Pair of Vintage Old School Fru
Những tiếng rao về đâu?

Những tiếng rao về đâu?

Tác giả: Sưu Tầm

Những tiếng rao về đâu?

Day dứt hơn cả khi nhìn thấy những gánh hàng rong bị phạt, bị xua đuổi, nhìn thấy những trái bí trái bầu lăn xuống rãnh cống rồi nằm buồn thiu trong lòng cống, nhìn những quả cà chua dập nát trên hè phố và tím thẫm cả mặt đường...


***


Phố xá của mình trải quá trình đô thị hóa chưa lâu, nên dấu vết làng trong phố còn nhiều lắm. Một mảnh ao. Một cây đa, gốc miếu co mình giữa phố. Những thói quen sinh họat. Những gánh hàng rong và những tiếng rao...


Hà Nội đã quen thuộc với tiếng rao tào phớ mùa hè, bánh khúc mùa đông, cốm lá sen mùa thu, ve chai đồng nát cả bốn mùa... Những năm gần đây, làn sóng nhập cư thời vụ dâng cao, những lao động nông nhàn đổ về phố ngày càng nhiều. Những người dân nghèo về đây như vỏ hến chiều chiếu tấp lên các bến. (Trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm). Tiếng rao cũng nhiều hơn. Tiếng rao tiếp thị phận nghèo và những món hàng rong mộc mạc.


Những tiếng rao về đâu?


Phố xá cũng ồn hơn. Người thành phố ngủ muộn mà vẫn bị đánh thức vào mỗi sáng sớm, đôi khi như là một sự quấy nhiễu, làm phiền. Tuy nhiên nếu em biết lắng nghe thì những tiếng rao còn chứa đựng rất nhiều âm thanh ngòai lời. Phía cuối lời ru nào là quê hương đang bão lũ? Phía cuối lời rao nào là đứa con đang mong mẹ, người cha đau yếu nào đang đợi con? Em sẽ thấy rằng cuộc sống không chỉ là mơ mộng; thực tế rộng hơn nhiều trang sách giáo khoa. Có đói có no. Có may mắn có mất mát. Em sẽ gần với đời sống hơn. Thực tế hơn. Em có thể hy vọng góp sức làm cho đất nước em thành rồng thành tiên nhưng đồng thời em cũng biết ước ao san sẻ những no đủ cho đồng bào, đồng lọai.


Nằm trong chăn nghe một tiếng rao của em bé ngòai kia, em thầm cảm ơn mẹ cha đã ấp ủ cho em cuộc sống ấm áp. Một nỗi trắc ẩn mơ hồ đôi khi cũng làm cho đời sống tinh thần của em sâu nặng hơn và bớt đi phần nhạt nhẽo. Chính những tiếng rao đêm cũng góp phần nuôi dưỡng khát vọng lý tưởng của những người chiến sĩ cách mạng ngày trước.


Chiều nay đi qua ngõ Thái Hà, một ngõ phố đẹp của Hà Nội với những ngôi nhà đẹp, kín cổng cao tường. Ngay dưới chuông cửa một ngôi nhà có dán một tờ giấy là 2 trang vở kẻ ô học trò, trên đó cũng là nét chữ học trò viết bằng bút dạ, kiểu chữ con gái: "Xin tất cả những người bán hàng rong đừng làm phiền. Hãy dành thời gian để bán hàng ở nơi khác. Vì chúng tôi không quan tâm đến bất cứ thứ hàng nào bạn bán. Cảm ơn vì đã hiểu." Đọc những dòng chữ này tôi ngạc nhiên và chạnh lòng vì một sự chối từ, y như nhà thơ Phùng Quán đã từng chạnh lòng vì một sự chối từ trong câu ca dao Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn khi ông nhân danh bùn để nói với "sen".


Và cả day dứt nữa, day dứt hơn cả khi nhìn thấy những gánh hàng rong bị phạt, bị xua đuổi, nhìn thấy những trái bí trái bầu lăn xuống rãnh cống rồi nằm buồn thiu trong lòng cống, nhìn những quả cà chua dập nát trên hè phố và tím thẫm cả mặt đường...


Đoàn Công Lê Huy


Đang tải bình luận!