Về lại thiên đường
Về lại thiên đường
Tháng ba. Hoa gạo như những ngọn đèn thắp rực cả thung lũng. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy chúng đứng tựa vào nhau hệt như một trái tim lớn, hừng hực và mãnh liệt. Sau một đêm, những xác hoa rải thẫm đỏ một góc vườn. Để sớm mai trở dậy, cầm chổi quét lá rớt, bà biết rằng lại đi qua một mùa xuân. Và khi ấy, như mọi năm, chị sẽ trở về.
***
Chị về vào lúc ngang chiều. Nắng xiên quá tàn lá đậu tràn xuống tóc, xuống vai chị. Từ xa bà đã nhận ra chị. Bà đứng bên gốc cây gạo, bà đợi. Rồi bà cầm lấy chiếc túi xách từ tay chị than: "Nắng nôi quá! Mà đường xa quá là xa".
Chị im lặng bước theo bà vào nhà. Mọi thứ vẫn như xưa với mùi ẩm mốc quen thuộc và tiếng mọt nghiến âm u. Chỉ những đồ đạc mãi già nua đi theo màu tóc bà. Bà dọn lại bàn thờ, thắp thêm hai nén nhang. Từ trên cao, anh nhìn xuống chị bao dung và hiền từ. Bà lầm rầm khấn vái, những vòng hương toả tròn trên đầu. Rồi quay qua phía chị, bà bảo: "Thôi ra đây mẹ lấy nước cho mà uống. Sao mà lại nắng đến thế chứ, mới chớm mùa kia mà".
Bà lật đật kéo chiếc quạt điện đầy bụi trong góc nhà, những đoạn dây bị chuột cắn nham nhở. "Thôi chết, đành phải đợi thằng Nguyễn. Cái con chuột quỷ quyệt cái gì cũng nhai được. Mặc xác nó, ra đây mẹ quạt cho. Quạt mo cũng mát cả mấy ngàn năm rồi đấy chứ". Chị ngoan ngoãn ra ngồi bên bậu cửa. Trời trong và xanh ngắt. Phía xa kia là các nương chè đang kỳ thu hoạch nhấp nhô những bóng nón trắng nghiêng dài. Bà quạt mạnh, vô tình chạm phải vết thương nơi cánh tay chị. "Nhà Vĩnh làm sao thế này?'- tiếng bà thảng thốt như tiếng chuông rơi. Chị ngồi lặng im, nước mắt rớt ướt vai áo bà. Lần nào về chị cũng thấy mà mặc tấm áo này, chẳng biết áo bạc vì mồ hôi, vì nắng hay vì mưa.
- Mẹ đã bảo mình dẫu gì cũng thân đàn bà con gái mải miết với công việc săn đuổi, chẳng hợp tí nào. Có chuyện gì chị cứ kể mẹ nghe.
Chuyện của chị thì dài và buồn lắm, chị chẳng muốn bà chất thêm lo lắng trong mình. Chị lại nhìn bà, khuôn mặt già nua đến nỗi chẳng thể già hơn. Đi quá nửa đời người, nếm đủ mùi cơ cực rồi mà mỗi khi trở lại chốn này chị vẫn thấy mình như trẻ dại. Mọi sự bon chen, bươn chải đã ở quá xa nơi này. Chị đi miết, rồi mỗi năm đôi lần về chớp nhoáng, khi bà chưa kịp quen sự hiện diện của chị trong nhà thì chị đã lại ra đi. Vậy mà bà vẫn ra vào với ngôi nhà quá rộng để đợi chị về. Chị tự hỏi mình không biết bà lấy đâu sức lực để miết mải chờ đợi từ giữa xuân thì cho tới khi mắt mờ, chân chậm. Ký ức bà hằn sâu những cuộc ra đi biền biệt và những chuyến trở về chớp nhoáng, vội vàng. Mỗi năm bà làm hai lần giỗ, lau lại hai khung ảnh đã ố vàng trên bàn thờ. Tuần tự tháng. Tuần tự ngày. Tuần tự.
Bà lại nhìn chị, chép miệng:
- Chậc, không hiểu nổi chị em bay, đi hết tháng hết năm, về được vài ngày lại bưng bít hết chuyện này qua chuyện khác. Mẹ già rồi, buồn đau mẹ chịu đựng được mà.
Mẹ chịu đựng được. Nhưng vết thương hôm nay chỉ là dư chấn của nỗi đau năm năm về trước. Năm năm ngỡ là dài, hoá gần như gang tấc. Nó đủ để một cậu bé như Nguyễn lớn lên thành một chàng trai. Nhưng nó chưa đủ lực để vực chị lên sau những gì đã mất. Ngày anh hi sinh chị rõ hơn ai hết. Khi ấy Nguyễn còn nhỏ, Nguyễn giận chị đã đẩy anh vào cuộc đấu không cân bằng. Làm sao Nguyễn hiểu được đã là nhiệm vụ thì không thể nói chuyện cân bằng. Cuộc đời thật khó lường và khắc nghiệt. Để đến nỗi tới tận bây giờ chị vẫn còn giữa bộn bề trăm mối riêng chung. Hôm qua chị xuống trường báo cho Nguyễn về ngày giỗ anh, chị nhận ra Nguyễn đã thành người lớn. Và chị giật mình khi Nguyễn mang nhiều vóc dáng của anh. Chỉ khác là Nguyễn không cười với chị, chị lầm lũi quay vào. Hôm ấy chị đã khóc, làm sao để cho Nguyễn hiểu rằng phía sau nụ cười của chị là cả những bão dông?
Trên cao, anh vẫn hiền lành nhìn chị. Chiều đã xuống thấp lắm rồi. ừ, hôm ấy cũng như hôm nay, trời đang tàn dần độ cuối tháng ba. Đơn vị nhận nhiệm vụ đi bắt toán cướp tiệm vàng . Anh nói để chị ở nhà. Nhưng chị lại xin đi chỉ vì chị lo cho anh. Sự đời sao lắm khắc nghiệt khi đưa chị đối mặt với tên cướp. Hắn tên là Quân. Quân là bạn của anh, của chị từ lâu lắm rồi. Quân thương chị từ khi tóc chị còn bỏ xấp xoã đi ngang ngõ nhà Quân. Nhưng chị chỉ thương anh. Ngày anh cưới chị, Quân bỏ đi. Tưởng Quân đi làm ăn, ai ngờ... Quân lao đến, định chụp lấy tay chị. Nhưng anh đã kịp hạ gập chân hắn bằng một phát đạn. Và chị lịm đi khi nhìn Quân chĩa thẳng súng vào ngực anh nhả đạn. Rồi Quân bỏ chạy. Đơn vị lùng Quân suốt mấy tháng trời. Quân biệt tăm từ đó, mặc cho lệnh truy nã giăng giăng khắp nơi. Năm năm, ai ngờ Quân lại trở về chính con phố ấy để gây án tại một cửa hàng điện thoại di động. Chị lại xin đi. Nếu lần này để xổng Quân chị sẽ làm đơn ra khỏi ngành. Sau nửa tháng truy tìm, chị cùng đồng đội cũng tóm được Quân tại một nhà chứa trá hình. Chị còng tay Quân vào tay mình. Quân kéo chị dập mạnh xuống cầu thang. Tay chị không nhói buốt. Quân thương chị mà sao Quân toàn gây đau đớn cho chị, để bây giờ có còn ai băng vết thương này cho chị nữa đâu? Chị gượng dậy, cầm lấy khẩu súng. Mắt Quân nhìn chị cháy rực, căm giận và yêu thương. ở cái khoảng khắc ấy, chị chợt nhận ra dù sao trong Quân vẫn còn hình bóng của một con người.
Chuyện của chị dài và buồn như vậy đấy, liệu mẹ có hiểu hết được không? Mẹ hỏi chị vào lúc đầu óc chị bung xung nhất. Ngày mai là giỗ anh rồi. Mẹ đi ra ngoài từ lúc nào. Khi chị quay lại đã thấy bà khẽ khàng: "Thôi, bỏ hết đi, ra gội đầu cho nó nhẹ mình".
Chị ra giếng gội đầu, mùi bồ kết đã theo chị từ lúc chị về đây làm dâu. Ngày ấy chị hay đun nước cho cả nhà gội đầu. Những ngày đó sao mà hạnh phúc. Sau này trong mải mốt công việc, chị chẳng còn thời gian để lưu tâm đến điều đó nữa. Nhưng mỗi lúc ngồi bần thần nghĩ ngợi, chị mới ngộ ra rằng hạnh phúc đến từ những điều rất đỗi giản đơn. Như lúc này đây, chị đang ngồi quay tóc cho chóng khô. Tóc chị vẫn còn xanh lắm, kề bên tóc mẹ bạc như một đám mây mỏng manh phủ xuống đầu. Tự lòng, chị thấy yêu thiết tha mảnh đất này dẫu chị chẳng sinh ra ở đây nhưng được già đi và thao thức cùng nó. Chị đã sống những ngày ngập tràn hạnh phúc ở chốn này. Chị nhớ ba cây gạo đỏ, những vạt cúc quỳ vàng hoang dại bốn mùa dọc những lối đi. Chị nhớ Nguyễn của những buổi chiều xưa, ngồi hát một mình những bản tình ca nho nhỏ. Và chị biết mình mang nợ. Đất này, người này đã là một phần máu thịt của chị rồi.
Sau bữa cơm chiều, chị đi mời họ hàng. Hơn ba chục tuổi, năm lần chị làm giỗ chồng. Chị đi giữa những lối mòn trong thôn, thấy trời sáng trăng đẹp như một bức vẽ. Ngày xưa chị đã từng đi trong trăng như thế này từ đêm cho tới sáng. Ngày đó có anh ở bên. Còn bây giờ bình nguyên chỉ có trăng nhìn chị.
Chị về tới nhà thì trời đã khuya. Bà nằm quạt trên giường, chiếc đài bán dẫn phát đi bản dân ca cổ, bài ca về người đàn bà lặn lội, tảo tần. Chị nằm bên bà, ngoài kia trăng cứ len lén nhìn khiến chị khó ngủ. Cái dáng tong teo của bà cũng trăn trở không yên.
- Nhà Vĩnh này - cuối cùng bà cất tiếng - đời người đàn bà nó qua nhanh như cơn gió, sớm tóc xanh chiều đã bạc đầu. Người mất đi thì không sống được, nhớ nhau thì để trong tâm.
Chị ôm lấy bà. Lúc nào bà cũng thấu hiểu và yêu thương chị nhiều quá. Gia đình người ta cũng đã đặt vấn đề với chị. Một anh đồng nghiệp goá vợ, một con. Người ta đã qua cái thời yêu mê cuồng dại, chỉ cần có người chăm sóc gia đình. Chị cũng thèm làm một người mẹ. Nhưng mỗi khi về lại, nhìn lên hình anh thì chị lại thấy hết thảy đều đã hoá phù vân. Anh ra đi vào lúc chẳng ai ngờ, để lại cho chị một tình yêu vượt mọi giới hạn và chị là của anh, mãi mãi. Tình yêu chẳng ai lý giải được. Mà lý giải cũng chẳng để làm gì. Chị ôm chặt lấy bà. Ngoài kia trăng cứ sáng. Hình như có cả sương mưa.
***
Cuối cùng thì người đàn ông duy nhất còn lại cũng trở về. Khi hiểu được ngọn ngành câu chuyện thì cậu chẳng còn ở tuổi 15. Nguyễn muốn xin lỗi chị dâu. Nhưng chị lại tất tả đi rồi. áo chị xanh, xanh như nền trời vậy. Nguyễn đứng nhìn hút theo bóng chị. Mẹ ra níu tay cậu lại: "Thôi đợi đến sang năm". Sang năm. Đời người đàn bà như bông hoa nở. Sang năm...
Hà Nội, tháng 7 năm 2001
Dương Bình Nguyên