Insane
Yêu tinh rừng sâu

Yêu tinh rừng sâu

Tác giả: Sưu Tầm

Yêu tinh rừng sâu

Từ nhỏ tôi vốn khác người, không thích nghe kể truyện cổ tích mà chỉ thích chuyện ma. Đây là một câu chuyện đời xưa mà tôi được nghe bà ngoại kể lại.


***


Cũng giống như những lần khác, bà ngoại tôi luôn khẳng định chuyện này có thật. Nhân một lần về quê gần đây, tôi lại cố đi hỏi những người bà con gần nhà. Và thật bất ngờ khi bọn họ cùng xác nhận chuyện mà bà ngoại tôi kể là sự thật. Tuy có nhiều dị bản khác nhau, nhưng nhân vật chính đều cùng là một bà già. Bà ta già lắm rồi, sống lâu đến nỗi đã biến thành yêu tinh. Một con yêu tinh ăn thịt người.


Yêu tinh rừng sâu


Chiến tranh Việt Nam, mà lịch sử nước ta gọi là Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 - 1975) là giai đoạn thứ hai và giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh Đông Dương (1945 - 1979). Hai bên cuộc chiến bao gồm Việt Nam Cộng hoà ở miền nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền bắc. Tuy nhiên, tham chiến trực tiếp còn có các đồng minh khác của Việt Nam Cộng hoà như Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines. Ngược lại, miền bắc nhận sự viện trợ mạnh mẽ của các nước khối Xã hội Chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc.


Sự kiện tết Mậu Thân năm 1968, quân giải phóng tung ra trận Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền nam, đánh vào hầu hết thành phố, thị xã và căn cứ quân sự của Mỹ. Sau đó là chiến dịch xuân hè 1972, quân giải phóng liên tục chọc thủng ba tuyến phòng ngự quan trọng Trị Thiên, bắc Tây Nguyên và miền đông nam bộ. Hiệp định Paris 1973 là hiệp định chấm dứt chiến tranh với sự ra đi của quân viễn chinh Hoa Kỳ, kết cục chiến tranh Việt Nam đã rõ ràng.


Trong thời kỳ đó, gia đình bên ngoại của tôi sống ở vùng Nhựt Ninh, tỉnh Long An. Vốn từ đời ông cố ông xơ cả dòng họ đều làm ruộng, ông ngoại tôi lại là một tài công, lái xe ở tận vùng Bà Rịa, Vũng Tàu. Nhưng do tính hay lo xa và cái khoản dũng khí không được nhiều, ông thường hay chuyển đổi chỗ ở và nghề nghiệp. Phần lớn lý do là muốn tránh xa vùng chiến trận.


Làm lái xe nên quen biết nhiều, cũng hóng được tin tức nhanh hơn kẻ khác. Hễ ông ngoại tôi nghe ở đâu có đánh nhau là dắt díu vợ con trốn biệt. Thế nhưng nơi nơi đều có lính Cộng hoà, chỗ chỗ đều có quân giải phóng. Buổi sáng ông có thể lái xe chở người của quốc gia, tối tối lại cho quân giải phóng đi nhờ. Thậm chí cả cơm gạo, chăn mền ông đều không tiếc cho đi hết, nói tóm lại ông là một người sống tốt với tất cả các bên.


Yêu tinh rừng sâu


Thập niên bảy mươi, chiến trường miền nam đang tới hồi ác liệt nhất. Ông ngoại tôi bỏ thành thị, dắt díu cả nhà chạy tuốt xuống miệt Sóc Trăng. Ở đây ông hành nghề đi ghe chở hàng với mấy cậu. Bà ngoại, cùng mẹ tôi và các dì thì dựng nhà ở Bờ Xán cách Ngã Năm chừng chục cây số. Lại tiếp tục hay tin Sài Gòn đã giải phóng, ông ngoại tôi đuổi cả nhà chạy tới vùng Cạnh Đền. Vốn chỉ là người dân lương thiện, nhưng ông ngoại tôi lại có lá gan bé xíu. Nghe người ta đồn quân giải phóng vào rồi sẽ bắt người dân đi đến vùng kinh tế mới hết trơn.


"Đi kinh tế mới thì toàn đến vùng đồng khô cỏ cháy, cả lá chuối khô cũng không có mà ăn." Chính vì nghe đồn ác nghiệt như vậy, ông ngoại tôi mới có ý định "đón đầu dự án", chạy vào vùng hẻo lánh mong tìm trước một khu đất tốt để mà khai khẩn vỡ hoang.


Mẹ tôi và các dì thì khóc tấm tức như mưa, trước giờ họ chỉ sống ở thành thị, nào có biết gì về nghề nông, nghề ruộng. Thế nhưng ông ngoại tôi dù có nhát thì tính tình vẫn vô cùng gia trưởng, một lời ông đã quyết thì cả nhà đều phải dỡ lá dọn đi.


Gả con về xứ Cạnh Đền,Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh.


Nghe câu hát đó vẫn còn chưa đáng sợ bằng trải nghiệm thức tế. Mẹ tôi kể vùng này tựa hồ như rừng, như nơi tận cùng của thế giới. "Đất rộng người thưa, ma quỷ hoành hành. Mỗi nhà cách nhau một tiếng hú." Mà cái tiếng hú giữa rừng nước mênh mông thì phải vang xa đến biết chừng nào. Đơn vị đo khoảng cách độc đáo như thế chắc chẳng nơi nào có được.


Ấn tượng thứ hai là xứ này dường như không phải rừng hoang núi sâu chưa có người khai phá. Hàng trăm mẫu đất đã bị cày xới lên liếp thẳng hàng dài thăm thẳm suốt cả cây số. Không sức người hay máy móc nào vào thời kỳ đó lại có khả năng tạo nên công trình kỳ vĩ đến vậy. Nghe kể về chuyện này, tự dưng tôi lại nhớ đến mấy những hình tròn bí ẩn đã xuất hiện tại Anh, Mỹ hay châu Phi ... Liệu đó có phải là những dấu vết bí ẩn mà UFO đã để lại ở Việt Nam?


Câu trả lời mới thật làm tôi chưng hửng. Toàn bộ người dân ở Cạnh Đền đều nhất mực tin rằng đây là dấu vết do quân đội của vua Gia Long để lại. Nghe kể ngày xưa vị vua này đã tháo chạy đến đây, địa danh Cạnh Đền cũng chỉ vùng đất ở cạnh đền của vua mà có. Cậu tôi kể thêm vào là sau giải phóng có người đã đào được vàng ở gần chỗ nhà gia đình ngoại tôi sống. Đó một chiếc mũ miện công chúa gì đó, đã được bán đi ngay. Nói tóm lại là vô phương truy cứu. Nếu thật có việc này, chắc hẳn Cạnh Đền đã được xếp vào di tích cấp quốc gia mất rồi.


Nhưng trong phạm vi câu chuyện, tôi xin không bàn cãi về cái "thật" của những lời đồn kể. Nếu có thể tìm ra chân tướng của toàn bộ mọi thứ, thì còn gì là sự quyến rũ bí ẩn của những câu chuyện ma.


Nói tóm lại, Cạnh Đền trong câu chuyện của tôi là một vùng rừng thiêng nước độc, ma quỷ hoành hành. Mà nói đến cái kiểu lộng hành của quỷ thì cả dòng cả họ tôi, ai cũng đều có thể kể được vài dăm ba chuyện mà tự mình đã trải nghiệm.


Yêu tinh rừng sâu


Cậu của tôi thời ấy còn trẻ cũng là một tay lực điền nổi tiếng gan dạ nhất xóm. Sống ở Cạnh Đền người ta năm giờ đã về nhà, sáu giờ đã rút vào mùng chuẩn bị ngủ, ấy vậy mà ổng vẫn còn hay lê la ở nhà hàng xóm nhậu. Nói hàng xóm chứ thật ra hai nhà cũng cách nhau vài cây số. Có chuyện gì nhà này hét khản giọng thì nhà kia mới nghe được phong phanh.


Say xỉn trở về nhà, cậu tôi nhìn thấy từ đằng xa có một bóng người đi bên bờ ruộng. Sống cùng một vùng không nhiều người nên ai nấy đều quen biết với nhau hết. Cậu tôi dự định đến gần chào một tiếng, nhưng người kia cứ đi đằng trước mãi, có gọi cũng không dừng. Chẳng biết có phải do rượu hay tính tò mò mà cậu tôi kiên quyết đuổi theo cho bằng được.


Từ rảo bước nhanh cho đến chạy vội, ông vẫn không đuổi kịp người bước đi khoan thai trước mặt. Tức mình, ông lấy dép chọi người ta một cái. Người đi phía trước dừng lại, ông cậu tôi hả hê chạy lại gần để xem đó là ai.


Kết quả là ngày hôm sau, nhà tôi tìm thấy ông bị giấu trên đọt cây, miệng bị nhét đầy đất sét không thể nói chuyện được. Đến khi đưa ông xuống đất, moi hết đất sét trong miệng ra, ông vẫn bần thần chưa tỉnh. Mấy ngày tiếp nữa mới có thể dần dần nói chuyện được, nhưng có hỏi thế nào ông cũng chỉ nhớ được đến khúc lấy dép chọi người ta...


Chuyện của cậu nhỏ tôi thì không li kỳ khúc chiết đến vậy. Cậu tôi lúc đó mới mười mấy tuổi đầu, ngoan ngoãn hiền lành cũng không có chọc phá ai bao giờ. Chỉ có một đêm cậu tôi cùng bà ngoại đi xăm cá thì đột nhiên gặp được một đàn tôm lớn. Tôm nhảy soi sói dưới bùn chỉ cần đưa tay là có thể chụp trúng mấy con. Hai mẹ con hí hửng bắt cho đầy giỏ rồi chạy về nhà lấy thêm đồ ra đựng.


Nào ngờ khi trút tôm ra thau thì chỉ thấy toàn bùn đặc đen chảy lệt bệt xuống. Cả một cái râu tôm cũng tìm không ra chứ đừng nói đến con tôm. Ấy mới có thể thấy quỷ quái lộng hành trêu ghẹo con người đến cỡ nào.


Yêu tinh rừng sâu


Câu chuyện của mẹ tôi chỉ là vào một hôm trời mưa lớn. Bà ngoại cùng các cậu vẫn còn ngoại ruộng chưa về, trông nhà chỉ có mẹ và dì tôi. Lúc ấy chỉ vào khoảng giữa trưa, tuy mây mù che đen nhưng vẫn có thể tính là trời sáng. Mẹ tôi thấy ngoài cửa sổ có người đứng thì hảo tâm mở cửa cho người ta vào nhà trú mưa.


Nào ngờ ngoài sân bốn bề trống hoác không còn lại bất kỳ người nào. Chỉ trong một tích tắc như vậy, muốn chạy khỏi sân trốn vào lùm cây cũng là việc không dễ dàng gì. E lại là một trò quấy phá nào của bọn yêu quái.


Thêm một câu chuyện khác do dì tôi kể lại. Số là hôm ấy có đám giỗ nên ông ngoại tôi mần cả một con heo để dành đãi bà con chòm xóm. Thịt heo thì đã làm được nhiều món, đầu heo để nấu một nồi cháo to đùng. Nào ngờ dì tôi chỉ quay lưng đi xắt hành một chút, lúc quay lại nồi cháo đã bốc mùi ôi thiu khủng khiếp. Lửa vẫn còn trong lò, cháo vẫn sôi ùng ục nhưng cứ như thể là đã bị bỏ đó suốt ba bốn ngày trời.


Sống ở Cạnh Đền chưa được hai năm thì nhà ngoại tôi lại bỏ xứ mà đi lần nữa. Tôi thì thấy cả nhà bên ngoại sống được cùng ma quỷ đến gần hai năm thì đã tỏ ra khâm phục vô cùng lắm rồi. Nhưng sự thật là mấy trò quấy phá nhỏ mọn như kể trên vẫn chưa thấm gì so với chuyện tôi sắp kể đây. Chính vì bà yêu tinh ăn thịt người mà ông ngoại tôi quyết tâm trở về Long An. Thà bị bắt đi kinh tế mới còn hơn bị quỷ ăn thịt.


Thật sự là không phải tự nhiên mà ông ngoại tôi lại chọn xứ Cạnh Đền mà tới. bởi vì họ hàng bên ngoại tôi có ông cậu mười đã đến đây sống từ trước. Nhớ lại nhà ông cậu có mấy người con đều là tham gia tập kết, ông ngoại tôi tin tưởng về đây sống sẽ vô cùng an toàn. Ông cậu mười có ruộng đất mênh mông, nhà lại thưa vắng nên khi ông ngoại, bà ngoại tôi đến sống thì mừng lắm, chia ngay mấy mẫu đất cho làm.


Người dưới quê tính tình hiền hậu chất phát, lại có thói quen sống quần cư. Cả một khu vực rộng toàn là bà con trong dòng họ. Tuy đã trải qua mấy đời, quan hệ thưa dần nhưng vẫn nhận ra bà con.


Lúc bấy giờ cách nhà ngoại tôi mấy "tiếng hét" là gia đình của bà cô bảy. Bà cô này chỉ cách bà ngoại tôi mấy tuổi, lúc đó đó chỉ hơn ba mươi, tính ra như chị em nhưng vai vế lại lệch nhau rất nhiều. Ông dượng bảy thì lớn hơn ông ngoại tôi một xíu. Sống cùng gia đình bọn họ con có bà nội chồng.


Bà ngoại tôi kể lại bà nội chồng này lớn tuổi lắm rồi. Đầu tóc bạc phơ chỉ còn lưa thưa vài sợi, cả người còng gập khòm lại, dáng vẻ chỉ như một đứa bé con. Làn da nhăn nheo lại bị bệnh ngoài da như nổi mốc. Bà ta còn bị bệnh đãng trí của người già, suốt ngày cứ đòi ăn cơm.


Yêu tinh rừng sâu


Có hôm bà cô bảy vừa mới dọn mâm cơm xuống, đang ngồi rửa chén thì giật mình vì phát hiện ra một bóng đen đứng sau lưng mình. Bà cô bảy vừa quay mặt lại thì thấy bà nội chồng đứng lù lù ở đó.


- Cơm đâu? Mau dọn cơm cho ta ăn.


- Nội ơi, vừa mới ăn cơm xong mà. Con còn đang rửa chén đây. - Bà cô bảy phân trần.


- Ta chưa ăn, mau dọn cơm. Muốn bỏ ta chết đói sao?


Bà cô bảy thân là dâu con nên đâu dám cãi lại, rồi sợ bà con láng giềng chê trách mình không hiếu thuận với bậc trưởng bối. Bà cô bảy lại dọn cơm, tự nhủ bà nội đã ăn rồi, còn bụng dạ nào mà ăn tiếp được nữa. Thế nhưng bà ta lại tiếp tục ăn ngon lành. Cứ như vậy mỗi ngày ăn bảy tám cử mà vẫn đòi dọn cơm. Thằng cháu cố đang tuổi lớn ăn cũng không bằng được một bà già như vậy.


Ông dượng bảy vốn cũng giống ông ngoại tôi hay đi ghe xa nhà. Thỉnh thoảng mới ghé về dăm ba hôm rồi lại đi tiếp. Tuy vợ chồng xa cách nhiều nhưng bà cô bảy không dám than van. Thời buổi chiến tranh gian nan, kiếm được tiền đã khó, sao có thể phàn nàn khi chồng mình ăn nên làm ra cho được. Tuy nhiên do đột nhiên bà nội đâm ra ăn nhiều như vậy, bà cô bảy cũng hơi túng quẫn trong chi tiêu. Ông dượng bảy thấy trong nhà gạo đột nhiên thiếu hụt, lên tiếng trách mắng vợ, đến lúc này bà cô bảy mới dám đề cập tới chuyện bà nội.


Nào ngờ ông dượng bảy không tin, còn mắng vợ một trận, lo sợ bà cô bảy ở nhà sinh hư hỏng cờ bạc, lại còn nói xấu bà nội chồng để che dấu tội lỗi của mình. Bà cô bảy ấm ức lắm nhưng không dám cãi, mỗi ngày dè xẻn chi tiêu hơn, ăn bớt chén cơm, đi bắt nhiều hơn rổ cá cho bà nội ăn suốt ngày.


Mọi chuyện cứ tiếp diễn cho đến lần sau ông dượng bảy đi ghe về. Lần này hàng trúng đậm, ông dượng bảy mang nhiều tiền về cho vợ, còn kêu bà cô bảy mần hai con gà ăn mừng. Trong bữa cơm hai vợ chồng họ cùng đứa con ăn không hết một con gà, sáu con mắt trân trối nhìn bà nội chồng ăn hết cả con gà, lại còn nuốt hết cả xương không không nhả ra. Ông dượng bảy sợ bà nội ăn nhiều mắc xương nên cản lại, nào ngờ bà lão hung hăng cắn ông dượng bảy một một cái chảy máu đầm đìa, giật lấy con gà ôm chạy vào phòng.


Lúc này ông dượng bảy mới tá hoá nhận ra vợ mình nói thật. Bà nội gần trăm tuổi không ngờ lại khoẻ mạnh, phàm ăn đến vậy. Ông không yên tâm nên tạm gác chuyến ghe sau, ở nhà quan sát một thời gian.


Yêu tinh rừng sâu


Thời đó buổi tối nhà nhà đều đi ngủ sớm, đồng không mông quạnh vốn đâu có gì để mà chơi, ngủ sớm vừa tiết kiệm dầu, sáng hôm sau lại có thể dậy sớm để ra đồng làm việc. Bà cô bảy vốn tính nhát gan, ở nhà với con trai cũng mỗi người một phòng, chốt cửa kín lại ngủ sớm. Có ông dượng bảy ở nhà thì gan dạ hơn. Nửa đêm ông nghe tiếng động lịch kịch thì liền trở mình thức giấc, châm đèn lên kiểm tra cả nhà xem có trộm đạo nguy hiểm gì không.


Ông dượng bảy phát hiện cửa bếp bị mở, trong phòng bà nội cũng không thấy người. Đêm khuya tối mù như vậy, bà nội già cả không biết đi đâu, ông bèn châm đèn đi tìm.


Gió khuya lạnh buốt thổi ào ào như muốn tốc bay mái nhà. Xung quanh đều tối om, chỉ nghe tiếng cỏ cây xào xạc và ếch nhái kêu vang vọng. Ông dượng bảy xách đèn đi tìm, trong lòng lo lắng không nguôi. Đột nhiên ông giật mình nhìn thấy hai đốm sáng loé giữa lùm cây bụi, ánh loé biến mất ngay, nhưng ông đã nhận ra bóng đen lù lù đó là bà nội mình. Ông dượng bảy thở phào nhẹ nhõm, đi xăm xăm về phía bụi kia.


- Nội ơi, nữa đêm bà đi đâu vậy, làm con lo lắng quá.


Nói nửa chừng, ông kinh ngạc nín bặt. Bà nội của ông đang ngồi nhai ngon lành nửa thân chuột nhom nhở, trong miệng chỉ toàn là máu với máu.


- Trời ơi, sao nội bắt chuột mà ăn.


Ông dượng bảy chạy tới giật miếng chuột ra khỏi miệng bà nội. Đang ngon lành thì bị cướp món ăn, bà giận dữ nhào qua tấn công dượng bảy. Ông nào ngờ một người gần đất xa trời đến như vậy lại có sức lực khoẻ mạnh, húc một cái ông ngã lăn ra đất, chiếc đèn măng xông trong tay rơi xuống, dầu đổ cháy thành một ngọn.


Bà nội vừa cắn vừa cào, trong cổ họng còn rít lên từng tiếng như dã thú. Ông nhìn cặp mắt hung ác phản phất trong ánh lửa mà kinh hoàng như gặp quỷ. Bà cứ như vậy cắn vào cẳng tay ông rồi ngậm chặt không buông ra. Ông dùng hết sức vùng vẫy, cảm nhận máu của mình càng lúc càng chảy ra ướt đẫm. Nhờ sức vóc khoẻ mạnh, cuối cùng ông cũng có thể trở ngược tình hình, chế ngự được bà nội đang lên cơn cuồng tính. Ông mang bà về nhà, tự tay khoá cửa nhốt lại, vô cùng đau buồn vì bà nội già đến tuổi này lại còn bị phát điên.


Sáng hôm sau, ông cùng thằng con trai hì hục vác gỗ gia cố lại phòng bà nội. Cửa sổ bị đóng bít bùng, cửa đi khoá chặt, chỉ chừa lại một lỗ đưa đồ ăn. Bị nhốt dĩ nhiên bà nội vùng vẫy, bào rú la hét như thú; nhưng tuyệt nhiên bà không nói một tiếng nào của người nữa, trong mắt chỉ còn lại một tia khát máu khủng khiếp.


Sau này ai đi ngang qua nhà ông cũng nghe tiếng la hét vang trời. Hàng xóm tò mò chạy vào ghé thăm, bà cô bảy chỉ vào phòng bà nội bị điên, ai nhìn qua khe cửa cũng tưởng chừng như mình không phải nhìn người, hầu hết đều nhất trí phải nhốt lại như vậy mới yên tâm.


Yêu tinh rừng sâu


Thời đó dân trí thấp, tư tưởng ngu muội, mê tín dị đoan cũng không phải là hiếm gì. Nếu trong nhà có người bị điên họ cũng không mang đi bệnh viện chữa trị, chỉ biết nhốt trong nhà mà nuôi. Thà cầu thần lạy phật cũng không cầu bác sĩ, bọn họ thích mổ người, chữa đâu thì mổ nấy. Bị điên thì chẳng lẽ mổ ở đầu à? Vợ chồng bà cô bảy một phần vì nghèo, một phần vì nhát sợ bác sĩ nên cứ để tới đâu hay tới đó.


Cho đến một ngày bà cô bảy đi ra ruộng về thì phát hiện nền nhà lênh láng máu. Thi thể đứa con trai nằm trên hành lang trước phòng bà nội bị banh bụng, ruột gan mất hết. Một cánh tay của anh ta bị kéo sâu vào trong lỗ đưa cơm. Bên trong phòng tô cơm bị hất đổ tung toé, bà nội đang cầm bàn tay đứa cháu cố gặm đến hết phần cổ tay. Bà cô bảy ở bên này kéo xác con trai giật lại, một mặt gào khóc xem có ai đến giúp đỡ giùm không.


Nhà hàng xóm cách nhau một tiếng hét cả nửa giờ đồng hồ sau mới tới được. Nhìn cảnh tượng kinh hoảng trong nhà, họ không khỏi xót xa. Người mẹ ôm thân thể nát tan của đứa con trai khóc đến điên cuồng. Trong căn phòng bị khoá kín là tiếng gào rú của một sinh vật chẳng thể coi là người được nữa.


Ông dượng bảy đi ghe xa nhà nhận được tin tức tốc trở về, vừa kịp lúc mang con trai mình đi chôn cất. Đêm hôm đó, trước mặt các trưởng lão lớn tuổi trong xóm, ông chỉ biết khóc lóc phân trần.


- Nhà tui bất hạnh mới để xảy ra tình trạng thảm thương đến vậy. Người trong phòng kia tuy đã biến thành yêu quái ăn thịt người, nhưng dù sao cũng là ruột rà máu thịt. Con trai tui chết là do bất cẩn lúc đưa cơm cho bà cố, tui lại sợ mình không giữa bà được bao lâu, để thoát ra lại hại thêm mạng người khác trong vùng. Nay xin các vị trưởng bối ra tay phân xử giùm. Tui thật đâu buồn quá, không biết tính sao cho đặng.


Nghe lời lẽ phân trần chân thành, ai nấy nhìn nhau treo đổi ánh nhìn lo âu. Quả thật có vài người ngày hôm đó đã chạy đến và thấy cái xác bị xé banh của người con trai, họ nuốt nước miếng khô, ơn lạnh nghĩ tới cảnh người thân mình cũng có ngày bị ăn như vậy. Thế là mọi người đồng lòng muốn đốt chết con quái vật kia.


Nhà bà cô bảy vốn không có nhiều nhặn gì. Họ chuyển tủ quần áo, chiếc giường và gạc măng rê ra là cả nhà trống hoác. Người dân chia nhau gom rơm củi chất quanh nhà tính đốt chết con yêu quái. Ông dượng bảy tuy đau lòng khóc rấm rức, nhưng lại nghĩ đến con trai mới chết, quyết tâm cũng được củng cố thêm. Họ bật lửa đốt cháy căn nhà tranh của vợ chồng bà cô bảy.


Tiếng gào rú trong nhà từ đầu đến cuối vẫn không ngừng vang lên đầy thù hằn đe doạ. Người dân lặng im đứng xung quanh, cố gắng chứng kiến cảnh thiêu chết con quái vật như thế nào. Tiếng thét không phải của con người khiến toàn bộ bọn họ đều dựng hết tóc gáy. Một tiếng, hai tiếng đồng hồ sau tiếng thét tắt liệm. Họ chưa hết thở phào nhẹ nhõm thì mái nhà đang cháy đột nhiên bật tung lên. Con yêu quái lưa thưa tóc bạc, cả người nhăn nhúm và meo mốc đứng ngay trên nóc nhà cười ha hả.


Người dân kinh hãi vội chụp lấy gấy gộc xung quanh lên tự vệ. Con yêu quái nhảy khỏi căn nhà đang bốc lửa phừng phừng, rú rít tấn công bất cứ ai đến gần. May là sự kiện ngày hôm đó có rất nhiều người đến tham dự nên bọn họ có thể hỗ trợ với nhau. Từng tiếng la hoảng đồng loạt vang lên khi con yêu quái vồ bên này hay bên kia.


Họ dùng cây chọt thẳng vào yêu quái để ép nó lui lại. Con quỷ gào lên lần cuối rồi xoay lưng nhảy thẳng vào rừng. Toàn bộ người chứng kiến đều bàng hoàng nhìn theo như không thể tin vào mắt mình nữa. Thật sự lửa cũng không đốt cháy thứ yêu quái đó sao.


Sau này vẫn có người kể lại họ vào rừng thỉnh thoảng lại nhìn thấy một con yêu quái da nhăn đang bắt chuột bắt rắn mà ăn sống. Họ kháo nhau rằng bà nội của ông dượng bảy sống lâu quá nên thật sự biến thành tinh mất rồi. Con yêu tinh rừng sâu đó ám ảnh người dân không thua gì cọp beo cá sấu. Một thứ yêu quái ăn thịt người, đốt không chết dĩ nhiên trở thành cơn ác mộng ám ảnh xứ Cạnh Đền.


Ông ngoại tôi ngay khi nghe kể chuyện này liền tức tốc bảo bà ngoại tôi dỡ nhà đi gấp. Ông thà trở về thị xã Long An làm nghề lái xe trở lại, dù bị bắt đi kinh tế mới cũng còn hơn sống ở cái xứ đầy rẫy yêu ma quỷ quái như thế này. Bà ngoại tôi và các dì dĩ nhiên mừng rỡ còn không kịp.


Từ ngày đó đến nay cũng đã trải qua ba mươi mấy năm. Giải phóng xong gia đình bên ngoại tôi đã trải qua nhiều biến cố ba chìm bảy nổi, tông tích người thân dưới quê dần dần bị cắt đứt hết. Câu chuyện về bà già yêu quái ăn thịt người ở miệt Cạnh Đền giờ cũng chỉ là một chuyện vui hù doạ đám con nít. Thế nhưng mỗi người kể lại, vẫn chứa đựng một ánh mắt kiên định nhìn xa xăm vào quá khứ. Tôi có thể khẳng định họ đang nhớ lại biến cố ngày đó chứ không phải là tưởng tượng ra để kể.


Chuyện xưa thuật lại, thú vị hay không chính do cảm nhận mỗi người. Tôi yêu thích những điều bí ẩn nên cũng không có tìm hiểu sâu xa cội rễ làm gì. Còn nếu như bạn là người mê khám phá, sao không một lần ghé qua Cạnh Đền, nghe xem họ kể gì về câu chuyện cũ, và lần theo dấu xưa để đến khu rừng mà bà yêu tinh rừng sâu vẫn còn sống cho đến ngày nay.


Người qua đường A


Đang tải bình luận!