XtGem Forum catalog
Đôi mắt người con gái bản Trảng

Đôi mắt người con gái bản Trảng

Tác giả: Sưu Tầm

Đôi mắt người con gái bản Trảng

 Quá khứ có thể hiện về trong ta một giây phút nào đó như chỉ để nhắc ta đừng quên trân trọng những gì đang có ở hiện tại vì có thể đó là cả một sự đánh đổi trong quá khứ và những tháng ngày đã qua trong thời trẻ.


***


Ngọn lửa bập bùng sáng lên trong chiều đông lạnh giá, bà nội lại ngồi đó sau ánh lửa trong góc nhà, bà nhìn ngọn lửa với đôi mắt mờ đục, xa xăm. Những nếp nhăn xếp dài quanh đôi mắt đang nheo lại, tôi biết tôi lại sắp được nghe những câu chuyện buồn của nội bởi ánh nhìn ấy của bà đã báo trước đó là ánh nhìn về quá khứ, về những câu chuyện đã qua và để lại nỗi ám ảnh lớn trong cuộc đời của bà.


Đôi mắt người con gái bản Trảng


Cuộc đời của bà nội tôi giống như là một khu rừng âm u, đầy lối lạc và hình như tôi đã lạc lối trong đó, những câu chuyện của nội không lúc nào thôi ám ảnh tôi. Nội tôi không biết chữ nhưng bà biết rất nhiều chuyện, những câu chuyện mà tôi không thể tìm thấy ở bất cứ trang sách nào. Trong số hàng chục đứa cháu chắt có lẽ tôi là người mà bà ít gặp nhất nhưng lại yêu quý nhất, tôi đi học xa nhà từ nhỏ lúc nào về thăm nội cũng toàn bắt bà kể chuyện từ ngày xửa, ngày xưa cho nghe. Tôi càng lớn lên nội càng già đi và giờ đây cũng đã qua thời nội kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích, hình như bao nhiêu chuyện cổ tích bà đã kể hết rồi. Bà nội bắt đầu kể chuyện về cuộc đời của mình cho tôi nghe, và đó hoàn toàn là một thế giới xa vời, khác lạ với thế giới của những câu chuyện cổ tích của bản mường mà bà đã bao lần kể cho tôi nghe.


Bà lớn lên ở bản Trảng, cái bản làng rộng lớn nhất mà bà đã từng sống giờ chỉ còn trong ký ức. Năm bà nội lên 11 tuổi mẹ của bà mất để lại cho cha con bà một lũ em nheo nhóc, là chị gái lớn trong gia đình nên nội phải thay mẹ mình làm những công việc mà người mẹ quá cố bỏ lại. Bà luôn làm việc quần quật cả ngày, sáng sớm thì đi khắp các bản để xin sữa cho em út, rồi ra suối gánh nước, lên rừng lấy củi, tưới vườn, nấu nướng, giặt giũ, trồng ngô, trồng sắn... Ước mơ được học chữ của bà đành phải lùi lại, bà dành hết tình yêu thương và thời gian cho đứa em út 8 tháng tuổi nhưng vì thiếu sữa đứa em ấy cũng đã bỏ bà mà ra đi không lâu sau khi mẹ của bà mất, bà yêu thương các em mình nhiều lắm, mất một đứa em lòng bà đau như dao cắt. Trên bà cũng có một người anh trai hơn bà ít tuổi, bà kể rằng người anh trai ấy cùng với đứa em kế tiếp của bà một lần đi ngủ nương, người anh đã bị hổ vồ và ăn thịt mất trong khi đang ở ngoài lều nhóm lửa, còn đứa em trai sợ quá chỉ biết nằm im trong lều không dám bước ra ngoài, cũng không dám khóc. Sáng hôm sau mới chạy về bản báo tin, cả nhà đi tìm kiếm người anh nhưng cuối cùng chỉ tìm thấy được một cánh tay của người anh trai mà con hổ ấy bỏ lại... Nội kể và khóc, những dòng nước mắt lấp lánh tuôn trào từ đôi mắt mờ đục, nhăn nheo, đôi mắt mà tôi đã từng nghĩ khi người ta đã ở tuổi của bà thì sẽ không bao giờ khóc được nữa.


Ngày ấy cuộc sống ở bản Trảng đâu có được bình yên, bọn Tạo mường, Phìa bản luôn làm mưa làm gió khiến cuộc sống của dân chúng càng thêm cực khổ lầm than. Cuộc đời của bà nội tôi dù trải qua bao mưa nắng và bao sóng gió nhưng những ngày còn trẻ bà vẫn rất xinh đẹp, nghe người ta kể lại rằng bà nội tôi từng là người con gái xinh đẹp nhất bản Trảng một thời. Trong chiếc hòm gỗ đựng kỷ vật được nội cất kỹ giờ lại lôi ra cho tôi xem tôi có thấy một bức hình chụp một người phụ nữ, bức ảnh chỉ có màu đen trắng được chụp từ hơn nửa thế kỷ nay rồi nhưng hình ảnh người phụ nữ được chụp trong đó trông rất xinh đẹp. Đó chính là nội tôi thời còn trẻ, đôi mắt bà là nơi thu hút mọi ánh nhìn, đôi mắt ấy không mờ đục xa xăm như giờ đây mà là một đôi mắt lá dăm đen láy, long lanh và đượm buồn. Thời gian trôi qua đã bào mòn nhan sắc của bà nội tôi nhưng hình như chưa bao giờ xóa sạch được những ký ức đớn đau trong bà.


Càng lớn bà càng trở nên xinh đẹp nhưng sắc đẹp rực rỡ của bà lại trở thành một nỗi lo sợ cho chính bà và gia đình. Ngày ấy bọn Tạo, Phìa thường cho tay sai vào trong các bản săn lùng các cô gái đẹp, những cô gái mới lớn thành thiếu nữ trông xinh xắn đều bị bọn chúng bắt đi hết để làm gái xòe, tức là bị bắt làm những vũ nữ múa hát phục vụ cho những đêm vui của bọn Tạo, Phìa. Nếu ai dám chống cự thì cha chú, anh em của những cô gái đó sẽ đều bị đem ra bắn chết, từ ngày bọn Tạo, Phìa bắt tay với thực dân Pháp thì chuyện đó diễn ra càng khủng khiếp hơn. Năm ấy bà tôi mới 14 tuổi, vì sợ bị bắt đi làm gái xòe nên bà chẳng bao giờ dám ra khỏi nhà nhưng đâu có thể ở nhà mãi được. Người chị gái họ thân với bà ở ngay đầu bản vừa bị bắt đi làm gái xòe cho bọn Tạo làm bà càng thấy lo sợ hơn, bà lo đến mất ăn, mất ngủ. Họ hàng, gia đình liền nghĩ cách cho bà đi lấy chồng, những người đã có chồng, búi tóc ngược lên trên đỉnh đầu sẽ không bị bắt đi. Thế là bà lấy một người anh trai họ xa, cũng là người cùng bản nhưng đó chỉ là một hôn ước giả mạo, không có đám cưới để tránh cho bà bị bắt đi làm gái xòe mà thôi.


Sau khi trở thành người phụ nữ đã có chồng bà mới yên tâm đi ra khỏi nhà mà làm việc nương rẫy, rồi tuổi 14 của bà cũng trôi qua một cách bình yên, người chồng kia của bà sau khi nội được búi tóc ngược cũng đã ra đi khỏi bản, nghe nói là đi làm ăn xa. Sau ngày ấy, những mùa xuân trong đời bà cũng nối tiếp nhau trôi qua, bà đi qua tuổi mười lăm, rồi mười sáu, mười bảy ở tuổi ấy sắc đẹp của bà càng mặn mà hơn nhưng bà vẫn còn là một người con gái trinh bạch. Một số người biết bà chỉ giả vờ lấy chồng nên vẫn muốn tán tỉnh, cưới bà về làm vợ, nhưng bà nội tôi không bao giờ để ý đến điều đó. Bà vẫn chờ người chồng kia, dù trước kia bà lấy người đó chỉ là giả vờ nhưng bà vẫn đợi, đợi người ấy về nếu người ấy muốn thật sự lấy nội thì bà sẽ làm vợ người ta thật sự còn không thì bà mới thôi chờ đợi. Nhưng chờ mãi, hết năm này qua năm khác bà vẫn không thấy người ấy trở về, ngày nào đi gánh nước bà cũng ngóng nhìn về con đường lên bản, bà đã đợi chờ mòn mỏi cả tuổi xuân nhưng người ấy cứ mãi không về. Có người nói với bà rằng có thể người chồng mà bà đang chờ đợi đã chết rồi nhưng bà không tin và vẫn cứ đợi chờ.


Ngày ấy trong mường có Tạo Nam La là tên Tạo mường trẻ tuổi, và là tay sai của thực dân Pháp khét tiếng giàu có, tham lam cũng hay sai tay chân vào bản Trảng bắt bớ những người phụ nữ xinh đẹp về làm người hầu, hoặc gái xòe. Một lần Tạo Nam La đi vào bản Trảng dạo chơi và săn bắn thú rừng, đi qua suối hắn gặp một người phụ nữ xinh đẹp đang ngồi bên bờ suối giặt khăn Piêu, vừa giặt vừa ngồi buồn nghĩ ngợi. Nam La như bị hút hồn trước vẻ đẹp sắc nước hương trời của người phụ nữ đó, hắn liền cho người hầu đi dò hỏi tung tích của người ấy. Chẳng biết người ta đã nói với Tạo Nam La những gì mà vài ngày sau đó Phìa bản Trảng ra lệnh không có người đàn ông nào được đến gần cô Lả (tức là tên bà nội tôi hồi còn trẻ) nữa, ra lệnh cho người phụ nữ này cũng không được phép cưới bất cứ ai dù cô không chờ đợi chồng mình nữa. Chẳng ai biết nguyên do vì sao lại có cái lệnh như thế nhưng gần một tháng sau đó người của Tạo Nam La đã đến nhà bắt cô Lả đi, cha của cô còn bị đánh khi cố cứu cô con gái lớn của mình ra khỏi tay đám người hầu của Nam La.


Nội kể rằng người ta đã đưa bà lên một cái xe ngựa và đến một ngôi nhà sàn rộng thênh, người ra người vào nườm nợp, bà bị nhốt vào một cái buồng tối có người canh. Suốt mấy ngày liền, cứ đến bữa ăn là có người hầu mang thức ăn vào cho bà, trong số đó có cả người chị họ xa của bà bị bắt đi làm gái xòe chọ Tạo đã mấy năm nay. Nhận ra người đó bà mừng tủi nhưng chẳng ai nói với bà một lời, rồi một buổi tối lại những cô gái người hầu đó vào lôi bà đi, người ta tắm cho bà, lấy váy áo đẹp cho bà thay, chải và búi lại tóc cho bà... Rồi chính người chị họ xa nọ của bà lại đưa bà đi lên một ngôi nhà sàn nhỏ khác được làm hoàn toàn bằng gỗ quý, những tấm gỗ tường và sàn nhà đều to và dày đến cả gang tay, bề dày của những miếng gỗ tốt, được gắn kín mít vào nhau tạo thành một hệ thống cách âm vô cùng đặc biệt cho căn nhà sàn nhỏ này. Có một ngọn lửa đang cháy giữa ngôi nhà và Nam La ngồi đó, căn nhà rất gọn gàng và được bày biện khá sang trọng, trên tường treo những sừng hươu, ngà voi được chạm trổ, đẽo gọt rất tinh xảo. Những cánh cửa sổ đã đóng lại nên ánh sáng trong nhà chỉ lờ mờ, những cô người hầu lại đưa bà đến một cái buồng ở góc nhà, chăn chiếu đã được trải sẵn. Họ ấn cô gái tội nghiệp ngồi xuống đệm rồi đi ra ngoài, Tạo Nam La ra hiệu cho đám người hầu rút lui, cánh cửa chính của ngôi nhà đóng lại. Nam La đi vào buồng ngủ, hắn nhìn người phụ nữ trẻ đang ngơ ngác, sợ hãi một hồi rồi cười và nói:


"Bây giờ nàng chính là vợ bé của ta!"


Nam La lao vào cô gái đang co rúm người lại, cô chỉ kịp la lên một tiếng "không....", tiếng kêu ấy vang lên rồi lại chìm bặt vào trong căn nhà sàn gỗ dày, kín mít. Hẳn là Nam La rất sung sướng và mãn nguyện khi người phụ nữ đã có chồng mà hắn cố công cướp được lại là một cô gái còn trinh bạch.


Kể từ ngày đó nội tôi kể, bà trở thành thiếp yêu của Nam La, được ở trong căn nhà sàn bằng gỗ quý sang trọng kia và có kẻ hầu người hạ. Bà chấp nhận cuộc sống đó vì cũng chẳng còn cách nào khác, Nam La không bao giờ cho người thiếp yêu của mình đi ra khỏi nhà một bước vì sợ người vợ cả sẽ giết nàng mất. Nam La đã có một người vợ hàng chục mỹ nữ hầu buồng ngủ khác nhưng người vợ cả của hắn có máu ghen khủng khiếp, không bao giờ chấp nhận cho Nam La có vợ hai. Có lẽ sự chiều chuộng và dịu dàng của Nam La cũng khiến trái tim người con gái bản Trảng bị cướp về làm vợ bé dần ấm lại. Một năm sau nội tôi kể bà đã sinh cho Nam La một cô con gái, sau khi đứa con ấy ra đời vị trí của bà trong nhà Nam La đã trở nên khác hơn, bà được tự do đi ra ngoài. Vợ cả của Nam La rồi cũng biết chuyện, bà ta vô cùng căm ghét người vợ bé của chồng và luôn tìm cách trả thù. Vì thế dù được Nam La yêu thương nhưng cuộc sống của nội tôi trong nhà Tạo đâu có được bình yên.


Sau khi cô con gái đầu lòng của bà được gần một tuổi thì chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu diễn ra, thực dân Pháp âm mưu xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương. Để thực hiện âm mưu đó chúng cần đến sự trợ giúp đắc lực của những tay sai ngay tại địa phương, Tạo Nam La và các Tạo mường khác được triệu tập xuống Hà Nội để nhận sắc lệnh, trước khi đi Tạo Nam La dặn người vợ bé đưa cô con gái nhỏ cùng với cả gia đình sang Mỹ theo chính sách nào đó của thực dân Pháp, đợi sau khi mọi chuyện yên ổn rồi lại quay về. Nam La có nói bên thực dân Pháp bảo rằng nếu Nam La và các Tạo khác giúp chúng thống trị được bất cứ vùng nào ở Tây Bắc thì sau khi thực dân Pháp thắng vùng đó sẽ thuộc về những tay sai như hắn... lúc đó trở về gia đình sẽ được sung sướng hơn. Nhưng bà ngẫm nghĩ hồi lâu rồi quyết định không đi, bà nói bà sợ người vợ cả của Nam La sẽ hãm hại bà trong khi không có mặt Nam La nhưng thực chất là bà không dám rời bỏ bản Trảng, không đủ can đảm để xa các em mình.


Cả nhà Nam La đi hết, bà ôm đứa con gái về bản Trảng với sự giúp đỡ của người chị họ xa trước từng bị ép làm người hầu của nhà Nam La nhưng chẳng biết từ bao giờ người đó đã yêu một bộ đội của Việt Minh và việc ở lại nhà Nam La chỉ là một bí mật không thể nói ra. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, nghe tin Nam La đã chết nội ôm con khóc một hồi, từ giờ hai mẹ con chẳng biết sẽ sống những ngày tiếp theo ra sao. Từ ngày đó bà lại cặm cụi làm đụng nuôi con và các em khôn lớn, mười năm sau bà gặp một ông thầy giáo góa vợ, cũng còn một đàn con nheo nhóc. Hai tâm hồn đồng cảm gặp nhau, bà nội tôi đã đến với ông nội tôi như thế đó. Về ở với ông nội bà nghĩ sẽ lại bắt đầu con đường học chữ dang dở hồi còn ở nhà Nam La nhưng vì mải mê với những đứa con mong ước của bà lần nữa phải dừng lại. Khi Ba và các cô chú tôi khôn lớn thì mắt bà đã mờ, không thể nhìn lâu vào những trang sách được nữa nên bà nội chẳng học chữ nữa.


Tôi đã đốt cháy hết những bó củi, đã nghe thấm những câu chuyện về cuộc đời của bà nội tôi, đến giờ mà bà vẫn còn một ước mơ dang dở, một ước mơ không bao giờ thực hiện được. Chắc vì thế mà bà hay nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, đầy tự hào chăng? Tôi đã làm được điều mà cả đời bà không thể làm được. Khi câu chuyện của bà đi đến hồi kết thì cũng là lúc một người bạn đồng hương của bà đến thăm. Bà vui lắm, đó cũng là người bản Trảng và chính là người chị họ xa của bà ngày xưa, bà ấy đến thăm cháu trai, nhà anh ấy ngay gần nhà tôi, biết bà nội tôi đang ở nhà nên giữa đêm khuya bà cũng bắt cháu trai đưa sang. Hai bà cụ già đỡ nhau ngồi xuống bên bếp lửa, họ không nói chuyện ngày xưa mà chỉ nói chuyện của hôm nay. Tôi vẫn nhớ trong câu chuyện kể của nội tôi trước đó người phụ nữ đang ngồi cười nói bên cạnh bà giờ đây đã từng là người lôi bà vào căn nhà sàn bằng gỗ quý của Nam La ngày nào, đã từng giao bà vào tay Nam La... Thế mà giờ đây hai bà lại cùng nắm chặt tay nhau, nhìn vào đống lửa đang sáng rực, cùng kể những câu chuyện vui... Họ trao cho nhau những ánh nhìn trìu mến bên ngọn lửa ấm áp, quá khứ đã ngủ yên rồi.


Những ánh nhìn đó như đang nhắc nhở tôi một điều rằng đừng nhìn lại phía sau. Quá khứ có thể hiện về trong ta một giây phút nào đó như chỉ để nhắc ta đừng quên trân trọng những gì đang có ở hiện tại vì có thể đó là cả một sự đánh đổi trong quá khứ và những tháng ngày đã qua trong thời trẻ. Nhưng hiện tại và tương lai mới là điều quan trọng nhất nên hãy nhìn về phía trước, hãy tha thứ, hãy tạm lãng quên và ngẩng cao đầu mà bước đi.


Hoa Thược Dược


 


Đang tải bình luận!