XtGem Forum catalog
Thu tháng 8 - Tết Tuổi thơ

Thu tháng 8 - Tết Tuổi thơ

Tác giả: Sưu Tầm

Thu tháng 8 - Tết Tuổi thơ

Ai rồi cũng sẽ lớn lên, ai rồi cũng thay đổi những mỗi khi nhìn lại những con trẻ chúng ta lại đón tết trung thu về, lòng không khỏi bồi hồi muốn quay lại một thời thơ ấu đó...


***


Ba ngày trước rằm tháng 8 âm lịch, lũ trẻ quê tôi đã chuẩn bị đầu lân đâu ra đó để bắt đầu càn quét khắp làng trên xóm dưới. Đoàn lân được đầu tư không nhiều nhưng vẫn mang được hình thái của một con lân xanh xanh, đỏ đỏ đầy màu sắc với cặp mắt sáng chớp nháy. Tôi vào tay trống của đoàn, thằng Hậu tóc vàng hoe thì phụ trách cầm đuốc. Còn nhỏ My mắt nâu thì làm nhiệm vụ nhận tiền xin được từ chủ nhà và cất giữ. Nhưng đôi khi chán vị trí này chúng tôi đổi vị trí với mấy đứa đóng vai Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Ba đứa lớn hơn một tuổi, có sức khỏe hơn thì thay nhau mà gánh gồng con lân và nhảy múa cho sinh động thì mới thuyết phục chủ nhà bỏ tiền khen thưởng. Ở vùng quê nghèo này, tiền thưởng mỗi lần không nhiều nhưng được cái nhà ai cũng ủng hộ lũ trẻ trong xóm vui cái tết trung thu trọn vẹn.


Thu tháng 8 - Tết Tuổi thơ


Ngày đầu tiên chúng tôi kéo nhau đi khua chiêng, gióng trống là nhằm ngày 13 âm lịch, tiếng trống rộn rã khắp xóm làng và ánh đèn đuốc le lói, rong ruổi khắp nẽo đường. Đêm hôm nay trăng thanh, gió mát nên nhiều đoàn lân chọn làm đêm khởi đầu may mắn, cả đoàn ai nấy đều háo hức vào vị trí chuẩn bị đột nhập vào nhà đầu tiên nhảy múa. Chúng tôi cố gắng đi nhẹ nhàng đến trước cổng của nhà đầu tiên, nhà bà Tám lúa. Bà là người cho chúng tôi mượn sân tập và góp ý giúp chúng tôi hoàn thiện đoàn lân càng đẹp hơn. Đây có lẽ là một món quà bất ngờ và ý nghĩa nhất mà chúng tôi có thể dành tặng bà Tám vào lúc này.


" Đùng đùng đùng, cắc cắc cắc"


Con lân nhấp nháy mắt, chạy thẳng qua cổng vào trước cửa nhà rồi nằm phục xuống như một chú cún con mừng chủ nhà xuất hiện. Bà Tám cầm chiếc quạt nan phe phẩy, bước ra ngoài sân nheo mắt nhìn đoàn lân rồi bật cười, như thể đã nhận ra bóng dáng lũ trẻ quen thuộc.


" Đùng cắc đùng đùng"


Nhịp trống đổi sang điệu mới ổn định hơn và lặp lại, chú lân cũng bắt đầu màn uốn lượn bài bản hơn theo những gì đã luyện tập. Lão Trư nhanh chóng đỡ lấy chiếc quạt nan trong tay bà Tám và quạt cho bà, còn ông tề thiên đại thánh lẫy lừng thì bỗng chốc biến thành kẻ đầy tớ đến bóp vai, đấm lưng cho bà. Mấy tuyệt chiêu lấy lòng chủ nhà này đều nhờ bà Tám chỉ chúng tôi để được thêm tiền hay thuyết thục những chủ nhà khó tính chịu móc hầu bao.


" Được, mấy đứa có vẻ rất thuần thục rồi đấy, bà thưởng nè!"


Bé My tóc nâu nhanh miệng, lễ phép trả lời:


" Dạ thôi, bọn cháu chọn nhà bà đầu tiên biểu diễn để cảm ơn bà đã cho chúng cháu mượn sân tập luyện và chỉ dạy rất nhiều điều."


Bà Tám chợt im lặng một lúc, đôi mắt dường như long lanh ẩn chứa những hạt lệ chực trào ra, giọng cũng nghẹn ngào hơn:


" Chả có bao nhiêu cả! Cứ nhận đi để tối nay mấy đứa gặp nhiều may mắn."


Tôi biết bà Tám lúa từ năm lên bảy và cũng hay qua nhà bà chơi từ đấy. Chồng và 2 người con trai của bà đều đã được "tổ quốc ghi công" nên giờ trong nhà chỉ còn mỗi bà hiu quạnh. Cũng vì vậy, mỗi khi nhà có đứa trẻ nào trong xóm qua chơi thì bà đều rất thương và hay cho đồ ăn.


Sau khi nhận số tiền may mắn từ bà Tám lúa, đoàn lân chúng tôi chính thức lên đường. Nhà thứ hai đang ăn cơm tối, nên tôi bàn với các thành viên còn lại sẽ cố gắng nhảy thật khẽ để không phiền đến bữa cơm của chủ nhà:


- Chỉ Tôn đại thánh và Trư đại ca vào trong nhà thôi, còn đầu lân sẽ nhảy ngoài sân.


Bé My mắt nâu ngây thơ hỏi:


- Vậy em đứng ngoài sân đợi chủ nhà ra cho tiền phải không anh?


Cả bọn cùng cười, Tôn đại thánh trêu chọc bé My:


- Thì em cứ đứng bên ngoài nhé, tụi anh nhảy xong nhà này và đi khắp xóm rồi sẽ quay lại tìm em.


Tôi bắt đầu gióng trống dạo đầu để báo hiệu cho người trong nhà biết sắp có đoàn lân nhập gia. Đầu tiên vẫn là anh Trư " bụng bự" dùng cây quạt của mình quạt mát cho ông chủ đang ăn cơm. Thích chí, lão gia chủ phá lên cười rồi lớn giọng:


- Hai đứa nhỏ muốn xem lân thì lên trước nhà mà xem, ngồi đó háo hức cũng chẳng ăn được mấy miếng.


Sau đó, lão gia chủ còn khen đoàn lân chúng tôi biết ý tứ, không như mấy đoàn khác mang cả giày dép xông vào nhà ngay lúc ăn cơm và làm bẩn hết sàn nhà. Tôn đại thánh nhận tiền xong, chúng tôi nhảy ráng thêm vài phút rồi xin lui. Đoàn chúng tôi vừa rời khỏi thì đoàn khác đến, tôi thầm nghĩ " Mong đoàn lân đó cũng biết phép lịch sự như chúng tôi thì thật tốt"


Đêm trăng thanh gió mát, nhiều đứa trẻ trong xóm thích thú đi theo đoàn chúng tôi xin cầm đuốc hộ, xin đánh trống. Đi được khoảng mươi nhà, thủ quỷ của chúng tôi là bé My mắt nâu đã cất giữ được gần trăm ngàn. May mắn là từ lúc chập choạng tối đến giờ, chúng tôi chưa gặp phải sự cạnh tranh của đoàn lân khác hay chủ nhà khó tính nào. Đêm khởi đầu được nhiêu đó có thể nói là khởi đầu như mơ, có lẽ nhờ bà Tám lúa đã đem vận may đến cho cái đoàn lân nhỏ bé này. Đuốc hết dầu, chúng tôi châm dầu thêm vào rồi tiếp tục hành trình. Đêm nay vẫn chưa thấy những lồng đèn ông sao lấp lánh trên đường, có lẽ lũ trẻ để dành tới đêm rằm mới đi rước đèn.


Về khuya, đường làng quê tôi vẫn chưa có đèn đường nên ánh trăng càng rõ rệt hơn, dát vàng khắp đoạn đường vắng. Những nhà dân đã tắt đèn đi ngủ nên càng nhường khoảng tối cho ánh trăng len lỏi. Dù mọi người đều đã chìm sâu vào trong giấc ngủ nhưng tôi vẫn nghe tiếng trống văng vẳng đâu đó, một số đoàn lân tụ tập với nhau đến một bãi đất trống rồi cùng trình diễn so tài những điệu nhảy, tư thế lân độc đáo nhất. Kết thúc ngày 13, đoàn lân chúng tôi thu được hơn hai trăm ngàn. Số tiền lẽ dư ra được chia nhau để ngày mai còn mua vài chiếc bánh trung thu "tí hon" thưởng thức khi đi học.


Đêm 14 tháng 8 âm lịch bắt đầu bằng một cơn mưa phùn khiến tâm trạng mọi đứa trẻ trong xóm đều hụt hẫng. Nhưng trong thâm tâm mỗi đứa chúng tôi đều tin rằng cơn mưa sẽ chóng tạnh hẳn để nhường lại cái tết trung thu cho lũ trẻ. Thế nhưng mưa gió là chuyện của trời, không phải cứ dựa vào cái ước nguyện ngây thơ của chúng tôi thì sẽ tạnh. Đến 8 giờ tối mà trời vẫn còn mưa bay bay, chúng tôi quyết định đội mưa đi chứ đứa nào cũng nóng gan, nóng ruột chẳng thể chờ thêm được nữa. Tôi gióng hồi trống khởi hành tăng " nhuệ khí" anh em trong đoàn thêm hăng hái. Mặc cho mưa gió có ngăn cản, mây có che mờ ánh trăng đêm cận rằm thì đoàn lân xóm nhỏ vẫn lên đường. Ánh đuốc cháy rực sưởi ấm cho từng chặng đường chúng tôi qua. Vì trời mưa, ngại các đoàn lân vào nhà làm bẩn nên không mấy nhà còn mở cửa vào tối hôm nay. Nghe lời bà tám lúa, chúng tôi chỉ dám đứng bên ngoài sân mà đánh trống, nhảy nhót. Nhiều chủ nhà sợ phiền hà thì sẽ cho tiền ngay, hay thương tình khuyên bảo:


- Các cháu coi rồi về sớm đi, đừng ráng nhảy mà mang bệnh đó. Còn để dành sức khỏe cho ngày mai nha!


Bấy nhiêu thôi nhưng lũ trẻ chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của mọi người vô cùng to lớn, cái tết trung thu thêm nhiều ý nghĩa. Nghe lời dặn dò của người lớn và ba mẹ ở nhà nên đoàn lân hôm ấy quyết định giải tán sớm, hẹn nhau ngày mai sẽ nhảy trọn đêm rằm bù lại cho hôm nay.


Nếu ngày 14 là một ngày thất thu thì chúng tôi càng quyết tâm lấy lại những gì đã bỏ lỡ vào đêm rằm. Chiều ngày 15, đứa nào cũng lo ăn cơm sớm rồi đúng giờ hẹn là có mặt tại sân nhà bà Tám lúa. Hôm nay, ngoài đồng phục múa lân thì chúng tôi đều diện lên người những bộ quần áo đẹp nhất trong tủ đồ của mình. Lý do là vì khoảng 7 giờ tối, tất cả trẻ em trong xóm sẽ được tham gia ngày hội " Thu tháng tám tết tuổi thơ" do trưởng thôn và xã tổ chức. Đến đó thì đứa nào cũng được nhận bánh kẹo và vui chơi thỏa thích. Còn trước 7 giờ thì đoàn lân chúng tôi sẽ tranh thủ kiếm thêm vài đồng từ những nhà hàng xóm tốt bụng.


Đêm nay cũng là đêm mọi lũ trẻ đều tập trung ra đường đi rước đèn ông sao, đèn các chép. Trong đoàn chúng tôi cũng có một vài đứa cầm theo lồng đèn, nhưng so với ngọn đuốc soi đường thì có phần mờ nhạt. Cô gái duy nhất trong đoàn, nhỏ My mắt nâu trở thành tâm điểm của mọi ánh nhìn. Ngày thường chúng tôi chẳng thèm để ý nhưng đêm rằm thì nhỏ diện cho mình bộ váy hoa trông xinh xắn hẳn ra. Cô thủ quỷ nhỏ của chúng tôi còn được mẹ tết cho hai biếm tóc trông đáng yêu y hệt búp bê.


Khoảng 6 giờ rưỡi tối, đoàn lân xóm nhỏ " đột nhập" căn nhà lớn nhất trong thôn với hy vọng sẽ kiếm được một phần thưởng hậu hĩnh từ chủ nhà. Ngôi nhà ba tầng với sân vườn toàn cây kiểng thể hiện sự sang trọng, khá giả của gia chủ. Tránh kích động hai chú chó giữ nhà " hăng hái" sủa người lạ, đoàn lân nhẹ nhàng tiếp cận cửa lớn. Tôi bắt đầu gõ những tiếng trống mở màn êm tai nhất có thể, người trong nhà bắt đầu chú ý đến đoàn lân đang múa lượn ngoài sân. Hai con chó bắt đầu gầm gừ, nhìn con lân của chúng tôi như quái vật lạ và muốn xông vào căn bất cứ lúc nào.


- Akimi! Nằm xuống!


Tiếng gọi nhẹ nhàng nhưng đầy uy quyền của cô tiểu thư xuất hiện ở cửa tự lúc nào. Hai chú chó ngoan ngoãn nằm phục xuống, vẫy đuôi lấy lòng cô chủ. Đám chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, yên tâm nhảy múa hết mình để chủ nhà không thất vọng trước màn trình diễn của đoàn lân xóm nhỏ.


Những người giàu có thường khó tính, đó là những gì chúng tôi nghe bà Tám lúc hay nhắc nhở. Đúng như vậy, chủ ngôi nhà ba tầng này đã để chúng tôi nhảy hết 3 lượt và mỗi lượt mất khoảng mười phút mới chịu rút hầu bao ra thưởng. Trước đó tôi còn quay sang thằng Hậu tóc hoe nói nhỏ với giọng buồn bực:


- Thôi bỏ quách cho rồi, tao mỏi tay quá. Nhà giàu họ keo lắm, không dễ gì moi tiền được của họ đâu.


- Ráng thêm chút nữa đi, cũng chưa đến 7 giờ mà vội cái chi.


Nếu không nhờ bé My mắt nâu biết nói lời ngon ngọt thì chắc chủ nhà vẫn treo cái tiền thưởng để chúng tôi tiếp tục nhảy. Tuy nhiên số tiền thưởng của họ quả thật hậu hĩnh, chúng tôi cảm thấy rất đáng với công sức mình bỏ ra. Số tiền mà ông chủ nhà này thưởng cho chúng tôi gấp sáu lần những nhà bình thường. Lúc đoàn lân rời khỏi, tôi bắt gặp được ánh mắt lưu luyến của cô tiểu thư nhìn theo, thầm nhủ " Chắc bạn ấy chẳng được tự do vui trung thu như chúng tôi, có khi lát nữa cũng chẳng được tham ngày hội Thu Tháng Tám được tổ chức trên sân trường cấp 2 của thôn".


Đúng 7 giờ chúng tôi tập trung ở sân sau của trường dợt lại tiết mục đã đăng kí, nếu múa tốt thì đoàn sẽ được thưởng phong bao không kém gì lúc nãy. Tiếng nhạc rộn ràng từ phía sân khấu vọng khiến cho mọi đứa trẻ có mặt ở đây đều háo hức. Những chiếc lồng đèn ông sao được treo khắp các nhành cây trong sân trường, có thể mọi thứ đã được trưởng thôn và các cô chú trên xã chuẩn bị rất đẹp. Ngày hội này đã trở thành một phần không thể thiếu trong tết trung thu của những đứa trẻ quê tôi. Tập trung ở sân sau không chỉ có đoàn lân của chúng tôi mà còn có những đoàn lân của các thôn xóm khác, việc giật giải nhất cho đoàn lân nhảy đẹp nhất đêm nay từ tay ban tổ chức e là không dễ dàng. Giọng cô giáo dạy nhạc của chúng tôi cất lên mở màn cho buổi "dạ hội" đêm trung thu hôm nay:


- Tiết mục múa hát của các bạn nữ xinh đẹp với chiếc đũa thần gắn đầu ngôi sao năm cánh sẽ khuấy động sân khấu ngay bây giờ, các em cho tràng vỗ tay chào mừng nhóm " Hằng Nga 9x" nào!


Các đoàn lân chúng tôi thay nhau reo hò, gõ trống cổ vũ tiết mục của nhóm " Hằng Nga 9x". Chín bạn nữ mặc váy cầm những chiếc đũa thần vẽ những đường tròn đều như vầng trăng trung thu trên bầu trời đêm nay, theo những điệu múa từ những cánh tay thon dài uốn lượn đưa buổi " dạ hội" sang chương mới...Tiếp theo là đến chương trình phát phần thưởng cho các bạn đạt thành tích học tập tốt trong vài tháng qua, sau đó là phát bánh kẹo cho tất cả các những đứa trẻ có mặt ở đây. Và cuối cùng là màn kết thúc đêm dạ hội được giao cho các đoàn lân trình diễn hết khả năng của mình để níu giữ chân những khán giả "nhí" vui trọn với đêm " thu tháng tám tết trẻ thơ này". Phần trao phần quà cho những thiếu nhi có thành tích học tập giỏi, xuất xắc luôn khiến tôi cảm thấy nhàm chán. Bởi tôi biết rằng mình chẳng bao giờ nằm trong danh sách những cái tên được xướng lên khi mình chỉ học tập ở mức khá.


- Cao Bảo Ngọc!


Tên của tôi được cô giáo dạy nhạc họa phát âm sao thánh thót quá, có phải tôi đang nghe nhầm chăng?


- Với hoàn cảnh khó khăn, phải sống với ngoại từ nhỏ nhưng bạn Bảo của thôn ta có thành tích học tập rất tiến bộ, cô tin rằng phần thưởng này xứng đáng với em và mai này sẽ càng tốt hơn nữa...


Ánh mắt tất cả mọi người trong đoàn lân xóm nhỏ đều đổ dồn nhìn về tôi, có vẻ ngạc nhiên lẫn khâm phục trong những đôi mắt trong sáng ấy. Tôi bước từng bước nặng nề lên sân khấu, cảm giác "tim đập chân run" thật sự là giây phút này. Sau khi nhận phần quà và cảm ơn cô giáo cùng ban tổ chức thì tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần và quay trở về đội lân chuẩn bị trình diễn. Đêm nay, chúng tôi đã bàn với nhau sẽ thêm kỹ thuật phun lửa và nhào lộn với pháo bông (loại hay đốt trong sinh nhật) quyết giật giải từ ban tổ chức. Những tiếng trống khai cuộc bắt đầu, đoàn lân xóm nhỏ cùng các đoàn lân khác đều múa đồng điệu như nhau, chẳng ai nổi bật hơn ai. Những đến trung cuộc, tôi đổi nhịp trống ra hiệu đến lúc thực hành kỹ thuật phun lửa, đoàn lân xóm nhỏ bắt đầu gây sự chú ý...


- A! Con lân kia biết phun lửa kìa, giống trên tivi ghê.


- Nữa đi! Nữa đi!


Các bạn nhỏ bắt đầu phần khích, cổ vũ cho chúng tôi thêm hào hứng và hăng say phun thêm vài lần nữa cho đến hết bình ga. Các đoàn lân khác cảm thấy thất thế, có đoàn dùng kỹ thuật nhảy trên cà kheo để dành lại ưu thế trong mắt các khán giả và ban giám khảo. Thế nhưng khi tiết mục múa với pháo sáng của đoàn lân chúng tôi trình diễn thì tất cả đều bỏ cuộc. Những tia pháo sáng đầy màu xanh đỏ lấp lánh, thu hút mọi ánh nhìn và tràn vỗ tay. Đoàn lân chúng tôi thật sự nổi bật nhất đêm nay khi những điệu múa lượn đơn điệu biết gắn kết thêm những sắc màu tỏa sáng...


Đêm trung thu năm ấy kết thúc với bao kỷ niệm trong tôi và những đứa trẻ xóm nhỏ đồng trang lứa. Thu tháng tám tết trẻ thơ dù có qua thêm bao nhiều mùa nữa thì mỗi mùa đều giữ lại một màu sắc, góc kỷ niệm đẹp nào đó trong ngăn ký ức của chúng ta. Ai rồi cũng sẽ lớn lên, ai rồi cũng thay đổi những mỗi khi nhìn lại những con trẻ chúng ta lại đón tết trung thu về, lòng không khỏi bồi hồi muốn quay lại một thời thơ ấu đó...


Đang tải bình luận!