Khoảng trống có một viên đá nhỏ
Khoảng trống có một viên đá nhỏ
Bà cũng nghe kể – những tin kể khi ấy cứ dồn về bà tới tấp – chuyện ông ra ga đón vợ nhưng ngơ ngẩn không nhớ mặt vợ mình. Chỉ đến khi có người phụ nữ khập khiễng đi đến, đập mạnh vào vai ông, khóc như mưa vì sung sướng và hạnh phúc thì ông mới bừng tỉnh. Bừng tỉnh để đi tiếp cuộc đời mình. Và bà chắc mình mất ông từ khi ấy.
***
Căn bệnh tim mạch của tuổi già kéo họ về với nhau, trong cùng một phòng sau bốn mươi năm xa cách.
- Bà!
- Ông!
Họ bật gọi nhau trong phút giây chung sửng sốt. Bốn mươi năm qua đi, mắt đã mờ, chân đã chậm, hình hài hầu như thay đổi hoàn toàn nhưng họ vẫn nhận ra nhau, còn khi nhìn vào trong mắt, ánh nhìn vẫn sáng lên, ấm áp và dịu dàng.
Họ sống ở hai thành phố nhỏ. Thành phố lớn này là nơi có bệnh viện họ cùng đến khám và điều trị những căn bệnh của người già. Ông đến trước, khi sức khỏe của ông kha khá, vợ con trao cho ông quyền tự lực cánh sinh. Một tuần vợ ông có tạt qua hai, ba lần, nghe ông đây đẩy "đuổi khéo" lại tất tả chạy về. Bà còn rất trẻ so với chồng. Người đàn bà biết mình là công cụ trả thù tình của chồng nhưng vui vẻ chấp nhận cuộc sống an bài.
Bà có một mình, con ở xa, cháu cũng xa, báo cho đứa nào cũng sợ phiền mà bệnh cũng không trầm trọng gì nên bà tự xách giỏ vào bệnh viện một mình. Và họ gặp nhau, như là dịp để dối già, là cơ hội để bày tỏ những uẩn ức thời tuổi trẻ.
Hai ngày sau khi bà nhập phòng, không hiểu sao bỗng nhiên bệnh viện vắng. Căn phòng rộng thênh với mười sáu giường bệnh kê hai dãy, mỗi giường thường công kênh đến hai bệnh nhân giờ chỉ còn hai người, một đàn ông và một đàn bà, cả hai đều đã già, một hiện tượng kỳ lạ như thể có một bàn tay nào đó sắp đặt.
Bà chọn giường trong cùng, dãy bên trái; ông đôn từ giữa ra giường ngoài cùng, dãy bên phải. Thì hai người vẫn chung một phòng. Lúc dọn đồ, ông còn đùa: "Anh ở đầu sông, em cuối sông!". Với ông, những ngày nằm viện là những ngày hạnh phúc. Và câu chuyện ngày xưa được dịp ùa về.
***
Ngày xưa, bà nghe bạn bè kể, cắt đứt liên lạc với bà, ông về quê và hoàn thành việc cưới vợ trong vòng năm ngày. Người con gái quê có khuôn mặt thiên thần nhưng bị dị tật ở chân, sức khỏe yếu không thích hợp với những trai làng cường tráng cần vợ như cần công lao động trong nhà.
Và người con gái ấy sung sướng nhận lời làm vợ ông, sung sướng được là một viên đá nhỏ để lấp vào chỗ trống mênh mông trong trái tim ông. Sung sướng chờ ngày bỏ quê vào phố phường của miền Nam làm vợ, làm mẹ và đổi đời. Thôi, cứ an ủi đã vớt vát được một con người có hạnh phúc.
Mà đời nhiều người đổi thật.
Bà cũng nghe kể – những tin kể khi ấy cứ dồn về bà tới tấp – chuyện ông ra ga đón vợ nhưng ngơ ngẩn không nhớ mặt vợ mình. Chỉ đến khi có người phụ nữ khập khiễng đi đến, đập mạnh vào vai ông, khóc như mưa vì sung sướng và hạnh phúc thì ông mới bừng tỉnh. Bừng tỉnh để đi tiếp cuộc đời mình. Và bà chắc mình mất ông từ khi ấy.
Ông có vợ không yêu. Ông có con không ngoan cũng chẳng giỏi; lại nghe nói con ông hư nhưng chưa hỏng. Ông có chức nhưng không lớn, tiền cũng không nhiều. Mà ông dễ thù hận với tất cả. Bà không thể tin nổi có một ngày ông thành người của sự thù hận. Và bà nhận nguyên nhân về mình.
Có vài lần, phòng thêm người nhưng người mới cũng nhanh chóng chuyển đi, phòng bệnh vẫn chỉ có hai người, bà mong thoát khỏi tình huống khó xử nhưng lại muốn kéo dài những ngày khó xử.
Gần bảy mươi tuổi rồi nhưng hình như con tim yêu của bà vẫn xốn lên khi nhìn thấy ông. Ánh mắt sáng, cặp chân mày gọn gàng như đường vẽ, nụ cười hiền, cánh mũi lân, và mái tóc bồng, mái tóc ngày xưa vẫn làm bà ngơ ngẩn nay đã chuyển sang thành cước trắng nhưng vẫn bồng lên, nó làm cho cảm xúc của bà cũng dồn lên trong lồng ngực mỏng.
Có những khi thức giấc bà thấy ông đăm đắm nhìn. Rồi như ngại, như ngượng ngùng, ông bối rối quay đi. Cả bà nữa, bà cũng hay trộm nhìn khi ông ngủ. Ngày xưa, hai năm yêu, chưa bao giờ bà được nhìn ông ngủ. Cái thuở yêu nhau phải nói chuyện chỗ sáng đèn, vài lần vội vàng nắm tay, lơ mơ trai gái là kỷ luật như chơi. Cái thời trong trắng, sôi nổi và dại khờ...
***
Thời trai trẻ bồng bột, ông đã đánh mất bà chỉ bởi một thông tin mơ hồ: Người ta thấy bà đi vào rạp hát, rất vui vẻ cùng với người bạn trai cũng là bạn của hai người. Và ông cho mình quyền tự suy diễn tiếp mặc kệ mọi lời giải thích của bà, sự khuyên răn, hàn gắn của tổ chức. Ông gửi trả toàn bộ những lá thư hàng ngày bà kiên trì chuyển đến mặc dù hai người công tác cùng cơ quan. Rồi ông chuyển công tác đi thật xa. Tình yêu từ những năm một ngàn chín trăm lâu lắm, ông bâng khuâng so sánh với bây giờ, cũng là tình yêu mà sao khác nhau đến lạ.
Ngày xưa, ông vẫn từng đau đớn bởi ý nghĩ mình là nguyên nhân gây nên những lận đận đời bà. Năm năm sau khi ông có vợ, bà mới mở lòng mình. Nhưng cuộc tình không như là mơ. Bà vác bụng bầu lặn lội đi tìm cha cho con mình, chấp nhận cay đắng, quỳ xuống van xin trước cha và mẹ của người tình để rồi chỉ nhận được lời ngã giá lạnh lùng: Hãy cầm tiền và đi hủy cái thai. Cũng may mắn cho bà, cơ quan của kẻ sở khanh đã dang tay cứu giúp, và bà có chồng, con bà có cha, dẫu không xênh xang tự hào nhưng vẫn là người có...
Có bận ông yên tâm bởi thông tin gia đình bà hạnh phúc và giàu có. Tự an ủi, may cho bà thoát khỏi ông, kẻ trái tính cực đoan rồi thông tin bẵng đi. Giờ, bốn mươi năm rồi.
***
Người ngoài nhìn vào, thấy hai người già đều là những người hiền lành, tốt tính và chu đáo thường hay chăm sóc lẫn nhau. Cũng có khi hai cụ giành nhau việc đi nhận thức ăn, mua mấy thứ đồ lặt vặt hay lấy kết quả xét nghiệm.
Buổi sáng, hai cụ cùng đi bộ trên lối đi quanh bệnh viện, buổi chiều, hai cụ cùng xuống ghế đá vườn hoa, cụ bà đi trước, cụ ông đi sau, hai người ngồi chung một ghế, nhàn hạ, ấm áp và yên bình như một cặp tình nhân lâu năm. Mà sức khỏe hai cụ có vẻ tiến triển tốt bởi lẽ thấy hai cụ vui cười, đi lại nhanh nhẹn hơn còn ánh nhìn hình như thêm nét long lanh.
Người ta tấm tắc về chuyện lạ kỳ, bỗng dưng mùa này bệnh viện vắng, vắng đến độ phòng bệnh chỉ còn có hai người. Mà cũng may có đến hai cụ, trong một phòng, hai cụ chung một bệnh, cùng một hoàn cảnh tự lực cánh sinh. Già, bệnh mà khỏe re như hai cụ, người ta khen là... nhất. Và người ta đã kịp quen với hình ảnh hai cụ già và phòng bệnh có hai người.
Bà nói mắc cười bởi không ngờ ngày gặp lại, bỗng dưng bà bật tiếng gọi "ông". Ông cười xuê xoa nhận lỗi bởi ông cất tiếng gọi "bà" trước. Mà cũng phải thôi, lên ông, lên bà hết rồi... Nửa tháng trôi nhanh, một buổi chiều, cô y tá đến thông báo hai cụ được xuất viện cùng một ngày. Trước ngày chia tay, phòng vẫn chỉ có hai người, một nam, một nữ.
Chập tối, cơm nước xong ông pha trà, sắp bánh, trang trọng như chuẩn bị đám nói. Chẳng đợi mời, bà kéo ghế đến ngồi bên ông. Bà muốn nói với ông lời xin lỗi, xin lỗi vì vô tình đã làm ông tổn thương nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Không chừng bệnh lại hành, rồi nằm viện đến bao giờ...
Ông không nói lời xin lỗi mà nói lời nhận lỗi, lỗi cực đoan nên cả đời ông đi làm khổ mình, khổ người. "Những cơ cực của cuộc đời em, anh đều biết nhưng đã quá muộn, anh đã quá sai", ông nói, giọng chùng hẳn xuống làm nước mắt nước mũi bà lem nhem.
Ừ, mà ông đã quá sai và cả cuộc đời đi sửa cái sai ấy, sửa mãi mà không xong. Cả đời ông vật lộn với người đàn bà ông không yêu và những đứa con do người đàn bà ông không yêu sinh ra. Xoay qua xoay lại sắp hết một kiếp người. Họ ngồi bên nhau, không lâu lắm. Già rồi, giờ chỉ có thể nằm lâu.
***
Khuya nhìn sang, bà thấy ông đang nhăn nhó. Bà biết, ông bị chứng chuột rút hành hạ. Chân ông co quắp, thấy ông nhăn vẻ đau đớn, hai tay với xuống nắm chân nhưng ông không lên tiếng. Những lúc ấy, cần một người khỏe mạnh kéo giãn chân ông ra, đè xuống. Không ngại ngần, bà sang giường ông ứng cứu như bổn phận đương nhiên phải thế. Tay bà cũng yếu lắm rồi, không thể nắn, kéo cẳng chân đang co quắp, bà chỉ có thể nhè nhẹ xoa. Lần đầu tiên của sự đụng chạm da thịt giữa hai người. Ngày xưa, ngày xưa trong trắng và thánh thiện cứ hiện về.
Ông lại gọi bà bằng em, như chuyện đương nhiên phải thế. Bà ngồi bên ông, thấy rõ lòng mình bình yên nhưng thi thoảng vẫn sụt sịt khóc, vì cái gì nhỉ. Thương thì lúc nào cũng thương, giận thì vẫn còn giận nhưng là giận mình. Thôi, anh đừng nói chuyện ấy. Bà lại thấy hai người đang như là một cặp tình nhân.