Old school Easter eggs.
Anh và em sinh đôi

Anh và em sinh đôi

Tác giả: Sưu Tầm

Anh và em sinh đôi

Từ lúc bé xíu xiu, anh em sinh đôi đánh nhau như cơm bữa. Các trận giao chiến kinh hoàng. Thường khi người lớn gỡ được cặp giò hoặc hàm răng của con em bách chiến bách thắng ra khỏi cần cổ thằng anh nằm bẹp dí dưới đất, cả hai đứa đều không thể nhớ nổi điều gì khiến trận đấu nổ ra.


***


Sinh đôi nhưng anh trai em gái. Anh hai tên Nhô, cao kều, cận thị, suốt ngày dí mũi vào màn hình vi tính hoặc một quyển sách dày cộp, tai đeo headphones nghe rock. Điểm duy nhất em gái giống anh là gầy kheo khư, còn lại khác biệt hoàn toàn. Đôi mắt Chi sẫm đen, tò mò, không có gì thoát khỏi cái máy ghi hình to tướng ghê gớm ấy. Khuôn miệng nhỏ Chi hồi bé dễ thương, giống như trái sơ-ri thế nhưng giờ đây tất tật những gì được phát ra từ trái sơ -ri đó đều trở nên lạc sự thật và đầy nguy cơ khiến thằng Nhô ít nói bị trừng phạt – trừng phạt oan uổng.


Từ lúc bé xíu xiu, anh em sinh đôi đánh nhau như cơm bữa. Các trận giao chiến kinh hoàng. Thường khi người lớn gỡ được cặp giò hoặc hàm răng của con em bách chiến bách thắng ra khỏi cần cổ thằng anh nằm bẹp dí dưới đất, cả hai đứa đều không thể nhớ nổi điều gì khiến trận đấu nổ ra. Về sau, Nhô luyện được tính nhẫn nhịn. Cậu tự nhủ chỉ vài năm nữa, khi nhỏ em quái vật lớn lên, cậu sẽ xui người nhà gả quách nó cho thằng Củn mập, con bà bác sĩ gần nhà vẫn hay rối rít ngợi khen sự "toàn diện" hiếm có khó tìm của con Chi khiến mắt mẹ sáng ngời lên như bật đèn, thằng Củn cười toe toét một cách ngốc ngếch còn mặt con Chi vênh váo như cán chổi. Thế nhưng ngày ấy chưa kịp tới mà mọi chuyện chuyển hướng "bi thảm" hơn, khi cả hai anh em vào học cấp ba...


Anh và em sinh đôi


Anh Hai đỗ vào trường chuyên khoa Tin. Nhỏ Chi lên hệ trung cấp piano, theo học văn hóa luôn trong nhạc viện. Tưởng thở phào vì chỉ phải chịu đựng sự quấy nhiễu của nhỏ em buổi tối mà thôi, nhưng bất ngờ bà mẹ đã biến chiếc cúp 81 – Phần thưởng cho việc trúng tuyển vào trường chuyên thành một gánh nặng tai họa đặt lên vai ông anh số phận đen đủi. Hàng ngày, thay vì thư thả tàn tàn lướt xe máy tới trường, Nhô phải dậy sớm, chở nhỏ em vào Nhạc viện và xế trưa, vừa tan học, cậu ta phải đến đúng boong giờ đón nó về. Thoạt đầu, thằng anh giãy nãy, bảo nhỏ Chi hãy tự đạp xe như xưa nay vẫn thế hoặc nếu không, nó nhường luôn cái 81 cho con em, phần nó chạy cái địa hình cũng được. Vừa nghe thoáng qua đề xuất trên, bà mẹ hốt hoảng tưởng tượng ra hàng đống tai nạn mà con bé em sẽ gặp phải giữa tình hình đường phố bát nháo hiện nay, mắt rơm rớm: "Con có tim không hả Nhô?". Thằng anh nín thinh thầm nghĩ giá mà trái tim làm bằng cao su chứ đừng yếu mềm kín đáo thế này, con em nghiệp chướng sẽ chẳng có cơ làm đời nó te tua thêm lần nào nữa. Tay nhỏ Chi gõ đàn ùng oàng như sa mưa giông, nhưng một cách lén lún, cặp mắt bự của nó le lé ngó trộm ông anh đang tiu nghỉu như mèo cắt tai, trông gian ơi là gian. Kể từ đó, các buổi trưa nóng nực rồi cả các chiều mưa tầm tả, Nhô đứng chóc ngóc trước cổng Nhạc viện chờ tha nhỏ em về. Ngồi tò ho yên sau, con em nhìn ngang nhìn dọc, bình luận linh tinh hết thảy những gì lọt vào" máy quay". Thằng anh ậm ừ cho qua chuyện. Khi bắt đầu hiểu biết về việc vận hành một cái xe có gắn động cơ, bỗng dưng nhỏ Chi "mọc" ra nỗi ham thích đều khiển thằng anh cách luồn lách và chạy nhanh trên đường. Nó túm chặt lưng áo anh, ra hàng đống mệnh lệnh: "Chạy vượt cái phích đỏ mau lên!" Hoặc: "Đừng hèn nhát chạy sát lề như thế, hãy làm cho hai thằng đầu dế kia bị chóng mặt đi!"... Mới đầu Nhô nhẫn nại làm theo, tuy nhiên sau một phen cả hai đo đường vì bị cái xích lô húc phải thì nó bỏ ngoài tai những gì con em hò la, vặc lại: "Mày ngon thì tự lái đi, đừng lái tao nữa!". Con nhỏ ngồi sau nín re, tới khi xe ngừng trước cổng thì thằng anh mới phát hiện ra nước mắt nước mũi nó chảy ròng ròng. Bà mẹ thảng thốt nhảy bổ ra, xót xa:


- Ai làm gì con thế?


- Anh Hai chạy ẩu ngoài đường. Con sợ quá nhắc chừng, ảnh còn quay lại nhéo con nữa đó mẹ... – Chi nức nở vu vạ, chìa cho mẹ con vết đỏ bầm trên chiếc tay.


Khi Nhô còn đang trố mắt sững sờ thì một gọng kìm đã kẹp chặt tai cậu, xoắn mạnh đến nỗi mắt cậu đổ sao. Tới lúc hiểu ra con em đã tự "hành xác" để giá họa cho kẻ khác thì Nhô không kịp thanh minh nữa. Mẹ đã dẫn Chi vào nhà, chùi mặt cho nó và hứa không bắt nó tập đàn buổi tối. Nhô thở dài. Điều đó đồng nghĩa với việc tối nay quái vật sẽ dành máy vi tính để chơi game. Cậu lầm bầm: "Đồ khô cá sặc đáng ghét!". Bà mẹ bất giác nghe được câu nói lén, không nổi giận bênh vực, chỉ nhìn Nhô bằng cặp mắt buồn lạ lùng: "Con thương em hơn nữa, được không?". Thương hơn nữa ư? Thật khủng khiếp! Thà bảo cậu nuốt chửng một con cóc xem chừng còn dễ thi hành.


Một điều lạ lùng, lạ lùng đến mức một thằng con trai thờ ơ như Nhô cũng ngờ ngợ nhận ra là con Chi quá gầy gò. Khi mà tụi con gái cùng tuổi anh em nó đều lớn phổng lên, trông lạ hẳn đi thì đứa em gái của Nhô vẫn chẳng khác gì nhiều năm trước, chỉ có điều nó dài thượt ra và những bộ áo quần nó mặc – dù mẹ rất chăm chút chọn kiểu – luôn khiến người ta để tâm hơn sự còm nhom đặc biệt của đứa con gái 16 tuổi. Hôm chương trình nhạc thính phòng phát trên truyền hình có nhỏ Chi biểu diễn, nhà náo loạn. Mẹ gọi điện thoại qua nhà bác sĩ mẹ thằng Củn mập, đầy tự hào thông báo giờ phát sóng và nhắc đi nhắc lại tên bản nhạc ê-tuýt, ê-toát gì đó mà con nhỏ sẽ chơi. Khi nhỏ Chi vừa hiện lên màn hình, bà mẹ bật cửa phòng Nhô, lôi xềnh xệch cậu con tới trước màn hình TV, giựt khỏi tay nó cái headphones, hoan hỉ: "Ra xem em diễn, nhanh đi con!". Nhô hét toáng lên nó phải giải cho xong bài tập nhưng chừng như mẹ chẳng hiểu gì cả, cứ nắm chặt tay Nhô, bàn tay nóng hổi run nhè nhẹ. Anh Hai nhìn lơ láo lên màn hình, nghe bản nhạc rối rắm không lời, chẳng hiểu gì ráo, chỉ thấy con em quen thuộc hàng ngày tối nay lên "tàng hình" trông càng... xấu tệ. Ai đời gì mà cặp mắt to tướng của nó chẳng thèm nhìn vào quyển sách nhạc mở trước mặt, lại ra vẻ xa xăm mơ màng cứ như một con cá vàng vừa được ăn no. Tay nó lướt trên phím đàn mới gớm chứ, luyện bài quá chừng điếc tai ông anh mà... hàng đống ý nghĩ chê bai cứ ngọ nguậy trong đầu Nhô nhưng vì có mẹ và trái sơ-ri chua ngồi gần nên thằng anh im tịt. Tuy nhiên, khi bản nhạc dài ngoằng chấm dứt và người nhà vỗ tay òa lên, không nhịn nổi nữa, thằng anh buông thõng một câu:


- Ơ, sao con Chi nhà mình mặc lộn áo dài của bà nội thế kia? Cả nhà giật bắn người:


- Đâu nào? Cái thằng Nhô chỉ nói tầm bậy. Em nó xinh thế kia mà...


- Chắc vậy – Nhô tỉnh rụi – Có lẽ vì con chưa từng thấy đứa con gái nào mặc áo giống... Bao Công như thế bao giờ, thiếu mỗi cái niềng xe đạp làm đai thôi.


Con em nhìn sang mẹ, mắt lại ướt nhoèn, sụt sịt. Thế nhưng chưa gào váng lên cầu cứu như thường khi thì thật đột ngột, nó ngã quay ra đất, toàn thân trắng bệch, như thể tất cả máu trong người nó cạn kiệt, thình lình. Mẹ, thật kỳ lạ, không hoảng loạn lên như lẽ ra, chỉ nhìn qua Nhô, ra lệnh bằng giọng nói buốt lạnh:


- Con điện thoại sang nhà mẹ thằng Củn, nhanh lên!


Nhô run rẩy bấm số, nghe thằng Củn vô duyên tệ cười hi hi trong máy:


- Chi hả? Chi đàn hay mê ly luôn đó nghe.


- Không phải Chi, cho gặp bác sĩ đi!


- Á! – thằng Củn hét lên, tức thời giọng nói trầm đục của bà bác sĩ thay chỗ: – Đặt con bé vào chỗ thoáng! Tôi qua ngay...


Bác sĩ sang, cùng người lớn ở trong phòng con Chi lâu. Một lúc sau khi mọi việc vẻ như tạm ổn, nhỏ em lò dò chui ra. Thằng anh liếc sượt qua, nhăn mũi:


- Sao vậy?


Nhỏ em lè dài lưỡi, không thèm trả lời. "Hừ! Chỉ có tài giả bộ làm mọi người hết hồn là chẳng ai bằng!". Hôm sau chủ nhật, con em được mẹ dẫn đi chợ, bí bí mật mật tha về một gói kín bưng, nho nhỏ. Tuần sau, Nhô vẫn chở nhỏ Chi đi học trên Nhạc viện ngày hai buổi như lệ thường. Nó cảm thấy con em bỗng dưng có gì đó vênh váo không chịu được. Con nhỏ ngồi thẳng đằng yên sau, thôi đưa ra các mệnh lệnh ngu ngốc. Mấy thằng con trai đi cùng chiều hay đưa mắt nhìn hai anh em, cười một cách ngớ ngẩn rồi rồ ga chạy mất tăm. Thằng anh càu nhàu: "Mày làm trò gì mà tụi kia cười chọc quê vậy?". "Ai mà biết! Chắc tụi nó thấy em dễ thương đó thôi" – Giọng con em chua loét. Ít lâu sau, một hôm thằng anh tranh thủ bỏ mấy cái áo trắng vô máy giặt chung với đồ nhà. Cái máy đang ngon trớn chạy êm bỗng dưng lọc xọc, gõ cồng cộc rồi dừng phắt lại. Nhô dỡ hết áo quần đầy xà – bông ra chậu, xả nước, tìm cách sửa máy một mình. Lúc nó sắp sửa tháo tung hộp máy thì phát hiện trong thùng giặt có một số khung sắt hình bán nguyệt. Mồ hôi ướt đẫm trán Nhô. Cái chi tiết máy ở đâu long ra nó chưa từng thấy? Sau hồi lâu đánh vật với chiếc máy giặt gần như tháo tung, Nhô thò đầu vào phòng khách, nơi nhỏ Chi đang trổ tài đánh piano trước khách quý là bà bác sĩ và thằng Củn mập, chìa ra mấy cái vòng sắt mảnh khảnh bí mật, hỏi tuyệt vọng:


- Mẹ ơi, mấy chi tiết máy này gắn vào đâu mẹ biết không?


Trong khi hai bà mẹ cùng đỏ bừng mặt một cách kỳ lạ thì nhỏ Chi tuột khỏi ghế, úp mặt trong lòng tay rồi chạy vụt ra khỏi phòng. Chỉ có thằng Củn mập ngoác mồm ra cười như một cánh rừng đầy khỉ: "He he, có thế mà cũng không biết. Đó là gọng sắt trong mấy các áo đồ gian đồ giả của tụi con gái đó. Tui giặt đồ cho má lượm được mấy thứ này hoài chứ gì...". Ở phòng kế bên, tiếng con Chi khóc váng lên, tức giận và xấu hổ. Nhô tẽn tò chuồn ra sau bếp. Hồi lâu suy nghĩ, nó cảm thấy thật khoái trá. Lần đầu tiên đã làm cho con em quái quỷ "co vòi", cái điều mà bao nhiêu nỗ lực xưa nay nó không thể thực hiện được. Hừ, bày đặt học đòi làm người lớn...


Khi sắp học xong lớp 10 thì con Chi phải nhập viện. Mẹ bảo nó bị bệnh máu trắng. Con em bắt đầu gầy đi, tất cả mõm xương dường như muốn đâm xuyên qua lớp da mỏng mảnh trắng xanh. Nó nằm im trên giường bệnh, đột nhiên như một người khác hẳn, im lặng, nghe lơ mơ mấy bản nhạc cổ điển từ cái headphones mà ông anh Hai cho mượn. Thằng Củn hay ghé thăm, dẫn Chi đi tha thẩn trong vườn. Nhô nhìn quang cảnh tĩnh lặng và xa vời đó, tự nhủ mình có lẽ sẽ chẳng bao giờ còn dịp đối xử tốt hơn với con em sinh đôi, cái đứa mười mấy năm nay vẫn là nguồn gốc bao nỗi khốn khổ của nó... Mẹ ngồi trong góc phòng, bất động. Bà biết hết, từ lâu, nhưng bà giữ bí mật, để bọn trẻ con được lớn lên, được sống tự nhiên như những đứa trẻ khác... Nhô đi học, đi chơi một mình, nhưng sự tự do không dễ chịu như nó vẫn ao ước.


Bà bác sĩ mang vào một túi hồ sơ. Mẹ và bác sĩ ngồi xem tài liệu, trao đổi thầm thì, thi thoảng nhìn nhanh về phía Nhô. Tối hôm ấy, khi cậu ngồi trước máy tính, nghe đi nghe lại Don t cry của Guns N Roses, mẹ khẽ gọi cậu ra ngoài. "Có một hy vọng cuối cùng để cứu em. Tất cả chỉ còn dựa vào con...". Nhô thở nhè nhẹ: "Mẹ nói đi!". "Nếu con cho em tủy sống, có thể thay đổi tình hình – Mắt mẹ trở nên trong suốt – Nhưng làm điều đó rất đau, rất đau Nhô ạ...". Nhô lặng đi. "Khi nào thì con có thể vào bệnh viện làm xét nghiệm hả mẹ?" – Giọng Nhô bỗng thật trầm. Mẹ thì thầm: "Ngày mai...". Những giọt nước chảy dài từ đuôi mắt Nhô, nó không bao giờ khóc cả. Thế mà những viên nước mắt ngoài mong muốn cứ lăn đi, ấm nóng, dịu dàng, hy vọng.


Đang tải bình luận!