Băng qua cánh đồng

Băng qua cánh đồng

Tác giả: Sưu Tầm

Băng qua cánh đồng

Băng qua một cánh đồng, để biết những ước mơ và hiện thực nó hay như một cánh chim trời, để biết khi nào mỏi mệt mà quay lại.


***


1.


Cả làng chúng tôi sống trên một cánh đồng. Một cách đồng rộng lớn. Tôi giả sử như nếu đưa mắt nhìn ra phía xa, thật xa thì sẽ chẳng thấy nổi lên một mỏm núi hay một thứ cao cao nào đó. Thứ duy nhất chúng tôi nhìn thấy đó là mặt trời, mặt trời mọc lên từ hướng đông xa xăm của cánh đồng và cũng lặn mất tăm về hướng tây xa xăm phía bên kia cánh đồng.


Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi mình rằng, nếu cứ đi mãi về hướng đông hay đi mãi về hướng tây thì sẽ thấy cái gì hay đại khái như, có bị rơi ra bên ngoài rìa của cánh đồng không? Khi ấy tôi thiết nghĩ, cứ đi mãi, đi mãi thể nào một ngày cũng rơi ra ngoài rìa của cánh đồng và lao xuống vực thẳm, rồi mất hút. Tôi cứ nghĩ vậy, nhưng đâu có bao giờ dám chắc.


Băng qua cánh đồng


Rồi tôi đem nó hỏi chị tôi, chị ậm ừ theo kiểu dửng dưng hay mặc xác tôi với những câu chuyện đó. Chị lại vùi đầu vào đống len đủ các màu sắc của mình. Sau đó tôi cũng mặc xác chị với đống len đó. Tôi đi hỏi anh trai, rồi hỏi cả mẹ tôi nữa. Ai nghe xong cũng chỉ ậm ừ theo kiểu dửng dưng cho qua chuyện, theo cái kiểu mỗi con người trong làng đối xử với bọn trẻ con hay suy nghĩ vẩn vơ. Chốt lại, tôi vẫn chẳng tìm ra câu trả lời khi đem hỏi người lớn. Người lớn chẳng bao giờ trả lời câu hỏi của trẻ con, chỉ luôn dửng dưng vậy thôi. Tôi cho rằng, như thế, thực sự rất nhàm chán.


Cuối cùng vẫn câu hỏi ấy, tôi đem hỏi ngoại, dù sau này khi đã nhận được câu trả lời rồi. Tôi vẫn chẳng biết rằng, nó có thực sự thích đáng không nữa, nhưng ít ra tôi cũng bớt đi những suy nghĩ vẩn vơ. Ngoại hết tuổi người lớn, vì ngoại là người già. Và tôi nghĩ rằng, sau này bạn có suy nghĩ kiểu vẩn vơ, thì tốt nhất đừng bao giờ đem đi hỏi người lớn mà hãy hỏi người già.


Tôi đã hỏi ngoại như thế này:


"Nếu như ta đi mãi về phía tây hoặc phía đông của cánh đồng thì ta sẽ đi tới đâu hả ngoại?"


Ngoại mỉm cười nhưng lại chẳng nói gì!


"Nếu như ta cứ đi mãi như thế thì sẽ tới đâu hả ngoại? Ta có bị rơi ra bên ngoài không?".


"Ta không biết".


"Vậy ngoại biết những gì?".


"Khi nào cháu lớn lên cháu thử đi về những hướng đó xem". Ngoại lại cười!


Tôi xoa xoa bàn tay xương gầy của ngoại, rồi hỏi tiếp!


"Thế đã có ai đi về những hướng đó chưa hả ngoại?"


"Có ông ngoại của con và những người khác, bao gồm cả ba con".


"Họ đã thấy những gì hả ngoại?"


"Ta không biết vì họ chưa trở lại, để nói xem ở bên ngoài đó có những gì?"


"Vậy chắc là họ rơi ra ngoài rìa bên bờ vực thẳm và mất hút rồi ngoại nhỉ?"


Khi ấy ngoại lặng im, không nói gì thêm nữa, đôi mắt ngoại cứ nhìn về phía cánh đồng rộng lớn.


Tôi hẳn đã thỏa mãn được đôi chút sự tò mò cùng với những hoài nghi trong tâm trí của mình, nhưng vẫn chẳng dám chắc. Rốt cuộc thì vẫn hoài nghi, hoài nghi về cái cách làm thế nào để băng qua cách đồng, làm thế nào để không bị rơi ra bên ngoài rìa cách đồng xuống vực thẳm, rồi mất hút như ông ngoại, như ba. Và ông ngoại, hay ba tôi có thực sự đã bị rơi xuống đó hay không hề có một vực thẳm nào cả, có một cây cầu bắc qua và dẫn tới một vùng đất xinh đẹp nào đó chẳng hạn!


Tôi cũng đã thắc mắc thêm rằng, có nên thôi lớn để đợi ông ngoại và ba về và giải đáp những thắc mắc đó không? Nói thực, suốt năm tháng tuổi thơ tôi, hay không riêng gì tôi mà của tất cả những đứa trẻ trong ngôi làng chúng tôi, đều đã nghĩ như tôi vậy!


2.


Có một điều lạ lùng hơn nữa là, không một ai trong số chúng tôi dám băng qua cánh đồng, người lớn thì không, trẻ con thì chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Đôi khi lên lớp chúng tôi đều thử thách lòng dũng cảm của mình bằng những câu kích tướng như: "Mày có dám băng qua cánh đồng không? Mày muốn biết xa xa hướng tây cánh đồng có những gì thì hãy băng qua nó đi? Nếu như giỏi". Nói chỉ nói vậy thôi, nói cho vu vơ, nói cho vui rồi tất cả lại chìm vào trong sự im lặng vốn có. Không ai dám nghĩ tới nữa.


Nhiều vụ cãi vã thậm chí là đánh lộn giữa những đứa trẻ chúng tôi chỉ xoay quanh ba cái chuyện băng qua cánh đồng đó.


Nhiều lúc tôi cũng tự vênh mặt mình lên, rồi kể với chúng bạn mình rằng:


"Ngoại tao nói ngày trước ba tao và ông ngoại tao đã đi mãi về phía đông của cánh đồng".


"Ngày nào?"


"Ngày xưa".


"Ngày xưa là ngày nào".


"Ngày mà tao và chúng mày chưa sinh ra".


Rồi sau đó chúng cười rộ lên.


"Mày nói láo".


"Tao nói thật, ông ngoại ta và ba tao..."


Rồi bọn chúng ngắt lời tôi.


"Vậy ông ngoại mày và ba mày về chưa ? Tao nghĩ rằng nếu họ có đi thì cũng rơi xuống vực sâu bên rìa cánh đồng rồi".


"Sao mày biết bên rìa cánh đồng có vực sâu ? "


...


Những câu chuyện giữa chúng tôi hay cụ thể hơn là giữa tôi và bọn nó cứ quẩn quanh mãi trong cái vòng tròn nghi vấn đó, không một kẽ hở nào có thể giải đáp những thắc mắc của chúng tôi. Nó thậm chí càng làm cho chúng tôi trở nên mơ hồ hơn, hơn rất nhiều. Bọn nó đinh ninh rằng, ba và ông ngoại đã rơi xuống vực thẳm, còn tôi thì vẫn mơ hồ rằng, họ đã đi tới một vùng đất xinh đẹp khác. Dĩ nhiên, một ngày nào đó họ sẽ trở về. Mỗi lần nghĩ tới đoạn đó, tôi lại khẽ mỉm cười khoái trí. Ông ngoại và ba mà trở về thì mọi mơ hồ sẽ trở nên rõ ràng thôi. Tôi vẫn tin vậy, cho dù mơ hồ lắm, nhưng cứ vẫn tin vậy. Tôi cứ giữ mãi niềm tin mơ hồ ấy suốt những năm tháng sau đó, tới khi tôi 11 tuổi, 13 rồi 15 tuổi.


Năm tôi 15 tuổi, chị gái tôi đi lấy chồng ở làng bên hay một nơi nào khác khá xa so với ngôi làng của chúng tôi.Tôi đã đi hết cánh đồng chưa ? Tôi không rõ. Biết đâu tôi đã băng qua cánh đồng và tới một vùng đất khác rồi cũng nên ? Tôi đi trên xe đưa dâu, cứ nhìn mãi về phía trước mặt, nhìn mỏi quá, rồi tôi ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy thì trời tối mất rồi, nên tôi chẳng biết được mình đang ở đâu nữa. Đó cũng là lần duy nhất tôi băng qua cánh đồng, sau 18 năm mơ hồ, nhưng vẫn cứ chẳng tới đâu, vẫn cứ mơ hồ mãi.


Cũng vào năm đó, anh trai tôi lấy vợ, anh không đi đâu cả, anh rước chị dâu về sống với chúng tôi trong ngôi làng trên cánh đồng rộng lớn.


Có một ngày khi chị dâu đang vào vườn làm cỏ cho những cây hồng sắp ra hoa.


Tôi hỏi chị :


- Nhà chị ở đâu trong cánh đồng này ?


- Nhà chị không ở cánh đồng này !


- Vẫn còn những cánh đồng khác à chị ?


- Chị nghĩ là thế .


- Vậy ở cánh đồng của chị, khi nhìn về phía đông rồi cả về phía tây chị đã thấy những gì ?


- Chị nhìn thấy mặt trời !


Rốt cuộc cái thứ mà những người ra đi hay trở lại, hay ở một chỗ khác đều chỉ nhìn thấy được thứ duy nhất là mặt trời, không một cái gì khác, không một ngọn núi, một mỏm đá, càng không thấy một bờ biển hay một thành phố lung linh ánh đèn. Nhiều lúc tôi cảm thấy rằng, mình không phải sống trên một quả cầu có lực hút mà sống trên một cái đĩa khổng lồ, cực kỳ khổng lồ và cái đĩa đó treo lở lửng giữa không gian. Khi ta cứ đi mãi, đi mãi cho tới một lúc nào đó sẽ tới bên rìa của cái đĩa. Giả sử như khi đó, chỉ cần hẩy nhẹ chân một cái, đúng lúc một cơn gió đi qua, thì sẽ bị hất văng xuống vực sâu thẳm và mất hút lúc nào không hay.


3.


Sau ngần ấy năm sống trên cuộc đời, mẹ tôi chưa bao giờ nói về chuyện của ba, về chuyến đi của ông, cũng như chưa lần nào nhắc tới ba từ khi tôi chào đời. Nhiều lúc tôi nghĩ mình không có ba. Mẹ không nói với tôi nhưng tôi nghĩ ít nhiều mẹ cũng sẽ kể lể điều gì đó với anh trai hay với chị gái tôi. Nhưng đến khi tôi ngẫm ra điều đó, thì chị gái đi lấy chồng rồi, cũng không thể nào bỏ thời gian để về nhà mà kể lể hả hê với tôi được. Anh trai thì bận nhiều thứ, bận chuyện gia đình tôi, bận chuyện gia đình của anh. Nên tôi chẳng thể nào hỏi và không bao giờ dám hỏi nữa.


Dĩ nhiên tôi lại đi hỏi ngoại tôi, luôn nên hỏi người già. Khi ấy ngoại tôi cũng già lắm rồi, tôi không biết chắc rằng ngoại bao nhiêu tuổi rồi,chỉ biết rằng tuổi ngoại bằng tuổi cây hồng già cỗi mà ngoại thường hay ngồi trên một cái ghế tựa dưới gốc cây hồng, rồi ngân nga những giai điệu cổ quái nào đó, nghe như một thứ ma thuật vậy. Tôi có hỏi ngoại về ba tôi, nhưng ngoại chỉ kể về ông ngoại mà thôi, bao giờ cũng thế. Tôi có hơi phật lòng vì điều đó nhưng không dám lên tiếng, cứ để im cho ngoại kể. Vì tôi đinh ninh rằng, ba đi cùng ông ngoại nên ngoại kể về ông cũng như kể về ba tôi vậy thôi.


"Bà có đợi ông về không? "


"Ta không biết ".


"Bà tin ông sẽ về chứ ?".


"Ta cũng không biết ".


...


Cứ mỗi lần hỏi những câu hỏi đại khái như thế ngoại tôi chỉ trả lời bằng câu không biết hay hơn cả là sự lặng im. Nhưng tôi dám chắc rằng, ngoại vẫn cứ đợi ông, như cái cách ngoại ngồi dưới gốc cây hồng và chờ nó ra hoa vào một ngày nào đó. Còn mẹ có chờ ba không ? Tôi cũng chẳng biết được. Nhưng thi thoảng tôi vẫn thấy mẹ thở dài, chỉ một chút khe khẽ thôi, nhưng tôi nhận ra được, mẹ thở dài khe khẽ khi nhìn về phía cánh đồng !


Nhiều lúc, bạn thắc mắc, tại sao chúng tôi lại không tự mình bằng qua cánh đồng như cái cách mà ba tôi hay ông ngoại băng qua. Chúng tôi không bao giờ trả lời câu hỏi đó, cũng có thể chúng tôi sợ cứ đi mãi, tới một ngày nào đó, chúng tôi sẽ rơi tõm xuống vực. Hay đơn giản hơn là chúng tôi sợ lạc mất đường trở về. Hay đơn giản hơn nữa, mỗi con người chúng tôi đều biết cách băng qua cánh đồng ấy. Theo cách của riêng mình. Vậy thôi !


4.


Năm tôi 18 tuổi, mẹ không bao giờ nhắc tới chuyện gia đình, con cái, cơm áo, ấm no như cái cách mẹ than phiền với chị gái và anh trai. Với tôi mẹ không nói điều đó, mẹ nói về học hành, về những ngày phía trước, về chuyện tôi phải tới một thành phố và học lấy một nghề nào đó bất kỳ !


Tôi nghe lời mẹ và cũng dựng xây trong tâm khảm mình những dự định hay tựa như những ước mơ vậy. Những ước mơ bay xa, bay cao chẳng hạn, không phải bay như cái cách một quả bóng được bơm đầy khí Heli rồi thả lên bầu trời hay bay như những chiếc khinh khí cầu có một ngọt lửa bập bùng cháy. Mà bay như một cánh chim. Một cánh chim thật sự.


Cũng vào năm đó bà ngoại tôi mất. Bà ra đi nhẹ nhàng và lặng im như cái cách bà chờ đợi ông ngoại, như cái cách bà ngồi im dưới gốc cây hồng già để đợi nó ra hoa lần nữa và ngân nga một giai điệu cổ quái nào đó.


Và cũng vào năm đó, ông ngoại tôi trở về, từ phía đông của cánh đồng. Khi ấy, tôi đang lang thang trên một con đường mòn với hai mọc đầy những cây hoa lưu ly chưa nở bông. Mẹ tôi thì đang lúi húi bận thu hái những củ khoai tây đầu mùa ở dưới ruộng.


Khi ấy từ phía xa tôi thấy một ông già đang đi về phía chúng tôi, ông dừng lại ở chỗ của mẹ. Ông lão thì thầm với mẹ tôi điều gì đó. Rồi quay sang nhìn tôi mỉm cười.


- Ai vậy hả mẹ ? Tôi hỏi mẹ !


- Ông ngoại con đó . Mẹ đáp kiểu dửng dưng.


Rồi sau đó, chúng tôi cùng quay gót và rảo bước về phía làng. Nhiều đứa bạn tôi nhìn thấy chúng tôi. Chúng nó có hoài nghi, nhưng cũng chỉ để đó. Và tôi dám chắc rằng, sẽ không một đứa trẻ nào của hơn 10 năm về sau hỏi về những người ra đi và mất hút trên những cánh đồng nữa. Chắc ai cũng hiểu rồi!


Và dĩ nhiên, cũng chẳng một ai tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự kiện này cả. Tôi cũng vậy. Ông ngoại về. Ba không về. Còn bà thì mất rồi !


Khi chúng tôi cùng nhau đứng dưới nấm mộ đã kịp xanh màu cỏ. Chúng tôi đều lặng im, như thể đang cầu nguyện điều gì đó. Đôi khi ta cứ lầm tưởng sự lặng im với lại cầu nguyện.


Mẹ, anh trai và chị dâu ra về trước. Tôi ở lại với ông !


- Ông đã đi về phía cánh đồng ?


- Đúng rồi con !


- Có vực thẳm nào không ạ ?


- Không hề !


- Vậy có mỏm núi nào không ?


- Hơn cả một mỏm núi, một cái cây cao cao con trai à, là cả một thành phố và có cả biển nữa.


- Vậy tại sao ba không trở về cùng ông ?


- Ba con chưa mệt mỏi !


Khi ấy, tôi không hỏi ông thêm điều nào nữa !


Ba tôi chưa mệt mỏi nhưng ông sẽ trở về. Tôi đinh ninh như vậy và dám chắc như vậy. Tôi không đem chuyện đó để kể lể, tựa kiểu như khoe khoang với đám bạn tôi nữa, như cái cách chúng tôi chêm vào những năm tháng cuộc đời mình, những điều tựa hồ như vẩn vơ. Mà cũng chẳng còn mấy đứa để ở lại và nghe tôi kể lể, đứa thì đi lấy chồng, đứa thì đi tìm những điều mình chưa có, những điều mình đánh mất hay những thứ đã từng thuộc về mình. Và tôi cũng tin chắc, dù tôi có kể lể thì chẳng đứa nào thèm nghe, cứ dửng dưng như vậy sẽ tốt hơn, không cho riêng ai cả, mà cho tất cả chúng tôi.


Ông ngoại tôi trở về. Chúng tôi không bao giờ dám hỏi, hay không thèm hỏi thì đúng hơn, là ông có buồn không hay tựa hồ như một cảm giác nào đó, khá giống sự hụt hẫng. Nhưng tất cả lặng im, chìm vào sự lặng im và tiếp tục những bước đi trên đôi chân của mình.


Rồi một ngày nào đó, ba tôi sẽ trở về, còn tôi sẽ ra đi, rồi cũng sẽ trở về. Ông ngoại tôi già đi và đi cùng với bà. Nhưng chung quy lại trong tất cả sự đó, trong câu chuyện của mỗi cuộc đời đều tồn tại những thứ tựa hồ như chờ đợi, niềm tin hay hy vọng...Đại khái như vậy !


Tôi dành những tháng ngày lang thang cuối cùng của mình trước một chuyến đi xa, nhiều lúc chẳng biết rồi sẽ trôi dạt về đâu. Tôi đi dạo dưới con đường mòn, hai bên mọc đầy những cây lưu ly chưa ra hoa. Tôi cứ đưa mắt ra phía đông cánh đồng. Bất chợt, tôi thấy lấp lóa một bóng người đang đi về phía đó, phía cánh đồng ấy. Rồi tôi cũng đưa mắt nhìn về phía đối diện xem có ai mong chờ không. Khi ấy, con Đan đang đứng đó. Nó là một đứa luôn lặng im trong những cuộc tranh cãi của của chúng tôi.


Tôi bước về phía nó. Nhìn mắt nó đỏ hoe. Nó nhận ra sự hiện diện của tôi, nhưng chẳng thèm để ý, cũng như chẳng thèm lau khô đi mấy giọt nước mắt đó.


- Anh mày đi đâu vậy Đan ?


Nó im lặng.


- Anh mày đâu có đi tự tử hay tương tự như vậy mà mày phải khóc hả ?


Nó vẫn im lặng.


- Tao tin chắc rằng, anh mày sẽ không rơi xuống vực đâu, không có một cái vực nào hết. Ông tao đã nói rồi.


Nó bớt khóc .


- Mày tin là anh tao sẽ về chứ ? Nó chợt hỏi lại tôi.


- Tao không dám chắc, nhưng anh mày đã cũng đã băng qua cánh đồng rồi.


Sau đó, con Đan lặng im như những lần trước. Điều quan trọng hơn là nó đã thôi khóc và cũng không phàn nàn về câu trả lời dửng dưng của tôi.


5.


Tôi đi trên một chuyến xe cuối ngày để rời khỏi mảnh đất của chúng tôi và đi về phía đông cánh đồng. Trời nhá nhem tối nên tôi cũng chẳng biết được vào khúc nào thì tôi đã ra khỏi cánh đồng. Chỉ biết rằng, chiếc xe cứ chở chúng tôi, đi mãi, đi mãi về phía mặt trời mọc hay lặn, để không còn thấy một cánh đồng mà thấy hơn cả một cánh đồng.


Băng qua những cánh đồng, để xem mình có thật sự sẽ rơi xuống vực thẳm và mất hút hay không ?


Băng qua những cánh đồng để xem mình có tới được hơn cả một mỏm núi, một cái cây cao cao mà là cả một thành phố lung linh hay một bờ biển?


Băng qua một cánh đồng, để biết những ước mơ và hiện thực nó hay như một cánh chim trời, để biết khi nào mỏi mệt mà quay lại.


Mỗi con người chúng ta, khi tồn tại trên cuộc đời này đều phải băng qua những cánh đồng theo cách của riêng mình. Không một ai, thoát khỏi quy luật đó. Nó bất biến và tuần hoàn, như mặt trời mọc lên rồi lặn đi, rồi lại mọc lên. Cứ như thế. Mãi mãi như thế.


-Nguyên Nguyên-


 


Đang tải bình luận!