Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Tám Nhắc ơi, Tám Nhắc à!

Tám Nhắc ơi, Tám Nhắc à!

Tác giả: Sưu Tầm

Tám Nhắc ơi, Tám Nhắc à!

 Có lần, hắn với bạn gái đang thủ thỉ trong phòng thì bà Năm Ngót tới. Bạn gái hắn chẳng hiểu thế nào lại tưởng bà già ăn xin ở đâu vô xin cơm nên móc ví lấy mấy đồng tiền lẻ ra cho. Hắn xấu hổ đến chín đỏ cả mặt. Không chỉ vậy, má hắn còn gọi hắn với cái tên nhà quê Tám Nhắc nữa mới chết chứ. Cô bạn gái được dịp cười không nhịn được.


***


Hồi còn là một thằng nhóc đen thui lui đen thùi lùi tha thẩn chăn trâu ngoài ruộng, hắn luôn bị đám bạn trêu là thằng Tám Mờ.


Hắn bị trêu như vậy chỉ vì lúc nào hắn cũng ước nhiều lắm, mơ nhiều lắm.


Lúc đầu, hắn mơ khi mình lớn lên sẽ làm giám đốc, để thỏa chí cho cái nghèo xơ nghèo xác của nhà hắn. Nghèo đến độ mà có đến hơn nửa năm hắn đã phải ăn khoai khô chấm với muối hầm. Chỉ có làm giám đốc mới được ngồi trong con xe láng cong cóng, mặc áo vest đi giữa hai hàng vệ sĩ. Những thằng bạn chăn bò của hắn đến phải ngước mắt tròn xoe lên mà nhìn. Lúc vui, hắn ném luôn cho mỗi đứa một bịch kẹo ú to đùng.


Tám Nhắc ơi, Tám Nhắc à!


Năm hắn lên mười, nhà hắn bị người ta trộm mất hai con trâu cày to mộng. Ba hắn, ông Ba Ngành, ra trình với xã. Tên trộm có đâu xa, ngay cả cái thằng oắt con như hắn còn biết ai trộm trâu nhà mình vậy mà sau bao lần thưa lên trình xuống ba má hắn vẫn không lấy lại được cặp trâu. Bà Năm Ngót, má hắn tiếc của khóc sưng vù cả mắt.


Sau lần đó, hắn ước gì khi mình lớn lên sẽ làm chủ tịch nước hay ít ra cũng là chủ tịch tỉnh để trị cái bọn bất lương tiếp tay cho tên trộm.


Cũng năm đó, hắn bị tăm xe đạp nhằn đứt mất gót chân trái nên phải đi cà nhắc gần một năm trời. Hắn mang tên Tám Nhắc từ đó.


Mãi đến sau này hắn vẫn thích cái tên ấy.


Chả là hắn là đứa con trai út và duy nhất trong nhà. Má hắn phải mang thai đến lần thứ bảy mới đẻ ra được một thằng nhóc tỳ là hắn. Sáu chị gái của hắn đều không được ăn học gì sấc. Ba hắn bảo "con gái là con của người ta nên ăn học chi cho tốn của". Ngược lại, ông Ba Ngành xem hắn như món bảo vật, đi đâu cũng đèo theo. Đặc biệt với những buổi nhậu bét nhè cùng mấy ông bạn chiến hữu ở dưới xóm chài thì không thể thiếu hắn.


Dù say cỡ nào ông Ba Ngành cũng nhất quyết chở hắn về cho bằng được chứ không chịu nhường cái đặc ân đó cho người khác. Thế mới có chuyện mất luôn gót chân của thằng quý tử mà không hay biết. Khi tỉnh ra, ổng ôm hắn khóc thiếu điều xỉu ngay tại chỗ. Vì thế mà hắn nhất quyết không chịu bỏ cái tên Tám Nhắc "tình cảm cha con" đó.


Đến tận bây giờ, má hắn vẫn gọi hắn là Tám Nhắc, cấm có sửa được mặc dù hắn chẳng còn thích nữa nếu không muốn nói ghét cay ghét đắng.


Từ cái lúc nào mà hắn ghét cái tên Tám Nhắc vậy nhỉ?


Lúc đi thi đại học, ba hắn nhất quyết khăn gói cùng con lên thành phố "ứng thí". Nhìn cảnh cha ngồi quạt cho con ngủ ngoài công viên mà ứa nước mắt. Sợ con xấu hổ, ông Ba Ngành đổi cách xưng hô gọi hắn bằng cái tên cúng cơm Thiên Phúc. Hắn gạt phăng "Răng ba phải gọi rứa chi cho mệt, dù có là chủ tịch nước thật thì con vẫn là thằng Tám Nhắc của ba". Nghe con nói mà ông già mừng như mở cờ trong bụng.


Vậy chắc chắn không phải hắn ghét cái tên Tám Nhắc từ lúc rời làng lên phố học.


Lúc đó, hắn đậu cả hai trường Luật và Kinh tế nhưng để thỏa ước mơ được giúp đỡ những người nông dân thấp cổ bé họng như ba, má hắn mà Tám Nhắc quyết định theo học Luật.


Thời sinh viên, má hắn đều đặn mỗi năm đi thăm con hai lần. Lần nào, bà già cũng mang theo cho hắn những gà, vịt, nếp, đậu, bắp, mía và cả bụm khoai khô để hắn nấu khoai đường đãi đám bạn cùng phòng. Hắn mừng tít. Đến tận khi hắn bảo vệ tốt nghiệp, ông Ba, bà Năm cũng ráng lục tục đi động viên con. Mấy đứa bạn cùng lớp vẫn tíu ta tíu tít Tám Nhắc này, Tám Nhắc nọ. Hắn dõng dạc tuyên bố trước cả lớp: "Dù sau này, thằng Thiên Phúc có làm tới ông chi chi đi nữa thì tau vẫn là Tám Nhắc của tụi bây".


Thế thì có lý do gì để bảo hắn ghét cái tên Tám Nhắc?


Tám Nhắc ơi, Tám Nhắc à!


Ban đầu, con đường công danh của hắn cũng trậm trầy trậm trật lắm. Mãi mới xin được một chân hợp đồng ở trên huyện. Đồng lương ít ỏi mà "phải không" thì lớn. Ba má hắn rầu thúi ruột. Nhiều đêm, hắn chẳng ngủ được, ngồi dậy nhìn ba má mà thấy nghẹn đắng nơi cổ họng.


Đôi lúc chừng bực quá hắn đổ quạu với ông già "Thiên Phúc đâu không thấy chỉ thấy cà nhắc miết ri đây".


Ông già thương con nên bảo nhỏ cả nhà thôi đừng kêu hắn là Tám Nhắc nữa, Tám thôi là đủ nếu không quen cái tên Thiên Phúc. Nhưng hắn có để ý mấy chuyện nhỏ nhặt ấy đâu.


Vận may rồi cũng mỉm cười với hắn. Sau ba lần thất bại, cuối cùng hắn cũng đậu trong đợt thi tuyển công chức của tỉnh. Hắn được bổ nhiệm một chức vụ tàm tạm trong một cơ quan cũng tàm tạm ở thành phố. Đời hắn đổi thay từ đây.


Từ nhỏ hắn đã là đứa thông minh, học giỏi nhất làng. Hắn còn mang cái gen hiếu học của ai không biết nữa mà người ta nói gì cũng chịu khó lắng nghe, chưa hiểu là phải hỏi đi hỏi lại đến khi hiểu mới thôi. Hắn còn là người sâu sắc nữa chứ. Mới hai bảy hai tám tuổi mà nói chuyện cứ như ông già năm tư. Vậy là hắn thăng tiến hết bậc này đến chức nọ không ngừng.


Nhưng hỡi ôi, hắn quên mất cái tên Tám Nhắc tự hồi nào không hay. Lâu lâu về thăm nhà nghe bà Năm Ngót gọi "Tám Nhắc ơi, Tám Nhắc à!" mà hắn cứ tưởng má hắn gọi ai ở ngoài ngõ.


Ba, má hắn chỉ có mỗi hắn là thằng quý tử nên khi nhìn con làm được việc này chức kia thì tự hào lắm. Đi đâu cũng mang chuyện của con ra kể. Cả cái xóm nghèo quanh nhà hắn đều xem thằng Tám Nhắc là thần tượng, là tấm gương để răn dạy khi con cháu làm gì không phải. Hắn nghe mà sướng hết cả người.


Cũng như thời hắn còn học đại học, má hắn cứ một tuần đến hai tuần lại đi thăm con một lần với lỉnh kỉnh cá kho, gà rán, sườn rim, cả mấy trái ổi, củ khoai trong vườn. Có lần, hắn với bạn gái đang thủ thỉ trong phòng thì bà Năm Ngót tới. Bạn gái hắn chẳng hiểu thế nào lại tưởng bà già ăn xin ở đâu vô xin cơm nên móc ví lấy mấy đồng tiền lẻ ra cho. Hắn xấu hổ đến chín đỏ cả mặt.


Không chỉ vậy, má hắn còn gọi hắn với cái tên nhà quê Tám Nhắc nữa mới chết chứ. Cô bạn gái được dịp cười không nhịn được.


Vậy là, cái thằng Tám Nhắc bị lôi ra cùng bà má quê mùa lê đôi dép lào mỏng như dao lam ra làm trò cười cho cả cơ quan. Nhưng hắn là sếp phó nên có ai dám nói trước mặt hắn đâu. Mà cái kiểu châm chọc sau lưng ấy mới đáng ghét làm sao, chẳng thà đêm nói oạch toẹt ra trước mặt vậy mà khỏe.


Thay vì ghét đám lính nhiều chuyện hắn đâm cáu với bà già mới tội chứ. Hắn không những không cho bà già lên thăm mà còn ném tất cả những thứ bà Năm trót mang lên vào sọt rác. "Trời ơi là trời! Ở đây là thành phố, con chỉ cần bước ra khỏi nhà thì cái gì cũng có, má nơ mấy thứ nhà quê ni lên đây làm chi cho khổ, con để bắt ứ cái tủ lạnh rồi".


Má hắn tiếc công tiếc của ù chạy theo bới tung cái sọt rác lên để tìm lại mớ đồ mới bị thằng con vứt. Hắn giằng tay bà già muốn té nhào "Má ơi là má, má đừng làm con phải xấu hổ với bạn bè đồng nghiệp nữa mà."


Má hắn nuốt nước mắt ra bắt xe về.


Tám Nhắc ơi, Tám Nhắc à!


Từ đó, bà thôi đi thăm con để khỏi làm mất thể diện hay ảnh hưởng đến công việc của thằng quý tử. Chuyện cũng chỉ mình bà biết. Ông Ba Ngành có đoán già đoán non chuyện gì khiến vợ bỏ hẳn thói quen đi thăm con như thế. Tình thương mà một bà mẹ dành cho con có thể khỏa lấp tất cả mọi thứ. Bà Năm Ngót chỉ lặng yên để nghe nước mắt ứ nghẹn trong lòng.


Có lúc, chừng nhớ con quá, bà lén lên thành phố rồi đứng nếp ngoài cổng nhìn thằng Tám Nhắc ù xe đi, ù xe về.


Thằng Tám Nhắc dạo này bận lắm, mấy dịp tết nhất hay giỗ ông bà hắn mới ló mặt về được tý, lần nào cũng vội vội vàng vàng như nước nóng. Ba, má hắn buồn hết nói nổi.


Đến cái chuyện của ông Hai Cà bên xóm nữa mới khổ tâm ba, má hắn biết là bao.


Ông Hai Cà thương hắn như con, có củ khoai nướng hay chút kẹo ú cũng để dành cho. Thằng Nhót con ông Hai Cà lại là bạn nối khố với hắn từ thuở còn cởi truồng tắm chung. Thằng Nhót học hết mười hai thì ở nhà phụ ông Hai Cà làm vườn, cuốc đất, lâu lâu xách búa, đục đi đóng ghe cho người ta kiếm tiền nuôi em ăn học. Lần đó, thằng Nhót đi lên huyện mua mấy ký chai về trét ghe phụ ông già không may tông phải người ta. Đúng hơn là cái thằng cha mắc dịch, giám đốc công ty may mặt Bê tê nào đó, đi nhậu về hai phần say phần tỉnh cứ lượn lờ trước xe thằng Nhót rồi nhập luôn vô xe nó té xuống chết ngay tại chỗ.


Thằng Nhót bị đưa ra tòa vì tội gây tai nạn chết người. Phiên tòa ấy lại do chính Thiên Phúc làm chủ tọa. Nghe được tin đó, ông Hai Cà mừng như chết đi sống lại. Ông bắt cặp gà mái đẻ đến nhờ hắn giúp đỡ bởi thật ra thằng Nhót đâu có tội tình gì. Thiên Phúc nhìn cặp gà đầy ái ngại rồi cứ dạ lấy dạ để cho qua chuyện.


Hôm ra tòa, chẳng hiểu thế nào, chủ tọa vẫn tuyên phạt bị cáo hai năm tù giam. Ông Hai Cà khóc như mưa. Hôm đó, ba hắn cũng có mặt nên tức quá mắng luôn mấy câu. Tưởng đâu con sẽ có lời nào đó biện hộ để xin lỗi ông Hai Cà, ai dè hắn sừng sộ lại: "Pháp luật là phải nghiêm minh, có thế mới làm gương cho những thằng hư đốn coi mạng người như cỏ rác khác được."


Giọng ông Ba Ngành gần như lạc đi "Tám Nhắc!". Hắn sẵn giọng "Con là Thiên Phúc không Nhắc Nhiết gì hết" rồi quay lưng bỏ đi.


Sau lần ấy, ông Ba Ngành kiên quyết từ con nếu hắn không chịu cúi đầu xin lỗi cha con ông Hai Cà. Vợ chồng ông không còn dám nhìn mặt bà con lối xóm nữa. Để tránh những cái nhìn soi mói, những lời lẽ khiếm nhã, vợ chồng ông quyết định dọn ra nổng ở. Chỉ có mấy đứa con gái thương ba, má quá nên thay phiên nhau ra thăm ông bà.


Những ngày giáp tết, bà Năm nhớ thằng con quá sức, nhớ quay nhớ quắt. Đã ba năm nay, thằng Tám Nhắc chẳng thèm ló mặt về thăm ông bà chớ nói gì là Tết nhất. Bà nhớ, lúc còn ở nhà, thằng con trai bà thèm ăn bánh tét kẹp thêm lát dứa món lắm. Ngồi nhìn má làm dưa món thể nào thằng nhóc cũng tỉ tê "Dưa món phải thiệt nhiều củ kiệu mới ngon má nợ!". Vậy mà ...


Bà ước gì thằng Tám Nhắc sẽ về để nói với ông bà một lời xin lỗi.


Xuân Võ


Đang tải bình luận!