Teya Salat
Ôi hạnh phúc mong manh, tình yêu mong manh!

Ôi hạnh phúc mong manh, tình yêu mong manh!

Tác giả: Sưu Tầm

Ôi hạnh phúc mong manh, tình yêu mong manh!

Anh chồng xoa xoa mái tóc ướt rồi ghé mặt vào tai vợ nói những gì không rõ, nhưng có lẽ là một chuyện vui, bởi cô vợ trẻ cười như nắc nẻ, gục đầu vào vai chồng. Họ đứng như vậy vừa mỉm cười vừa nhìn mưa trôi qua mặt đường nhựa, nổi lên hàng trăm cái bong bóng nước.


***


Tôi đứng bên vòm cửa. Cơn mưa rào kéo qua thành phố như một buổi chạy loạn. Sầm sập, ra rít, ơi ới, đó là những âm thanh vừa giống như trống vỗ lại vừa ồn ào như lúc tan tầm. Nước chảy xuôi trên mặt lộ hối hả xua nhau đẩy rác rưới, bụi bặm xuống lỗ ga ở phía bên đường.


Chếch đằng kia, dưới mái hiên của ngôi nhà đóng kín, một cặp vợ chồng trẻ trú mưa. Chỉ có một chiếc áo nhỏ mà người vợ được ưu tiên mặc nên anh chồng ướt như chuột lột.


Ôi hạnh phúc mong manh, tình yêu mong manh!


Anh chồng xoa xoa mái tóc ướt rồi ghé mặt vào tai vợ nói những gì không rõ, nhưng có lẽ là một chuyện vui, bởi cô vợ trẻ cười như nắc nẻ, gục đầu vào vai chồng. Họ đứng như vậy vừa mỉm cười vừa nhìn mưa trôi qua mặt đường nhựa, nổi lên hàng trăm cái bong bóng nước.


Tôi thở dài. Đã có một ngày như thế, một buổi chiều như vậy cách đây không lâu. Và tôi cũng từng đứng dưới hiên nhà người lạ, nhìn mưa rơi cùng chồng. Giờ đây tất cả như bóng qua. Trí nhớ chỉ ghi lại chút hình mờ nhạt đến nỗi, khi nhớ lại, dĩ vãng như tấm hình chết cứng lạnh lùng, vô giác. Ngày mai, chúng tôi ra toà án để hoàn tất thủ tục ly hôn. Ngày mai, chúng tôi sẽ đối xử với nhau như người xa lạ, như trong cuộc đời chưa hề có hai cái bóng chung đôi.


- Tại sao như vậy?


Câu hỏi đó tồn tại trong tôi suốt những ngày cay đắng. Tôi không thể có câu trả lời. Bởi không có giải thích nào đúng cả.


Khi tôi nói với Hoàng:


- Tôi chấp nhận ly dị. Nếu tình yêu không còn thì sống chung chỉ gây khổ và là gánh nặng cho nhau thôi.


Hoàng trố mắt nhìn tôi:


- Em nói thiệt đó chớ? Tôi không đòi hỏi phải như vậy. Mình có thể thoả thuận được. Em để tôi tự do một chút, thì gia đình vẫn nguyên vẹn.


Tôi cười:


- Tự do theo nghĩa nào vậy? Chúng ta đâu có ai cầm tù ai mà anh đòi tự do. Cả hai đứa đều tự nguyện lấy nhau, tự thề thốt minh chứng cho chính trái tim của mình.


- Đó là chuyện hồi trẻ. Bây giờ lớn rồi, suy nghĩ khác đi, khoan dung hơn mới sống được chớ.


Tôi thở dài mệt nhọc:


- Mình đã trải qua nhiều lần cãi vả, nhiều buổi tranh luận để dành phần hơn thiệt. Ích gì khi hai người nói chuyện với nhau mà chẳng có chút hoà đồng. Với tôi, tình yêu là ngọn nguồn của hạnh phúc, của quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Còn anh, tình yêu không trường cửu mà thay đổi theo thời gian.


Ôi hạnh phúc mong manh, tình yêu mong manh!


Hoàng cười khẩy:


- Em quá lãng mạn, quá tiêm nhiễm loại tiểu thuyết diễm tình. Toàn bịa cả tình yêu có chăng chỉ dành cho người trẻ tuổi. Già như chúng ta, tình yêu làm gì còn, chỉ có cái nghĩa vợ chồng. Tôi vẫn giữ đủ nghĩa với cô đấy thôi.


Tôi lắc đầu. Trái tim khốn khổ của tôi thoáng nhói đau. Không, đó chỉ là chút nuối tiếc cho một thời nào rất xa, một thời mà niềm tin đã củng cố cho hành động. Còn bây giờ, tôi đã mất niềm tin thì hành động cũng chệch choạc.


- Tôi chẳng biết làm gì khác hơn. Giá như tôi có cùng ý nghĩ như anh, tình yêu là chút nghĩa với nhau thì tôi bình tâm mà chịu đựng. Còn ... khổ cho tôi, tôi vẫn còn yêu anh, yêu Hoàng của một thời nào, nên tôi không thể sống với một Hoàng như bây giờ. Anh tha lỗi cho tôi.


Một thoáng giận dữ ánh lên đôi mắt của Hoàng, anh buông người ngồi xuống ghế, miệng lẩm bẩm:


- Em điên rồi ... Tôi vẫn lo cho em đầy đủ. Em đòi hỏi gì hơn? Thiệt tôi không hiểu nổi. Ly dị ... lịch sử dòng họ tôi chưa có chuyện này.


- Một là đàn ông của họ anh đều là người tốt. Hai là đàn bà của dòng họ anh thuộc loại chịu đựng phi thường.


Hoàng giận dữ bỏ ra đi.


Tất nhiên có nhiều điều tôi không nói với anh. Các nhà tâm lý khuyên người vợ nên cởi mở, đừng ôm chặt nổi giận hờn trong lòng. Đúng là tôi có khuyết điểm đó. Nhưng mọi chuyện đã chấm hết. Tôi khó có thể nói gì hơn. Những tháng ngày chịu đựng đã khiến tôi mỏi mòn. Tôi chán cả đến những điều tôi suy nghĩ. Tôi muốn được giải thoát và tôi phải tự cứa đứt trái tim mình.


Người nữ thẩm phán lớn tuổi nhìn tôi ái ngại. Tôi tin là bà đã đọc được trong mắt tôi nhiều hơn gấp vạn lần câu trả lời đơn giản ít ỏi ở giữa Toà án.


Sau mấy lần hoà giải không xong, bà khuyên tôi tạm chấp nhận án ly thân.


Tôi ra về, theo dòng người cuồn cuộn giữa phố đông. Cuộc sống quen thuộc kia bỗng trở thành xa lạ. Tôi hốt hoảng khi chợt cảm thấy bơ vơ một mình. Lòng tôi không vơi chút nào cảm giác nặng nề, chỉ có đầu óc bớt căng thẳng, lặng lẽ chùng xuống. Nỗi đau đã thành đá câm nín lặn sâu trong đáy lòng mênh mông của một đời người. Nước mắt tôi rưng rưng, phố xá nhoà đi. Tôi bước vội vào một quán nhỏ dưới gốc đa công viên.


- Bà dùng gì?


- Chanh muối.


Một giọng êm nhẹ vang lên bên tai tôi, rất quen:


- Mọi chuyện rồi sẽ qua đi.


Tôi chớp mi để nước mắt rơi một cách kín đáo trong chiếc khăn tay. Trước mắt tôi, bà thẩm phán, nguyên hình là một phụ nữ bình thường. Mái tóc điểm sương, đôi mắt bao dung như mắt những người mẹ.


Ôi hạnh phúc mong manh, tình yêu mong manh!


Tôi gượng cười:


- Cám ơn bà.


Bà thẩm phán cười hiền.


- Cám ơn gì. Rốt cuộc tôi vẫn chưa đạt được mục đích là làm cho mọi gia đình đoàn tụ. Hãy uống nước đi. Rồi tất cả sẽ qua.


Tôi sờ tay vào thành ly đá chanh. Giá như tôi được tê cóng rồi ngủ một giấc tiềm sinh.


- Tôi muốn được như loài rêu lạnh ngủ suốt mùa đông.


Câu nói của tôi có lẽ làm bà thẩm phán ngạc nhiên. Bà nhíu mày lẳng lặng nhìn tôi một hồi rồi bỗng dưng bà cầm tay tôi giọng nhẹ nhàng ủi an:


- Tội nghiệp con gái. Phải là một nỗi khổ tâm lớn lắm mới như vậy. Nhưng thôi ... Con nhìn xem. Cuộc sống vẫn tươi tắn, vẫn sôi động. Vết thương có đau cũng có ngày lành lặn.


Tôi nghe lòng dịu lại khi bà nói. Có âm hưởng của mẹ tôi trong dáng dấp và thái độ của bà. Bỗng nhiên tôi nói, như làn sóng phá bờ, tràn lan, từ đáy lòng túa ra, lai láng.


Tôi nói hết, nói hết những chịu đựng, những cố gắng, nhẫn nhục để nuôi dưỡng tình yêu, để trọng vọng nghĩa vợ chồng. Tôi thiết tha trông mong tình yêu sẽ trở lại, cuộc sống sẽ sáng trong như bầu trời sau cơn mưa. Nhưng không ngờ, đó là những cơn bão liên hồi thẳng đánh vào tôi. Cuối cùng tôi hiểu ra là tình yêu đã chết từ một phía. Tôi thật ngốc nghếch khi cố kìm giữ một ngôi nhà đã đứt gốc, long cột.


Tôi giữ lại một hình thức gia đình để làm gì khi chính cuộc sống gia đình đã dằn vặt tôi hằng bao đêm, đã rạch lên tim tôi hàng trăm nhát dao chí mạng. Tôi làm một nạn nhân phân thây nằm đó để giữ cho tròn hai tiếng gia đình. Không, tôi không muốn thế. Để làm gì khi một người chịu huỷ diệt để cho một gia đình tồn tại mà gia đình ấy lại không muốn nhớ con người hy sinh ấy.


Như vậy có công bằng không?


Mặt tôi ràn rụa nước mắt. Lòng nhẹ đi.


- Chấp nhận sự thương hại đã là một nhục nhã. Nhưng chấp nhận sự thương hại của một người có ý đồ dùng lòng thương hại để giữ một hình thức cần cho họ, lại càng nhục nhã hơn.


Ôi hạnh phúc mong manh, tình yêu mong manh!


Bà thẩm phán siết nhẹ tay tôi cười buồn:


- Ta hiểu con, nhưng ta có thể hỏi là con có thái quá không khi nghĩ như vậy?


Tôi ngồi im. Đã bao lần tôi cũng tự hỏi thầm mình như vậy. Mình có nhầm lẫn không ,có quá bốc đồng không? Tôi thành thật giải bày:


- Một hôm, khi anh ấy đưa con đến một quán ăn khá đắt tiền, một chuyện khó có thể có. Con cảm động dù đó là bữa ăn quấy quá, vội vàng. Lâu lắm rồi mới có bữa ăn tiệm giữa hai vợ chồng. Nhưng sau đó hai tuần con khám phá được, thì ra đó chỉ là một bữa ăn thăm dò để dự tính cho một bữa ăn đàng hoàng lịch sự mà anh ấy sẽ mời bạn gái mình đến đó. Giá như anh ấy nói thẳng mục đích của mình thì con còn có thể chịu đựng được. Đằng này, anh ấy nói như là một sự ban ơn tình yêu cho con. Và con đã phải biết ơn anh ấy cho tới lúc biết rõ mọi chuyện. Như vậy, con là cái gì trong cuộc sống đó? Tình yêu rõ ràng đã vuột mất, mà cả cái nghĩa vợ chồng đòi hỏi chút tôn trọng cuối cùng cũng không có.


- Nhưng nếu chỉ ngần đó?


- Không, là một giọt tràn. Không lẽ con ngồi kể lể với bà suốt. Hàng trăm, hàng ngàn những đối xử như vậy. Không ồn ào, không dữ dội, nhưng cứa đứt cả hồn con. Con còn chờ đợi được gì ở anh ấy? Chỉ có lòng thương hại mà đánh đổi cả cuộc đời mình hay sao, hở bà?


Bà thẩm phán lắc đầu:


- Đừng dằn vặt quá như vậy.


Tôi đứng lên lau khô nước mắt.


- Không, hết rồi. Trái tim con đã đứt lìa khi cái tổ ấm mà con chăm bẳm vỡ nát. Người không còn trái tim thì không còn đau khổ. Mọi chuyện đã qua. Hạnh phúc chỉ còn là cái bóng rất xa. Có thể con sẽ quên nó. Con cầu mong sẽ quên được những hình bóng đã qua.


Bà thẩm phán bỗng đổi giọng đanh thép. Cặp mắt hiền từ trở nên nghiêm nghị. Bà nói:


- Cuộc sống nào cũng gặp khó khăn và đau khổ. Nhưng chẳng phải nỗi khổ của con là duy nhất và nhiều nhất. Aáy vậy mà giòng sống vẫn chảy liên tục, sinh động và đẹp đẽ. Bác hy vọng con sẽ tìm được hạnh phúc. Đừng quá tuyệt vọng. Ý tưởng của con chưa chắc là đúng hẳn. Cứ nhìn và suy nghĩ. Thời gian sẽ cho con cơ hội. Trái tim của con quá mong manh nên dễ bị đau đớn. Hãy để cho nó sống và cứng cáp. Phá vỡ rất dễ nhưng xây dựng thì rất khó và đòi hỏi nhiều hy sinh.


Tôi bước ra khỏi quán.


Ôi hạnh phúc mong manh, tình yêu mong manh!


Một cơn mưa đổ xuống đầy bong bóng nước. Tôi muốn vớt một chiếc, nhưng biết là nó sẽ vỡ ngay trong tay tôi. Ôi hạnh phúc mong manh, tình yêu mong manh. Tôi bước ra ngoài mưa, đạp trên ngàn chiếc bong bóng. Hình như có một cặp tình nhân đang trú mưa, lạ lùng nhìn theo tôi.


Đang tải bình luận!