Disneyland 1972 Love the old s
Chuyến tàu không hẹn trước

Chuyến tàu không hẹn trước

Tác giả: Sưu Tầm

Chuyến tàu không hẹn trước

Rồi tất cả sẽ qua, chúng ta đều phải lớn lên, đổi thay, thời gian chẳng đợi ai bao giờ. Nhưng chuỗi ngày tuổi thiếu niên không bao giờ trở lại ấy, bạn đừng lo, thời gian sẽ giữ chúng trong những hộc tủ vô hình nằm sâu trong những ngăn trái tim. 


***


Buổi thi cuối cùng kết thúc, học sinh lục tục đứng dậy hỏi bài nhau ríu ran. Sân trường rải một màu vàng óng đến nhức mắt. Lưng ướt đẫm mồ hôi, tôi guồng chân những vòng xe chậm chạp. Những ngày cuối cùng của lớp Mười một sắp hết, còn cả một mùa hè đằng đẵng đang chờ ở phía trước nhưng sao tôi thấy lòng mình nặng trịch. Hè lớp Mười hai có nghĩa là kỳ thi Đại học lại đến gần thêm chút nữa, mà như thế là đồng nghĩa với việc không chơi bời, không về quê, không tụ tập bạn bè cà phê cà pháo. Hè sẽ còn chỉ đọng lại với những ngày vùi đầu trong đống công thức dây mơ rễ má, những bữa cơm ăn vội để đến lớp đúng giờ.


Tôi buộc phải xin nghỉ làm ở quán cà phê ưa thích, quán cà phê có kệ đựng toàn những cuốn sách cũ ngả vàng bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ lãng mạn bậc nhất thế giới mà tôi đã từng manh mún đi học không thành công. Sẽ chẳng la cà phố xá với anh bạn thân, cũng không lang thang giữa bạt ngàn sách để tận hưởng cái giác tuyệt vời khi ấy hơn là để đọc sách.


Chuyến tàu không hẹn trước


***


Một buổi sáng tôi bùng học ở trường, dù gì bây giờ cũng đã hết chương trình học, chẳng thầy cô nào còn thiết tha dạy và cũng chẳng còn đứa học sinh nào thiết tha đi học. Tính rủ thêm mấy đứa về thăm trường cấp hai cũ nhưng cuối cùng lại chỉ nhắn cho thằng Giang cái tin, và nó đồng ý ngay tắc lự. Hai đứa xách xe lang thang qua mấy quán cũ ngày xưa vẫn hay ghé, quán bánh mỳ có bán thêm cả trà sữa ngon tuyệt lúc nào cũng tấp nập bóng áo trắng, những quán nem chua rán, chả mực, chả cá chúng tôi vẫn hay sà vào mỗi buổi đi học thêm. Ngày xưa tan trường đã thấy bác bán bò pía với cái xe đạp cũ của bác, bò pía ăn ngòn ngọt đứa nào cũng thích. Giờ thì chẳng thấy bác, chắc chưa đến giờ học sinh ra, hoặc cũng có thể bác đã ghé qua những trường khác đông khách hơn. Lòng đường chỗ bọn con trai năm nào hò hét nhau đá bóng giờ nằm im trong nắng vàng hoe, trơ trọi.


Tôi thấy Giang im im từ nãy đến giờ, đột nhiên nó huých tay tôi:


- Ê, cổng chính trường mình mở rồi kìa Vân. Nhìn rộng nhỉ?


Khi chúng tôi ra trường, trước cổng chính vẫn là một cái ao nho nhỏ, mỗi buổi chiều học thể dục, bọn con gái lại trốn tập chạy ra nhìn bờ ao với mấy bụi chuối lưa thưa đang ra quả xanh ngắt. Bây giờ cổng mở rộng, thoáng đãng, nhìn vào sẽ thấy sân trường ngập tràn trong nắng vàng tươi. Vậy là các em học sinh không còn phải đi qua cái lối nhỏ ti hin để vào lớp như chúng tôi ngày xưa.


Trường vắng lặng, chỉ còn lại tiếng lích rích của những con chim sẻ nhẩn nha trên sân trường, tiếng ve ngân không ngừng nghỉ trong không gian hơi oi bức của mùa hè. Hàng phượng năm chúng tôi mới vào trường còn còi cọc giờ đang ra hoa, đỏ rực lấm tấm trắng. Những cây xoài lũ con trai lớp bên từng giữa trưa nắng chang chang trèo lên hái trộm bị thầy Thành đuổi trối chết đang đứng im lìm, xòe tán lá xanh ngắt.


Trong dãy lớp học, tôi thấy loáng thoáng bóng áo trắng, chiếc trống trường to bự nằm giơ cái mặt trống ra ngoài khoảng không như chực chờ tay bác bảo vệ dùng dùi nện vào từng hồi thật to, thật rõ ràng. Đâu đó còn nghe thấy tiếng học sinh ê a đọc từ mới Tiếng anh, có bóng cô giáo cao cao đứng giảng bài trên bục giảng.


Giang kéo tay tôi ngồi xuống dưới hàng cây phượng. Này Giang, mày còn nhớ không nhỉ, cái chỗ này này, chính là cái chỗ mày đã đấm thằng Nam suýt gãy răng chỉ vì tao thích nó mà nó không thích lại tao.


Tôi khẽ siết nhẹ bờ vai Giang, cái tuổi mười ba mười bốn, xốc nổi, háo thắng ấy, biết gì đâu, biết làm sao được khi người ta không thích mình thì lỗi chẳng thuộc hoàn toàn về người ta. Tôi nhớ chứ, nhớ lắm cái câu Giang đã vừa nói vừa nắm tay tôi rất chặt: "Chúng mình là bạn, nhớ không Vân?" Nhớ cả bộ quần áo nhàu nhĩ đầy bụi đất của Giang, nhớ cả vết thương trên mặt nó sưng to, rớm máu, nhớ cả lòng bàn tay thô ráp phồng rộp vì bị bố quất roi, nhớ cái nắm tay rất chặt của hai đứa nhóc dưới tán phượng xanh non, lốm đốm nắng đậu trên vai, trên tóc, cũng một buổi sáng, như thế này.


Dưới bóng nắng lung linh, thấy gió chấp chới qua mái tóc buộc cao, tôi ngả đầu vào vai Giang, khẽ nhắm mắt lại...


***


Tôi thấy mình lang thang ở một nơi nào đó xa xôi lắm, có bầu trời xanh vời vợi với nắng vàng tươi và mây trắng xốp bồng bềnh lững thững trôi. Cầu vồng bảy sắc lung linh cong cong thoắt ẩn thoắt hiện giữa vạt mây trắng. Dưới chân là bãi cỏ xanh xanh, những bụi hoa dại nhỏ xinh mọc dưới gốc cây xù xì, những cây nấm con con lốm đốm đủ màu sắc. Nằm lăn dưới cỏ, nghe mùi thơm thấm vào quần áo, tóc tai, để mặc nắng sưởi ấm và gió vờn khẽ qua vành tai mình.


"Tu tu... Tu tuuu..."


Một đoàn tàu dừng "xịch" lại, tàu hỏa với ống khói, những toa tàu nối tiếp nhau, chỉ khác là nó không đi trên đường ray, nó bay lơ lửng giữa không trung và bây giờ thì đang là là dưới mặt đất. Cửa tàu đột nhiên rộng mở trước mặt tôi, bác lái tàu có cái bụng bự, râu dài rậm trắng như cước và nụ cười hiền hậu.


- Cháu đã sẵn sàng chưa cô bé?


- Sẫn sàng cho cái gì ạ?


- Sẵn sàng cho một hành trình, khá dài đấy.


- Hành trình đi đâu hả bác? – Tôi bước lên toa tàu đầu tiên, vắng hoe, không một bóng người.


- Hành trình trở về ngày xưa.


Bác nháy mắt. Thoắt một cái, con tàu lao vút về phía trước, những cảnh vật nhòe dần bị tàu bỏ lại sau lưng, chỉ còn lại tiếng động cơ chạy và tiếng gió rít khe khẽ.


- Đã đến trạm dừng đầu tiên. Xuống đi cô bé.


Tôi ngỡ ngàng bước xuống tàu, ngoảnh mặt lại đã chẳng còn thấy những toa tàu nối đuôi nhau dài dằng dặc đâu nữa. Trạm dừng chân đầu tiên trong hành trình đi tuổi thơ của tôi là ngôi trường Tiểu học nhỏ bé nằm khiêm tốn giữa những tán cây xanh ngắt một màu. Tôi tìm thấy mình lọt thỏm trong những bóng áo trắng im lặng, nắn nót từng dòng trong trang tập làm văn ở lớp. Chính những trang văn năm nào ấy đã ươm mầm trong tôi niềm yêu thích viết lách, để sau này khi đã lớn hơn một chút, tôi biết cầm bút viết những câu chữ non nớt đầu tiên của mình.


Tôi còn gặp lại những gương mặt đã từng rất thân thuộc. Nhóm năm cô bạn có cái tên rất kì lạ: Cận, Lác, Viễn, Loạn, Trố và Hà An. Sau nhiều năm tháng gắn bó với nhau dưới mái trường cấp Một, chúng tôi tạm chia tay nhau, mỗi đứa một trường, một ước mơ và một con đường riêng không giao nhau. Thành phố này không quá lớn, đủ bé để vẫn thỉnh thoảng chạm mặt nhau giữa những buổi sáng gò lưng đạp xe đến trường, chào và cười một cái. Chỉ vậy, không hơn. Sau này khi facebook phát triển, tôi liên lạc được vài đứa qua mạng, nhưng dường như đã quá xa cách, sau nhiều ngày, nhiều năm không gặp, khi chúng tôi đã thay đổi quá nhiều, bạn bè và những mối quan tâm không giống nhau, những mẩu truyện rôm rả kể cho nhau nghe năm nào đã chẳng còn nữa.


Tôi thấy mình dường như nhỏ lại, hòa vào với nhóm bạn khi xưa, vắt vẻo nói cười những gì tôi chẳng còn nhớ rõ. Thấy một niềm vui rất lớn tràn qua trái tim mình, nhìn những kỷ niệm bụi phủ từ lâu nay mở ra, rõ nét như thể tôi mới chỉ là cô nhóc học trò lớp Bốn, lớp Năm ấy.


Loạn là nhóc bạn đáng yêu, tóc dài qua lưng, thầm thích anh bạn cao lênh khênh cùng lớp. Viễn nhỏ thó, lùn lùn nhưng nước da trắng như bóc và đôi mắt đen biết cười. Tôi đã giữ mãi hình trái tim nó gấp tặng, thi thoảng mở ra đọc những dòng chữ cuối cấp nó gửi cho tôi, nhưng đến năm lớp Bảy thì mất mất. Trố có mái tóc ngắn ngủn, tốt bụng và cho dù nó không được xinh xắn lắm thì với nhóm chúng tôi, nó vẫn đáng yêu vô cùng.


***


Thanh "Lác" là người bạn thân đầu tiên của tôi. Chúng tôi hợp nhau đến nỗi trong tất cả những giờ ra chơi của năm lớp Bốn và lớp Năm, tôi và nó cùng nhau đi khắp ngõ ngách sân trường, và những hôm trời mưa thì chỉ đi hết những dãy nhà bốn tầng của trường. Hồi ấy, hai đứa nhóc có cả ti tỉ thứ chuyện để kể cho nhau nghe, từ chuyện đêm qua mơ thấy cái gì ấy rất lạ kỳ đến chuyện bạn này bạn kia cùng học. Giờ thì tôi chẳng còn nhớ được đã nói những gì với Thanh trong suốt những năm tháng ấy, chỉ biết nó là người bạn thân mà tôi rất yêu mến, người bạn thân hiền lành đã đi cùng tôi những năm cuối cấp Tiểu học áp lực. Với Thanh tôi còn có một câu chuyện nữa. Đó là chuyện điều tra cuốn "thảm tử lừng danh Conan" của bà nó cho thuê bị trộm. Cuốn truyện tôi đã cất kỹ dưới hộc bàn sau giờ ngủ trưa đột nhiên không cánh mà bay. Tôi nhớ như in ngày ấy chúng tôi đã lập ra cả bảng điều tra, vật chứng, nạn nhân, người làm chứng và thủ phạm.


Thủ phạm là nhóc bạn tôi không còn nhớ rõ tên ở lớp bên cạnh sang ngủ nhờ lớp tôi. Thế là những buổi ra chơi nhóm năm đứa chúng tôi lại có thêm một việc để làm, đó là lẽo đẽo theo đuôi thủ phạm cho đến khi nó chịu trả lại cuốn truyện thì thôi. Sau đó rất nhiều ngày, những "Conan" nghiệp dư vẫn bó tay trước một thủ phạm vô cùng cứng đầu. Và đến khi chúng tôi đã dần chấp nhận sẽ không bao giờ lấy lại được cuốn truyện tranh ấy nữa thì nhóc bạn đột nhiên mang truyện sang trả. Phải đến tận cuối năm tôi mới vỡ lẽ, không phải chúng tôi phá án quá xuất sắc mà do một cô bạn trong lớp đã chạy sang mách cô. Cô bạn ấy tôi vốn rất ghét vì tính thích khoe khoang, nhưng hình ảnh duy nhất đọng lại trong tâm trí tôi khi nhớ về bạn ấy là trước ngày tôi đi thi Học sinh giỏi Thành phố, bạn ấy đã quay lại cười và vẫy vẫy tay: "Mai cậu thi tốt nhé!" Cho dù tôi biết bạn ấy thừa thông minh để nhận ra sự xa lánh, ghét bỏ của tôi.


Lên cấp hai, tôi và Thanh học chung trường nhưng khác lớp, xa nhau một dãy hành lang mà tưởng như dài lắm. Tình bạn vốn rất đẹp đẽ cũng xa cách dần và hoàn toàn tan vỡ vào năm lớp Tám.


Những năm tháng Tiểu học của tôi còn gắn liền với màu áo xanh dương của bố. Bố luôn đến đón tôi đúng giờ, những buổi chiều khi trống trường vừa điểm, tôi chạy ra đến nơi thì đã thấy dáng bố cao cao đứng chờ dưới tán cây bàng với chiếc áo màu xanh dương. Có lẽ cũng vì thế mà tôi luôn tin tưởng bố, rằng bố sẽ luôn đến đón tôi những khi khó khăn, mệt nhoài nhất.


- Đến giờ phải đi rồi, cô bé.


Đoàn tàu tự lúc nào đã xếp hàng ngay ngắn ngay trước mặt tôi. Tạm biệt mái trường đầu tiên trong cuộc đời tôi, tạm biệt những người bạn nhỏ, tạm biệt tuổi thơ đẹp đẽ. Đoàn tàu lao vun vút, tôi còn nhoài người qua ô cửa sổ, thấy rất nhiều gương mặt và kỷ niệm đã đi qua. Có bác bảo vệ hiền lành thuộc hết tên học sinh trong trường, có thầy Tổng phụ trách viết chữ rất đẹp những cũng cực kì nghiêm khắc, có cô giáo dạy Văn năm lớp Bốn, cô giáo tôi luôn yêu mến vì đã gieo vào đời tôi hạt mầm của Văn học, của những trang sách thơm mùi giấy. Tôi còn thấy mình ngơ ngác giữa lũ học sinh lít nhít năm nào đứng trước cây bàng được nhà trường phân công trông coi, cây bàng to nhất, thân xù xì mấy vòng tay ôm cũng không hết. Cuối cùng mọi cảnh vật đều nhòe dần và mất hút trong luồng ánh sáng mạnh mẽ. Đã sắp sửa đến ga tàu thứ hai.


Ngôi trường Trung học dần hiện ra rõ nét, cảm giác nguyên vẹn như lần đầu tôi bước qua cánh cổng trường màu xanh lam. Sân trường rộng rãi có hàng cây cao vút, tàu lá không ngừng nghiêng ngả trong gió. Những cây phượng, xoài thân còi cọc đứng đung đưa. Tôi thấy mình đi lướt qua dãy nhà còn mới tinh thơm mùi vôi, bàn ghế, bảng đen, những chồng ghế đỏ xếp gọn ghẽ ở cuối lớp. Ngoài sân trường, có đám học sinh đứng quây thành vòng chơi trò bịt mắt đoán người. Hệt như những ngày tháng lớp Bảy.


Lớp Bảy có mối tình đầu vụng dại, mát lành như cơn mưa mùa hạ. Có cậu bạn cao lênh khênh tôi thầm thích từ lâu lắm. Có thầy giáo dạy Toán mà chúng tôi yêu mến, thầy có gương mặt hao hao Mr. Bean và thích kể chuyện. Có những giờ thầy phát bài kiểm tra của đứa này cho đứa kia chấm, hí hoáy mượn bút xóa xóa trắng những dòng sai, gạch choe choét trong tờ giấy để sửa cho bạn. Hồi ấy nghĩ thế là lớp mình đoàn kết lắm! Giờ thì chẳng còn, chẳng còn thầy cô giáo nào dễ dãi phát bài cho học sinh tự chấm, cũng chẳng còn lớp học năm nào giấu thầy chữa vội vàng cho nhau.


Lên lớp Tám chúng tôi học cũng một cô giáo Toán "đáng yêu". Nhớ rất nhớ cái lần bọn học sinh nhao nhao hỏi cô ơi, nhà cô ở đâu? Thấy cô tỉnh bơ trả lời: "Nhà cô cách trường cả trăm cây." Rồi cô nhìn mặt lũ học sinh nghệt ra mới từ tốn bảo: "Nhà cô phải đi qua Bờ Hồ (hồ Vị Xuyên) thì chẳng trăm cây?" Đến lúc ấy đứa nào đứa nấy đều phá ra cười, cô Toán mà "chơi chữ" giỏi quá. Cô còn thích chí gáy học sinh. Làm bài sai, chí gáy. Mùa đông không đi tất, chí gáy. Mặc áo không đủ ấm, cũng chí gáy. Cô thì thương học sinh cô lắm, sáng mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, cô đi một vòng lớp kiểm tra xem đứa nào mặc áo mỏng nhất.


***


Những năm Trung học tôi đã từng có thêm rất nhiều bạn bè. Có người chuyển đi nơi khác, có người mất liên lạc, có người thi thoảng mới gặp gỡ. Nhưng chưa bao giờ tôi quên Minh Anh, chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ tôi quên bạn ấy. Bạn ấy là người bạn thân thứ hai trong suốt quãng đời tôi đi học. Những buổi sáng mát lành chạy sang nhà nhau, cùng ăn mì tôm, cùng nói chuyện. Những lần hai đứa đèo nhau đi học, đèo nhau đi Bờ Hồ. Tôi luôn luôn nghĩ đến bạn ấy mỗi khi buồn. Kể cả những điều chưa từng kể cho ai, tôi cũng đã kể cho bạn ấy. Chúng tôi chưa một lần giận nhau, chưa một lần trong hai năm thân thiết. Nhưng những rạn nứt đầu tiên vẫn xuất hiện, không vì một lý do nào, chỉ khi tôi chợt thảng thốt nhận ra những câu chuyện rời rạc giữa tôi và Minh Anh, vài dòng tin nhắn ngắn ngủn trên facebook, hình như đã lâu lắm tôi và bạn ấy ngồi bên nhau, hình như bạn ấy đã có những người bạn thân thiết quý mến bạn ấy hơn. Tôi tách mình khỏi những câu chuyện với Minh Anh, điều ấy làm tôi đau, và có thể cũng sẽ làm bạn ấy đau.


Minh Anh học hết lớp Chín rồi theo gia đình vào Hà Nội, cách xa chúng tôi mấy giờ xe chạy, những dòng liên lạc ngắt quãng từ cuối năm lớp Chín kéo dài thêm vài tháng, rồi thôi. Tình bạn thứ hai kết thúc theo cái cách mà tôi không bao giờ muốn.


Giang là cậu bạn thân đầu tiên của tôi. Cậu nhóc mười bốn cao hơn tôi cả một cái đầu, mái tóc xù lâu không cắt, cặp kính viền đen dày cộp. Cậu nhóc suốt ngày trêu tôi là "Chân Ngắn" đã từng đấm cậu bạn cùng lớp suýt chảy máu đầu chỉ vì cậu ấy không thích tôi. Cậu nhóc đã nắm tay tôi dưới hàng phượng mới trồng và nói: "Chúng mình là bạn, nhớ không Vân?"


Năm lớp Tám tôi được xếp chỗ cùng ba người bạn khác ngồi bàn cuối cùng của lớp. Cà Chua, Sầu Riêng, Dưa Hấu, Súp Lơ, bốn cái tên lần lượt ra đời. Sầu Riêng thích học Sử, thuộc làu làu năm tháng, thầm thích cậu bạn lớp Lý bên cạnh. Súp Lơ béo tròn, nước da trắng như bóc, viết văn hay hay và có hai má phúng phính. Dưa Hấu là cậu con trai có đôi mắt đẹp rất đẹp, đen lay láy và hàng mi dài cong. Dưa Hấu hay bắt nạt con gái, hay trốn lao động lớp và nói chuyện trong giờ. Nó dốt đặc mấy môn thuộc lòng nhưng lại giải toán siêu nhanh. Những giờ kiểm tra Toán, khi chúng tôi còn đang cặm cụi nắn nót từng nét chữ thì nó đã ngoáy bút ào ào, xong nó còn ngồi thảnh thơi hát hò khiến bọn con gái xung quanh la oai oái. Cũng chính nó là cái đứa đã chọc Sầu Riêng cười khi con nhóc ôm mặt khóc ngon lành vì bị điểm kém môn Toán. Nó bày cho chúng tôi cách để bố mẹ khỏi mắng. "Mày lấy cái bút nước đỏ ý, cắt ra rồi bôi vào tay..." – Nó bảo – "Rồi cầm con dao gí vào cổ tay, vừa khóc vừa la "Bố mẹ ký bài kiểm tra cho con, không thì con tự tử thật đấy." Chúng tôi ngồi cười rúc rích cả tiết Địa mặc tổ trưởng ngồi hò hét trật tự phía trên. Nhớ những buổi chiều học bồi dưỡng, bốn đứa lén lút lôi mì tôm sống ăn, đổ vào tờ giấy rồi chờ cô không để ý dốc thẳng vào miệng. Cái bọn học trò, lúc nào cũng thích ăn lén ăn lút, nhưng như thế nó mới thú vị, mới cảm thấy đồ ăn, dù chỉ là một gói mì tôm sống thực sự là ngon!


Năm lớp Tám qua đi trong nỗi buồn, những giọt nước mắt và cả trong những nụ cười như thế đấy.


***


- Đã đi hết hành trình rồi, cô bé, phải trở về thôi.


Tôi bước lên toa tàu vắng hoe, không một bóng người. Có tiếng nói đâu đó vọng vào tai tôi: "Rồi tất cả sẽ qua, qua hết phải không?" Rồi tất cả sẽ qua, chúng ta đều phải lớn lên, đổi thay, thời gian chẳng đợi ai bao giờ. Nhưng chuỗi ngày tuổi thiếu niên không bao giờ trở lại ấy, bạn đừng lo, thời gian sẽ giữ chúng trong những hộc tủ vô hình nằm sâu trong những ngăn trái tim. Dẫu được một lần lướt tay qua những ngăn hộp ấy thấy bàn tay mình bám đầy bụi. Bụi của thời gian, bụi của sự quên lãng. Nhưng tôi sẽ không quên, sẽ chẳng bao giờ quên được, kí ức luôn nằm nguyên vẹn đâu đó, trong những giấc mơ được trở về.


Những câu văn tôi từng đọc năm nào hiện ra rành rọt từng chữ: "Bạn chẳng thể gặp gỡ, thậm chí gọi điện cho tôi mỗi ngày. Nhưng chỉ cần đôi khi nghĩ đến tôi và mỉm cười, chiếc lá của tôi trong trái tim bạn sẽ chẳng bao giờ rụng xuống, sẽ mãi xanh tươi..." Đoàn tàu này, với những chuyến tàu không hẹn trước, nó rong ruổi khắp mọi miền thế giới, rồi đây những ai may mắn có được tấm vé trở về tuổi thơ?


Trong miên man suy nghĩ, đột nhiên thân tàu rung lắc dữ dội, như có một dòng xoáy vô hình cuốn tôi qua dòng chảy của thời gian. Một bàn tay nào đó đã níu lấy tay tôi, giọng khe khẽ gọi: "Vân ơi Vân."


Đột nhiên tôi bừng tỉnh, vẫn ở hàng ghế đá dưới gốc phượng đang ra hoa, sân trường vắng lặng trải đầy nắng hè gay gắt. Thấy hốc mắt mình hơi ươn ướt.


Giang rủ tôi lên tầng thăm cô giáo lớp Chín cũ, ngoài kia tiếng ve vẫn ngân ra rả mà sao tôi nghe thấy những câu hát chúng tôi từng biểu diễn trong hội thi văn nghệ của nhà trường năm nào:


"Tuổi thơ thần tiên biết bao tiếng cười


Biết bao nỗi buồn bạn và tôi có nhau


Những yêu dấu ngọt ngào tựa như vẫn còn đâu đây


Kỷ niệm ơi, xin giữ mãi trong tim..." 


Đang tải bình luận!