Pair of Vintage Old School Fru
Hạnh nhân đắng

Hạnh nhân đắng

Tác giả: Sưu Tầm

Hạnh nhân đắng

Gia Anh chăm sóc tôi vô tư và trìu mến. Đến nỗi có đôi lần tôi tự hỏi liệu tình cảm này có tiến xa hơn nữa chăng? Đó là năm chúng tôi mười sáu tuổi. Nhưng đến ngày hôm sau, tôi dường như quên mất. Có nhau, cũng chỉ là quán tính thôi mà.


***


Đó là một câu chuyện của Anđécxen. Có một anh bánh và một chị bánh nằm cạnh nhau trong cửa hiệu. Họ chẳng nói gì với nhau. Rồi một ngày chị bánh bị bán đi, từ ấy anh bánh buồn bã đau đớn, mãi câm lặng. Đến khi người ta cắt chiếc bánh ấy ra, mới phát hiện trái tim anh làm bằng hạnh nhân đắng...


Hạnh nhân đắng


Gia Anh kể cho tôi nghe câu chuyện ấy trong một dịp hết sức buồn cười. Lúc tám tuổi, cậu ấy và tôi rủ nhau vào nhà kho của khu tập thể tìm những mẩu gỗ để về đóng nhà cho con chó Tinô. Bác bảo vệ không biết hai đứa nhóc đang lúi húi trong đó, khóa cửa lại đi công việc. Tôi chỉ giữ bình tĩnh được khoảng mười phút, sau đó thì bật khóc vì quá sợ hãi. Gia Anh phải khóa mồm con bé tôi đang nhè nhè lại bằng cách đặt tay lên vai tôi và luôn mồm bảo "tớ ở đây!". Rồi cậu ấy ngồi kể chuyện cho tôi nghe. Không hiểu vì sao tôi nhớ mãi Hạnh Nhân Đắng. Có lẽ vì đó là câu chuyện cuối cùng, Gia Anh vừa kể xong, giọng đã bắt đầu khàn đục lử lả thì chúng tôi được "giải thoát". Đầu đứa nào cũng dính đầy tơ nhện, quần áo nhàu bẩn. Đó là lần đầu tiên tôi có ý thức vui mừng khi thấy lại được ánh mặt trời. Sau này Gia Anh thỉnh thoảng cũng kể chuyện, nhưng có lẽ vì không còn cảm giác bóng tối bất trắc, không còn ánh sáng lờ mờ lọt qua cửa thông gió nhỏ xíu và nỗi sợ hãi hoang mang, cũng không còn bàn tay đầy tin cậy trên vai, tôi ít khi nhớ chúng.


Mười hai tuổi, Gia Anh rời khu tập thể dọn sang một khu biệt thự cách đó không xa. Bố mẹ tôi là những giảng viên nhạc cụ dân tộc sống giản dị, an phận và cũng không tài danh nổi bật. Chúng tôi vẫn sống bình yên trong căn nhà tập thể từ ngày bố mẹ cưới nhau. Gia Anh ghé chơi thường xuyên, mang cho tôi những cuốn sách và băng nhạc cùng vài câu chuyện thú vị về nơi ở mới của cậu. Hai đứa vẫn học cùng lớp, tình cảm trong trẻo từ ngày bé không có gì thay đổi.


Gia Anh lớn lên, đẹp trai đến lạ thường. Đó là từ dùng của những người xung quanh. Bàn tay tài hoa với những ngón dài thừa hưởng từ mẹ là một pianist cùng với chất lãng mạn từ ông bố nhạc sĩ, cậu ấy thực sự trở thành một hot boy trong mắt bọn con gái cùng trường. Bọn nó như ngơ ngẩn đi khi thấy Gia Anh búng guitar, hát những bài nhạc Nga cậu ta nghe từ bé. Tôi sống lặng lẽ và cô độc trong cái tập thể đầy những cô chiêu cậu ấm con nhà quí tộc, ít khi bộc lộ mình, trừ lúc nói chuyện với Gia Anh. Bọn con gái chuyển sự ngưỡng mộ sang tôi, biến thể một chút nữa thành xét đoán và nghi hoặc. Tại sao Gia Anh cao ngạo lạnh lùng lại thân với một con bé bình thường như nhỏ ? Vài lần bị dò hỏi, tôi kể nguyên do, như một chuyện bình thường. À thì ra là thế, từ đó bọn nó nhìn tôi bằng cái nhìn mang thông điệp "hóa ra hai người thân nhau chỉ vì thói quen ngày bé". Điều đó cũng có nghĩa là "bọn tôi có thể hoàn toàn yên tâm rằng mình chẳng thua kém cậu quái gì!" Tôi mỉm cười khi nhận ra. Gia Anh cũng thế. Toàn chuyện tủn mủn!


Rồi nhà tôi cũng rời khu tập thể. Tuy khá xa nhưng Gia Anh vẫn đưa đón tôi về bằng chiếc xe đạp quấn decal màu cam chóe dán chi chít tên những rock bands cậu ấy ngưỡng mộ. Dù ông bố bà mẹ hơi cổ điển kì vọng cậu con trai cũng sẽ trở thành một pianist, hay một nhạc sĩ cũng được, trong khuôn khổ đào tạo khe khắt của mình, Gia Anh vẫn sống tự nhiên, cá tính. Chơi tốt piano và guitar cổ điển, cậu ấy lại ghiền rock, thỉnh thoảng đọc một đoạn rap tiếng Anh và mong muốn trở thành designer tài ba. Tôi lắng nghe Gia Anh thao thao nói về ước mơ của mình, bật cười trước những câu nhấn nhá hài hước. Những con đường tháng mười một gió se sắt và lá khô rơi đầy như ấm dần lên...


Gia Anh chăm sóc tôi vô tư và trìu mến. Đến nỗi có đôi lần tôi tự hỏi liệu tình cảm này có tiến xa hơn nữa chăng? Đó là năm chúng tôi mười sáu tuổi. Nhưng đến ngày hôm sau, tôi dường như quên mất. Có nhau, cũng chỉ là quán tính thôi mà.


Một tối mưa, Gia Anh gọi đến hỏi tôi có muốn nghe Song from the secrect garden hay không. Tôi bảo có.


- Này, sao giọng cậu run run?


- Bố mẹ tôi đi vắng cả rồi! Tôi sợ! – tôi đáp thật thà.


- Chờ đấy! – Cậu ta cúp máy rụp một cái làm tôi ngẩn ngơ.


Mười phút sau nhà tôi có một thằng nhóc dắt xe đạp, mặc áo gió màu xanh đen ướt lướt thướt bấm chuông. Ánh đèn đường chiếu khuôn mặt Gia Anh rạng rỡ đầy tin cậy sùm sụp dưới mũ áo gió tạo ra những mảng sáng tối lạ lẫm. Cậu ta đứng thẳng, còn mưa thì bay chéo. Chúng tôi ngồi trước hiên cho đến khi bố mẹ tôi về. Gia Anh lại kể chuyện Anđécxen.


* * *


Cô giáo chuyển Như Trân đến ngồi cạnh tôi để tôi giúp bạn ấy học Toán. Như Trân xinh đẹp dịu dàng như một tiểu thư kiểu mẫu của thế kỉ 19, là con gái ông giám đốc công ti cỡ bự, tuy trong lớp sống hòa đồng và vui vẻ, nhưng tôi cũng có chút e ngại. Một tuần, sau mọi cố gắng của Như Trân, cuối cùng chúng tôi cũng đã nói chuyện thoải mái hơn một chút. Và thêm một tháng nữa, hai đứa thân nhau, như thể là chỉ chờ cơ hội gặp nhau để mà thân thôi hay sao ấy! Tôi nhận ra rằng Như Trân sống cũng khép kín như mình, thêm nữa có phần hơi nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Có lẽ tôi cũng vậy, nhưng tôi không cho phép ai biết điều đó, kể cả bản thân mình.


Không có gì lạ khi Như Trân thổ lộ với tôi rằng cậu ấy mến Gia Anh, rất mến. Tôi có thể hiểu điều ấy, nhưng lòng lại dấy lên một tia nghi ngờ: "Tại sao cậu ấy lại thân với mình..." Nhưng rồi tôi lắc đầu quầy quậy để xua đuổi ý nghĩ đáng ghét đó. Như Trân như đọc thấu tâm can tôi, mắt long lanh nước: "Hân à, cậu đừng nghĩ..." Tôi nhanh chóng ngắt lời, ôm vai cô bạn đáng yêu: "Cậu mới là người đừng nghĩ bậy ấy!" Liếc mắt sang chỗ Gia Anh, thấy cậu ta đang say sưa gõ xuống mặt bàn – những phím piano tưởng tượng, khuôn mặt ngây thơ và vô lo, tôi bỗng... ghen ghét. Gia Anh ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt tôi, nháy mắt cười điệu đàng.


Tôi hỏi Gia Anh nghĩ gì về Như Trân. Coi nào, cậu ta chớp mắt, cũng được. Cũng được rồi sao? Tôi hỏi vặn. Ơ, cứ sau khi nhận xét về một ai xong là phải "làm sao" với họ à? Gia Anh mở to mắt nhìn tôi, ý bảo tôi vừa hỏi một câu vô lí. Tôi vò đầu chán nản. "Này, trả lời tôi một câu, cậu có bị gay không?" "Tôi tưởng điều đó cậu phải biết sau ngần ấy năm chơi với nhau chứ?!" Cậu ta cười tinh quái. "Cậu có bao giờ cho tôi cơ hội để biết đâu!" "Thế cậu không thấy thứ gì khác lạ à?" "Khác lạ?" Tôi ngạc nhiên. Gia Anh đứng dậy, với lấy cây guitar treo trên vách "Toàn chuyện tủn mủn! Ừ, nhưng mà Như Trân cũng hay!", ngần ngừ một chút, cậu ta nói thêm.


Một ngày rét trước Giáng sinh, Gia Anh gọi tôi ra cửa.


- Gì thế? – tôi tò mò nhìn túi giấy trên tay Gia Anh.


- Cầm đi rồi biết! – Cậu ấy dúi vào tay tôi. Túi giấy ấm sực – Ngày mai, cậu nhớ ngày gì không?


- Không phải nhắc, ông tướng!


- Ừ, gặp ở tượng đài quảng trường nhé, như mọi năm! – Cậu ta nói nhanh câu này, có vẻ bối rối, rồi đạp xe đi thẳng.


Tôi bật cười, hé mở gói giấy ra nhìn. Một túi khoai lang nướng và hạt dẻ. Hình như vài ngày trước tôi nói Gia Anh này, cậu có nhớ hồi bé hai đứa hay mang khoai xuống vùi nhờ lò than của bà bán chè chén dưới khu tập thể?! Tớ nhớ mùi vị đó quá.


Tôi quyết định dành cho Gia Anh một món quà đặc biệt...


* * *


- Cậu nhớ chứ, hãy nói chúc mừng sinh nhật trước, rồi là chúc mừng Giáng sinh. Cậu ấy luôn hợm hĩnh như thế đấy, cho ngày sinh của mình là quan trọng hơn cả! Cậu cũng chẳng cần gói quà thật đẹp đâu. Cậu ấy sẽ xé toạc ra ngay thôi! Gói cẩn thận quá còn làm cho cậu ấy cảm thấy bực mình vì khó mở. Nên rủ cậu ấy đi ăn kem. Cậu ấy ghiền nhất là ăn kem khi trời lạnh. Nhớ gọi kem cà phê nhé, Gia Anh bảo con gái thích kem cà phê thật là cá tính... Còn gì nữa không nhỉ?


Tôi nói một lèo những thứ hiện ra trong đầu, không kịp thở.


Như Trân nhìn tôi, đôi mắt thật buồn:


- Cậu thân với Gia Anh quá!


- À chỉ là... – Tôi lúng túng – Tôi và cậu ấy dường như lớn lên cùng nhau mà.


- Đó là thứ tình cảm gì? – Như Trân hỏi dò.


- Tôi không biết! – Tôi thành thật.


Như Trân nhìn tôi bằng ánh mắt nghi hoặc và buồn buồn cố hữu. Tôi im lặng. Rồi tôi khịt mũi đứng lên.


- Cậu nhớ nhé! Sáu giờ chiều nay!


... Sáu giờ, tôi ghé ngang nhà Gia Anh gửi quà. Bố mẹ cậu ấy ngạc nhiên: "Nó không đi với con à?" Tôi cười, lắc đầu: "Đứa nào cũng lớn rồi bác ạ!" Hai người cười ý nhị, cố giữ tôi lại ăn chút gì đó rồi mới để tôi rời đi.


Sáu giờ ba mươi, tôi trôi giữa phố đông nghịt người, tránh nẻo đi về phía quảng trường, lòng cảm thấy ngột ngạt và trống rỗng.


Bảy giờ, tôi ngồi ăn kem một mình. Lạnh buốt!


Thêm vài chục phút nữa, tôi buồn bã trở về nhà. Cũng không cần ngạc nhiên vì sao mình thấy buồn!


* * *


Gia Anh ngồi đợi tôi ở cổng! Ánh điện vàng soi rõ lớp sương giá đọng trên mặt. Cậu ấy dựa vào tường dáng ngồi nhẫn nại, tay cầm một chùm bong bóng và đôi mắt xám lạnh. Bỗng nhiên tôi cảm thấy sợ, chưa bao giờ như thế. Gia Anh ngẩng lên nhìn tôi buồn bã:


- Cậu thất hẹn!


- Tôi... tôi.. – tôi bối rối và lấm lét, cuối cùng câu hỏi cũng bật lên khô khốc -Vậy... cậu có gặp...?


- Không gặp ai cả! "Người ta" đã gọi cho tôi kể về dự định ngu ngốc của cậu. Nhưng tôi hi vọng không phải vậy. Tôi vẫn đến đó đợi. Cậu thật sự muốn đối xử với tôi vậy sao?! – Giọng cậu ấy đanh lại.


Tôi không biết nói gì, chỉ đứng chôn chân, mân mê tay lái xe đạp đã bị siết đến rát bỏng.


Gia Anh rút trong túi ra gói quà tôi gửi qua nhà lúc nãy, đưa ngang mắt tôi:


- Tại sao cậu mua DVD này?


- Không phải cậu đang lùng nó sao?! – tôi đáp nhỏ.


- Tôi ghét ăn gì?


- Cà chua!


- Tại sao tôi luôn từ chối đi chơi công viên trò chơi với cả lớp?


- Vì cậu sợ độ cao.


- Tôi dự định sẽ làm gì mùa hè này?


- Chơi nhạc ở quán café, dành dụm tiền. Thi đại học xong cậu sẽ đi Hàng Châu


- Tôi đáp như một cái máy tất cả mọi câu hỏi.


- Cô bạn mà tôi thích?


- Ơ... Tôi không... – Tôi bối rối.


Gia Anh nhìn xoáy vào mắt tôi.


- Thật câu này cậu không biết trả lời?


Tôi cúi đầu, nghe má mình nóng bừng. Tôi muốn khóc.


- Một câu nữa thôi. Trái tim cậu làm bằng gì vậy, Hân?


- Hạnh nhân đắng – Tôi thổn thức, không ngăn được mình bật ra câu trả lời.


Gia Anh mỉm cười, dịu dàng nắm tay tôi, bàn tay ấm áp. Bàn tay này đã an ủi tôi khi con cá vàng Sasa chết, bàn tay này lau nước mắt cho tôi khi tôi từ chối tập đàn tranh và bị bố mẹ khẻ đỏ cả hai tay. Cũng chính bàn tay này đã truyền cho tôi niềm tin để chiến thắng nỗi sợ hãi ở căn nhà kho tối om – thử thách về lòng dũng cảm đầu tiên trong đời... Cậu ấy đặt vào đó chùm bong bóng đủ màu, nói nhẹ như hơi thở "Tôi ở đây!"


Nguyễn Thiên Ngân


Đang tải bình luận!