho họ hàng. Có lẽ do tằn tiện, lo cho chồng cho con, cho em chồng mà có lẽ mẹ nó bị các chú ghét bỏ? Nó lớn lên cũng không hiểu rõ vì lí do gì mà các chú ghét bỏ mẹ nó đến vậy. Chỉ biết rằng, bản chất địa chủ phong kiến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cách cư xử của các chú và bố nó.


Những năm bỏ cấm vận, nhà nó mở lò luyện thi mà nói theo cách nói bây giờ là trung tâm luyện thi đại học. Đó là một trong những lò luyện thi nổi tiếng ở Vinh thời ấy. Công việc thuận buồm xuôi gió. Mẹ nó tiết kiệm và biết tổ chức kinh doanh nên cuộc sống của gia đình sung túc hơn trước rất nhiều. Nó bây giờ đã lớn và không còn chịu những trận đòn roi như thuở nhỏ. Nhưng có một điều vẫn y chang như thuở bé đó là tinh thần hiếu học. Đôi lần nó cứ trộm nghĩ, hình như mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió nơi nó lớn lên và trưởng thành chỉ sản sinh ra những người thích học. Xung quanh nhà nó đều là những nhà công nhân và viên chức bình thường nhưng tuyệt nhiên đứa nào cũng rất ham học. Hồi đó nó học cấp 3. Chính xác là hè năm lớp 11. Nó học bài đã khuya lắm rồi. Nó nhìn sang nhà hàng xóm. Nó thấy đèn nhà thằng hàng xóm học cùng trang lứa với nó vẫn đang sáng đèn. Nó cố gắng học đặng chừng nào đèn thằng đó tắt thì nó cũng tắt đèn đi ngủ. Nó học mà đợi mãi. Nhìn lên đồng hồ, nó thấy đã 3h sáng. Tuyệt nhiên không thấy đèn thằng hàng xóm tắt. Đến 4h sáng thì nó đã quá buồn ngủ. Nó chịu không được. Nó bèn nghĩ ra một kế để không thể thua kém bè bạn. Nó cứ để đèn như thế và ngủ gục luôn lên bàn bên những trang sách còn thơm mùi mực. Mẹ nó cứ mỗi lần như thế đều dậy tắt đèn và khoác cho nó cái áo để đỡ lạnh về sáng.


Có lẽ trong cuộc đời nó, những ngày tháng ở Vinh là những ngày tháng đẹp nhất. Đó là những người bạn chí cốt và thật tốt. Nó bây giờ đã bôn ba khắp nơi, gặp được rất nhiều người nhưng rất không phải lúc nào cũng gặp được những người bạn thân thiết như thời học sinh. Những buồn vui lẫn lộn, những trò chơi đánh trận giả thời bé và lớn hơn thì những rung động đầu đời đều được nó xếp vào ngăn kí ức đẹp. Hồi đó, thời tụi nó làm gì có Facebook và email. Những năm đó Internet còn đang là một khái niệm xa lạ. Thằng hàng xóm không biết kiếm đâu được mấy câu văn hay bày nó cách viết thư. Đại loại như "Hôm nay là tối thứ bảy, một cái tối se se lạnh kéo theo những cơn gió dài vô tận. Em thân mến! ..." Cứ thế là viết thư thì nó luôn có từ "se se lạnh kéo theo những cơn gió dài vô tận". Mẹ nó có lần bắt gặp bức thư nó bỏ trong cặp sách mà chưa kịp gửi. Mẹ nó chỉ cười bảo "Con của mẹ lớn thật rồi!"


Những năm cuối của thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, nhà nó đứng trước ngã ba lựa chọn. Bố nó chuyển vào trong Nam công tác còn mẹ nó phải ở ngoài Vinh vì anh nó đang còn học Đại học Vinh. Nó vào Nam với bố nó. Nó học đại học nhưng địa điểm nó học cách xa nhà nên nó thuê trọ học. Vài ba tháng nó về thăm bố nó một lần. Sau đó vài ít lâu thì bố nó có nhiều thay đổi. Bố nó có bồ nhí. Mẹ nó biết được rất đau khổ. Mẹ nó liền lập tức vào Nam nhưng không thay đổi được con người bố nó. Dòng đời là vậy. Ham phú phụ bần, bố nó có mới nới cũ! Bố nó đâm đơn li dị mẹ khi bố về hưu. Tình nghĩa vợ chồng hơn 30 năm trời bỗng chốc tan thành mây khói. Đối với bố nó, cuộc sống không còn nghĩa cũng không còn tình. Thế nhưng, nhiều lúc nó nhận ra rằng, mẹ nó còn thương bố nó lắm lắm!


Trong thời gian đợi tòa li dị, bố nó cứ đôi ba lần lại về nhà lấy đồ sang nhà vợ bé. Nó không chịu được cảnh đó nên nó phản ứng. Bố nó tức giận. Trước khi bố nó bỏ đi bố nó có nói với mẹ nó một câu "Con bà sẽ không thành đạt bằng con tôi!" (Ý nói nó và anh nó sẽ không thành đạt bằng con bố nó với vợ bé của bố nó). Mẹ nó rất giận. Mẹ nó nói với nó "Ngày xưa mẹ đã nuôi bố mày ăn học thành tài thì ngày nay mẹ cũng quyết chí nuôi mày thành tài".


Bữa cơm đã trở nên đạm bạc với những tính toán lo toan cho con, cho cháu. Nhiều lúc nó thấy mẹ đang ăn cơm và dừng đũa. Đôi mắt mẹ nhìn về khoảng trời xa xăm. Hẳn trong tâm khảm của mẹ vẫn còn cái gì đó đau đớn lắm. Cuộc đời mẹ là những chuỗi tháng ngày lo cho chồng con và gia đình chồng. Những hình ảnh quá khứ ùa về. Đó là những năm một mình mẹ nó chăm sóc bố nó trên bệnh viện Lao do bố nó dạy học mắc phải. Các em chồng không một ai dám lên. Chỉ có mẹ nó không sợ lây lan, không sợ cả chính mình để chăm sóc cho chồng. Đó là những tháng ngày anh nó bỏ trường một mình vào Nam. Mẹ nó lang thang khắp nơi tìm anh nó. Đó là những tháng ngày bố nó đi học nghiên cứu sinh, mẹ nó xoay xở vừa có tiền cho bố ăn học vừa có tiền để lo cho gia đình, ... Nước mắt mẹ chảy dài trên hai gò má. Mẹ nó bỏ bát cơm xuống và nói với nó "Các con ăn cơm đi! Mẹ đi nằm đây".


Chiều nay, những cơn gió ùa về. Những cơn gió không còn se se lạnh như những áng văn của thằng hàng xóm ngày xưa chỉ bảo cho nó mà đó là cơn gió lạnh buốt tâm hồn. Những giọt nước mắt đã từ lâu không lăn trên gò má. Tóc mẹ giờ đã bạc nhiều. Da mẹ đã nhăn nheo như da của con rồng già. Áo mẹ sờn vai. Mẹ nó chợt cầm lấy cái điện thoại mà ngày xưa bố nó cho mẹ nó khi bố nó mua máy mới! Đó là một cái "cục gạch đã cũ" chỉ có hai tính năng là gọi và nhắn tin. Mẹ nó mân mê kỉ niệm của bố nó và nhìn về hướng trời xa. Đôi mắt mẹ đượm buồn! Nó nhìn mẹ hai dòng nước mắt rưng rưng "Đời mẹ sao khổ thế mẹ ơi?"


Nguyễn Ngọc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh


 


Từ khóa: mi doi, md doi,
Đang tải bình luận!