Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Say đời

Say đời

Tác giả: Sưu Tầm

Say đời

Đôi ba bữa mấy thằng bạn thân lại cùng nhau uống, cùng nhau say. Thế là nhất.


***


- Bây giờ mày thấy buồn hay vui?


- Vui thì sao?


- Đi uống rượu với tao!


- Còn buồn..


- Cũng đi uống rượu


- Tao chọn ở giữa được không?


- Tất nhiên...Không


Cả đám bạn nhậu Phong là đứa tửu lượng kém nhất, nhưng không vì thế mà mỗi lần đi uống lại thiếu Phong được. Phong là đứa không cần say cũng nói nhiều và tất nhiên biết cách dùng lời nói để thay cho số lần nâng chén. Còn Nguyên ít nói, là một người trầm tính và sâu sắc. Đã gần bốn năm rồi, cái cuộc sống sinh viên trên Thủ đô này đưa hai đứa trở thành những người bạn chí cốt. Cùng trọ, cùng ăn và cùng nhậu.


Say đời


Vẫn như mọi bận cái quán nhậu Nguyên và Phong đến khách ra vào như đi hội. Đúng theo lý lẽ của Phong thì khi vui người ta đi uống và khi buồn thì lại càng có lý do để uống. Hai người chọn một góc nhỏ lọt thỏm tận phía trong cùng và dường như vô hình giữa đám đông nhộn nhạo với những "ca từ" của kẻ say lẫn của kẻ chuẩn bị say.


- Cho một votka và một đĩa nhậu cô ơi?- Giọng Phong hào sảng.


- Sao nay sang thế? – Nguyên lên tiếng


- Đời được mấy khi hả mày.


- Đừng nói với tao mày lại "thất tình" hoặc "thất tiền" đấy


- Mày thừa biết bây giờ cả hai thứ đấy tao đều không có mà. – Phong nhếch mép cười khó hiểu.


Bữa nhậu diễn ra buồn và ít lời một cách kỳ lạ. Người ta nói "hai người đàn bà và một con vịt thì thành cái chợ" còn với hai người đàn ông mà chính xác là hai thằng con trai với một chai rượu thì chí ít cũng phải thành cái quán nhậu chứ? Vậy mà nay cái thằng lắm mồm mép như Phong cũng chẳng buồn nói. Hai người dường như đều theo đuổi những dòng suy nghĩ riêng của mình...


***


Một tháng trước.


- Nguyên, Nguyên! Cho tao mượn lọ nước hoa của mày đi – Phong hối hả trong khi tay trái chải đầu tay phải tìm quần áo.


- Sao tao tưởng mày chê nước hoa của tao chỉ dùng cho thú cưng thôi mà – Nguyên châm biếm.


- Có còn hơn không, he he!


Dùng xong Phong vứt cái bịch không quên nói với lại "cất hộ tao" rồi ra xe nổ máy đi thẳng, Nguyên làu bàu lại "ờ, cái đồ thú cưng". Do chịu khó làm thêm và được gia đình hộ trợ một phần Phong sắm được cho mình chiếc xe cũ để tiện hơn cho việc học và làm xa. So với khối đứa sinh viên, được chở bạn gái bằng xe máy là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có. Phong quen Phương được ba tháng, không biết Phương đã nhận lời yêu của Phong hay chưa mà mỗi lần về phòng Phong lại ngân nga điệp khúc "em Phương của tao" làm Nguyên phát ngán: "Sao mày không bê luôn em Phương của mày về đây, tao nhường chỗ". Phong lại toét miệng cười "Tao là thanh niên nghiêm túc mà".


Yêu vào có khác, Phong trông ra dáng đàn ông hơn dẫu vài bộ đồ hàng thùng mua ở chợ sinh viên chẳng thể làm cho Phong trông quá lấp lánh.


- Mày chưa đóng tiền ăn đấy!


- Bao nhiêu?


- Thiếu tao 500k


- Cơ mà tháng này tiền tao cứ đi đâu


- Tiền của mày là cái đống kia chứ đâu, số quần áo của mày tăng lên đáng kể từ khi quen Phương, không thấy sao – Nguyên ra vẻ phân tích.


- Đầu tư cho tình yêu là đầu tư có lãi mà. - Phong lại lý sự


- Sao mày không đưa em ấy về phòng chơi, cho tao biết mặt?


- Cứ từ từ, rồi sẽ đưa, mày không phải sốt ruột.


Trong Phong vẫn tràn ngập hạnh phúc với Phương qua những tin nhắn thâu đêm, những câu nói tình tứ mà Nguyên nghe thấy phải nổi da gà.


Còn Nguyên vẫn hì hục với bài tiểu luận giữa kỳ, đồng thời cày như điên tiếng Anh để tiếp tục theo đuổi ước mơ du học. Nguyên là đứa học giỏi gia cảnh chẳng mấy khá giả, Nguyên nuôi ước mơ du học từ thời phổ thông bởi học nước ngoài là một hành trình mới của trí tuệ, nghị lực và Nguyên muốn thử sức. Nhưng hình như may mắn chẳng thèm mỉm cười dẫu công sức Nguyên bỏ ra không ít. Mỗi lần có học bổng toàn phần dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn Nguyên đều làm hồ sơ, đáng lẽ ra với bảng điểm đẹp Nguyên sẽ bay sớm, ấy thế mà Nguyên toàn bị loại từ vòng gửi xe. Mỗi lúc như vậy Nguyên lại thở dài tự trách "chắc có người giỏi hơn tao thôi".


Lần này thì khác, có tín hiệu mừng, chị phụ trách trên phòng công tác chính trị-sinh viên cho Nguyên biết hồ sơ của Nguyên được lọt vào top 5. Chỉ cần qua vòng phỏng vấn tiếng Anh, nếu lọt được vào top 3 sẽ chắc chắn được... "bay". Và thế là Nguyên lao vào cày tiếng Anh dù về cơ bản tiếng Anh của Nguyên không tệ chút nào.


Ừ hai đứa trong phòng đều có tin vui nên cái phòng xập xệ hơn chục mét vuông cũng như có thêm sức sống. Đống quần áo của Phong tuy vẫn vứt ngổn ngang nhưng trông không đến mức "ngứa mắt", còn đống giáo trình của Nguyên vẫn gọn gàng ngay góc phòng và dường như ngày càng thêm phần cũ nát. Bác chủ nhà dạo này thấy hai đứa líu lo suốt cũng vui miệng "Hai đứa dạo này kiếm được người yêu hay sao thế?". "Chỉ một đứa thôi bác ạ, còn đứa kia sắp chia tay bác đấy"- Phong lại nhanh miệng trước. Bác chủ nhà tưởng thật nói luôn: "Chúng mày chuyển đi làm gì, chỗ bác là rẻ nhất rồi đấy". Hai đứa cùng nhìn nhau cười.


Say đời


Nửa tháng trước.


Nguyên chọn cho mình bộ đồ tươm tất nhất để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn du học. Phong cũng biết điều nên sáng sớm đã dạy nấu bữa sáng dù những ngày khác Phòng còn ngủ nướng chán chê. Hôm nay Phong giao con Dream yêu dấu cho bạn hiền không quên dặn "đi đứng cẩn thận". Nguyên bước ra khỏi phòng với lòng tự tin có thừa "lần này nhất định ta sẽ thành công".


Cái nắng tháng 11 hanh hao làm cho người khác cảm thấy khó chịu. Đã sắp quá trưa, bữa cơm đạm bạc mà Phong nấu trông càng thảm bại hơn khi nó nguội ngắt. "Đúng là "người đi không bực bằng người trực nồi cơm", thằng Nguyên sao mãi không về, không thì phải gọi điện chứ" - Phong cứ làu bàu mãi. 10 phút sau mới thấy tiếng xe, Nguyên lao vào phòng uống trọn cốc nước rồi nói luôn "máy tao để im lặng trong cặp nên không biết mày gọi, sorry". Hai đứa lủi thủi ăn cơm.


- Mày phỏng vấn thế nào? – Phong bắt đầu câu chuyện.


- Họ hỏi vẫn như mọi khi, tao có kinh nghiệm rồi mà, chắc là tốt. À mà người yêu mày tóc ngang vai có răng khểnh đúng không?


- Sao mày biết ? – Phong tỏ vè ngạc nhiên.


- Nay tao thấy... - Nguyên lấp lửng rồi tiếp – mà thôi thiếu gì người giống nhau.


- Nay Phương bảo về quê, mà mày đã biết mặt Phương đâu.


- Ừ ...chắc tao nhầm. – Nguyên nghĩ ngợi hồi lâu mới nói.


Một tuần trước.


Gần đây ít thấy những cuộc thoại nổi da gà của Phong với Phương. "Chắc bọn nó biết ý ra chỗ kín đáo, nhưng sao dạo này thằng Phong cứ lầm lì ít nói, chắc là có chuyện gì? Hay là lại bị cấm thi môn nào?" – Nguyên nghĩa thế nhưng đành chịu chẳng giúp được gì vì hình như Phong thích đi làm thêm hơn là học. Thêm một triết lý nữa của Phong đó là " nó sẽ học trên trường đời, còn trường đại học học chỉ là để có được cái bằng". Chẳng hiểu sao hai đứa khác nhau thế lại có thể sống cùng nhau gần bốn năm được nhỉ. Nhiều lần Nguyên cũng đặt câu hỏi như vậy nhưng câu trả lời vẫn là "không biết". Mà hơi đâu quan tâm những chuyện vớ vẩn đấy sống được với nhau tức là hợp rồi.


Nguyên nằm vật ra giường sau khi làm xong đống bài tập, chợt nghĩ đến chuyện học bổng lại thấy hơi hồi hộp, không biết lần này có được không. Nguyên lo lắng và cả mong đợi nữa. Cái ước mơ được bay sang bầu trời Tây học thật không dễ dàng chút nào.


Trời đã vào đông, căn phòng bọn Nguyên ở trên gác hai gió thổi lộng. Hai đứa phải lót ni-lông trên cửa sổ cho gió khỏi lùa. Những lúc trời lạnh thế này nếu ở một mình trong phòng thì càng buồn, càng chán, cả nhớ nhà nữa. Ai bảo bọn con trai không nhớ nhà, chỉ có điều họ biết cách che dấu những cảm xúc của mình thay vì lên facebook viết một status ấu trĩ. Nguyên quê Nam Định tuy gần nhưng cũng ít về, còn Phong thì xa hơn, tận Bắc Giang, Phong chỉ tranh thủ về quê ngày giỗ mẹ, ngày Tết, có khi nghỉ hè Phong cũng ở lỳ Hà Nội. "Nhớ nhà thì nhớ vậy chứ về quê cũng chẳng giải quyết được gì, thay vì ca cẩm thì đi làm kiếm tiền về quê làm giàu có phải hơn không" – Phong vẫn thường lên giọng như thế.


Hôm nay Phong về phòng rồi nằm lỳ trên giường, không ăn cơm và nguy hiểm hơn là không nói năng gì mặc cho Nguyên dò hỏi. Đến tận tối Phong mới lóp ngóp bò dậy tu sạch trai nước lọc rồi bất chợt hỏi Nguyên.


- Hôm trước mày nhìn thấy Phương à?


- Ừ, tao nghĩ thế. Thực ra nhiều lần tao bắt gặp mày đèo con gái, cùng một người. Dẫu đứng xa tao vẫn nhận ra cô gái đó có mái tóc ngang vai màu hạt dẻ và có răng khểnh. Tao nghĩ đó là Phương.


- Đúng, hôm đi phỏng vấn mày gặp cổ phải không?


- Tao chỉ tình cờ nhìn thấy. Nhưng cô ấy khoác tay... - Nguyên ấp úng.


- ...thằng Tuấn lớp kế toán đúng không? – Phong tiếp lời.


- Sao mày biết?


- Hừ, ai cũng biết, chỉ có tao là không biết thôi. Tao là đồ ngốc mà. – Giọng Phong chua chát.


Cuộc nói chuyện rơi vào im lặng. Đêm đó không gió mùa đông bắc thổi mạnh, trong phòng nghe tiếng gió rít lớn mà vẫn thấy im ắng kỳ lạ, chắc tại không có tiếng nhắn tin của Phong, Nguyên cũng gấp lại chỗ giáo trình từ sớm. Hai người nằm trằn trọc chẳng ai ngủ được và cũng chẳng ai nói với ai câu nào. Nguyên chắc cũng đã hiểu ra vài phần, nhưng không biết làm thế nào để mở lời khuyên nhủ: "Tự nhiên nói những câu sáo rỗng đó ra thằng Phong thế nào cũng chửi mình là chuối cả buồng." Hai thằng con trai đâu thể ôm ấp, vỗ về, an ủi nhau, nghĩ thế thôi đã nổi hết da gà. Nguyên chọn cách im lặng.


Say đời


Ba hôm trước.


- Ê, nay phòng mình làm bữa thịnh soạn, mày muốn uống không, rủ thêm bọn thằng Linh nữa? – Nguyên gợi ý.


- Mày đỗ rồi à?


- Tao chưa biết.


- Thế liên hoan nỗi gì?


- Mày lại vào hội FA của tao, thế cũng đáng để liên hoan chứ!


Phong cố cười gượng, mấy ngày rồi Phong ủ dột. Phương không nhắn tin lại và tất nhiên cũng chẳng gọi điện. "Em Phương của Phong" theo đúng cách nói của bọn bạn cùng khóa thì "đi theo con xe SH của thằng Tuấn rồi". Mà xét cho cùng, nếu đúng là con xe Dream của Phong không giữ được chân Phương thì sớm hay muộn con SH kia cũng chịu chung số phận. Nguyên nghe vậy, cũng chỉ biết thế thôi vì dù sao cũng chưa gặp Phương nên không thể phán xét gì. Chỉ tội cho thằng Phong, có lẽ nó đã thực sự yêu.


"Thôi mày uống đủ rồi, về thôi" – Nguyên khoác vai Phong dìu về. Đứa tửu lượng kém nhất hội nay lại uống nhiều nhất. Từng chén, từng chén một Phong nâng lên uống cạn rồi chủ động rót mời cả bọn, đứa nào nhìn cũng thấy ái ngại. Sau buổi nhậu đó Nguyên phải dọn "bãi chiến trường" còn Phong có thể sẽ thấy sợ rượu phần nào. Cả đám bạn cùng hy vọng những gì cần quên Phong đã...nôn hết ra rồi..


Bây giờ...


Cái bữa nhậu chỉ có hai thằng. Phong đã nguôi ngoai phần nào cái cuộc tình vắt vai thời sinh viên đáng nhớ. Để yêu chỉ mất có hơn ba tháng thôi, còn nói là để quên chắc vẫn còn dài.


- Mày vẫn muốn đi du học sao? - Phong mở lời nghe lí nhí giữa vô vàn tiếng zô,zô, zô không dứt.


- Tất nhiên, sao mày lại hỏi vậy?


- Chẳng phải lần đầu mày thất bại, sao mày vẫn không chịu ngộ ra: cả lớp đều biết thằng Quốc về học lực có mà sách dép cho mày thế mà sao nó vẫn ngồi chễm chệ trong top 3. Là vì bố nó vốn là hiệu trưởng trường X, là vì nó có ô, có dù. Mày cùng lắm cũng chỉ có cái giấy hộ nghèo thôi, có để mà làm gì chứ? – Phong nói một hơi như muốn trút hết ấm ức trong lòng.


- Chắc người ta giỏi h...


- Giỏi hơn ư – Phong ngắt lời – mày có thực sự nghĩ vậy không? Đừng nói dối tao.


Nguyên chẳng thể nói được gì. Đúng là lần này chỉ chút nữa thôi là nó sẽ đạt được ước mơ, nhưng cuối cùng Nguyên nhận được chỉ là một gáo nước lạnh – chỉ dừng lại ở top 5. Nguyên chỉ có thể tự an ủi mình bằng câu nói xưa như quả đất "chắc người ta giỏi hơn mình", nhưng đúng như thằng Phong nói "giỏi chưa phải là tất cả". Hai người lại uống cạn một chén nữa. Chẳng ai bảo ai nhưng cả hai đều không muốn nhắc lại những chuyện buồn. Đời mà, ai lại không có chuyện buồn, chẳng nói đâu xa ngay trong quán nhậu này thôi cũng có đầy kẻ tìm đến rượu để quên, trong hơi men chếnh choáng người ta hy vọng không phải bận tâm đến những bon chen bất công thường ngày. Nguyên và Phong vẫn đang là sinh viên ,được cho là quãng đời tươi đẹp nhất vậy mà cũng chẳng tránh được cái quy luật "đời vốn bất công".


Ngày mai Nguyên sẽ vẫn lên giảng đường đều đặn, còn Phong vẫn chạy xô vừa học vừa làm. Đôi ba bữa mấy thằng bạn thân lại cùng nhau uống, cùng nhau say. Thế là nhất. Nghĩ vậy hai người đều cười. Trai votka chưa vơi phân nửa nhưng không ai có ý định uống tiếp.


- Về thôi, mai tao phải đi là sớm – giọng Phong vẫn hào sảng.


- Ừ, tao cũng phải đi học. – Nguyên không còn vẻ ủ dột nữa.


Nguyên và Phong bước ra khỏi quán bỏ lại đằng sau những nhốn nháo, có tiếng cười sằng sặc, có tiếng lè nhè của mấy ông quá chén. Một tiếng "zô" thật to làm cả hai người ngoái lại nhìn. Phong quay đi cười khẩy rồi buông luôn một câu lại là chân lý: "chắc người ta vẫn đang say, say đời".


Xuân Đài


Đang tải bình luận!