Old school Easter eggs.
Đường về nhà

Đường về nhà

Tác giả: Sưu Tầm

Đường về nhà

Phụ nữ hai mươi lăm tuổi. Hẹn hò vội vã, đối thoại hời hợt. Quên mất cách đánh vần chữ "Đam mê". Buổi chiều chủ nhật. Ngồi nắm tay người đàn ông mới quen. Bần thần hỏi "Anh đã bao giờ yêu ai say đắm?".


Phụ nữ hai mươi lăm tuổi hỏi mà như hỏi cho chính mình. Tóc mai rũ xuống mí mắt nặng trĩu. Người đàn ông mới quen hờ hững. Trà xanh matcha lạnh. Quán ở tầng hai nhìn thẳng ra đường ngột ngạt nắng đầy ắp xe.


Cô đơn cắn vào vành tai. Nhưng nhức.


***


Tôi cứ lần lữa mãi. Do dự mãi.


Châu Âu đã đi qua đủ bốn mùa. Cái cây phong bé nhỏ xòe tay vào cửa sổ căn hộ ba mươi sáu mét vuông nơi tôi sống đã đi qua đủ bốn mùa.


Tôi đã ghi nhớ rõ hình ảnh Ella từ lúc xuýt xoa bên bệ cửa lấp lánh tuyết cho đến khi em hớn hở ra khỏi nhà trong chiếc váy hoa màu đỏ hở vai. Tôi đã ghi nhớ rõ vào mùa đông mình muốn uống chocolate nóng mỗi tối thứ ba ở Clandestin, chỗ ngồi lọt thỏm nhìn thẳng ra đèn đường hay hắt. Vào mùa xuân, sẽ ngồi trên đồi Amor cùng Ella, dựa đầu vào vai em nghe thành phố thở. Lúc mùa hạ, sẽ vội vã nhớ mùa xuân, nhúng chân trần vào dòng Rivera bỏ mặc mình đuổi theo những điều bất định. Mà mùa thu thì vội vã lắm. Chưa kịp quàng khăn cho Ella, đã thấy mũi em ửng đỏ, những ngón tay xoa xoa vào nhau hít hà dưới một rừng lá phong vàng rực rỡ.


Tôi đã ghi nhớ rõ. Mình yêu Châu Âu đến thế nào.


Đường về nhà


Ấy vậy mà. Lòng dũng cảm để đối diện với những cuộc chia ly. Sau bao nhiêu năm. Vẫn không thể nào lớn lên được.


Ngày cuối cùng của tháng Bảy. Ella làm lasagna cá hồi và nướng bánh táo tráng miệng. Em tỉ mẩn gọt táo và liên tục cười trong lúc kể cho tôi nghe táo được hái trong vườn mang về nhà để làm bánh thì đặc biệt như thế nào. Em bảo "Chị đến đây mà cầm lấy thử này. Hít hà thật sâu vào mà xem! Có thấy em mang cả cánh đồng về nhà không?"


Ella hai mươi ba tuổi. Và dễ dàng cảm thấy hạnh phúc. Như lúc em nhẹ nhàng xếp táo vào khay. Niềm hạnh phúc đơn giản đó khiến tôi bật khóc.


Ella cẩn thận đóng lại lò nướng, chỉnh 220 độ, xếp khăn ăn gọn ghẽ, rồi tiến đến quỳ lên tấm nệm bên cạnh ghế tôi đang ngồi. Ngày cuối tháng bảy, trời nắng rất đẹp. Cứ lóng lánh đu mình trên chậu tường xuân ngoài bệ cửa trắng. Ella vuốt tóc tôi khe khẽ nói "Chị à, em chỉ nghĩ sự ra đi của một ai đấy có thể là nỗi buồn cho một số người nhưng lại là niềm vui cho những người ở nơi mà người đó sẽ đến. Thế nên, chị đừng day dứt nữa."


Đó là lần đầu tiên. Chúng tôi nói đến sự chia tay.


Tôi gửi email nhận việc ở một công ty nước ngoài tại Việt Nam. Đóng gói hành lý. Đặt vé máy bay. Uống cà phê ở Adios Palace. Gọi một cái bánh táo thật to. Và rời khỏi Châu Âu với cái nắm tay thật chặt của Ella. Tôi thực sự không biết nữa. Ở sân bay mình đã nhìn thấy gì, gặp những ai, trả lời những câu hỏi gì và máy bay đã bay bao lâu. Hình như đã có rất nhiều người di chuyển xung quanh tôi. Đàn ông. Đàn bà. Trẻ em. Người già. Thanh niên. Người Á. Người Phi. Quần lụa. Áo sơ mi. Váy dài. Váy ngắn. Dép lê. Giày cao gót. Nước hoa. Nước khử mùi. Tiếng Anh. Tiếng Pháp. Tiếng Ả rập. Hỗn độn. Ì ầm. Dai dẳng.


Họ có hạnh phúc không ?


Họ có hạnh phúc không ?


Tôi thực sự muốn biết.


Khi đã trải qua nhiều năm tuổi trẻ ở một nơi nào đó không phải là nơi mình sinh ra. Tôi nghĩ. Người ta thường dễ nhiều lúc tự hỏi bản thân "Liệu mình có chết ở đây hay không ?". Kể cả với những người luôn hoạch định sẵn kế hoạch cụ thể cho cuộc đời mình cũng không thể nào tránh khỏi câu hỏi đó. Hình như nó xuất phát từ thói quen hay một sự gắn bó vô hình nào đó. Tình yêu cũng vậy. Công việc cũng vậy. Mối quan hệ nào cũng vậy. Là một chuỗi thói quen đều đặn.


Tôi bước chân xuống Tân Sơn Nhất. Bố mẹ đón ở sân bay. Mừng mừng tủi tủi. Cái nóng ba mươi bảy độ nhiệt đới nóng ẩm có sức mạnh đặc biệt. Tôi không còn nghĩ được gì nữa. Thấy mình lơ lửng cách mặt đất một khoảng nhất định.


Sài Gòn vồn vã. Vồ vập. Những người bạn cũ cười những nụ cười mới, nói những câu chuyện xa lạ và niềm nở nói với nhau về chồng vợ, con cái, đất đai, giá vàng, VN Index, Mai Phương Thúy, Hồ Ngọc Hà. Những người bạn mới cười những nụ cười giả lả, nói những câu chuyện xa lạ và niềm nở nói với nhau về chồng vợ, con cái, đất đai, giá vàng, VN Index, Mai Phương Thúy, Hồ Ngọc Hà.


Sau mỗi cuộc gặp gỡ, tôi thấy mình bước lùi thêm một bước. Ella gọi điện. "Yên ơi, Sài gòn có yêu Yên?" Ella nhắn tin. "Yên ơi, phải mở lòng với Sài Gòn." Ella gửi email. "Yên ơi, hẹn hò đi nhé !". Ella rúc rích lúc chat Skype. "Yên ơi, phải dũng cảm!".


Những lúc đó. Tôi biết chân mình mới chạm đất. Và nhớ Ella đến nhường nào. Bằng tất Châu Âu cộng lại. Nỗi nhớ Ella. Không vồ vập và vồn vã.


Phụ nữ hai mươi lăm tuổi. Làm việc công sở. Cao một mét sáu mươi. Bốn mươi bảy cân. Da trắng. Mũi cao. Cử chỉ nhẹ nhàng, lịch thiệp. Sống trong một thành phố bảy triệu người. Buổi sáng chín giờ, cà phê cùng đồng nghiệp, khen "Chị hôm nay mặc váy này hợp quá!". Mười hai giờ, ăn trưa cùng đồng nghiệp, khen "chị chịu khó nhỉ, hôm nào cũng nấu cơm mang đi!". Bốn giờ chiều, vươn vai ở phòng nghỉ tầng tám "giá mà chiều nay không mưa để về không kẹt xe". Năm rưỡi chiều vội vã xếp túi xách, chào đồng nghiệp, ra khỏi tòa nhà, leo lên xe một anh chàng bảnh trai nào đấy.


Phụ nữ hai mươi lăm tuổi. Hẹn hò vội vã, đối thoại hời hợt. Quên mất cách đánh vần chữ "Đam mê". Buổi chiều chủ nhật. Ngồi nắm tay người đàn ông mới quen. Bần thần hỏi "Anh đã bao giờ yêu ai say đắm?".


Phụ nữ hai mươi lăm tuổi hỏi mà như hỏi cho chính mình. Tóc mai rũ xuống mí mắt nặng trĩu. Người đàn ông mới quen hờ hững. Trà xanh matcha lạnh. Quán ở tầng hai nhìn thẳng ra đường ngột ngạt nắng đầy ắp xe.


Cô đơn cắn vào vành tai. Nhưng nhức.


Ella à. Ella ơi. Châu Âu có nhớ Yên không ?


Tôi nhắn tin cho Ella. Bảo mình đã giận Sài Gòn. Cảm xúc loãng ra. Chỉ ước ao gục đầu lên chân Ella ngủ một giấc dài. Tỉnh dậy sẽ thấy chân mình chạm đất. Và hết giận Sài Gòn. Tỉnh dậy sẽ thấy như lúc hai mươi, tràn đầy nhiệt huyết trong lồng ngực, đến cả hơi thở cũng thơm mùi của yêu thương. Bước chân kiêu hãnh chạm vào nắng, sẵn sàng quan tâm không nghi kị gì. Tỉnh dậy. Tỉnh dậy...


Có thể gọi điện cho Ella và bảo :"Em ơi, chị đã về đến nhà!"


Phan Ý Yên.


Đang tải bình luận!