The Soda Pop
Nắng mới

Nắng mới

Tác giả: Sưu Tầm

Nắng mới

Nhớ lại chỉ mới hôm kia, nó dẫn mấy đứa con gái vào đấy ăn uống thỏa thuê, nó rút ra một xấp polime xanh lè dúi cho nhân viên phục vụ và hét một câu cũng xanh lè "không cần thối!" trước sự thán phục của các chân dài quần ngắn. Còn giờ đây...


***


- Vèo...!


- Thằng mất dạy!


Cái kiểu chạy xe như ăn cướp của hắn để lại sau lưng tiếng chửi theo của một cụ già. Có hề gì đâu! Chuyện này với nó xảy ra như cơm bữa. Sáng hôm qua đi ngang trường Sư phạm nó còn khoái chí vì làm cô gái xinh xinh nào đó phải hét lên thất thanh vì sém chút bị xe đụng, nó còn quay lại nháy mắt cười đểu làm người ta giận đỏ mặt mới thôi.


Nắng mới


 


Ở cái phố này người ta còn lạ gì nó, ba là chủ tịch quận, mẹ là chủ khách sạn ba sao, giàu nức đố đổ vách, và có lẽ ngày càng ăn nên làm ra từ khi sinh ra nó. Nó hai mươi tuổi, đẹp trai, lém lỉnh, chỉ mỗi tội hơi ngông, suốt ngày chạy rông không chịu học hành tử tế. Ba mẹ nó cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa, đặt tên cho nó là Phú Quý, nó hãnh diện về cái tên đó lắm. Ba mẹ đi làm suốt ngày, có khi cả tuần nó mới thấy ba một lần, còn gặp mẹ có khi cả tháng, nó được thể không ai quản suốt ngày đàn đúm bạn bè, mỗi tháng tiền cứ đổ đều đều vào túi nó, rồi cứ thế đều đều đổ vào bar, vũ trường, nhà hàng, quán nhậu... "tội gì không chơi khi túi luôn rủng rỉnh tiền, trời sinh ra Phú Quý là để hưởng an lạc giàu sang, sống như ta đây khối người ghen tị!" nghĩ thế, nó lao đầu vào những cuộc vui thâu đêm.


Hôm nay có trận mưa rào, đường sá đỡ bụi hơn, thời tiết cũng mát mẻ hơn, tự nhiên đôi mắt nó bừng sáng, nó lại nghĩ ra một trò mới rồi gọi cho bạn bè:


- Ngọc hả, bữa nay trời đẹp ghê mày!


- Có trò gì vui hả anh?


- Tập hợp anh em, làm một chuyến!


Và thế là một cuộc nhậu nhẹt tưng bừng rồi sau đó là một cuộc đua xe được nó lên kế hoạch mà không cần đến giấy bút. Nó hào hứng nghĩ mình thiệt thông minh và có tài lãnh đạo, nó kéo ga như bay giữa đường quốc lộ, và thoáng nghe sau lưng bao lời bực tức " thằng mất dạy!" có hề gì, chuyện này với nó như cơm bữa!


Miền trung mùa này nắng và gió, thỉnh thoảng cũng có vài cơn mưa bất chợt, nằm dài trên ghế sô-pha nhìn ra cửa, nó hớn hở trông chờ cuộc vui đã được sắp đặt vào buổi tối. Những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau toát lên vẻ hào hoa giàu có của gia chủ, vài chiếc ô tô trắng, đỏ, đen đậu bên đường làm nó nghĩ tới chiếc ô tô màu cà phê sữa mới toanh, nằm chềnh ềnh dưới ga ra nhà nó mà ông bố khó tính không cho nó sử dụng, tự nhiên nó thấy ấm ức và bị thiệt thòi quá đỗi, thằng Ngọc, thằng Đô đứa nào cũng được lái ô tô, thế mà...ánh mắt nó dừng lại nơi góc phố, người lượm ve chai trong chiếc áo mưa lùng bùng đang lom khom lặc từng chiếc lon, lại có thằng nhỏ bán vé số đi ngang qua cửa, người gầy còm, nhếch nhác và xanh xao. Nó nhếch mép:


- Phố đang đẹp, bị mấy con người bẩn thỉu này làm ô nhiễm cả!


***


Ông Châu nắm tai thằng con quý tử lôi ra khỏi nhà, vẻ tức giận đến tột độ in hằng trên gương mặt ông, mặt ông đỏ như gấc:


- Ra khỏi nhà! Từ bữa ni không tiền bạc, không xe, không điện thoại chi nữa hết! anh hãy tự đi mà kiếm lấy cái ăn!


- Ba...!


- Vô ích thôi! Đã bao lần anh hứa nhưng anh có làm được không? Anh hãy xem lại mình đi! Đi đi, bao giờ làm được việc gì có ích thì hãy về! Anh không muốn sữa đổi thì đừng bao giờ vác mặt về đây nữa!


Ông Châu không muốn nói nhiều, ông đau đớn vì thằng con hư hỏng, ông tự trách mình vì công việc mà bỏ quên cái nhiệm vụ uốn nắn con của một người cha, càng thương, ông càng giận. Đây không phải lần đầu Phú Quý bị bắt về đồn công an. Đã bao lần ông nhờ người quen giúp, cũng không ít lần ông đích thân đến đồn bảo lãnh cho con, sự quen biết của ông làm con ông ỷ lại, và sự ỷ lại đó làm ông bao phen mất mặt và xấu hổ. Đường đường là chủ tịch quận, lãnh đạo bao nhiêu người, thế mà con ông ông không quản được.


Cánh cổng đóng sầm lại, Phú Quý bất động vài giây, bây giờ nó vẫn chưa tin mình bị đuổi ra khỏi nhà, nó nghĩ đến mẹ, nhưng có lẽ cũng vô ích thôi, mẹ nó đi chơi ở Úc với bà dì họ một tuần nữa có lẽ cũng chưa về. Nó nghĩ đến chúng bạn, định bụng đến ở nhờ vài hôm, mượn điện thoại, hắn gọi, nhưng tất cả đầu dây bên kia đều im re. nó tự nghĩ không biết các quý tử ấy có giống như nó, bị đuổi cổ ra khỏi nhà, hay bị bắt phải sang Mĩ du học? hay vẫn còn bị giam ở đồn công an...? bây giờ nó bắt đầu thấy cô quạnh, và cảm giác như một kẻ thừa ở thế giới này.


Nó lang thang tới công viên, rồi ngồi thừ nơi ghế đá. Đôi mắt thâm quần vì bia rượu và thức trắng đêm ở đồn công an đợi bảo lãnh. Giờ nó chẳng biết đi về đâu, nỗi lo lắng bắt đầu tràng ngập trong tâm trí, nó chính thức vô gia cư và vô sản, điều mà nó chẳng bao giờ mảy may nghĩ tới. Và nó nhận ra rằng tất cả sự giàu có đó có phải của nó đâu, nó chưa bao giờ có gì cả, của cải là ba mẹ nó làm ra, và nó đã ăn tiêu hoang phí trên sức lao động của ba mẹ nó. Gió lay, lá rụng, nó thấy chạnh lòng!


Trưa, cái bụng bắt đầu cồn cào, ngồi nhìn sang đường, Lotteria tấp nập người ra vào. Nhớ lại chỉ mới hôm kia, nó dẫn mấy đứa con gái vào đấy ăn uống thỏa thê, nó rút ra một xấp polime xanh lè dúi cho nhân viên phục vụ và hét một câu cũng xanh lè " không cần thối!" trước sự thán phục của các chân dài quần ngắn. Còn giờ đây, hai tay nó xỏ túi quần tự lúc nào, không một xu dính túi, cái bụng rỗng, cái túi rỗng còn đầu óc thì chằng chịt bao suy nghĩ rối bời. Nó đứng dậy lang thang phố, hôm nay trời không mưa, nắng vẫn vàng vọt, thỉnh thoảng có vài cơn gió nhẹ cuốn đám lá khô bay lên rồi rơi xuống như đùa bỡn.


Phố tan tầm, người và xe cộ chật ních ngược xuôi, nó không cười hả hê như mọi khi vèo vèo trên chiếc SH lướt gió, nó lầm lì cuối mặt, trách ông ba khó tính, trách bà mẹ vô tâm, và rồi trách mình hư đốn. Đèn đường đã sáng, nó lại quay về góc công viên, vừa đói vừa khát, nó nằm dài trên ghế đá, mệt lã.


- Xích qua tao ngồi với mày!


Có tiếng ai nói, nó ngồi dậy xích qua một bên, thằng kia ngồi xuống, trên tay cầm xấp vé số, hắn cao lêu nghêu, mặt đen sì, đội cái mũ cói tưa lưa, hắn ngồi gặm bánh mì. Nó nhìn từ đầu đến chân thằng vé số chẳng có gì ấn tượng, cũng hao hao như những thằng hay đi ngang ngõ nhà nó,cái thu hút nhất có lẽ là ổ bánh mì đang lay lay theo nhịp cắn nhai chóp chép. Nó nhìn hao háo, nuốt nước bọt, cũng phải thôi, từ khi bị đuổi ra khỏi nhà nó đã ăn gì đâu, nó đang đói lã rồi mà. Thằng vé số quay lại và bắt gặp ánh mắt thèm thuồng của nó


- Ăn không?


Nó quay mặt đi như giấu diếm, bây giờ mà còn sĩ diện nữa cơ đấy, Phú Quý mà đi ăn chực của thằng vé số nữa ổ bánh mì à, mất mặt quá đi mất! Nghĩ thế rồi nó tự ái. Thằng kia lại tiếp tục ăn, cái đói như xâu xé, cồn cào, nó lại quay sang nhìn. Thằng vé số lại hỏi


- Ăn không mà cứ nhìn hoài mày!


- Có!


Nó lấy hết can đảm, bỏ luôn cái tự tôn mang tên Phú Quý trả lời một câu ngắn gọn mà như van như nài nỉ, mặt nó đỏ ửng, con người thì như nhau cả thôi, phải ăn mới sống được, nó chờ đợi thằng kia bẻ đôi ổ bánh mì cứu nó khỏi cơn chết đói. Thế mà hỡi ôi!...


Thằng kia đứng phắt dậy, chạy đi và mất hút trong đám người đi lại giữa phố phường. Đầu nó kêu ong ong, sự bất ngờ chuyển thành tức giận, bị thằng vé số bẩn thỉu chơi khăm thế này thì nhục nhã quá! Rồi tức giận biến thành sự tủi thân, nó có bao giờ tốt với ai đâu mà đòi người ta phải tốt với nó, nó thấy cay cay nơi khóe mắt. Nó thầm nghĩ những thằng bán vé số là những đứa gian manh, bẩn thỉu không bao giờ thay đổi.


- Ăn đi nè mày!


Nó quay phắt lại, thằng vé số tươi cười đứng sau lưng nó với ổ bánh mì nguyên vẹn, nóng hổi. À, ra là vậy, nó không dám nhận, cuối mặt xấu hổ trước người ta, trước hàng phượng già đang phe phẩy lá.


- Ăn không tao ăn luôn nè mày!


Nó ngượng nghịu nhận lấy ổ bánh mì, và thấy mình nhỏ bé lạ.


- Mày tên gì?


- Quý – nó cố tình không nói là Phú Quý, bởi nó đâu còn là Phú Quý nữa, cái tên kiêu sa đó đã ở lại bên trong cánh cổng mà ba nó đã đóng sầm lại khi sáng rồi. Giờ nó còn nghèo hơn cả thằng bán vé số.


- Còn mày tên gì?


- Tốt!


- Tốt hả, ừ thì tốt thật mà.


Có vẻ thoáng buồn nơi khuông mặt ngăm đen ấy, thằng vé số gỡ cái mũ cói xuống, rồi tỉ tê tâm sự, thâm mật như lâu lắm rồi mới có người ngồi nghe hắn nói


- Ba má tao đặt tên tao là Tốt với hi vọng tao có một tương lai tốt đẹp, thế mà ổng bả bỏ lại tao một mình ở thế giới này khi tao mười tuổi, không ai nuôi, tao tự bán vé số kiếm ăn đến giờ, mày nói có tốt không?


Chất giọng Quảng Bình nặng mùi nắng gió, ánh mắt cùng câu chuyện buồn làm Quý cảm động, muốn nói vài lời an ủi động viên, nhưng cũng chẳng biết nói điều gì, xưa nay nó quen chọc tức người khác, có quen lòng tốt thế này đâu. Tốt cười xề xòa, hối nó ăn nhanh rồi về nhà kẻo mưa.


Trời âm u, và mưa xuyên qua ánh đèn đường, Thằng vé số đứng lên vội vã, nó cũng đứng lên


- Mày về đường nào?


- Tao, tao không biết nữa, tao bị đuổi khỏi nhà, chẳng có nơi nào để về!


- Thế thì về phòng tao rồi kể tao nghe về mày!


Thằng vé số đi về phía cuối đường, qua mấy khu nhà trọ chật chội và có phần u ám, chuột chạy loanh quanh. Nó theo sau, cũng không biết nói gì, buông một câu lạc lõng


- Sao lại mưa đêm?


Phòng ở của thằng vé số còn nhỏ hơn cả phòng tắm của nhà nó, ẩm thấp và chật chội. Phòng chẳng có gì quý giá ngoài cái bếp ga rỉ rét, vài vật dụng linh tinh để nấu ăn, một chiếc chiếu cói, mền, gối và vài bộ quần áo, cái gì cũng cũ. Thế này mà sống được, đúng là giỏi thật. Quý ngạc nhiên khi nhìn ở góc phòng, trên cái bàn gỗ mini là chồng sách xếp gọn gàng


- Mày cũng đọc sách à?


- Ừ, tao toàn mua ở hiệu sách cũ và mua lại của mấy bà đồng nát giấy vụn.


- Sách này là sách giáo khoa mà, có phải truyện đâu?


- Tao nói mày đừng cười, ngày tao đi bán vé số, đêm tao tranh thủ đi học bổ túc, tao muốn trở thành một thầy giáo mày ạ, để dạy trong trường khuyết tật hoặc trường trẻ mồ côi. Hôm nay chủ nhật, tao được ở nhà.


Quý nghĩ ngay đến cái phòng đọc sách to chình ình nhà nó, mỗi tháng ba nó chi cả vài triệu mua sách này sách nọ về chưng mà có bao giờ nó đọc đến. Bao nhiêu lần nó trốn học lêu lổng, thi Đại học không đậu, ba nó bảo ôn thi lại, nó ừ à rồi toàn chơi, bây giờ nó thấy tiếc. Và xấu hổ nữa, nó thấy chính nó tầm thường chứ không phải thằng vé số kia.


- Mày có ước mơ gì không? – thằng vé số hỏi.


Ước mơ ư? Nó giật mình, đã bao giờ nó có một ước mơ chưa nhỉ? Nó chưa từng nghĩ đến nó sẽ làm gì, chưa từng nghĩ đến...nó không dám trả lời, lảng sang chuyện khác


- Nóng quá! Mày có quạt không?


- Quạt mo – thằng vé số cười hề hề.


Lần đầu tiên nó dùng quạt mo, cái quạt mo chẳng rõ hình hài phe phẩy mõi cả tay mà không xua nỗi cái nóng trong căn phòng trọ chật chội, nhưng tự bao giờ đã xua đi cái ý ngĩ mình là chàng công tử nhà giàu của nó. Nó nằm cạnh thằng vé số, hai đứa gối chung chiếc gối, nằm chung một chiếc chiếu tàn. Nhắm mắt ngủ thiu thiu, nó thấy âm ấm trong lòng, hơi ấm tình bạn mà lâu nay nó chưa bao giờ cảm nhận được. Thằng vé số mà nó từng khinh rẻ giờ đây là người đầu tiên mà nó thực sự coi là bạn.


Xa rời cuộc sống giàu sang chưa tròn ngày mà nó nhận ra nhiều điều quá. Nhà lầu, xe hơi, tiền bạc đâu phải là tất cả, trong giấc mơ màng, nó tha thiết làm điều gì đó có nghĩa, phải chăng người bạn nghèo kia là sứ giả cảm hóa đời nó.


***


Khi đi làm, ông Châu nhặt được một tờ giấy trước cổng, ông mở ra, là chữ của Quý với vài dòng ngắn ngủi :


"Gởi ba mẹ!


Con đã hiểu ý nghĩa cuộc sống này là như thế nào, thời gian qua con đã làm ba mẹ buồn nhiều, xin ba mẹ bỏ qua cho những lỗi lầm con đã mắc phải. Bây giờ con sẽ tự kiếm cơm bằng sức lao động của mình, bằng cách nào thì ba mẹ đừng lo, nghề nào kiếm tiền bằng sức lao động chân chính của mình đều đáng trân trọng cả. Và con sẽ ôn luyện để thi Đại học. Ba mẹ giữ gìn sức khỏe, đừng lo lắng cho con.


Con của ba mẹ: Phú Quý"


Giữa bình minh, những con bướm trắng rập rờn trên giàn hoa giấy, người cha mỉm cười, hạnh phúc làm ông cay nơi khóe mắt, chẳng biết bằng phép nhiệm màu nào mà con ông bỗng lớn khôn?


Và...người ta thấy trên phố phường đông đúc, hai thằng vé số đùa nhau, trong góc công viên nơi hàng phượng già, hai thằng vé số vừa gặm bánh mì vừa đọc sách. Nhưng không ai biết trong giấc mơ đêm về của hai thằng vé số, có hai cậu sinh viên ngồi cạnh nhau trên giảng đường Đại học...!


Thùy Dương


 


Đang tải bình luận!