Polaroid
Tiếng chổi tre

Tiếng chổi tre

Tác giả: Sưu Tầm

Tiếng chổi tre

Mặc cho mẹ quỳ lạy, van xin bố ở lại với mẹ con tôi. Bố cầm tay mẹ giật mạnh, mẹ ngã ngửa ra đằng sau. Bố quay lại liếc nhìn tôi một cái rồi xách vali đi một mạch ra ngõ. Cuối cùng mọi cố gắng của hai mẹ con đều vô vọng, bố vẫn quyết định đi theo người đàn bà mà bố đã qua lại mấy tháng qua...


***


Tiếng chổi tre


Mấy tháng sau mẹ nhận được giấy gọi của tòa án đến giải quyết việc ly hôn do bố gửi đơn. Trời mùa đông lạnh giá, trước hôm mẹ và bố ra tòa mẹ cả đêm không ngủ. Dù biết trước sẽ không níu giữ được bố vậy mà mẹ vẫn khóc rất nhiều. Nằm bên cạnh giả vờ nhắm mắt nghe tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ lòng tôi đau như thắt. Lúc đó tôi rất muốn vùng dậy tìm đến người đàn ông mà tôi gọi bằng bố để níu kéo về với mẹ nhưng tôi lại không thể làm vậy vì mẹ. Mẹ đã dặn bố đã không còn yêu mẹ thì có sống với mẹ bố mẹ cũng sẽ không hạnh phúc, mẹ đã dặn dù bố có như thế nào thì cũng là người sinh ra con...Đèo tôi đến tòa án trên con đường đá gập gềnh, ngược gió trong cái rét đầu đông. Mẹ gật đầu khi tòa hỏi mẹ lần cuối có đồng ý để bố mẹ ly hôn, mẹ không cần khoản trợ cấp nào của bố dành cho tôi, không nhận một tài sản chung nào của bố mẹ mà mấy năm qua mẹ vun đắp. Bước ra khỏi cánh cửa kia bố và mẹ sẽ là hai người xa lạ không còn ràng buộc nhau. Nhớ lại lúc bước qua tôi trong tòa án. Tôi đã nắm lấy tay bố kéo lại, bố quay lại nhìn tôi một lúc, rút tay ra và đi thẳng theo hướng người đàn bà đang chờ bên ngoài...


Mẹ về xin một mảnh đất nhỏ của ông bà ngoại dựng tạm mái nhà tranh để ở. Tôi dần lớn lên cần bao khoản chi phí cho học hành. Một mình mẹ làm công nhân lương không đủ cho tôi ăn học. Mẹ xin làm thêm buổi tối việc quét dọn đường phố. Hàng ngày sáng dậy sớm lo cho tôi ăn, đèo tôi đi học và đến công ty đi làm. Tối về mẹ lo cơm nước dặn dò tôi ở nhà cẩn thận rồi lại vội vàng trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi đến để kịp giao ca công việc lao công. Nhìn người mẹ càng ngày càng héo hắt lòng tôi như ngàn vạn lưỡi dao đâm. Tôi xin mẹ cho đi phụ mẹ vào cuối tuần được nghỉ học, ban đầu mẹ không đồng ý nhưng tôi cứ nì nèo nên mẹ đồng ý cho đôi đẩy xe phụ mẹ vào thứ 7 hàng tuần.


Đẩy xe rác đi đằng sau mẹ tôi mới ngộ ra nhiều điều đằng sau công việc của mẹ mà tôi chưa biết. Mọi người đi đường có vẻ khinh thường những người quét rác như mẹ. Khi đang lúi húi mấy anh thanh niên rú còi trêu mẹ làm mẹ giật thốt mình, có khi chỗ mẹ vừa dọn xong mấy người ngồi trong nhà quăng vù bịch rác ra. Nhiều lúc những người trên xe ô tô cầm những túi bẩn ném vào người mẹ...Mẹ vẫn bỏ qua tất cả để cố gắng kiếm tiền vì tôi. Chiếc xe dần nặng bánh như chính gánh nặng cuộc đời mẹ con tôi đang chầm chầm trôi qua mỗi ngày. Cứ cuối tuần tôi lại được nhìn hình bóng mẹ trong đêm với tiếng chổi nghe nặng nề trên đường phố. Ánh đèn điện hắt xuống khiến mẹ càng hiện rõ trong đêm. Cái rét mùa đông hay cái nắng nóng mùa hè cũng không làm mẹ nản chí. Cuộc sống hai mẹ con đỡ cơ cực hơn, nhưng bù lại mẹ nhìn gầy gò, xanh xao hơn trước.


Đợt này được nghỉ hè nên ngày nào tôi cũng được đẩy xe cùng mẹ. Đi qua công viên chợt thấy mẹ đứng khựng lại nhìn gì đó từ phía bên kia đường. Chạy lại gần mẹ tôi thấy bố cùng người đàn bà ấy đang cầm tay cho bé trai tập đi. Nhìn thấy nước mắt mẹ rơi còn sống mũi tôi cay cay. Không hiểu tại sao lúc đó tôi đã chạy sang bên đường, đứng trước mặt bố. Hai bố con tôi nhìn nhau như người xa lạ. Cuối xuống nhìn bé trai đang cầm tay bố lôi đi. Nhìn nó rồi nhìn tôi như hai người ở hai thế giới khác nhau. Nó được ăn mặc đẹp còn tôi đang khoác trên mình bộ quần áo lao động cũ kỹ, bẩn thỉu. Tôi chợt nhận ra vì sao bố bỏ mẹ con tôi đi theo người phụ nữ đó. Không nói câu nào tôi lùi dần, lùi dần và chạy sang nơi mẹ đang đợi. Mẹ ôm lấy tôi vuốt mái tóc dài rối bù của tôi trong bóng tối. Mẹ tiếp tục quét còn tôi quay lại đẩy chiếc xe đi. Tôi không biết bên kia đường bố có nhìn thấy mẹ con tôi không nhưng tôi nhận ta tiếng chổi của mẹ nghe không còn nhanh nhẹn như ban đầu mà nằng nặng. Nhận ra nỗi đau mà mẹ đang kìm nén để ngăn không cho dòng nước mắt chảy ra.


Hôm sau bố tìm đến mẹ con tôi. Bố đưa cho mẹ một chiếc phong bì không biết đựng bao nhiêu tiền trong đó nhưng tôi nghe bố nói với mẹ "cầm lấy mà lo cho con bé, đừng đi làm việc quét dọn nữa người khác nhìn thấy sẽ không hay...". Mẹ nói lại "Làm sao mà không hay, công việc đó có gì bất chính à. Hay anh xấu hổ khi biết mẹ con tôi làm nghề này...". Bố hung dữ ném phong bì xuống bàn định đi. Tôi chạy lại cầm chiếc phong bì chạy theo bố "ông cầm lấy đi, mấy năm qua không có ông mẹ con tôi vẫn sống tốt. Nếu ông cảm thấy xấu hổ vì có đứa con quét rác như tôi thì không cần nhận tôi là con. Từ bây giờ tôi cũng không nhận ông là bố là được rồi đúng không?". Bố tát tôi một cái rất mạnh cùng câu nói "con mất nết". Mẹ chạy ra ôm tôi vào lòng và đuổi bố về. Tay tôi vẫn nắm chặt chiếc phong bì tiền của bố, nước mắt tôi chảy dài và lòng tôi tan nát...


Dần dần cuộc sống của hai mẹ con ổn định hơn. Từ ngày đó mẹ không còn nhắc về bố trước mặt tôi. Tôi chỉ biết cố gắng học thật giỏi để làm mẹ vui, cũng từ ngày có cái tát đó bố không còn quay lại tìm mẹ con tôi. Mười năm sau tôi đậu đại học. Mẹ vẫn cùng chiếc chổi tre mỗi đêm cho tôi ăn học. Chọn một trường trong tỉnh để được gần mẹ. Mỗi lần ai hỏi tôi về mẹ tôi rất tự hào trả lời mẹ làm công nhân và lao công quét rác. Trên các con đường hình bóng mẹ con tôi vẫn in hằn trong đêm tối. Mẹ bây giờ không còn như trước. Khuôn mặt mẹ đã có nhiều nếp nhăn, làn da đen sạm, mái tóc đã điểm màu hoa râm. Nhưng với tôi mẹ vẫn là cả một tài sản quý báu mà tôi không thể đánh đổi lại bất kỳ tài sản quý giá nào?


Đã lâu vậy mà đôi khi thức giấc vẫn nghe tiếng nấc của mẹ trong đêm. Tôi đã rất hận bố vì đã phụ bạc lại tình yêu chung thủy mẹ dành cho bố. Hận bố chạy theo giàu sang mà bỏ rơi mẹ con tôi, hận bố vì trong suốt mười mấy năm qua bố không một lần đến thăm mẹ. Cuộc sống đã lâu tôi không còn quan niệm rằng mình có bố, tôi chỉ cần bàn tay mẹ nắm chặt tôi mỗi lúc ốm đau, mỗi kỳ thi khó khăn mà tôi gặp phải. Hôm nay tôi nhận học bổng toàn phần, mẹ mừng mà xin nghỉ hẳn một ngày dành cho tôi. Tôi chọn mua cho hai mẹ con bồ đồ thật đẹp, cầm tay mẹ đi qua những con đường dài mà công việc lao công của mẹ con tôi mỗi tối vẫn đi qua. Mẹ nắm chặt tay tôi như tôi vẫn còn non trẻ. Mẹ bảo mẹ hạnh phúc vì có tôi, mẹ tự hào về tôi, mẹ chỉ cần tôi bên cạnh là đủ. Ôm mẹ vào lòng tôi nhận ra thân hình của mẹ ngày càng nhỏ bé, da thịt mẹ đã vì tôi mà hao tổn quá nhiều. Đã nhiều lần tôi bảo mẹ nghỉ công việc lao công nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo cần tiền lo cho tương lai của tôi, rồi lúc tôi lấy chồng, lúc mẹ già nua không còn làm được gì nữa. Những lúc như vậy tôi chỉ biết ôm lấy mẹ mà khóc. Mẹ bảo bây giờ mẹ mà thiếu tiếng chổi tre mẹ sẽ rất buồn. Nó đã trở thành người bạn thân quen của mẹ...


Ngày tôi ra trường mẹ cầm bó hoa đến tận trường tặng tôi. Bạn bè ai cũng lại hỏi thăm mẹ, họ cảm phục mẹ cả đời con gái của mẹ đã hy sinh cho tôi. Đã có nhiều người đến với mẹ nhưng mẹ đều từ chối, mẹ bảo mẹ chỉ cần tôi là đủ. Xin vào một doanh nghiệp nước ngoài công việc cũng ổn định. Đã đến lúc mẹ cần nghỉ ngơi nhưng tính mẹ lo xa nên vẫn hàng đêm với chiếc chổi tre. Hôm đó là một ngày rét mướt mẹ bảo tôi ở nhà mẹ làm nốt hôm nay rồi nghỉ nên tôi không cần phụ mẹ. Tiếng điện thoại reo giọng một người đàn ông lạ nói mẹ bị tai nạn phải nhập viện. Không còn nghe thấy gì tôi lao như bay đến bệnh viện, trên người mẹ máu đỏ thấm ướt bộ quần áo lao công. Bác sĩ thấy tôi lắc đầu bảo tôi vào nói lời cuối với mẹ. Trời đất như sụp đổ. Tôi lao đến ôm mẹ mà khóc thảm thiết. Mẹ nặng nề lấy trong túi áo chùm chìa khóa tủ mẹ luôn mang bên mình. Giọng mẹ thì thào "Con hãy giữ lấy phòng thân, giao lại cái phong bì cho bố con và nói với ông ấy mẹ chưa bao giờ hận ông ấy cả...". Tiếng la của tôi dù có đến tận trời xanh thì mẹ vẫn rời xa tôi vĩnh viễn.


Đã một tuần mẹ bỏ tôi ra đi. Căn nhà nhỏ bây giờ mình tôi lẻ loi với cuộc sống. Mở chiếc hộp gỗ của mẹ đựng trong chiếc va li bằng sắt đã cũ. Phong bì cách đây gần mười lăm năm bố đưa cho mẹ con tôi chưa có vết bóc cùng chiếc sổ tiết kiệm của mẹ để lại cho tôi. Ôm những thứ đó vào lòng tôi như người chết lặng giữa dòng đời. Thì ra mẹ không hề sử dụng số tiền bố đưa cho hai mẹ con tôi. Mẹ đã cố gắng dùng tiền bằng mồ hôi xương máu của mẹ để nuôi lớn tôi ăn học thành người. Nước mắt thay nhau rơi xuống, chạy đến trước bàn thờ mẹ, tôi quỵ xuống chỉ biết khóc mà gọi hai tiếng "mẹ ơi...". Đêm khuya tĩnh lặng chỉ mình tôi với bóng tối, đêm nào tôi cũng mơ thấy hình bóng mẹ về bên cạnh. Mơ thấy mẹ hát đưa đôi vào giấc ngủ...


Hôm đó tròn một trăm ngày cho mẹ. Bố tôi đến thắp hương. Cũng đã gần mười lăm năm tôi chưa gặp bố. Tôi thấy bố đứng nhìn ảnh thờ mẹ hồi lâu rồi quay sang tôi "Con định thế nào? Con định sống một mình như thế này sao?". Tôi chỉ im lặng nhìn bố như một kẻ thù, tôi hận bố đã đẩy mẹ con tôi đến tình cảnh ngày hôm nay. Tôi im lặng trước bố. Cả buổi chiều đó bố ở lại cùng tôi nhưng một lời tôi cũng không thể nói ra với bố. Lúc bố ra về tôi đã gọi lại "khoan đã mẹ nhờ tôi gửi lại cái này cho ông. Mười lăm năm qua mẹ chưa hề bóc nó. Lúc đó mẹ cầm vì chỉ sợ có lúc mẹ cần đến để lo cho tôi, nhưng rất may tôi vẫn khỏe mạnh đến bây giờ. Số tiền này xin gửi lại cho ông...". Lúc đó tôi thấy bàn tay run run từ bố đưa ra nhận phong bì từ tôi. Bố muốn nói gì đó nhưng không thể nói nên lời. Bố quay đi. "Mẹ còn dặn tôi nói lại với ông rằng mẹ chưa bao giờ hận ông. Mẹ thật ngốc ngếch. Mẹ không hận ông, mẹ rất yêu ông. Tôi vẫn thường nghe thấy tiếng mẹ khóc nghẹn trong đêm vì ông. Còn tôi, tôi hận ông đến tận xương tủy. Tôi không thể tha thứ cho ông. Nhưng dù sao cũng cảm ơn ông vì đã đẩy mẹ con tôi vào tình cảnh này. Đẩy tôi thành đứa con gái không cha, không mẹ. Cảm ơn ông đã cho mẹ con tôi nghị lực sống đến ngày hôm nay..." Chẳng hiểu sao lúc đó tôi hét lên với bố dù rất muốn được chạy lại ôm bố làm điểm tựa cho nỗi đau lớn tôi vừa trải qua. Bố không quay lại, bố cúi đầu im lặng và bước đi loạng choạng trong bóng chiều tà.


Hôm nay là sinh nhật tôi. Mọi năm mẹ đều nghỉ một ngày làm dành cho tôi nhân ngày sinh nhật. Dù không có quà nhưng những bữa ăn ngon trong ngày tôi sinh ra làm tôi ấm áp. Một mình lang thang dọc con đường tôi nghe thấy tiếng chổi đêm của cô lao công đang dọn dẹp đường phố trước mặt. Hình ảnh mẹ cùng tiếng chổi tre vang vọng trong đêm hiện về trong tôi, nước mắt không thể kiềm chế mà rơi dọc con đường. Từ ngày mẹ mất đêm nào tôi cũng đi dọc những con phố để tìm lại hình bóng mẹ. Nỗi đau quá lớn làm tôi mất đi phương hướng trong cuộc sống. Bạn bè, đồng nghiệp động viên tôi nên kìm nén lại để lo cho tương lai phía trước. Nhưng tôi hàng đêm vẫn theo đuổi tiếng chổi đêm để được tìm lại hình dáng người mẹ mà cả đời tôi yêu mến, cảm phục...


Năm năm sau tôi có gia đình riêng với chồng và con gái gần một tuổi. Người chồng yêu thương hết mực và con gái ngoan hiền có lẽ chính là món quà mẹ ban tặng cho tôi. Hàng năm vào ngày sinh nhật tôi. Tôi không cần bánh sinh nhật, không cần thổi nến mà chỉ cần cùng nắm tay chồng và con đi dạo trên những con phố nơi tuổi thơ tôi từng gắn bó với tiếng chổi của mẹ....


Tiểu Mẫn


 


Đang tải bình luận!