Ring ring
Ngày sinh nhật cuối cùng

Ngày sinh nhật cuối cùng

Tác giả: Sưu Tầm

Ngày sinh nhật cuối cùng

Một ngày nào đó, khi về nhà, chúng ta nhận thấy không còn sự hiện diện của mẹ nữa, chúng ta sẽ ra sao đây?


Vậy nên hãy yêu thương khi còn có thể.


***


Giọng thầy hiệu trưởng chậm rãi vì xúc động qua chiếc micro trên sân khấu trong cuộc hội thảo về “tình yêu thương của con người”. Hơn năm trăm học sinh trong hội trường im lặng, không gian yên ắng, những suy nghĩ sâu xa trong tiềm thức như trỗi dậy. tiếp theo đó, một vài tiếng sụt sịt vang lên nơi cuối hội trường, mấy bạn nữ òa khóc, các bạn cúi xuống, nỗi ăn năn, sự day dứt hiện dần trên từng nét mặt. Bất giác tôi thấy cay cay nơi sống mũi, nước mắt nuốt vào mà cứ trực tuôn ra. Tôi nhớ tới mẹ, nhớ tới một lỗi lầm đã và đang đay nghiến thâm tâm tôi từng giây, từng phút.


Ngày sinh nhật cuối cùng


Cũng như bao người khác, tôi cũng từng có một gia đình hạnh phúc, bố là giáo viên, chiều chiều từ trường học, bố qua xí nghiệp may đón mẹ về ngôi nhà nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố, nơi có giàn hoa ti gôn màu hồng phủ kín lối vào, nơi có hai thiên thần nhỏ chứa bao niềm hy vọng. Thế rồi, hạnh phúc đó biến mất. Bất ngờ và nhanh chóng như một giấc chiêm bao. Vụ tai nạn giao thông giữa lúc tôi đang ôn thi đại học đã cướp đi của tôi người bố, đã cướp đi người trụ cột của ngôi nhà nhỏ có giàn hoa ti gôn phủ kín lối vào, đã cướp đi của mẹ gần như tất cả. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn và nỗi lo toan lại kéo những đau thương lùi sâu vào tâm trí.


Đồng lương ít ỏi của công nhân may không đủ để nuôi hai con ăn học, mẹ tôi phải đổi việc làm. Mẹ nhận xếp hàng ở gas tàu cách nhà vài trăm mét, tuy lương có cao hơn nhưng vất vả, bụi bặm và phải làm tăng ca vào sáng sớm. Con người đâu phải là sắt đá. Sắt đá chịu đựng mọi nắng mưa và han gỉ một cách vô thức, còn con người, họ chỉ chịu đựng sự khổ sở vì điều họ hy vọng và yêu thương thật nhiều, dù sự chịu đựng ấy không phải là vô hạn. Mẹ tôi cũng vậy. Tôi nhận ra sự mệt mỏi và bất lực hằn sâu trong mẹ như từng cơn ác mộng, tiếng mẹ rên khe khẽ lúc nửa đêm vì đau cột sống, tiếng ho khan gay gắt và dai dẳng tưởng đến nổ cổ họng làm giấc ngủ của mẹ chẳng bao giờ trọn vẹn. Đôi bàn tay mẹ trở nên thô ráp vì những vết chai sạn. Những vết xước vẫn còn gỉ màu làm mẹ xót xa mỗi khi chạm vào nước muối. Khuôn mặt thanh tú bỗng đâu trở nên già nua, những vết nhăn như hiện diện những nỗi khổ đau và bất hạnh mẹ ngầm chịu đựng. Thế nhưng mẹ không bao giờ ngừng nói với tôi về những điều tốt đẹp hai chị em tôi đã đem đến cho mẹ. Đôi lúc tôi chỉ muốn ôm mẹ thật chặt mà nói tôi yêu mẹ nhiều lắm nhưng chẳng bao giờ tôi làm được.


Lớp 12, thời điểm quyết định tương lai của một cuộc đời. Tôi mải mê lao đầu vào học (thực ra đã bắt đầu từ cuối năm lớp 10). Buổi tối, tôi về nhà sau cả chặng đường gần mười cây số, tôi mệt nhoài, cái không khí oi bức và ngột ngạt trong căn phòng không điều hòa nhiệt độ làm tôi khó chịu.


- Thư về rồi à, con? – Giọng mẹ khàn đặc.


Tôi không trả lời, lết từng bước vào phòng, quăng người lên giường, chán nản. Tôi không hẳn là một học sinh giỏi, muốn đỗ đại học tôi cần phải cố gắng thật nhiều, nhiều hơn nữa. Nhưng bố tôi mất rồi, khối nặng kinh tế giờ chỉ còn đôi vai gầy của mẹ gánh gồng, mà đôi vai ấy đang yếu dần đi, từng ngày, từng ngày một. Nếu đỗ đại học rồi thì sao? Mẹ có nuôi tôi học tiếp được không? Còn em trai tôi nữa, nó cũng sắp lên lớp 10. Vậy là bao cố gắng, cần mẫn suốt 12 năm học trở về vạch mốc.


- Xuống ăn cơm đi con! Cơm nguội mất. Mẹ nấu từ ban nãy , để đợi con về. – Mẹ đứng ở của phòng, nhẹ nhàng nói.


- Mẹ cứ ăn trước đi, đợi con làm gì? – Tôi gắt lên.


Sự mệt mỏi và những nỗi lo âu luôn làm người ta nông nổi và thiếu chín chắn như một nguyên tắc bất di bất dịch. Nhưng dĩ nhiên, lúc đó tôi không thể nhận ra. Mẹ không nói gì thêm, lẳng lặng bước ra. Tôi nằm dài trên giường và thiếp đi. Nhẹ nhõm. Khi tỉnh dậy, tôi đã thấy bát cơm và đĩa đỗ xào đã ở trên bàn học từ lúc nào, mùi thơm của đỗ khiến lòng tôi khoan khoái.


Ngày sinh nhật cuối cùng


 


Chợt em tôi đi vào.


- Chị không mua gì tặng mẹ à?


- Hôm nay là ngày gì mà tặng quà?


- Ơ, chị quên à? Hôm nay là sinh nhật thứ 42 của mẹ.


Tôi nhớ khi bố còn sống, đến ngày sinh nhật mẹ, bố tự tay vào bếp nấu ăn, bữa cơm chiều là lúc cả nhà quây quần và cũng là lúc tôi tặng mẹ món quà mà ba bố con đã chọn mua từ trước. Hôm nay là sinh nhật mẹ. Tại sao tôi lại quên được nhỉ? Chắc lúc này mẹ đang nhớ bố lắm, nhớ cả bữa cơm chiều ngày này năm ngoái. Chắc giờ mẹ đang rất buồn. Tôi muốn xin lỗi mẹ nhưng vì lòng tự ái tôi đã không làm được.


Thời gian tiếp tục trôi như dòng chảy của một con sông, cuốn mọi chuyện lùi dần vào dĩ vãng. Tôi đỗ đại học, đồng nghĩa với việc gánh nặng trên vai mẹ càng nhiều. Mẹ tiều tụy và ốm yếu. Bác sĩ khám và kết luận: mẹ bị ung thư phổi, thoái hóa cột sống và suy nhược cơ thể. Chao ôi! Sao mọi bất hạnh và đau đớn cứ dồn cả về phía con người khốn khổ ấy. Mẹ chỉ còn hai tháng…


Sinh nhật thứ 43, mẹ đang nằm trên giường bệnh. Tôi làm sao quên được. Tôi mua quà tặng mẹ. Một chiếc đồng hồ. Mẹ mở quà, nhìn chiếc đồng hồ hình con thỏ, đôi tay gầy guộc, nâu sạm, run run chạm vào một cách khó nhọc. Tóc mẹ bạc nhiều và cũng đã rụng nhiều, đôi mắt mẹ đỏ đục, từng giọt nước mắt lăn dài trên gò má cao đầy những vết tàn nhang. Mẹ mím chặt đôi môi khô nứt để khỏi bật ra thành tiếng, hay cổ họng khản đặc khiến mẹ không nói nên lời. Tôi sợ hãi nhìn vào chiếc đồng hồ hình con thỏ, kim giây đang quay thật nhanh, những tiếng tích tắc lạnh lùng, ghê rợn đang đếm từng giây của sự sống. Tôi đau đớn và ân hận sao mình đã quá vô tâm. Hẳn giờ đây lòng mẹ rất nặng nề.


Một buổi chiều mùa hè oi bức và ngột ngạt, mẹ đã bỏ chị em tôi mà tìm lên với bố. Tôi đặt chiếc đồng hồ hình con thỏ lên bàn thờ, cạnh ảnh mẹ.


Giờ đây tôi sống cùng người bác ruột. Không ngày nào tôi quên lau chùi sạch sẽ chiếc đồng hồ ấy. Và cũng không khi nào tôi quên ngày sinh nhật cuối cùng của mẹ, ngày mẹ đau khổ và thất vọng nhất.


Tôi ân hận, nhưng cũng để làm gì. Mẹ đâu thấy được. Cũng chính vì thế mà lòng tôi chẳng lúc nào thanh thản. Tôi đã không yêu mẹ đúng lúc và không yêu mẹ đủ nhiều. Tất cả chẳng thể nào thay đổi được nữa.


Người ta luôn như vậy. Chỉ khi mất đi mới biết quý trọng, tiếc nuối và nói hai chữ “giá như”.


Nếu bạn còn bố mẹ, thì đừng xử xự như tôi, đừng bao giờ làm họ buồn, đừng bao giờ để nước mắt lăn trên má mẹ, đừng bao giờ để nỗi thất vọng ám ảnh trong mắt bố.


“Hãy yêu thương khi còn có thể”


Đang tải bình luận!