Không khóc ở Hà Nội
Không khóc ở Hà Nội
Sếp à, phải chi chị đừng quá đẹp và đừng làm sếp, thì chắc là tôi yêu chị mất. Sếp bật cười, phải chi cậu đừng ngu ngốc một cách đặc biệt và đừng có xấu trai một cách lạ lùng, có thể tôi sẽ dành hy vọng cho cậu theo kiểu 50/50.
***
Buổi tối nào đó Hà Nội rũ mục trong quán cà phê ẩm mùi lá phượng rơi lã chã vào những ly nước. Người ta gọi đó là cà phê phượng. Còn tôi gọi nó là cà phê chát.
Buổi tối nào đó, Hà Nội như một giấc mơ cũ kỹ trong chiếc hòm gỗ cha tôi đóng trong ngày tôi được vào đại học. Tôi đã không giữ được ký ức nào nguyên vẹn. Tất cả đã nhòe lẫn vào nhau. Cha tôi thì già rồi. Cha tôi không nhớ được gì nhiều. Còn tôi, chẳng phải tôi đã cố gắng để quên được càng nhiều càng tốt?
Buổi tối nào đó, tôi và sếp ngồi cạnh nhau trong quán cà phê đầy muỗi. Sau cơn dông buổi chiều, mưa chụp xuống những tòa cao ốc như những thác nước dội xuống những quả đồi vuông trong thành phố. Nhưng sau đó, vào lúc hoàng hôn, bốn góc thành phố hừng lên thứ ánh sáng lấp lánh nuối tiếc. Trời đẹp như cô gái điếm vừa sau cuộc mây mưa thanh thản tiền bạc mà chợt ánh lên sự thanh khiết đáng ngờ. Tôi khuấy ly cà phê cho sếp, giọng đã khàn đi vì suốt cả ngày hút thuốc lá quá nhiều. Sếp à, phải chi chị đừng quá đẹp và đừng làm sếp, thì chắc là tôi yêu chị mất. Sếp bật cười, phải chi cậu đừng ngu ngốc một cách đặc biệt và đừng có xấu trai một cách lạ lùng, có thể tôi sẽ dành hy vọng cho cậu theo kiểu 50/50.
Sếp và tôi có cùng điểm xuất phát. Vậy mà sếp đã thành một ngôi sao truyền hình. Lộng lẫy không chịu được...
Sếp bảo, hôm qua con trai chị theo ba nó đi Mũi Né. Chị được tự do một tuần, không phải nghĩ tới việc hàng đêm đọc truyện cổ tích cho con nghe và mỗi khi mẹ đọc sai thì con trai sẽ "nhắc vở" mẹ, hệt như người nhắc tuồng đứng sau cánh gà còn mẹ miễn cưỡng làm ngôi sao không thuộc thoại. Nó vừa gọi điện cho mẹ, bảo bạn gái của ba vui tính lắm, cho con uống rượu vang. Chị gắt con đừng uống, thằng bé cười rinh rích, con chỉ uống chút thôi. Mai con đi trượt cát rồi. Cả nhà cùng trượt. Mẹ có muốn nói gì với ba không? Chị không biết nói gì. Thấy hạnh phúc và hôn nhân cũng như nền kinh tế, lắm khi suy thoái và lạm phát trầm trọng nhưng rồi cũng ổn định dần và mọi vết thương sẽ được lành lại.
Tôi bảo sếp, chị có cảm giác ghen tuông với tình yêu mới của chồng không? Sếp cười, đàn ông đẹp đẽ theo tôi cả đàn, tiếc gì con cá mất. Sếp nói rồi tợp ngụm cà phê lớn, nuốt đánh ực. Con cá mất nào cũng là con cá to! Nhất là khi cá to ấy lại đang đua thuyền cùng cá khác ngoài biển lớn. Cá ấy không dại gì nhốt mình đêm đêm trong căn nhà to rộng giữa thành phố, biến thành kẻ bảo mẫu tội nghiệp, ngồi sừng sững như hòn vọng thê xem bóng đá qua ngày. Còn người đàn bà lộng lẫy trên danh nghĩa là của mình nhưng thực chất đã ôm nghiến lấy một đống gã màn hình phẳng ngày đêm, đến khi mệt lử thì nằm lăn lông lốc ra giữa trường quay mà ngủ vạ vật rồi gà chưa kịp gáy đã lại lục tục phấn son cho chương trình tin sáng. Mất năm năm để sếp thành sếp như bây giờ. Sếp mất đi một người đàn ông có cưới cheo đàng hoàng, có kết hôn và có ly hôn. Nhưng tất nhiên, sếp có rất nhiều người đàn ông khác đang ngồi ghế dự bị. Còn tôi, tôi không có gì, không mất gì.
Dạo này Hà Nội tự nhiên lắm mưa. Như thể người Hàn Quốc hay khóc hồn nhiên trên phim truyền hình Hàn Quốc. Những lúc ấy, ở một góc nào đó, sếp hay nhắn tin rủ rê tình tứ, rằng sếp có chừng ba chục phút cho một cốc cà phê nguội, rằng tôi có diễm phúc ngồi cùng gái đẹp lại nổi tiếng. Có rất nhiều kẻ sẵn sàng trả tiền để được ngồi cùng chị. Nhưng tôi biết, có thể ngồi cùng chị sẽ biến buổi chiều thành bí mật đáng nhớ hoặc sẽ biến nó thành một cuộc cãi vã không khoan nhượng. Đàn bà làm truyền hình dường như là những loại đàn bà tham vọng. Tham vọng như những cơn cuồng loạn cuốn vào khóe mắt vành môi họ. Chính điều ấy làm cho họ quyến rũ hơn...
Thành phố sau cơn mưa, sếp nói, giống như người phụ nữ qua kỳ sinh nở mệt mỏi, mọi thứ đều thấy thoải mái thênh thang không gìn giữ. Và sau cơn mưa, hình như cả chiếc ghế trong quán cà phê cũng sạch hơn lên. Sếp hỏi, cái băng đã dựng xong chưa? Tôi ngập ngừng. Cuốn băng đó chưa được dựng. Câu chuyện về những người mẹ bỏ rơi con mình. Có thật là họ vô tâm đến mức sẵn sàng bỏ rơi giọt máu thiêng? Câu chuyện không giản đơn như chúng ta cố tình gán ghép cho họ. Sếp gần như muốn đứng bật dậy. Nếu chiều mai cậu không có cái băng đó hoàn chỉnh, cậu nên làm đơn chuyển qua ban khác. Tôi ấy, về một mặt nào đó, cũng chỉ là thân trâu ngựa ở cái cơ quan này thôi. Và tôi cũng biết rằng, người ta sẵn sàng hy sinh một tên phóng viên lêu lổng như tôi chứ không bao giờ bỏ rơi một ngôi sao truyền hình như chị cả. Nhưng tôi ấy, tôi luôn nhớ, thầy giáo của chúng ta dạy rằng, nhà báo chỉ được quyền nói lên sự thật mà thôi. Chúng ta ép những người phụ nữ ấy thành những kẻ vô lương tâm ư? Sếp bật cười, này trái tim kiêu hãnh và lòng tự trọng trào sôi, chúng ta chẳng phải là những đứa thực tập sinh ngớ ngẩn. Cậu, về một mặt nào đó, hơn tôi rất nhiều trong kinh nghiệm làm nghề. Cũng cậu, biết rất rõ rằng, những ranh giới nào nên dừng lại. Chiều mai cậu nên nộp băng...
Tôi đã ngồi rất lâu trong buổi tối hôm ấy. Quán cà phê sau cơn mưa luôn nhiều muỗi. Người ta đã đốt những cây hương muỗi. Ban đầu mùi hương lan ra có thể khiến người ta ngất đi. Nhưng lâu dần lại trở thành một thứ hương vị. Tôi đã không chở chị về. Chị đi trên chiếc xe rất đẹp của mình. Sếp à, sếp đẹp quá làm gì, mà lại thêm nghiệt ngã nữa!
Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi đã nhớ sếp của những ngày tháng cũ biết bao nhiêu. Cuộc sống luôn bắt chúng ta phải đi theo những con đường không ai muốn. Sếp ngày ấy sẵn sàng đi cùng tôi sáng đêm để thực hiện phóng sự về những đứa trẻ nhặt rác trong thành phố. Sếp đã đủ nước mắt để khóc cho chú bé nghèo mơ có một chiếc áo mới vào ngày khai trường. Sếp âm thầm nhờ người bạn thân của mình may một chiếc áo sơ mi thật vừa và lặn lội trở lại Sóc Sơn đưa cho chú bé. Có thể chiếc áo ấy sẽ là báu vật mãi mãi của một đời người. Và bây giờ thì sếp đã quên đi rồi.
Tôi không trách sếp những điều này. Trong cuộc chơi của tham vọng quyền bính, người ta buộc phải biết luật và phải biết bỏ lại sau lưng mình những cánh đồng hoang hóa không mang lại lợi ích, bỏ cả những bè bạn mà không giúp sức được cho bước đi tiếp theo. Tôi thích sự sòng phẳng ấy ở sếp. Người phụ nữ này, từ một góc nào đó, tôi có thầm ngưỡng mộ. Tôi đã có vũng tối im lặng không muốn kể lại. Tôi đã vội vã bỏ chạy cùng chiếc camera trong buổi đi làm phóng sự về cảnh giải trí ở xóm trọ công nhân, bỏ lại chị cùng đám công nhân vừa mải mê xem phim sex lao ra đầy cuồng nộ. Dường như chị đã được giải thoát bằng một cách nào đó. Nhưng, tôi đã không đủ sức để bảo vệ người phụ nữ bên cạnh mình. Cái băng ghi hình ấy đã không thể làm tin phát sóng. Chúng tôi đã bỏ cả thời gian và đánh cược cả tính mạng cho một cuộn băng vứt đi. Để sau đó, một tiền bối đã làm lại, đoạt một giải thưởng báo chí cỡ bự.
Khi tiền bối đoạt giải, chúng tôi đã chở nhau trên chiếc xe máy cũ đi một vòng tròn thành phố. Hình như hôm đó sếp đã ôm tôi rất chặt. Sếp đã không nói gì. Nhưng nước mắt sếp đã chảy ròng rã trên vai tôi.
Tôi luôn nhớ về sếp trong những ký ức buồn bã và lộng lẫy ấy. Tâm trí tôi tự khoác lên chị một bộ xiêm y rực rỡ nhất. Để rồi, giờ đây, ngồi trong căn phòng này, biết bao nhiêu nóng lạnh của đời sống chảy qua tâm não tôi, tôi vẫn không muốn đổi thay hình ảnh chị. Tôi đã ước ao sếp là Phan của ngày dám khóc trước mặt tôi, những giọt nước mắt biết đổ vỡ. Dựng xong chưa?- sếp đã đến. Về cơ bản đã xong rồi. Nhưng tôi muốn xin chị thêm 10 giây. Để làm gì? Tôi muốn nói thêm câu cuối cùng, bày tỏ quan điểm riêng của mình. Không được, ngớ ngẩn, trữ tình ngoại đề. Chị đã nghe đâu nào? Tôi chỉ nói là không được. Những người làm tin tức là những người biết đứng ở giữa những ngọn giáo mà không ngọn giáo nào chạm được tới mình. Phan à,... Nếu có thêm thông tin mới, chúng ta sẽ trở lại đề tài này cũng không sao, cậu hiểu không, sếp vỗ vai tôi, giọng mềm trở lại. Giọng sếp rất biết mượt đúng lúc. Nhưng lúc này đây nó lại làm cho tôi cảm giác sợ hãi.
Sếp à, tại sao chúng ta lại phải giam mình trong một rãnh mòn thông tin dốt nát? Nhưng nếu cậu rơi vào hoàn cảnh ấy, cậu có tha thứ cho mẹ mình được không? Tôi đứng im như màn hình bị bấm nút tạm dừng. Sếp đặt tôi vào cái nơi mà tôi đã muốn quên đi rất nhiều. Tôi đã hằng ngày tẩy rửa nó và cất kín như chiếc hộp đen máy bay, chỉ khi nào mọi thứ tan hoang thì mới cần đến, mới phơi bày. Tôi ư? Sếp, khi cha tôi nhặt tôi từ một góc chợ về nhà, cha tôi không nghĩ tôi sẽ thành một nhà báo. Khi cha tôi đóng chiếc hòm gỗ cho tôi đựng chiếc vòng bạc nhỏ xíu mẹ tôi đeo vào cổ tôi khi bà để tôi lại trên mặt đất, để tôi về thành phố mà không quên gốc gác của mình, cha tôi cũng không nghĩ rằng tôi có ngày sẽ đối diện với thực tế này, sẽ làm phóng sự về những người mẹ buộc phải bỏ rơi những đứa con. Ông luôn nghĩ tôi là một phóng viên truyền hình vĩ đại của một công ty truyền thông đẹp đẽ gắn biển vàng rực rỡ ngoài building kia. Và cũng có nhiều lúc tôi ngồi trong căn phòng này nghĩ như vậy. Nhưng sếp à, chưa một lần tôi oán mẹ. Tôi vẫn tin rằng mẹ tôi ở một nơi nào đó và bà đang cầu phúc cho tôi. Tôi đang sống và đứng nói chuyện với chị, chẳng phải cuộc sống này là do mẹ tôi sinh ra? Tôi không tha thứ, thì tâm hồn tôi nương tựa vào điều gì?...
***
Sếp lái xe đến nhà, mang đồ ra chất vào cốp xe, đưa tôi lên sân bay. Tôi đùa, sếp à, tiếc nhất là không được nhìn thấy sếp đẹp mỗi ngày thôi. Sếp cười, chẳng phải vì khuôn mặt này mà cậu bỏ đi sao? Thực lòng tôi không nghĩ vậy. Nước trong ống bao giờ cũng phải dài cho vừa lòng ống. Sếp im lặng. Tôi chỉ muốn hỏi chị một cách thành thật, rằng chị có hạnh phúc không? Nhưng tôi đã phải mang câu trả lời lặng im của sếp vào một thành phố khác. Hạnh phúc bao giờ cũng là trò chơi bí mật nhất của loài người. Khi chị quàng tay qua cổ, hôn lên trán tôi, tôi gần như muốn bỏ chạy. Tôi đã ngăn mình không khóc ở Hà Nội. Chỉ là những giọt nước mắt tự chảy. Nó được sinh ra và phải chảy hết mình. Thế thôi...
Dương Bình Nguyên