Bát canh gợi nhớ quê nhà

Bát canh gợi nhớ quê nhà

Tác giả: Sưu Tầm

Bát canh gợi nhớ quê nhà

Sinh ra ai cũng có một quê hương và quê hương luôn gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ, để khi xa quê, nó luôn là nỗi nhớ trong ta! Như kỷ niêm về dòng sông, cây đa, bên nước, hay những món ăn đặc trưng mang đậm hương vị quê nhà... Những cái đó luôn thức và sống trong ta đến hết cuộc đời cho dù ta có đi khắp mọi phương trời, góc bể!


***


Bát canh gợi nhớ quê nhà


Tôi sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo, cuộc sống của dân làng hết thảy chỉ trông vào vào hạt thóc. Ngày ấy bữa cơm của mọi nhà chỉ toàn rau ít có cá thịt. Tuy nghèo là vậy nhưng mọi người sống với nhau rất gắn bó chan hoà như ruột thịt, cùng chia sẻ ngọt bùi, từ nải chuối, đến quả mít, quả hồng vào vụ đều được bà con phân phát chia đều cho mọi nhà trong xóm.


Hè về, bọn trẻ chúng tôi được nghỉ học, ngoài việc đỡ đần bố mẹ như coi em, kiếm củi, trông nhà, nấu cơm, chăn trâu... chúng tôi thích nhất được ra đồng xúc cua cá, vừa để có thêm "chất tươi" cải thiện cho bữa ăn, vừa có thời gian để chúng tôi gặp nhau nô nghịch. Cánh đồng lang rộng lớn, có những con mương dẫn nước chạy dọc ngang, chính những con mương này là nơi cung cấp nguồn cua, cá cho chúng tôi.


Từ sớm, chúng tôi đã chuẩn bị giỏ, rổ để đi xúc, ra đến mương chúng tôi chia ra thành hai tốp, xúc từ hai ngả đồng để rồi gặp nhau ở giữa cánh đồng thì cũng vừa tầm 9 giờ trưa. Bọn tôi cứ men dọc theo con mương, đặt rổ chặn rìa cỏ ven bờ, hai tay giữ rổ, dùng chân dậm cỏ lùa cua, cá chạy vào rổ và nhanh chóng lật ngửa rổ nhấc lên bờ. Thế là các chú cua càng trơ ra, bò lồm cồm trong rổ, những chú cá rô mắc cạn đánh vây choanh choách hòng tìm cách thoát thân, bọn chúng tôi chỉ việc bắt chúng thả vào giỏ, rồi lại tiếp tục những mẻ khác.


Cua, cá ngày đó rất sẵn, bởi phân hoá học và thuốc trừ sâu ngày ấy bà con hầu như chưa biết tới, đỉa cũng rất nhiều, mỗi lần đi xúc về đứa nào đứa nấy chân đầy vết đỉa cắn, máu chảy đỏ lòm. Xúc chừng hai tiếng đồng hồ là chúng tôi đã được đầy giỏ vừa cua, vừa cá, đủ cho hai bữa canh cua đậm đặc và bát tôm, cá lẫn lộn để nấu với măng chua thì thật là tuyệt!


Khoái nhất là vào những trưa hè đổ lửa, anh em chúng tôi mang giỏ ra đồng bắt "cua ngôm" ở các thửa ruộng mà sáng người lớn vừa bừa ngả. Lũ cua không chịu nổi cái nóng của mặt nước lúc trưa nắng gắt nên phải bò vào rìa bờ tìm những đám cỏ, mô đất mát để náu mình, hay chúng núp mình trong những tảng đất, ụ cỏ để tránh nắng. Thế là người đi bắt chỉ việc nhặt chúng thả vào xô, vào giỏ. Có cánh đồng nhiều cua, chỉ cần đi dọc hai, ba bờ ruộng là đã bắt đầy giỏ cua rồi. Cua bắt được nhiều, chúng tôi đem về đổ ra chậu to, chọn ra hai loại, loại nhỏ để ăn trước, loại to để dành cho các bữa sau.


Mẹ tôi nấu canh cua rất khéo, mẹ rửa sạch cua, lột mai, bóc yếm, cho vào cối giã nhuyễn, cho nước vào, lấy tay bóp bã cua tan ra trong nước, lọc bã cua, giã lại lần nữa lọc kỹ để nước cua không còn lẫn bã cua. Mẹ tôi dùng chiếc tăm nhỏ khêu gạch trong mai cua ra một chiếc bát con, phi hành mỡ cho thơm, đổ gạch cua vào đảo cùng hành mỡ cho chín rồi đổ ra bát. Nước cua cho vừa muối, đặt lên bếp đun cho tới khi gần sôi, thấy gạch cua nổi kín mặt nồi, lúc này mới nhẹ nhàng bốc rau đay đã được thái nhỏ, rửa sạch bỏ vào một góc nồi, nhẹ nhàng dùng đũa nhấn chìm rau, sao cho gạch trên nồi không bị tan ra, đun to lửa cho sôi, ít phút sau bắc xuống, múc ra bát, lấy gạch cua đã phi cùng hành mỡ đổ lên trên âu canh, gạch cua nổi váng vàng sộm, trông thôi đã thấy ngon!


Canh cua là món ăn quen thuộc của dân làng quê tôi trong suốt những ngày hè nắng nóng.Canh cua thường được ăn cùng cà pháo muối thì chả thiết gì đến các món khác nữa, nồi cơm vẫn hết vèo. Sau mỗi buổi làm đồng vất vả, mọi người trở về cùng quây quần bên mâm cơm với bát canh cua ngọt lịm làm mát lòng người, cùng những câu chuyện về thời vụ, làm ăn, không khí gia đình thật vui vẻ và đầm ấm biết bao! Bát canh cua như làm dịu đi cái nắng nóng nghiệt ngã của mùa hè oi ả. Những mùa hè của tuổi thơ tôi.


Giờ đây cùng với sự phát triển của xã hội, các món ăn Âu –Á cũng được du nhập vào phổ biến rộng rãi, nó dần lấn át các món ăn dân dã nơi làng quê, thêm vào đó là sự ô nhiễm môi trường sinh thái, sự săn bắt bừa bãi của con người với các loại vật, khiến nhiều sinh vật bỗng trở nên khan hiếm và bị tiêu diệt như cua, cá, ếch, nhái... Đồng quê không còn sẵn như xưa. Nhiều khi ngồi trước những mâm tiệc đầy ắp các món ăn sang trọng mà tôi vẫn thèm một bát canh cua nấu với rau đay như ngày con thơ bé mẹ đã từng nấu cho chúng tôi ăn trong những trưa hè nóng bỏng. Hồn quê, và bóng dáng mẹ khi đó như vẫn lẩn quất đâu đó quanh tôi. Hình bóng quê nhà lại hiện về trong nỗi nhớ thương da diết của tôi!


Bùi Nhật Lai 


Đang tải bình luận!