Old school Easter eggs.
Bản Châng mùa gió lạ

Bản Châng mùa gió lạ

Tác giả: Sưu Tầm

Bản Châng mùa gió lạ

Cả bản Châng mấy ngày hôm nay cứ ồn ào như ong vỡ tổ, cái tin cô Hẩn con gái nhà ông bà Xổm Lánh chửa hoang đã lan đi khắp cả một vùng. Dễ thấy nhất là mấy người đàn bà, hễ cứ đi nương, đi rừng hái củi, đi suối gánh nước nhìn thấy nhau là kéo nhau ra một góc, túm tụm lại mà xưng xỉa, mà bêu rếu, mà thì thà thì thụt hỏi nhau xem cô Hẩn chửa với ai, chửa được bao lâu rồi, có đẻ nó ra không...


***


Nhiều người còn tò mò tới mức mỗi lần đi đâu qua nhà ông bà Xổm Lánh thì cố tình đi chầm chậm lại. Họ đi sát vào bờ rào nhà ấy để mà ngó nghiêng, để mà hóng hớt . Nhà Xổm Lánh ở tận cuối bản, gần đấy nhất chỉ có nhà bà Mẳn. Bà Mẳn là cô ruột Hẩn, người đàn bà phốp pháp, xởi lởi nhất ở cái bản Châng ấy. Chính bà là người đã phát hiện ra cô Hẩn không chồng mà chửa đầu tiên, trước cả bà Xổm Lánh –mẹ cô Hẩn. Hôm đó hai cô cháu đi tắm suối với nhau, lúc chuẩn bị ngâm mình dưới nước suối bà Mẳn để ý bụng và ngực cháu gái mình khác lạ bà ta liền gặng hỏi. Cô Hẩn lúc ấy cũng chẳng biết là mình đã có bầu. Bà Mẳn hỏi vặn vẹo đủ kiểu mà cô Hẩn cứ tìm cách chối mãi đến khi bà ta dường như hét lên:


"Mày cho trai ăn nằm cùng rồi à?"


Tức thì cô Hẩn đỏ mặt không nói được câu gì, chưa kịp tắm rửa gì bà Mẳn liền ôm váy đi lên bờ ngồi phịch xuống tảng đá gần đó mà gào khóc.


"Phạ (Trời) ơi, khổ chưa, nhục nhã chưa, thật là mất mặt với dân cái bản này quá, con với chả cháu, sao mày hư hỏng thế này..."


Lúc bà Mẳn gào rống lên như con bò lâu không được ra khỏi chuồng ấy không biết là có ai nghe thấy không. Chưa dừng lại ở đó, tức thì bà lôi cô Hẩn xồng xộc về nhà, lúc ấy mẹ cô đang nướng cá trên bếp. Bố cô thì vừa hút thuốc Lào, vừa chửi vợ chuyện không đi trông nương làm chuột ăn hết cả mảng lúa lớn, vừa mắng mấy đứa cháu nhỏ cứ chạy linh tinh làm ông nhinh tai nhức óc. Dúi mạnh cô Hẩn ngã xuống sàn nhà, bà Mẳn lại gào rống lên.


"Đẻ nó ra, nuôi nó lớn, chỉ mong nó lấy được cái chồng tốt mà anh chị ơi, sao nó làm mất mặt bố mẹ, cô dì thế này anh chị ơi."


Bản Châng mùa gió lạ


Bố mẹ cô Hẩn lúc ấy còn chưa hiểu gì. Thì bà Mẳn lại xông đến, vạch áo Hẩn lên, người cả nhà đã bắt đầu để ý đến cái bụng hơi núng nính và núm vú thâm quầng của cô. Bà Xổm Lánh như chết lặng một lúc, chuyện chửa hoang xưa nay bà cũng nghe nhiều rồi. Bà chỉ đang không thể tin nổi chuyện này nó lại xảy ra với Hẩn, cô con gái mà bà nghĩ cũng ngoan ngoãn và khéo léo. Nghe thấy tiếng ồn ào, mọi người kéo nhau lên nhà. Em trai, em dâu, chị gái của Hẩn kéo đến vây quanh cô mà hầu như không có ánh mắt cảm thông nào. Chỉ có đứa em gái nhỏ đứng thập thò ngoài ngưỡng cửa, không dám nhìn vào là có vẻ có gì đó xót thương. Sau khi đã hiểu một phần của câu chuyện, bỗng chốc bà Xổm Lánh vớ ngay cành củi đào gần đó đánh tới tấp vào lưng cô Hẩn. Bà vừa đánh vừa tra khảo. Hỏi cô đã làm chuyện đáng xấu hổ ấy với ai, ở đâu, giờ nào, ngày nào... Mọi người kéo đến nhà càng lúc càng đông đó là chồng con bà Mẳn, chị gái và anh rể cô sống ở gần đó. Quá đau đớn, cô Hẩn xin mẹ mình đừng đánh nữa, bà Xổm Lánh mới dừng lại lấy sức thì bố cô xông đến túm tóc, giáng mấy cái tát như trời giáng vào mặt. Bà Mẳn đứng bên ngoài không đánh nhưng chửi phụ họa liên hồi.


"Đánh cho nó đau để nó chừa cái thói đĩ đi, đúng là đồ con đĩ. Đánh cho mày sẩy cái thai hoang ấy đi..."


"Không biết...không nhớ...không rõ đâu..." là những câu trả lời của Hẩn.


Một vài người qua đường chắc cũng loáng thoáng nghe được cái chuyện động trời ấy ở nhà Xổm Lánh. Vì thế mà cái tin ấy đã lan đi rất nhanh, dường như người trong bản ngoài mường đều biết hết chỉ sau có ba bốn ngày. Từ hôm ấy người ta thấy người nhà Xổm Lánh ít ra ngoài hơn và cô Hẩn lại càng chẳng thấy đâu. Một số người có quan hệ họ hàng với nhà Xổm Lánh kiếm cớ đến nhà. Phần vì họ cũng có việc này, việc nọ thật, phần vì cũng quan tâm đến chuyện đáng sỉ nhục mà Hẩn đã gây ra cho cả gia đình, phần vì tò mò muốn biết đầu đuôi sự thể thế nào. Người lên, người xuống nhưng chẳng ai thấy cô Hẩn đâu. Mẹ cô đã bắt cô sang ở chỗ cái nhà túp hay để rơm cho trâu và cũng để chứu củi được dựng ở tít sau nhà vì không muốn nhìn thấy mặt cô. Cả nhà chẳng ai quan tâm đến chuyện no đói của Hẩn nữa, đến bữa họ nấu rồi ăn, thức ăn thừa thì đem đổ cho chó và lợn, họ coi như chưa từng có Hẩn tồn tại ở cái nhà đấy. Chỉ có cô em gái út là còn nghĩ đến Hẩn. Nó luôn giành việc cho chó ăn, những lúc đó nó giả vờ như đổ hết thức ăn thừa ra cái chậu vốn để trộn đồ ăn cho đàn chó nhưng đợi lúc cả nhà không nhìn thấy thì nó gắp những gì còn ăn được ra một bát khác để mang cho chị gái. Hoặc có những hôm nó trộm nắm lấy một ít xôi cùng với ít thức ăn. Lúc không có thức ăn thì xúc lấy một ít muối ớt gói vào lá chuối mang đến cho chị. Sợ mẹ nhìn thấy và đánh đòn, cô bé chỉ dám chạy băng qua chuồng trâu, đến chỗ cái túp lớn chứa rơm nhét vội gói thức ăn mà nó có vào khe vách cho chị mình. Hẩn đã sống qua ngày bằng tình thương của em gái nhỏ. Cứ vài ngày cô mới tắm một lần, những lúc đó Hẩn đợi gần tảng sáng thì mới đi ra con suối gần nhà vì sợ người ta nhìn thấy. Trước khi về cô thường múc lấy một ít nước vào trong cái ống bương để uống, trên đường về nhà thấy cây Sim nào còn quả thì cô vặn hết sạch, thấy quả Vả rụng thì cũng nhặt đem theo để ăn những lúc đói. Vì dù có em gái út luôn quan tâm nhưng Hẩn cũng chỉ được bữa đực, bữa cái. Bị đánh đau, bị đay nghiến, bị đối xử bạc đãi từng ngày nhưng cái mầm sống trong bụng Hẩn vẫn cứ mạnh mẽ lớn dần lên. Cô cũng muốn bỏ quách nó đi cho xong nhưng chẳng ai bảo cô nên làm thế nào. Cả cái bản Châng không ai biết để phá một cái bào thai thì phải làm thế nào. Hẩn đành kệ nó, giờ cô cũng chỉ còn biết được đến đâu hay đến đấy.


Hẩn năm nay mới mười tám tuổi, cô bỏ học từ năm lớp sáu, bỏ học giữa chừng vì mẹ cô bắt thế. Mà ở bản Châng con gái cũng chẳng ai học nhiều, học được đến như Hẩn cũng là cao rồi. Hẩn xinh đẹp từ bé, tình tính có hơi lả lơi nhưng trước kia cũng từng là đứa con gái biết giữ mình. Người đàn bà trẻ ấy cũng đôi chút ngờ nghệch, cũng bởi vì cô lớn lên trong bốn bề mấy núi bản Châng. Từ bé đến lớn nơi xa nhất từng đến là thị trấn nằm cách nhà hơn chục cây số. Ông bà Xổm Lánh lại hay cấm đoán chuyện học hành trong khi cũng chẳng dạy dỗ cô được gì nhiều. Những ngày nông nhàn ở nhà Hẩn cũng hay theo chân mấy người chị lớn trong bản đi rẫy cỏ thuê, cuốc nương cho những trang trại của người Kinh ở gần thị trấn. Mấy tháng trước Hẩn còn đi ở trông nương cho nhà ông Phúc bò. Gọi là Phúc bò vì ông này có trang trại nuôi bò và buôn bán trâu bò có tiếng ở trong vùng. Ông này là người dưới xuôi, đã có hai đời vợ, ngoài bốn mươi nhưng so với đám trai ngoài đôi mươi trong bản ông Phúc cũng chẳng trông già hơn là bao. Phúc bò trông ưa nhìn, hắn trẻ hơn tuổi nhiều vì không phải lao động vất vả như những người đàn ông khác ở bản Châng. Phúc bò cũng hay vào bản để tìm những nam nữ thanh niên người Thái, người H'mông khỏe mạnh ở đây về làm cho mình. Phúc bò thường trả công cho họ khá tốt nên dân bản hầu như rất nể hắn ta. Ngoài trang trại nuôi bò, hắn còn có một vườn cây ăn trái và một quả đồi thoai thoải trồng ngô gần kề nhau.


Đã mấy lần Hẩn cùng mấy chị em trong bản ra rẫy cỏ nương ngô cho hắn. Sau đó thì cô về ở trông nương cho hắn. Cũng vì hắn rào đón quá, lúc nào cũng bảo Hẩn là đứa con gái ngoan ngoãn, khéo léo, giao vườn tược cho cô trông nom hộ hắn sẽ rất yên tâm. Công việc trông nương cũng chẳng có gì, chỉ là thỉnh thoảng đi dạo quanh trang trại thấy cây nào đổ thì dựng lên, chỗ nào cỏ mọc nhiều quá thì rẫy đi. Thấy trộm vặt thì báo chủ, còn những việc tưới bón, chăm sóc vất vả khác Hẩn không bao giờ phải làm một mình vì Phúc bò sẽ thuê thêm người. Hẩn đã ở nhà Phúc bò hết cả mùa nương năm nay. Từ hôm biết mình có chửa Hẩn luôn nghĩ đến Phúc bò, vừa nghĩ vừa sợ nhưng vẫn hy vọng chỉ có ông ta mới cứu được cô lúc này. Một lần trên đường đi tắm từ suối về, Hẩn thấy cái túp rơm đang bốc cháy ngùn ngụt. Chẳng biết nó bén lửa từ đâu vào lúc rạng sáng như thế. Hẩn chỉ biết đứng nhìn, không dám gào thét kêu cứu. Cái túp nằm biệt lập một chỗ nên nó cũng không bị bén lửa sang chỗ khác. Chỗ nương thân duy nhất giờ cháy rồi Hẩn tự hỏi mình biết mình sẽ dung thân ở chỗ nào đây, không thể lên nhà bố mẹ ở, họ hàng cũng không ai chứa chất Hẩn biết đi đâu bây giờ? Dù có hơi ngờ nghệch nhưng cô cũng đoán được cái túp rơm không tự nhiên mà cháy. Hẩn ngồi phịch xuống bụi chuối gần đó nhìn về phía ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt mà khóc. Cô khóc cả tiếng đồng hồ, không biết là mình nên sống hay nên đi chết. Hẩn đưa tay sờ lên bụng, thấy nó đã to lắm. Chắc cũng được năm, sáu tháng rồi nếu cô tính không nhầm.


Hẩn hoang mang tột độ, giờ cô chỉ còn mỗi bộ váy áo đang mặc trên người số còn lại đã cháy cùng túp lều kia rồi. Khi trời đang sáng rõ dần như chợt nhớ ra một điều gì, Hẩn vội đứng dậy đi theo lối đường tắt dẫn ra ngoài bản Châng. Nhà Xổm Lánh sáng hôm ấy có vẻ nháo nhác lên, cô con dâu phát hiện ra cái túp để rơm bị cháy rụi hoảng hốt báo chồng. Ông bà Xổm Lánh nghe tin tỏ ra ngạc nhiên nhưng không ai tỏ ra đau đớn. Chỉ khi cái tin đến tai cô con gái út nhà ấy, cái con bé chưa đầy 13 tuổi và có nguy cơ bị bắt ép bỏ học. Con bé thút thít khóc vì có mỗi nó là thương cô Hẩn. Nó nghĩ chắc chị nó đã chết trong đám cháy từ đêm qua rồi. Bà Xổm Lánh lại gần đống tro tàn, lẩm bẩm cái gì đó rồi run run khều bới. Cô con gái út nhìn thấy, đoán biết là bà mẹ đang bới tìm xương cốt của chị gái thì lại bắt đầu khóc nấc lên. Bà Xổm Lánh tìm cả buổi mà chẳng thấy gì, linh cảm dường như mách bảo bà rằng Hẩn không thể trở thành tro bụi dễ dàng đến thế.


Hẩn đi bộ, mất gần ngày trời mới đến được trang trại của Phúc bò. Đến được nương ngô của hắn cô nghỉ lấy sức một hồi lâu rồi đi tiếp đến chỗ cái lều gỗ được dựng ở chỗ ranh giới giữa nương ngô và vườn cây trái. Đó là cái lều mà Phúc gỗ dựng lên dành cho những người từ các bản xa ra làm thuê cho hắn ở qua đêm. Hẩn cũng đã từng ở đó. Tận ba tháng trời liền, để làm việc cho Phúc bò. Cái thai cô đang mang cũng từ đó mà có, từ cái lều ấy. Hẩn đi mãi, đi dọc gần hết cái trang trại của Phúc bò nhưng chẳng thấy cái lều gỗ đâu nữa. Hẩn tưởng mình đã đi nhầm nên cứ quay qua quay lại tìm mãi nhưng vẫn chẳng thấy đâu. Đến khi trời tối mịt cô mới nhận ra là cái lều đã bị gỡ bỏ đi rồi. Hẩn lại ngồi phịch xuống đất lần nữa, giờ cô đã quá mệt và đói. Vườn cây ăn trái của Phúc bò có nhiều loại hoa quả đang chín nhưng Hẩn dường như cũng chẳng còn sức đâu mà hái ăn nữa.


Trời tối mịt, Hẩn cũng mò được đến nhà Phúc bò nằm cách trang trại không xa. Trước kia hắn ở trong căn nhà rộng lớn ấy với một bà mẹ già. Hồi Hẩn còn ở làm nương thuê cho hắn, ban ngày cô ở trên lều, tối lại về đây ngủ. Phúc bò không để cho đàn bà con gái làm thuê cho hắn phải ngủ ngoài lều nương một mình bao giờ cả. Những ngày trước nhà Phúc bò im ắng như không có người ở nhưng hôm nay Hẩn từ ngoài bờ rào trước sân lẻn nhìn vào thì thấy trong nhà hắn đang nhộn nhịp, đông vui lạ. Có tiếng trẻ con đang trêu đùa nhau, hình như Phúc bò vừa đón vợ con từ dưới xuôi lên ở cùng. Phúc bò đang cầm chai rượu đi lại, trong nhà còn có mấy người mà Hẩn đã từng gặp hồi còn làm thuê cho Phúc bò. Họ cũng là ông chủ của mấy trang trại quanh đây, không ít lần tới dòm ngó Hẩn. Hẩn không biết làm cách nào để gặp được Phúc bò. Cô quyết định ngồi nấp sau bụi cây râm bụt gần đó đợi cơ hội. Đến đêm một vài người khách bắt đầu ra về, Hẩn đã buồn ngủ nhưng luôn bị đánh thức bởi những con muỗi. Chúng đã đốt khắp người cô để hút máu.


Đợi mãi cuối cùng cũng thấy Phúc bò loạng choạng đi ra ngoài sân, chắc là đi đái. Thấy hắn đang đi gần tới chỗ mình Hẩn thấp thỏm, hồi hộp khi hắn đang chuẩn bị vạch quần xuống thì Hẩn lao từ trong bụi cây ra. Phúc bò giật bắn mình, hẳn nhận ra ngay Hẩn, kéo cô lại chỗ bụi cây và cáu gắt hỏi như qua kẽ răng.


"Cô làm gì ở đây thế hả?"


Học đến lớp 6 rồi nhưng Hẩn cũng chẳng nói được trôi chảy tiếng phổ thông. Cô lắp bắp mãi mới nói được câu.


"Cháu...cháu có con rồi... cả nhà biết."


Giờ Phúc bò mới để ý cái bụng bầu của Hẩn, hắn hơi giật mình nhưng nghĩ một lúc hắn lại hỏi tỉnh bơ.


"Thế thì sao?"


Hẩn không hiểu được hết ý hắn, cô vồ lấy tay hắn, nước mắt chảy ròng, nghẹn ngào nói.


"Tôi... tôi... tôi... sợ."


Phúc bò liền gạt tay Hẩn ra, hắn bảo.


"Trước khi cho cô về bản Châng tôi đã trả cho cô rất hậu hĩnh rồi. Thế chưa đủ à? Mà cô bưng cái bụng chửa này đến đây làm gì, nó có phải của tôi đâu. Ngoài tôi ra cô còn cho cả thằng Máng, thằng Phớ gì đó nó ngủ cùng nữa cơ mà. Chưa hết mấy thằng trong các bản đến tán tỉnh cô giữa ban ngày ban mặt ngoài lều mà tôi không biết hết tên nữa. Cái thai của cô là cẩu tạp chủng, lỗi là tại cô nên muốn sống hay chết tùy cô."


Hẩn tuy không hiểu hết được những lời Phúc bò nói nhưng cô biết là cô đang bị từ chối, bị khinh bỉ, bị rẻ rúng. Hẩn không biết những giọng nói dỗ ngon dỗ ngọt của Phúc bò ngày xưa giờ đi đâu hết cả rồi. Hẩn nhớ Phúc bò đã nói với cô là sẽ cưới cô về làm vợ nếu cô có con với hắn. Cái chiều hắn rình cô ngủ hớ hênh ngoài lều, rồi lẻn vào hắn ôm hôn, sờ soạng cô và đã nói bao nhiêu lời ngọt ngào như thế. Và mỗi lần cần đến cô hắn luôn luôn hứa hẹn. Đúng là hắn từng trả công cho cô rất hậu hĩnh khi cô thôi không làm cho hắn nữa. Ba triệu đồng tiền mặt và một chỉ vàng và một số đồ đạc vặt vãnh mà cô mang được từ nhà hắn đi. Ai cũng bảo từ trước đến nay ở bản Châng chưa ai đi làm thuê mà được trả công tốt như cô cả. Mẹ cô đã dùng gần hết chỗ tiền vàng ấy, chỉ cho cô vài trăm nghìn. Chỗ còn lại mang đi lo chuyện cưới xin của em trai cô, nó đi lấy vợ và ở rể từ năm mười lăm tuổi, được ba năm rồi vì chưa có tiền nên chưa thể rước dâu về. Chỉ một tháng sau đó Hẩn phát hiện ra mình có chửa.


Phúc bò là người đầu tiên đã lấy đi đời con gái của Hẩn nhưng không phải là người duy nhất. Vốn xinh đẹp nên Hẩn được nhiều chàng trai để ý, nhất là từ ngày cô ra làm thuê cho Phúc bò thoát khỏi sự quản lí của cha mẹ. Hầu như ngày nào cũng có mấy gã trai trẻ đến lều nương của Phúc bò để dò hỏi, tán tỉnh cô. Hẩn cũng chẳng lấy làm khó chịu trước những sự săn đón đó. Trong số những chàng trai đến tán tỉnh cô thì có thằng Máng là có vẻ tỏ ra chân thành hơn cả. Hẩn cũng thấy thích nó, cũng ăn nằm nó nhưng khi Hẩn dò hỏi là nếu Hẩn có con thì Máng có cưới cô về không thì nó không nói gì. Máng ở gần bản Châng, chắc nó cũng được tin Hẩn đã có chửa hoang. Tháng trước nó đã lấy vợ, Hẩn biết chuyện đó vì nó lấy con Vang bạn của Hẩn, nhà Vang cũng khá gần nhà Hẩn, cái hôm họ làm đám cưới, cô còn nghe thấy rõ mồn một từng tiếng cười, tiếng hô hò chúc rượu bạn bè của thằng Máng.


Những gì mà tên Phúc bò nói làm Hẩn có cảm giác bị phản bội, cô chỉ biết khóc nhưng thật sự cô cũng không chắc đứa con cô đang mang là con của hắn. Kể từ lúc trao thân cho Phúc bò, Hẩn thấy cơ thể mình có nhiều biểu hiện khác lạ. Sự thèm muốn xác thịt lúc nào cũng như trỗi dậy, những ngày Phúc bò đi buôn bán ở xa, làm cho người đàn bà trẻ ấy thấy nhớ nhung, khao khát đến lạ lùng. Cứ thế Hẩn như đi lạc vào con đường mù mịt của nhục dục, đúng là ngoài Phúc bò ra cô còn ăn nằm với vài người khác nữa nhưng cũng chỉ một đôi lần còn lại hầu như toàn với Phúc bò. Hẩn cũng chẳng hiểu sao Phúc bò biết hết những chuyện đó. Bị hắn ruồng rẫy Hẩn như muốn đi chết quách đi. Có vẻ như vừa nhận ra sự "quá đáng" của mình, Phúc bò liền đưa tay thọc vào túi quần, trong mỗi túi có vài chục nghìn tiền lẻ hắn đưa hết cho Hẩn. Thấy chưa đủ hắn tháo ngay chiếc đồng hồ trên tay chắc cũng đáng giá vài triệu đưa luôn cho Hẩn và bảo.


"Đây, cầm lấy cả đi và đừng bao giờ quay trở lại đây nữa, tôi không muốn nhìn thấy mặt cô nữa. Và nói cho cô biết, đừng bao giờ hé răng cho ai biết về chuyện tôi và cô đã từng sống như vợ chồng với nhau. Nếu không tôi sẽ có cách làm cô sống không được mà chết không xong biết chưa. Giờ thì biến đi, cô đã đến đây như thế nào thì hãy đi khỏi đây như thế".


Nói rồi hắn lôi Hẩn đi một đoạn xa, ra tận ngoài đường cái, gặp ngay cái xe công nông của người quen mà hắn biết là đang trên đường về Chiêng Pa thu mua gỗ thuồng luồng. Biết xe sẽ đi qua bản Châng nên hắn vẫy xin cho Hẩn đi nhờ về bản. Hắn nói Hẩn là vợ một người quen trong bản đó, họ đi chợ thị trấn và cô bị lạc chồng nên không về được. Hẩn được đưa lên xe ngồi cùng với vợ chồng người lái xe công nông kia.


Sáng hôm sau, khi cả nhà Xổm Lánh đang định bàn làm đám ma cho Hẩn vì nghi cô đã cháy rụi trong đám rơm và củi thì Hẩn lù lù bước vào nhà. Ông bà Xổm Lánh gào khóc run rẩy vì tưởng đó là ma. Hẩn đi thẳng vào bếp ăn ngấu nghiến cơm canh có ở đó, cô ăn lấy ăn để vì quá đói. Cuối cùng cầm cả nồi canh lên mà húp soạt, cả nhà ai nấy ngồi lặng người ra nhìn. Chỉ có cô em gái út là có vẻ cười cười khi nhìn thấy Hẩn trở về. Sau khi nhận ra Hẩn không phải ma, ông bà Xổm Lánh lại lôi cô ra giữa nhà chửi bới, đánh đập. Hẩn không nói không rằng, có cô em gái út van xin bố mẹ hộ cô chị.


"Mẹ, mẹ đừng đánh ý (chị) nữa, đau chị."


Không ai thèm nghe lời van xin ấy. Chỉ đến khi tiền và đồng hồ trong ngực áo Hẩn rơi ra, bà Xổm Lánh nhặt lên hỏi Hẩn lấy ở đâu ra. Hẩn bảo sẽ cho mẹ hết chỗ đó nếu cho cô ở lại nhà. Hôm đó Hẩn bị đuổi xuống gầm sàn, dù thế nào ông bà Xổm Lánh vẫn không chấp nhận được chuyện cô ở trong nhà. Sau khi bà Xổm Lánh sang nhà bà Mẳn về, bà nói gì đó với chồng, hai vợ chồng gật gù với nhau. Mấy ngày sau một cái lều nhỏ được dựng lên cạnh chuồng bò, Hẩn lại bị xua ra đó ở. Bố mẹ cô để vào trong lều cho cô ít gạo, rau và làm cho cô một cái bếp để cô tự nấu nướng lấy. Hẩn cứ thế mà tiếp tục sống, cũng chẳng biết khi nào mình sẽ sinh con và sẽ làm gì với nó.


Bố mẹ Hẩn dường như vẫn không thèm nhìn vào mặt cô và cấm tiệt cô bước lên nhà. Hẩn lủi thủi một mình trong căn lều được dựng riêng cho cô, thỉnh thoảng cô em gái út lại vào chơi. Con bé thương chị nhưng cũng sợ mẹ nó, bà Xổm Lánh cũng cản cả việc em gái Hẩn lại gần cô. Nhiều đêm đau bụng, thấy khó chịu trong người Hẩn chẳng biết kêu ai. Lúc ấy cô mới thấm hiểu nỗi nhục của người đàn bà không chồng mà chửa ở cái bản Châng này. Những ngày đó mới bước vào tháng 9 âm lịch nhưng bản Châng đã bắt đầu chìm vào trong cái rét lạnh lạ lùng. Cái lạnh làm cho da dẻ người ta trở nên khô và nứt nẻ. Trời lạnh vậy mà đêm đến đi ngủ Hẩn chỉ có mỗi chiếc chăn mỏng cũ kỹ, cô cũng chẳng dám mở mồm đòi hỏi. Khi cái thai của Hẩn bước sang khoảng tháng thứ 8, thứ 9 gì đó thì bắt đầu có một số người khách đến thăm cô. Họ bước vào lều của cô nhìn cô hồi lâu, rồi thường hỏi cô là cô mang thai với người như thế nào. Khi mang bầu như thế cô hay thèm ăn những món gì, rồi một số người đàn bà còn xin xem bụng của cô để đoán là trai hay gái.


Những vị khách lạ đó đều là những cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc những người mong có con trai. Đến đây Hẩn mới biết là đứa con trong bụng chưa kịp chào đời của cô đã bị rao bán khắp nơi. Người làm việc đó không ai khác chính là mẹ cô và cô ruột của cô. Hẩn cũng biết nếu cô đẻ con trai thì sẽ thuận lợi hơn vì nó sẽ dễ... bán hơn. Bán con đi đó là cách giải quyết tốt của những cô gái trót dại, lầm lỡ mà Hẩn cũng đã từng nghe đến. Sau khi có người mang đứa bé đi nuôi, Hẩn sẽ được trở lại làm thiếu nữ, có thể lấy chồng tất nhiên cũng chỉ là những người đàn ông đã từng có vợ, hoặc có khiếm khuyết nào đó nhưng ít nhất như thế cũng là tốt lắm rồi. Nghĩ vậy Hẩn cũng thấy nhẹ người đi, cảm thấy biết ơn cô và mẹ mình và cô mong sao mình sinh con trai sẽ đỡ khổ hơn là con gái.


Cái bụng của Hẩn to dần, kèm theo những trận ốm vặt làm cô thấy vô cùng khó ở, Hẩn chỉ muốn tống khứ cái thai ra khỏi người càng sớm càng tốt. Vào một buổi sáng trời lạnh thấu xương, Hẩn bắt đầu đau đẻ. Những người muốn mua con của Hần hôm đó đều đến hoặc cử người đại diện đến. Bà Mẳn hôm đó đến đỡ đẻ cho cháu gái. Nghĩ đến cái lợi sẽ được khi bán đứa bé mà cháu mình sắp đẻ ra bà ta mới làm chứ bà Mẳn cũng chẳng muốn dính dáng gì đến cô cháu gái làm cả họ nhà bà mất mặt ấy. Hẩn đẻ khá dễ dàng, con của cô là một bé trai như cô mong muốn. Đứa bé mới sinh được người ta đặt vào trong một cái thúng có lót chiếc váy cũ của Hẩn.Tất cả mọi người đến xem đứa bé đều lặng im, nó không khóc. Nó chỉ khoảng gần hai cân là cùng, nhìn không được tròn trịa, khỏe mạnh gì. Những điều đó chưa phải là tất cả, khắp người đứa bé có những nốt chấm trắng, chấm đen rất lạ. Nó làm người ta phát hãi. Bà Mẳn đắn đo không biết có nên cắt rốn cho nó hay không. Trong đầu bà đã nghĩ đến chuyện hay là gói đứa bé này lại và mang đi chôn quách đi cho xong.


Hẩn vẫn còn chưa hết cơn đau đớn, cô đã từng bao lần ruồng rẫy đứa con này nhưng sau khi sinh nó xong bản năng làm mẹ trong Hẩn như trỗi dậy. Cô đòi bế con, đúng lúc đó đứa bé cũng bắt đầu khóc ré lên. Bà Mẳn đành phải cắt rốn cho nó. Nó được đặt nằm bên cạnh Hẩn liền nín khóc luôn. Những người đến xem lẳng lặng ra về, không một ai tỏ ý muốn đem đứa bé về nuôi vì nó xấu xí và còm cõi quá. Bà Xổm Lánh và bà Mẳn chỉ biết nhìn nhau, bà Hẩn lúc này nhìn con gái và nhìn cháu ngoại với một vẻ vô cùng tức tối. Bà không thể chịu đựng được cái cảnh phải nuôi thêm một miệng ăn và lời lẽ cay nghiệt của thiên hạ nói về mình nữa. Đứa bé không khóc được một hồi lâu, người nó lại cứ tím tái dần đi. Bà Mẳn bảo chắc nó chẳng sống được đâu. Sau khi nói với nhau một vài lời gì đó ở bên ngoài lều, bà Mẳn đi vào trong lều bê lấy cái thúng đựng đứa bé đi ra, nó vẫn im nhưng hình như vẫn còn thở. Hẩn định giằng lại nhưng không đủ sức. Bà Mẳn và vợ chồng em trai Hẩn mang đứa bé đi về khu rừng già tít cuối bản. Mang theo cả dao và cuốc xẻng. Lúc ấy trời đã xâm xẩm tối. Ai cũng biết họ định làm gì.


Lúc đến cửa rừng thì đứa bé bỗng lại khóc ré lên và ngọ nguậy. Có hai vợ chồng từ trong bản Châng đi tới, họ đi trên một chiếc xe đạp cũ, người vợ ngồi sau dắt theo một con bò, người chồng cố đạp xe chậm cho con bò đuổi kịp, chắc họ là người bản khác đến đây mua bò về nuôi. Thấy lạ, hai vợ chồng người bản khác ấy tiến lại gần chỗ bà Mẳn hỏi xem có chuyện gì. Bà Mẳn nhìn hai người lạ đó từ đầu đến chân, trông họ có vẻ hiền lành, phúc hậu và cũng còn khá trẻ. Bà ta nghĩ một lúc rồi bảo đứa bé này mới sinh ra đã không có ai nuôi, thấy nó bị bỏ ở gần rừng bà vừa nhặt được nhưng có vẻ như nó không lớn nổi nên định đem đi làm ma cho nó. Người vợ liền nhìn đứa bé tội nghiệp đang thoi thóp trong chiếc thúng rách. Rồi chị bế lấy đứa bé vào lòng, lấy khăn quàng cổ của mình quấn quanh người nó thay cho tã. Chị tin là nó vẫn sống và sẽ sống khỏe mạnh nếu được nuôi nấng cẩn thận. Nhìn nhau một hồi như hiểu ý nhau, hai vợ chồng kia liền xin bà Mẳn đứa bé mang về nuôi. Như trút được gánh nặng, bà đồng ý ngay. Bà nghĩ chắc đứa bé chẳng sống được mấy tiếng nữa đâu. Khi được hai vợ chồng kia hỏi trong bản có ai có sữa không thì bà Mẳn bảo hình như là không. Như sợ bị trả lại đứa bé bà ta cùng với các cháu mình cáo lui nhanh chóng. Người chồng vội đưa cho bà ta một ít tiền gọi là quà cảm ơn, bà Mẳn không thể từ chối. Còn lại hai vợ chồng với đứa bé, người vợ nói với chồng:


"Mới cho con bé út cai sữa xong, nhưng chắc vẫn còn để tôi cho nó bú xem".


Người chồng cũng lục lọi trong túi có ít nước đường mà họ pha từ nhà mang đi theo để uống, người chồng bảo.


"Cho nó uống cái này được không?"


Người vợ ngần ngừ nhưng mãi không ra sữa nên đồng ý, chị uống và ngậm nước đường trong mồm rồi mớm dần cho đứa bé. Mãi một hồi lâu hai vợ chồng mới giục nhau về vì trời đã tối mịt. Hai vợ chồng đó là người bản Kò Kạ, cách bản Châng khoảng nửa ngày đi đường. Người ta gọi họ là nhà Mai Thiển, Mai là tên con gái đầu, Thiển là tên người chồng. Vợ chồng Mai Thiển đã có ba cô con gái, họ đang buồn rầu vì mãi không đẻ được con trai. Bởi thế đứa bé mang về từ bản Châng là món quà vô cùng quý giá. Cả nhà đều yêu quý nó, họ gọi nó là Lả có nghĩa là út. Những ngày đầu bé Lả còi cọc, ốm yếu và hay khóc nhưng sau vài tháng nó bỗng trở nên kháu khỉnh và bụ bẫm dần. Nó cũng rất ngoan và bắt đầu tập đi, tập nói khá sớm.


Phải mất mười năm sau, Hẩn mới biết là đứa con ngoài giá thú ấy của mình còn sống. Trong mười năm đó cô đã đi lấy chồng ba lần, người chồng đầu tuy là trai chưa vợ nhưng cũng chỉ là một kẻ lang thang, chuyên đi lừa đảo và cũng có con rơi con rớt. Hắn bỏ Hẩn sau khi đã chê trách cô lười biếng, đĩ thõa và đánh đập đủ kiểu. May Hẩn không có con với hắn. Người chồng thứ hai sớm chết vì thuốc phiện. Đến người chồng hiện tại thì có vẻ khá hơn nhưng lại ở rất xa, tận một huyện khác, lại quá già rồi, ông ta muốn có một đứa con nhưng sau hai năm chung sống Hẩn chẳng thấy chửa đẻ được gì. Cuối cùng vì muốn có con quá, chồng Hẩn bảo cô đi nhận con nuôi. Hẩn về bản Châng nói với gia đình bảo muốn tìm xin con nuôi, lúc này bà Mẳn mới đem chuyện mười năm trước ra kể. Giục cô đi tìm mà đòi lại con. Nghe thế, Hẩn cũng tò mò rất muốn biết đứa con ấy giờ thế nào, thế là cô đi tìm dấu tích của nó. Biết cô từng có con riêng, chồng Hẩn không những không tức giận mà còn bắt cô đi tìm lại nó mà đưa về nuôi. Bảo rằng dẫu sao con mình vẫn hơn con người, một giọt máu đào hơn ao nước lã...Sau một năm tìm kiếm Hẩn cũng tìm thấy đứa bé đó, cô biết nó đã được nhà Mai Thiển nuôi nấng.


Hẩn tìm cách để gặp lại con, một lần cả nhà Mai Thiển đi chợ phiên may là cô cũng đi vào dịp đó, có người biết chuyện đã chỉ cho Hẩn thấy đứa con trai mà cô đang tìm kiếm bấy lâu. Hẩn lặng người nhìn nó. Trông nó không có nét gì giống cô cả. Hẩn cố gắng nhìn thật kỹ đứa trẻ, đến bây giờ Hẩn vẫn không biết nó là con của ai. Trông nó không giống Phúc bò, cũng chẳng giống Máng hay bất cứ người đàn ông nào cô từng ân ái ngày xưa. Thấy đứa bé quấn quýt bên vợ chồng Mai Thiển và các chị nó, Hẩn quay mặt đi không nhìn nữa. Hẩn thấy chẳng muốn giành lại nó một chút nào nữa cả. Hôm ấy Hẩn quay về bản Châng, đến đầu bản gió lạnh chợt thổi lên. Mưa như đổ như trút nước, Hẩn bị cảm lạnh. Từ ngày đó cô cứ ốm yếu mãi đi. Hai năm sau đó người chồng già của Hẩn lại mất. Hẩn bỏ nhà đi người ta cũng chẳng biết là cô đã đi đâu, không ai còn nhìn thấy Hẩn nữa.


Hết


Chú thích: Các từ Phạ, Ý, Lả trong truyện là phiên âm từ tiếng Thái.


Đang tải bình luận!