XtGem Forum catalog
Bụi thời gian đã phủ lên cả một miền ký ức!

Bụi thời gian đã phủ lên cả một miền ký ức!

Tác giả: Sưu Tầm

Bụi thời gian đã phủ lên cả một miền ký ức!

Con không nghĩ là một năm sống với một khoảng trống lớn lại trôi nhanh thế, người ta cứ mông lung ngày này qua ngày khác về một khoảng trời xa xăm cả năm trời liền mà không nghĩ mình đã mông lung được một khoảng thời gian dài đến thế.


Khi chợt nhận ra cái nắng một mùa hè nữa lại về và trải dài trên phố, chợt nhận ra bằng lăng đã nhuộm tím cả một khoảng trời râm ran tiếng ve kêu đâu đó. Cũng là lúc nhận ra bụi thời gian đã trải dài lên cả một miền ký ức.


***


Bụi thời gian đã phủ lên cả một miền ký ức!


Bố trong ký ức xa xưa hồi bé tẹo là những ngày hè xách giỏ đi theo bố bắt cua về nấu canh, con bập bõm lội ruộng nước ngã xiêu vẹo, về thế nào cũng có bộ quần áo đầy bùn đất, nhưng lần nào đi bắt cua bố cũng vẫn cho đi theo.


Với ý nghĩ ngây thơ của một đứa 6, 7 tuổi ruộng lúa như là một nơi diệu kỳ với những con cào cào, châu chấu màu xanh, chuồn chuồn ớt màu đỏ, nòng nọc màu đen, hoa bèo màu tím, một thế giới có quá nhiều thứ thú vị để nghịch ngợm. Lần nào đi theo cũng cặm cụi lăng xăng đi hái những bông hoa dại, những bông cỏ gà, hay mải chạy theo mấy con chuồn chuồn đá, kệ cho trời nắng vỡ đầu, cầm giỏ cua mà cứ chạy tít tận đâu. Nên bập bõm ngã lên ngã xuống thì lần nào cũng vẫn hào hứng lắm xách giỏ chạy theo bố.


Bố trong ký ức ngày xưa còn là một tấm lưng lớn, con ngồi sau tóm áo bố trên chiếc xe đạp kỳ cạch bố trở từ nhà lên tận Hà Nội chơi, và đã sướng mãi giống như con chim nhỏ lần đầu tiên bay xa cái tổ của mình, được lần đầu tiên đi qua cầy cầu lớn nhất, bắc qua con sông lớn nhất mà con từng thấy – sau này lớn mới biết đấy là cầu Long Biên, sông Hồng.


Những ngày mùa gặt, vất vả thế mà vẫn có lần bố còn đút túi cái tổ chim mang về tận nhà cho tụi con chơi. Tuổi thơ con lớn lên giản đơn với những cây cỏ dại, những con côn trùng bắt ngoài đồng về, những trò chơi với cát, sỏi,... nhưng chưa khi nào con thấy mình có một tuổi thơ cơ cực. Con thấy mình có một tuổi thơ mênh mang với cánh đồng xanh bất tận với ánh nắng trải dài.


Rồi hồi bố đưa đi thi đại học, ngày thi đầu tiên xong nhìn cái mặt méo xệch của con vì không làm được bài, bố vẫn chỉ nhắc hôm sau làm bài bình tĩnh.


Kết quả sau mấy ngày vất vả đưa con đi thi thì con vẫn... trượt, thất bại lớn đầu tiên của một đứa con gái 18 tuổi. Con đã tự trách bản thân nhiều đến mức tụt mất mấy ký. Sự kỳ vọng của bố và mẹ vào con, rồi cả sự kỳ vọng của chính bản thân con vào mình nữa, đều không là gì cả. Dù bố mẹ không trách một lời nào nhưng con không thoát khỏi cảm giác mình là người có lỗi.


Rồi con cũng đi học, ít ra là không phải ở nhà rồi loay hoay không biết làm thế nào để định hướng có một tương lai tự lập, rồi bố mẹ lại cõng trên lưng cái gánh nặng lớn hơn vì con.


Suốt mấy năm con đi học, ngoài việc đồng ruộng bố chạy thêm xe ôm, da bố đen sạm đi vì công việc phơi nắng phơi gió ở ngoài đường với bao nhiêu vất vả, rủi ro. Nghe những câu chuyện bố kể về ngày làm việc của mình có lúc dở khóc dở cười, rồi những hôm trời mưa chở khách, con chỉ cảm thấy tội tội vì thương bố. Mỗi lần con đi học về, trước khi con lên trường bố lại đưa cho mấy trăm nghìn để lo việc ăn ở trên trường, cầm những đồng tiền sương gió ấy, con chẳng bao giờ cho phép mình tiêu hoang.


Dù gì, thì con cũng biết con chưa bao giờ là đứa con giỏi để bố mẹ được tự hào, bù lại con cố gắng làm một đứa con ngoan, nhưng thật buồn là trong cuộc sống này là cái sự ngoan thôi nhiều khi cũng chẳng có mấy giá trị. Người ta có thể định giá những món đồ hàng hiệu, những chiếc xe hạng sang, hay một khối tài sản lớn, nhưng chẳng ai bận tâm nhiều xem lương tâm có giá bằng bao nhiêu?!


Sau bao nhiêu khó nhọc, lam lũ, vất vả sương nắng, rồi một ngày bố bệnh, lúc đấy con mới chỉ sắp ra trường, chẳng làm được gì cho bố. Những lúc nghĩ về bố con luôn thấy mình có lỗi. Tháng lương tết đầu tiên con đi làm, được thưởng tết, con đưa bố bảo bố tiêu gì thì tiêu, tết rồi bố mua bộ quần áo mới, lúc đầu bố không nhận, kêu là "Lương mày được bao nhiêu, cho bố làm gì?", rồi bố nhận nhưng cũng chẳng mua quần áo mới, lại bảo "Bố suốt ngày ở nhà, chẳng đi đâu mà cần quần áo mới", tiền bố lại cất một chỗ khi cần để mua thuốc.


Bao nhiêu vất vả, lam lũ từ lúc bọn con còn bé tẹo đến lúc bọn con lớn đi làm tự lập được là lúc gánh nặng nhẹ bớt đi thì bố lại không được an nhàn ngày nào lại quay sang chống chọi với bệnh tật. Những lần đi thăm bố ốm ở bệnh bị ám ảnh bởi mùi thuốc tẩy trùng len lỏi trong không khí, đông đúc và ngột ngạt, ngột ngạt bởi chính những tiếng thở dài, những ánh mắt mệt mỏi của người ốm và người nhà đi chăm người ốm, những khuôn mặt phờ phạc, những đôi mắt mệt mỏi lúc nào cũng cầu mong điều bình an cho người thân trong sự hoang mang, lo sợ.


Thấy tất cả những người đến bệnh viện thật là tội, đến ốm dặt ra đấy, đến viện để điều trị mà như bị đi đầy, cứ cực cực sao. Một chiếc giường một mà dùng cho 2, 3, thậm chí 4 người nằm, người khỏe nằm như thế còn chẳng chịu được huống chi người ốm?! Rồi người ốm nặng, mệt hơn thì được nhường nằm trên giường, người không mệt bằng thì nằm dưới đất hoặc hành lang bệnh viện, cái cảnh ấy chẳng xa lạ gì ở các bệnh viện lớn. Chỉ xót xa là ngay cả ở những bệnh viện lớn cỡ quốc gia mà cũng không bố trí nổi cả một chiếc giường một cho bệnh nhân. Trừ phòng VIP, dành cho người có điều kiện thì chẳng tính làm gì.


Rồi nhìn vài tấm biển có dòng chữ: "Đề phòng trộm cắp" trong khuôn viên bệnh viện cũng thấy buồn thiu cho sự thật trước mắt, những người đã đến viện để điều trị là người ta phải ốm lắm, một khi đến viện thì hẳn là phải tốn kém, đa phần mình gặp toàn là người cứ khắc khổ lam lũ, những người đấy hẳn là mắc chứng sợ bệnh viện, họ chỉ chịu đến viện khi mà ốm không chịu được nữa, đơn giản chỉ vì sợ tốn kém quá sức của họ, có khi vài ngày đi viện cũng tốn đến số tiền cả tháng, cả năm họ giành dụm, chưa tính đến việc chạy vạy, cầm cố, những đồng tiền người ta hết sức gom nhặt chỉ mong đổi lại sức khỏe cho người thân . Vậy mà, có những kẻ đang tâm đi lừa, đi trộm cắp ở cái nơi người ta đang đối mặt với những điều khốn khổ như thế.


Cứ nghĩ bố đi viện vài ngày xong lại khỏe rồi về nhà, nhưng lần này thì không. Lúc lên thăm bố thấy bố mệt rõ rệt, hỏi mẹ bố ăn được nhiều không, mẹ chỉ nói bố uống ít sữa rồi, lúc về thấy mẹ rơm rớm, cho dù mẹ bảo là cứ yên tâm về đi, nhưng linh cảm có gì đó chẳng lành.


Rồi không ngờ, cũng cái nắng hè gay gắt này năm trước nghe tin bệnh viện trả bố về, từ lúc đó đầu óc cứ mông lung và không định hình được: "Chuyện gì đang xảy ra với mình thế?!". Tận mắt thấy bố bị buộc chân, tay vào giường, trong cơn hôn mê gan bố nói linh tinh nhiều lắm, con thấy bố nhìn con nhưng dường như bố không nhận ra con nữa, mắt con nhòe đi vì không làm gì được cho bố.


Thấy cuộc sống sao bất công với bố, rồi bất công cả với chúng con chỉ có 5 ngày quây quần bên bố, nhìn bố gồng mình lên với những cơn đau nghiến răng, tụi con cũng đau lắm. Trong lúc mê man thấy bọn con nước mắt ngắn dài, bố vẫn còn dặn :"Cứ bình tĩnh!". Câu nói làm tim con thắt lại, con sẽ chẳng bao giờ quên câu nói ấy. Bao nhiêu hi vọng cũng chẳng đổi lại được gì. Cái thời khắc nhìn người thân, ruột thịt thở những hơi thở gấp gáp cuối cùng nếu ai đó đã trải qua sẽ hiểu được nỗi đau như thế nào, sự tan vỡ như thế nào, trong khi những người ở lại không thể nào níu giữ hay thay đổi được điều gì, chỉ biết lặng đi với nỗi đau. Một năm rồi, mà nỗi đau ấy vẫn bất chợt trỗi dậy mỗi khi nỗi nhớ ùa về, và vẫn đau như trước chẳg thể nguôi ngoai.


Cuộc sống cũng thật lạ lùng, người ta sinh ra là đã được mặc định chỉ có một khoảng thời gian để tồn tại, đi hết cái giới hạn đấy chỉ là hư không, và rồi một ngày mỗi chúng ta rồi cũng bị nuốt vào cái khoảng hư không đấy. Không có trường hợp loại trừ cho một ai.


Những ngày rằm, mùng một mẹ hay rủ đi chùa, chùa chiền mang lại cảm giác thanh tịnh lắm, nhưng mình là một đứa vô thần nên đi chùa chẳng bao giờ cầu khẩn cái gì ham hố, chỉ đại loại mong cho mọi người trong gia đình sức khỏe và sự bình an, chỉ vậy. Lắm khi đi theo mẹ chỉ để làm xe ôm cho mẹ, rồi ngồi lẩn thẩn ở bên ngoài để cảm thấy cái tĩnh ở một nơi linh thiêng chứ chẳng có mục đích cầu khấn điều gì. Một nơi thanh tịnh như thế sao cứ phải làm cho nó ồn ào bởi bao nhiêu tham, sân, si của đời thường?


Rồi khi ngồi ở sân chùa trong cái thanh tịnh trong trẻo ấy nhìn lên những tán cây cổ thụ rợp bóng lay động bởi những cơn gió vi vu, xào xạc trên đó, chợt hỏi: Thực sự người ta làm sao có thể bình yên khi kiếp con người vẫn cứ đè nặng trên vai từng ngày? Có nơi nào gọi là bình yên khi những nỗi buồn nhân thế vẫn đang hiện hữu ở quanh đây? Liệu ở cái khoảng hư không bình yên có đang ở đấy? (Thôi, cái này ảo quá, không nghĩ nữa!)


Chỉ là thấy cuộc sống luôn là một điều kỳ diệu, cho dù chính nó có những lần thản nhiên làm ta đau, đau đến nghẹt thở. Nhưng mình chẳng muốn đề cập đến điều gì vượt tầm trí hiểu, chỉ là lúc này ta đang ở đây, và đang sống trong khoảng thời gian hữu hạn của chính mình, khi có thể hãy dành thời gian quan tâm đến những người thân yêu, ruột thịt, những người cho dù có chuyện gì xảy ra sẽ vẫn luôn bên bạn. Khi đang đi làm, đi học ở xa nhà hãy về nhà khi có thể vì ở nhà, mọi người trong gia đình đang nhớ bạn đấy - những người luôn yêu thương bạn mà không cần bất kỳ điều kiện gì.


 


Đang tải bình luận!