Tháng bảy, nắng, và mưa
Tháng bảy, nắng, và mưa
Tôi hay thương người ta vậy, chứ tôi cũng có hơn ai đâu. Tôi thích đi trên 19 tháng 5, đường đó trồng toàn me, và có một quán kem nho nhỏ. Có bữa ngồi trong đó, trời mưa, nước gõ vào mặt kiếng và trôi tuột đi mất, thấy đời hụt hẫng vô cùng. Tôi cũng cần một người để bám víu. Chứ giữa cái thành phố cỏn con này, quay trái thấy ô tô, quay phải thấy xe máy, ở cái không gian mà người ta cách mình có vài centimet lại thấy bơ vơ đến lạ, không có người để bám víu thì chắc trầm cảm chết.
***
Phòng khám nằm trên một con đường ồn ào của thành phố. Một phòng khám tim nhỏ với một bác sĩ, hai điều dưỡng và một dược sĩ.
Bác sĩ là một anh trẻ, làm việc trong bệnh viện đa khoa thành phố, hai chín tuổi, người tròn tròn, hay hỏi mấy chương trình nhân đạo cho bệnh nhân. Tôi và chị, hai con người nhỏ bé lạc lõng giữa cái thành phố đông đúc này, là điều dưỡng. Chị hay nói, dáng người nhỏ, thích hột vịt lộn và hay thơ thẩn. Tôi mới tốt nghiệp năm rồi, và may mắn được bác sĩ cho vô đây làm, tôi mê kem và thích nói chuyện với chị. Vy thích tạp chí, sống đơn độc với cái tủ thuốc, coi mọi người như vô hình và hay chọc tức chị.
Bác sĩ làm chủ phòng khám, mỗi công việc của phòng khám đều phải thông qua sự đồng ý của anh (nhưng chị thì thích làm ngược lại, bác sĩ kêu chị dọn dẹp phòng trong thì chị đi dọn phòng ngoài, kêu chị lau kính thì chị đi lau nhà, nói chung, chị không thích bị bác sĩ quản lí). Còn nhiệm vụ của tôi với chị là dọn dẹp phòng khám, có bệnh nhân đến thì niềm nở nhoẻn miệng cười, lúc cần thì vô phòng trong phụ bác sĩ lấy cái này cái nọ và đo huyết áp. Hoặc có khi bảo người ta cởi áo ra, để tay-chân kiểu này kiểu nọ, kẹp một mớ ống kẹp vô ngực, vô tay, vô chân người ta, rồi ấn ấn cái máy cho tờ giấy điện tim chạy ra. Hay ngồi màn hình vi tính, coi bác sĩ siêu âm, bác sĩ kêu ấn thì ấn, một lát ngồi in tờ giấy siêu âm ra, bỏ vô miếng bìa cho bệnh nhân. Còn Vy, công việc của Vy chỉ đơn giản là cắt thuốc theo toa bác sĩ đưa, rảnh rỗi hơn bọn tôi, và cứ rảnh lại ôm cuốn tạp chí.
Giờ nghỉ, phòng khám khá ồn ào, thường là những buổi trò chuyện của tôi với chị. Chị hay nói về những thứ chị gặp ngoài đường, những quán cóc chị ghé qua, về tôi, về Vy, hoặc về bác sĩ.
Bữa nọ, chị bảo tôi rằng:
- Nè trai, bộ em thích con Vy thiệt hả. Chị không biết sao chứ chị thấy nó không ổn đâu. Mặt nó không có khác cái tờ xanh xanh trong túi áo tí nào hết. Với lại, chị thấy hình như nó ghét mày là đằng khác, sao cứ phải đâm đầu vô.
Tôi cười trừ. Vì những câu ấy tôi đã nghe nhiều rồi, từ đâu hồi lớp mười, và giờ nghe thì cũng chẳng ngượng gì nữa. Dân gian người ta bảo vậy là "đàn gãy tai trâu", còn khoa học thì người ta nói là "thần kinh không xử lí được thông tin truyền từ thính giác" hoặc "liệt dây thần kinh số tám (dây thần kinh thính giác)".
Còn bác sĩ, chị chê anh lùn, hay ăn vặt và mê truyện tranh. Rồi lâu lâu, khi bác sĩ bỏ quên giấy tờ, hồ sơ này nọ, chị tỏ ra "lo lắng" cho bệnh nhân, chị sợ anh bỏ quên cây dao, cây kéo trong ngực người ta.
Phòng khám này bị chia thành nhiều phe. Nhưng thật ra tôi cũng không biết có bao nhiêu phe. Chị với tôi một phe, tôi với bác sĩ một phe, nhưng chị với bác sĩ lại khác phe. Còn Vy, Vy nằm đơn độc một phe, hoặc có khi vô chung phe với bác sĩ, đơn giản vì bác sĩ cung cấp cho Vy một loại polyme mỏng – một nhu cầu thiết yếu mà tôi nghĩ rằng Vy ở đây không vì lý do nào khác ngoài nó.
***
Vy bật tắt cái ô và đẩy cửa vào. Cô đến chỗ tủ thuốc, ngồi vào bàn và đọc tạp chí như mọi ngày. Người con gái ấy tôi đã từng mê mẩn cả một thời cấp ba, đến những năm đại học. Và giờ vẫn còn (dù là một chút ít). Có ai như tôi không? Mua kẹo, mua bánh, mua cóc-ổi-xoài-mận gửi hộp bàn người ta bao nhiêu lần, người ta lấy hết, rồi bỏ lại cho tôi lá thư: "Xin lỗi, nhưng không thể". Bao nhiêu lần như vậy, tôi vẫn mặc, vẫn gửi, đần độn như một thằng điên. Rồi có nhận được gì đâu sau gần ấy năm trời.
Phòng khám tới giờ khám trưa. Bác sĩ chưa về, một dấu hiệu bình thường của những ngày thành phố có mưa. Nhưng dường như chị không cho đó là bình thường. Bằng chứng là khi bác sĩ về tới, chị ra cửa đón với một vẻ mặt không thân thiện tí nào:
- Về rồi đó hả, phòng khám làm việc lúc 11 giờ 15 mà 11 giờ 30 mới thấy mặt bác sĩ.
- Có mười lăm phút thôi mà cô, tại bữa nay trời mưa mà. Với lại, giờ này có ai tới khám đâu.
- Anh nói nghe hay nhỉ. Phải có bệnh nhân anh mới về đúng giờ hả. Đã gắn tấm bảng giờ nào thì phải có mặt đúng giờ đó chứ.
Bác sĩ thoáng bối rối, có mấy khi đối đầu với chị mà bác sĩ không như vậy đâu. Chị luôn có những cái cớ, những cái cớ không vô lý, nhưng đâm thọt người ta một cách quá đáng.
- Thôi chị, ảnh trễ có mười lăm phút thôi mà, trời mưa như vầy làm sao mà về nhanh được. – tôi vọt miệng.
- Mà nè, phòng khám của tôi chứ có phải của cô đâu. Tôi muốn làm việc mấy giờ là quyền của tôi. Cô là nhân viên chớ bộ sếp của tôi hả? – bác sĩ tức lắm, nhưng cũng chỉ nói được có thế.
- Tôi nhìn theo con mắt khách quan, nghĩa là con mắt của những người cần, muốn hoặc có thể vào đây khám bệnh chứ không phải con mắt của nhân viên anh.
- Rồi giờ cô muốn sao?
- Vô rửa tay, rửa mặt giùm cái. – rồi chị hí hửng – mưa ở đây không có rửa sạch mặt anh đâu.
Bác sĩ gấp gáp đi vào phòng trong. Tôi không chắc, nhưng có lẽ anh mừng lắm. Trời ạ, nói chuyện với chị có bao giờ anh được khoan hồng đâu, cả tôi đôi khi cũng thế. Chị dồn vào góc tường, đến khi người ta ngạt thở sắp chết rồi, chị mới thả ra cho người ta gấp gáp hít tí không khí, thường đó là sự chuẩn bị cho những lần ngạt thở sau.
Thấy vậy thôi, chứ chị nói chuyện của mình nghe tội chết. Chị hay than với tôi rằng chị sợ ế. Năm nay chị cũng hai tám (mà theo tôi như vậy là bình thường), mà chưa có được mối tình vắt vai.
- Nhiều đêm thả bộ trên Nguyễn Thái Học, cứ muốn có một anh nào đó đi chung để bám víu, hoặc ít nhất là giỡn vài câu cho đỡ buồn đời. Rồi ghé qua quán hột vịt lộn, đảo mắt vòng vòng, chỉ thấy người ta tay trong tay, có bữa ứa nước mắt. Nhiều khi chị thấy mình lãng xẹt, hồi xưa cho rằng tình yêu chỉ là vật chất phù phiếm, mà giờ không có thấy buồn tủi làm sao á.
Tôi hay thương người ta vậy, chứ tôi cũng có hơn ai đâu. Tôi thích đi trên 19 tháng 5, đường đó trồng toàn me, và có một quán kem nho nhỏ. Có bữa ngồi trong đó, trời mưa, nước gõ vào mặt kiếng và trôi tuột đi mất, thấy đời hụt hẫng vô cùng. Tôi cũng cần một người để bám víu. Chứ giữa cái thành phố cỏn con này, quay trái thấy ô tô, quay phải thấy xe máy, ở cái không gian mà người ta cách mình có vài centimet lại thấy bơ vơ đến lạ, không có người để bám víu thì chắc trầm cảm chết.
***
Hôm nay thứ bảy, bác sĩ nghỉ ở bệnh viện. Phòng khám có đủ bốn cá thể sống. Những lúc phòng khám không hoạt động, tôi với chị cũng cứ ở đây, quét dọn vu vơ, sắp xếp lại mấy thứ dụng cụ, xem tivi và lướt internet miễn phí. Còn Vy, Vy không rảnh rang như bọn tôi. Những lúc ấy, Vy sẽ ở nhà trông tiệm thuốc, và nếu có vào phòng khám cũng chẳng bao giờ để ý bọn tôi.
Tất nhiên điều đó có lý do. Vy tốt nghiệp loai giỏi đại học y dược, mang tiếng dược sĩ đàng hoàng, vậy mà nộp hồ sơ vô mấy công ty người ta lại thẳng thừng từ chối. Rồi một bữa kia, không biết làm sao bác sĩ biết và rước cô ta về đây. Cô ta đàng hoàng là dược sĩ loại giỏi, còn tôi với chị là điều dưỡng loại khá, hỏi sao không lạnh mặt. Vả, thiên bẩm cô ta là thế, cũng như những lá thư hồi âm của tôi, lạnh lùng, nhưng cũng rất biết cách tham lam.
Giờ này bác sĩ đang ngồi phòng trong đọc sách. Anh ưa đủ loại sách, sách khoa học, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, nhưng nhiều nhất vẫn là truyện tranh (bởi vậy bị chị trích). Giữa một cái phòng khám toàn là máy móc, dụng cụ, bỗng xuất hiện một cái giá sách nho nhỏ. Cũng như giữa sa mạc xuất hiện những nụ hoa hồng đỏ. Chị cũng thích lắm, chị thích luôn cả truyện tranh (dù vẫn hay chỉ trích bác sĩ). Tôi cũng thích, nhưng tôi không ưa truyện tranh mấy, nhưng cơ bản vẫn rất thích sách. Chỉ có Vy là khác bọn tôi, Vy chỉ đọc tạp chí. Mỹ phẩm, quần áo, nước hoa, cô ta hay mơ mộng về những thứ đấy, nhưng tiền thì hình như vẫn chưa đủ để đua đòi. Tôi không biết trái tim cô ta có một khoảng nào đó để chứa tình thương không, hay trong đó chỉ toàn là những ích kỷ, tham lam, giả dối.
Ngoài trời đang mưa, tháng bảy chưa bao giờ tha cho thành phố này một ngày nắng trọn vẹn. Chị thơ thẩn nhìn ra ngoài đường, xe cộ vẫn đông đúc, lướt qua mặt như thoi đưa, chắc chị lại tức cảnh sinh tình. Tôi không nói chuyện với chị nữa, cứ để chị buồn vậy, có thể sẽ tốt hơn là nói chuyện với chị rồi đưa thêm chuyện của mình vào, làm vậy rồi cả hai đứa cùng buồn.
Bác sĩ từ phòng trong bước ra:
- Nè cô, cô bỏ cuốn Thần đồng đất Việt 100 của tôi đâu rồi.
- Chị giật mình, quay lại, từ từ nhớ lại câu hỏi của bác sĩ:
- Hả? Cuốn đó hình như tôi bỏ dưới... À không, chỗ tủ thuốc của con Vy kìa.
- Mai mốt cô đọc rồi thì nhớ trả đúng chỗ giùm tôi cái.
- Lâu lâu một lần chứ có phải hoài đâu mà anh làm gì dữ vậy.
- Tôi nhắc vậy đó, mai mốt cô vậy nữa chắc mất sách tôi hết.
- Nè, anh vừa vừa nha, chuyện có bao nhiêu đó mà nói hoài.
Hình như Vy cảm thấy mình bắt đầu có "công dụng", cô lên tiếng, nhưng mắt vẫn dán xuống cuốn tạp chí, một cách chọc tức người ta, chẳng khác nào coi thường chị (và gián tiếp coi thường tôi, vì tôi hay bênh chị):
- Mượn đồ người ta rồi mà không biết trả cho đúng chỗ, đã vậy còn không xin lỗi một tiếng. Mai mốt nếu cần thì tự mua đọc đi.
Chị tức lắm, gân cổ nổi phát khiếp. Chị giơ tay, nhào người tới chỗ Vy. Tôi kéo lại, khẽ vào tai chị:
- Thôi chị.
Rồi tôi quay sang bác sĩ, cắt ngay tình huống đáng lo ngại cho an ninh phòng khám:
- Thôi anh, thấy cuốn truyện rồi thì thôi, bỏ qua đi anh.
Bác sĩ lên giọng:
- Lần này tôi nghe lời em nó.
Rồi trước khi đi vào phòng trong, anh mỉm chi một cái. Chị vẫn còn tức anh ách, tôi dẫn chị ra xe nước mía trước phòng khám. Chị uống một hơi cạn ly, vẫn không ngừng thở gấp. Tôi bỗng nhớ về nụ cười mỉm chi của bác sĩ lúc nãy, vì trả thù được chị, hay vì một lí do nào đó.
- Nè, sao hồi nãy kéo chị ra, cho chị đánh con đó mấy cái cho nó chừa cái tật hỗn.
- Thôi chị, làm chung với nhau năm này qua tháng nọ chứ có phải ngày một ngày hai đâu. Bác sĩ thì em không nói, ảnh mau quên lắm, còn Vy nó thù dai lắm. Nghe em đi, em quen nó gần tám năm rồi.
- Dù sao thì chị vẫn tức, ngoài cái đẹp với cái bằng dược sĩ của nó ra thì chị không thấy nó tốt lành chỗ nào hết.
Mưa không ngớt, gió tạt mưa vào dưới cái dù của cô nước mía, khiến chị phải thất thanh:
- Á... Thôi đi vô, ướt hết bây giờ.
***
Một người phụ nữ dẫn con vào phòng khám, người phụ nữ ấy chắc cũng ba hai-ba ba, dáng người nhỏ bé, gầy guộc, xanh xao. Còn đứa trẻ, khoảng tám-chín tuổi, nhìn nó yếu ớt, nhỏ nhắn, nhưng đôi mắt vẫn sáng, lóe lên một ánh sáng gì đó khiến cả phòng khám thay đổi và những bệnh nhân khác phải chăm chú nhìn. Có những tiếng xôn xao trong phòng khám, có lẽ là nói về thằng bé.
Lát sau, khi những bệnh nhân khác đã rời phòng khám, người mẹ từ phòng trong bước ra, nước mắt lăn dài trên má, cô chạy ra hành lang. Chị cầm tờ chẩn đoán thơ thẩn bước ra, tôi giật lấy tờ giấy, cũng không bất ngờ lắm, vì những đứa còi cọc như vầy thường nặng lắm rồi, nhưng trước khi nó vào khám, tôi cũng hy vọng nó không đến nỗi này. "Hở van tim hai lá" – cũng không tốn kém lắm, nhưng hình như mẹ thằng bé nghèo quá, liệu có lo nỗi không.
- Anh chị ơi, mai mốt em có chết hông?
Hình như thấy mẹ nó bối rối quá, thằng bé quay sang hỏi tôi và chị. Nhìn cặp mắt tròn tròn của nó mà tội. Chị cúi xuống gần nó, ân cần như một người chị:
- Không sao đâu em, em không bị nặng lắm đâu.
- Vậy sao mẹ em khóc?
- À... ừ, chắc mẹ em buồn chuyện ở nhà chứ gì.
- Nhà em vui lắm, hổng có chuyện gì buồn đâu. Ba em làm ruộng, bữa nào cũng về ăn cơm hết, mẹ em ở nhà đan lục bình, trưa là đem cơm ra cho ba em hà, nhà em thương nhau lắm!
- Vậy... chắc tại ông bác sĩ trong này nè, ổng dữ lắm.
- Nãy em thấy bác sĩ hiền lắm mà chị.
- Ừ thì hiền với con nít, nói chuyện với người lớn ổng dữ lắm.
- Dạ, vậy để em ra ngoài mẹ em nha chị.
- Thôi em, lát mẹ em hết buồn mẹ em vô. – tôi nói với thằng bé, biết chắc rằng nếu nó ra ngoài đó mẹ nó sẽ không dứt được, thôi thì cứ từ từ cho cảm xúc lắng xuống.
Bác sĩ đi ra, nguýt chị:
- Lát khỏi lấy tiền mẹ con thằng bé nha cô.
- Ừ, anh nhớ vô bệnh viện hỏi cái quỷ gì hỗ trợ nghen.
- Ừ, tôi biết rồi, hồi nãy tôi có nói với mẹ thằng bé.
- Vậy tiền thuốc lấy không anh. – Vy chống lại tính nhân đạo của phòng khám mà nãy giờ chị với bác sĩ đang xây dựng.
- Vy cứ lấy thuốc, tôi trả tiền. – tôi nói mà tức anh ách.
Đúng mà, tôi nói đâu có sai, tim cô ta chỉ toàn tiền, tiền và tiền, chưa lúc nào tôi thấy cô ta ân cần hỏi han bệnh nhân hay cười với người ta một cái.
Bác sĩ lắc đầu đi vô trong, còn chị tức lắm, chị định uýnh cô ta nữa, nhưng chắc tại thấy có thằng bé nên thôi.
***
Vy được nhận vào làm trong một công ty dược. Trông cô ả mừng lắm, chị cũng mừng, tôi mừng, và hình như bác sĩ cũng mừng.
Cô ta đi mà chẳng nói ai một tiếng, chỉ bỏ lại trong phòng bác sĩ tờ giấy: "Em đi".
Người gì mà vô ơn, bác sĩ dắt cô ta về đây, cho cô ta polyme mỏng, làm việc nhẹ nhàng, đối xử tự tế. Vậy mà đi không nói nổi câu "Cảm ơn". Nhưng dù sao thì cô ta cũng đã đi, phòng khám có chút rắc rối về nhân sự, không ai phụ trách tủ thuốc. Bác sĩ bảo tôi và chị phụ anh vụ đó, chắc là được, vì ngày xưa tôi cũng có học chút chút bên y, chị cũng vậy. Và phòng khám trở về trạng thái bình thường.
Lại một ngày trời mưa, chị lại thơ thẩn ngồi nhìn ra đường, cái thành phố miền Tây này cũng có chút lương tâm khi hôm nay mưa ngừng đúng giờ tan tầm.
- Chị, sao chị không đi kiếm ông nào yêu chơi.
- Yêu cái gì nữa, trái tim con người ta chỉ có một ngăn thôi, mà chỉ lỡ nhét người kia vô rồi.
- Ai nói trái tim có một ngăn, trái tim có bốn ngăn, hai tâm thất và... – bác sĩ quay sang và hất đầu với tôi.
- Hai tâm nhỉ. – tôi hùa theo.
Bác sĩ về bất ngờ đến tôi cũng không biết, chị hú vía.
- Trời đất, về như ma. Mà cái thằng nhóc kia, bữa nay bỏ chị hả.
- Dạ đâu có, tại hồi xưa em học là vậy. Ủa, mà người kia là ai vậy ta?
Chị đỏ mặt, bác sĩ bối rối đi vô trong.
- Nhiều chuyện, ai kệ chị, mày lo làm gì.
Một bữa thành phố nắng. Hôm nay chị không ngồi ngắm mưa, chị mới đi chợ mua về mớ hoa cắm cho đẹp phòng khám. Nhìn chị tươi hơn, tôi cũng tươi, hình như từ ngày Vy đi cái phòng khám này đã lấy lại được sinh khí. Tôi đánh rơi vỉ thuốc, khom xuống lượm. Tủ thuốc có dạng chữ U, khom xuống chẳng ai thấy. Hình như bác sĩ về, tôi định đứng lên, nhưng...
- - Trái tim tôi có bốn ngăn, nhưng cô nằm trọn trong đó rồi.
Tôi không đứng dậy được nữa. Trời ơi, bác sĩ tỏ tình kiểu gì cứng đơ cứng khờ. Người đọc sách nhiều mà kì cục. Đến khi tôi đứng dậy được thì chị vẫn còn đơ người.
- - Chị... chị sao rồi, tim hết đập rồi phải hông, gọi 114 nghen.
- - Quỷ. – từ từ, chị mới nói được nữa – đừng có nhiều chuyện nghen.
Chị đơ đơ như vậy, làm cả buổi khám toàn tôi làm việc, mệt như điên. Tới chiều, phòng khám vắng, tôi vào trong phòng bác sĩ, khẽ đẩy tủ sách lấy đại một cuốn nào đó.
- - Trái tim tôi có bốn ngăn, nhưng cô nằm trọn trong đó rồi. – tôi nhại lại lời bác sĩ, rồi nói thêm – chị thích đi bộ trên Phạm Hồng Thái và thích ăn hột vịt lộn. – rồi tôi từ từ đi ra.
Tôi không nhìn thấy vẻ mặt của bác sĩ, nhưng chắc anh thắc mắc tại sao tôi biết, tôi thêm một câu:
- - Tỏ tình khi "tui" đang khom dưới tủ thuốc, – rồi bình luận thêm một câu – tỏ tình gì mà cứng đơ.
Tối đó bác sĩ với chị ra về một lượt mà ra vẻ không dính líu gì đến nhau. Tôi nói chuyện theo cái kiểu mà Vy nói hôm chị quên trả sách cho bác sĩ:
- - Thôi đi, biết hết rồi, đường Phạm Hồng Thái, hột vịt lộn Bà ba. Chúc hạnh phúc nghen.
Bác sĩ với chị quay lại nhìn tôi, mắc cỡ quá hay sao mà dắt nhau chạy ù ra khỏi phòng khám. Phòng khám vắng lặng, giờ chỉ còn tôi. Tám giờ tối, chỗ này trống trải quá. Có phải vì Vy không, hình như là không, cô ta tồn tại ở đây chỉ là chỗ này thêm ngột ngạt. Và hình như tôi không còn thích Vy nữa, từ bao giờ ? Chắc là từ khi cô ta về đây, tôi gọi Vy là 'cô ta' chứ không còn là 'Vy' như ngày trước. Cũng thiệt tình cờ và may mắn, tự nhiên hai đứa làm chung chỗ, để tôi nhìn được sâu thật sâu trong con người cô ta, để tự tin bỏ lại mối tính đơn phương gần tám năm ròng. Tôi nhớ lại những lúc chị khắc nghiệt với bác sĩ, và cái nụ cười mỉm chi của bác sĩ hôm trước. Trời ạ, mầm móng của cái tình cảm đó có từ lâu lâu lắm rồi, vậy mà tôi không để ý.
Đêm, phố ngoài kia ồn ào, vội vã. Trong phòng khám lặng lẽ và cô đơn. Thôi thì tối nay sẽ lại lang thang trên 19 tháng 5, sẽ lại ngắm phố, ngắm người ta dắt nhau đi chơi tối, ngắm những đứa trẻ ngây ngô và nhớ lại cái tuổi thơ ngày ấy. Và giờ thì đi về, khóa cửa, tắt đèn. Bình hoa của chị lạc vào bóng tối, và ngày mai sẽ rực rỡ trong ánh quang. Mai sẽ lại có những bệnh nhân, và tôi sẽ lại làm việc. Mai bác sĩ và chị sẽ thân thiết hơn, và biết đâu tôi bị lạc lõng một tí. Nhưng có thể mai sẽ có một cô dược sĩ khác vào đây, vào cái phòng khám này vào chiếm giữ cái tủ thuốc. Biết đâu...